Thanh Hóa hiện đang đứng đầu sản lượng xi măng của cả nước, với tổng công suất 24,4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, sản xuất xi măng lại là một trong những ngành tiêu thụ điện năng kỷ lục. Tuy nhiên, cả 4 DN xi măng trên địa bàn đều tự nguyện, sẵn sàng tham gia chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo khuyến khích của Công ty Điện lực Thanh Hóa.

Công ty Xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn) hiện đang sử dụng nguồn điện có tổng công suất đặt là 153,8 MW. Theo Giám đốc sản xuất nhà máy Trương Văn Lợi, khi các dây chuyền hoạt động hết công suất, mỗi năm, tổng sản lượng điện tiêu thụ của DN lên tới 500 - 600 triệu kW. Tính ra tiền, mỗi năm DN phải chi phí tới 700 - 800 tỷ đồng tiền điện. “Chi phí vào điện hiện chiếm tới 18 - 20% giá thành sản phẩm. Do đó, chúng tôi đã tìm mọi phương pháp để có thể giảm giá thành sản xuất, từ đó tăng sức cạnh tranh về giá của sản phẩm; trong đó việc giảm chi phí điện là một giải pháp được chú trọng nhất”, ông Trương Văn Lợi cho biết.

Cùng với các giải pháp như lắp thêm biến tần cho các động cơ để giảm điện năng tiêu thụ; tiến hành thay thế các máy móc cũ bằng công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn. Từ năm 2019 đến nay, Công ty Xi măng Long Sơn đã duy trì việc ký kết biên bản ghi nhớ và tự nguyện tham gia chương trình DSM/DR.

“Về cách làm, giữa DN và phía cung là Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ có sự chia sẻ và phối hợp chặt chẽ. Khi vào mùa cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, DN sẽ chủ động tính toán việc vận hành hệ thống dây chuyền phù hợp và tối ưu nhất để chủ động dịch chuyển sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm, hạn chế vận hành các thiết bị không thực sự cần thiết vào các khung giờ là 9h30 - 11h30 và 17h - 20h. Điều này không chỉ góp phần giảm công suất cực đại của phụ tải, mà còn giúp DN tiết kiệm 15 - 20% chi phí điện cho chênh lệch giá. Đặc biệt, vào các thời điểm nắng nóng xảy ra gay gắt và trên diện rộng trong mùa hè năm nay, trong các ngày 19 - 20/6 vừa qua, công ty đã tham gia điều chỉnh phụ tải điện 2 lần với mỗi lần công suất điều tiết là 30 MW trong khung giờ cao điểm tối, góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện vào thời gian này”, Giám đốc sản xuất Trương Văn Lợi cho biết thêm.

Là DN “non trẻ” nhất trong ngành xi măng Thanh Hóa, ngay sau khi vận hành ổn định, từ năm 2024, Công ty CP Xi măng Đại Dương (Khu Kinh tế Nghi Sơn) cũng đã tham gia ngay chương trình DR khi được Công ty Điện lực Thanh Hóa triển khai. Ông Phạm Đức Luyện, Phó Giám đốc Sản xuất phụ trách nhà máy của Công ty CP Xi măng Đại Dương, chia sẻ: “Sản lượng điện của DN năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ do sự hoàn chỉnh đi vào vận hành đồng bộ của các dây chuyền. Với sản lượng tiêu thụ lớn, công ty xác định sử dụng điện tiết kiệm là nhiệm vụ liên tục và đặc biệt quan trọng”.

“Chúng tôi bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, dịch chuyển công suất sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như: các động cơ quạt, trạm bơm nước, máy nén khí... vào giờ cao điểm trưa (từ 12h00 - 15h00) và cao điểm tối (từ 21h00 - 24h00), hạn chế tối đa các thiết bị điện hoạt động không tải....”, Phó Giám đốc Sản xuất Phạm Đức Luyện cho biết thêm.

Cùng với xi măng, sản xuất thép cũng tiêu thụ điện năng rất lớn. Tại Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn (Khu Kinh tế Nghi Sơn), chương trình DR cũng được DN đồng hành cùng ngành điện từ năm 2019 đến nay. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn Trịnh Thế Dũng, là DN sử dụng điện lớn, với lượng điện tiêu thụ năm 2023 gần 832 triệu kWh, VAS Nghi Sơn hiểu được tầm quan trọng của điện trong sản xuất. Chính vì vậy, những năm qua, công ty luôn phối hợp tốt với ngành điện thực hiện tiết kiệm điện cũng như tham gia chương trình DR.

“Trước mùa nắng nóng, DN và Công ty Điện lực Thanh Hóa có buổi làm việc trực tiếp để xây dựng kế hoạch sử dụng điện và phương án điều tiết công suất. Việc hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm sẽ giúp cho hệ thống điện duy trì trạng thái vận hành ổn định. Khi chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện được bảo đảm thì hoạt động sản xuất của nhà máy cũng thuận lợi hơn. Trong ngày 19/6 vừa qua, VAS đã tham gia điều chỉnh phụ tải điện 1 lần với công suất điều tiết là 45 MW trong khung giờ cao điểm tối, tương ứng 40% tổng công suất sử dụng của công ty”, ông Trịnh Thế Dũng cho biết.

