Hằn sâu trong suy nghĩ của tôi, trận lũ quét ngày 19/7/2018 đã mang đi hết những gì đẹp nhất của bản làng người Thái dưới chân núi Hin Pun (đá vôi). Vì vậy, mỗi lần nhắc đến bản Hắc, trong tôi ngập tràn xót xa cho những mất mát mà thiên nhiên đã tàn phá: 4 người chết, 13 người bị thương, những ngôi nhà bị xóa sổ... Ấy vậy mà hôm nay trở lại vùng đất này, thật ngỡ ngàng làm sao, những rừng keo, cây ăn quả, cây dược liệu... xanh ngát, tựa như ôm trọn chòm bản mà vỗ về.
Dưới cái nắng vàng như rót mật, bản Hắc no ấm với hàng chục ngôi nhà bê tông kiên cố. Con đường từ trung tâm xã về bản Hắc được đổ bê tông rộng thoáng, đón những chuyến xe về tận ngõ. Hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt... được đầu tư đồng bộ, đánh dấu một cuộc tái sinh ở đại ngàn. Anh Hà Văn Tuấn, Trưởng bản Hắc dẫn tôi tới khu vực khe suối Hin Pun - nơi nước vẫn chảy róc rách, êm đềm qua bản bao năm. Thế nhưng, cách đây đúng 6 năm, con suối này đã cướp đi sinh mạng 4 người, 3 người bị thương, 3 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn, 29,1ha lúa, hoa màu mất trắng và nhiều trâu, bò, lợn, gà bị nước lũ cuốn trôi. “Bản làng đang bình yên, bỗng đâu mây đen kéo về, mưa xối xả, nước lũ ngày càng dâng cao. Hơn 9h tối, ngày 19/7/2018, lũ từ trên núi Hin Pun trút xuống ầm ầm, cuốn phăng hết. Xen trong tiếng mưa lũ gầm thét, văng vẳng tiếng kêu cứu thảm thiết, tiếng hò hét sơ tán” - Anh Tuấn nhớ lại.
Những ngày sau, mưa vẫn không ngừng trút, những khối đất đá đỏ quạnh nham nhở, những gốc cây lớn trơ rễ chờ đổ xuống. Nhưng bất kể hiểm nguy, nhiều người dân bản Hắc trở về bản với nước mắt lưng tròng khi tất cả gia sản một đời tích cóp đã bị lũ quét cuốn phăng. Nhà ở, trâu bò, lợn, gà và dụng cụ lao động... không còn, khiến nhiều người dân ở nơi đây không biết bắt đầu lại từ đâu. Với tấm lòng “Tương thân tương ái”, những đoàn xe chở gạo, mỳ tôm, nước uống, quần áo do đồng bào quyên góp... từ Bắc vào Nam hối hả chạy về vùng sạt lở. Chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền địa phương xã Trí Nang đã tiếp nhận: 970 triệu đồng; 564 thùng mỳ tôm; 4.900kg gạo; hơn 500 suất quần áo, sách vở... Hộ mất người được động viên chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần; hộ mất nhà được hỗ trợ mua đất, xây nhà ở khu đất cao... Ngoài ra, tỉnh, huyện còn hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi; phân bón... Nhiều diện tích đất bị cát, đá lấp do lũ, UBND xã Trí Nang giao cho từng hộ tự khắc phục để đảm bảo diện tích trồng trọt... Chính sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và nội lực của người dân chân lấm tay bùn đã đẩy lùi hậu quả lũ quét.
Ngọn đồi nơi dòng suối Hin Pun quét qua đã được phủ lên một màu xanh mát mắt của cây dược liệu, cây ăn quả. Những ngày này, người dân gặp nhau chỉ hỏi thăm chuyện phát triển kinh tế để làm sao vươn lên thoát nghèo, làm giàu, chứ không còn ai nhắc đến chuyện đau lòng năm xưa nữa. Những mất mát đã cài then trong ký ức...
Ngoài cây lúa, ngô, sắn, đồng bào Thái bản Hắc trồng thêm keo, mía, cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi dúi, trâu, bò lai... Lúc nông nhàn, một số lao động trẻ còn đi làm thêm ở các công trình xây dựng, 2 người đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Chỉ sau 1 năm khi cơn lũ quét qua, bản Hắc đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Bản tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí và hoàn thành xây dựng NTM nâng cao vào năm 2023. Sau đó ít lâu, người dân bản Hắc lại long trọng tổ chức lễ đón Quyết định công nhận Bản Hắc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. NTM không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương mà quan trọng hơn là nhận thức người dân đã được nâng lên, tình làng, nghĩa xóm được phát huy; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, an ninh trật tự xã hội đảm bảo. Đến thời điểm hiện tại, bản chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo thuộc đối tượng neo đơn trên 76 hộ/350 nhân khẩu. Trưởng bản Hà Văn Tuấn chia sẻ thêm: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng bản xanh, sạch, đẹp, chăn nuôi đảm bảo mọi điều kiện quy chuẩn để hộ gia đình, bà con nhân dân sống an toàn".
Thực hiện chủ trương xây dựng bản NTM, NTM kiểu mẫu, cấp ủy, Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể trong bản đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Bản thân Trưởng bản Tuấn là một một tấm gương trong sản xuất giỏi để bà con trong bản học tập và noi theo. Ngoài diện tích trồng mía, keo, gia đình anh Tuấn đã mạnh dạn liên kết sản xuất gần 5ha dược liệu như mạch môn, bách bộ, đinh lăng với Công ty TNHH Nam dược Miền Trung và chuyển đổi gần 2ha đất đồi trồng hàng trăm gốc chanh leo và xoài kèo. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm 24 con bò, gần 10 con dúi và lợn, gà các loại. Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình anh Tuấn sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí. Trưởng bản Tuấn chia sẻ: “Việc trồng trọt kết hợp chăn nuôi quy mô lớn đã giúp gia đình có thể chăm sóc đồng loạt, cùng thời điểm nên tiết kiệm được chi phí và hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Ngoài gia đình trưởng bản Tuấn, gia đình ông Hà Văn Huệ cũng là một điển hình kinh tế của địa phương. Hiện, gia đình ông Huệ đang trồng 46ha keo và nuôi gần 10 con trâu. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh dịch vụ vận tải, nông nghiệp: xe tải chở hàng, máy cày, máy làm đất... với thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Mô hình sản xuất của gia đình ông Huệ đang tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương và hàng chục lao động thời vụ với mức lương 200 ngàn đồng/ngày.
Nhờ tập trung phát