Ngoài ra, để chủ động cho kế hoạch điều hành sản xuất trong mùa nắng nóng, VAS Nghi Sơn đã chủ động xây dựng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo sử dụng đúng công suất và biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong hợp đồng mua bán điện; dịch chuyển công suất sử dụng các thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn như các động cơ quạt, trạm bơm nước, máy nén khí...

Chương trình DSM/DR đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng nhiều năm nay. Tại Việt Nam, Chương trình DR được Bộ Công Thương triển khai theo Thông tư 23/2017/TT-BCT, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện, đặc biệt là các khách hàng thuộc danh sách “cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm”.

Đối tượng trọng điểm mà chương trình DSM/DR hướng tới là các khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm, có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên, bao gồm cả các khách hàng thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm theo quyết định ban hành hàng năm của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Công ty Điện lực Thanh Hóa, để thực hiện chương trình này, hàng năm, công ty đã chủ động làm việc với các khách hàng lớn có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để tuyên truyền, đề nghị các khách hàng tham gia các chương trình Điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải khỏi các khung giờ cao điểm. Hiện nay, toàn tỉnh có 209/209 khách hàng sản xuất công nghiệp lớn tham gia chương trình này.

Mùa hè năm nay, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị khách hàng về cung ứng điện, quản lý nhu cầu điện và tiết kiệm điện năm 2024. Đây không chỉ là cơ hội để công ty chia sẻ thông tin về kết quả cung ứng điện năm 2023 và kế hoạch năm 2024, mà còn là dịp để đơn vị cùng với khách hàng thảo luận, tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải để cùng với ngành điện chung tay bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

“Chúng tôi đã sớm chủ động thông tin về tình hình cung ứng điện, phương án đảm bảo điện mùa nắng nóng năm 2024, chương trình DSM/DR, các biện pháp tiết kiệm điện cũng như bàn bạc, trao đổi thỏa thuận với khách hàng trên tinh thần thấu hiểu, sẻ chia và tự nguyện tham gia dịch chuyển phụ tải sản xuất trong các khung giờ cao điểm trong mùa hè 2024, sẵn sàng vận hành máy phát điện Diezel khi hệ thống nguồn cung ứng điện gặp khó khăn”, ông Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết.

Điển hình như trong những ngày nắng nóng cực đoan kéo dài mùa hè năm nay, căn cứ mức công suất phân bổ của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho khu vực tỉnh Thanh Hóa vào các khung giờ cao điểm như buổi trưa từ 12h00 - 15h00 là 1.250 MW; buổi tối từ 21h00 - 24h00 là 1.134 MW. Theo tính toán của bộ phận điều độ, Công ty Điện lực Thanh Hóa, công suất đỉnh của toàn tỉnh Thanh Hóa có thể đạt Pmax và sẽ đạt 1.382 MW trưa, Pmax đạt 1.482 MW tối, như vậy khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ phải tiết giảm từ 132 MW - 348 MW.

Dựa trên căn cứ này, để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân trong những ngày nắng nóng, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thông báo, phối hợp triển khai một số sự kiện DR đối với Công ty CP VAS Nghi Sơn và Công ty TNHH Long Sơn. Việc các khách hàng 110kV này tham gia chương trình, cắt giảm 40 - 50% công suất sử dụng điện đã góp phần bảo đảm công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ mùa hè năm nay trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng đã tổ chức hội nghị Tri ân khách hàng có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhu cầu điện và DR năm 2024. Việc hưởng ứng tự nguyện của DN đã tiếp tục góp phần thể hiện trách nhiệm, tinh thần gắn kết với cộng đồng, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa người cung cấp điện với người sử dụng điện vì sự phát triển chung của xã hội.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chương trình DR tự nguyện phi thương mại. Khách hàng tham gia trên tinh thần hợp tác và tự nguyện là chính, đổi lại khách hàng được một số lợi ích như: Được thông báo cấp điện trở lại sớm nhất trong trường hợp có sự cố mất điện; được vào danh sách khách hàng ưu tiên đảm bảo điện; được tri ân hàng năm; được miễn phí nhân công bảo trì, bảo dưỡng MBA và các chăm sóc khách hàng khác...

Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu ban hành cơ chế tài chính nhằm khuyến khích DN tham gia tích cực hơn vào các chương trình DR. Việc này nhằm hài hòa lợi ích giữa DN và nhà nước, thu hút các tổ chức trung gian và khách hàng tham gia vào thị trường DR trong tương lai. Nếu các cơ chế được triển khai rõ ràng hơn, thậm chí “luật hóa” được DSM/DR sẽ khuyến khích, tạo động lực cho DN đầu tư thêm công nghệ, trang thiết bị để đồng hành hiệu quả hơn với chương trình này. Đây cũng chính là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngay tại Quyết định 279/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, đó là “xây dựng và hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý để thực hiện chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện”.

Nội dung và Ảnh: Minh Hằng

Đồ hoạ: Mai Huyền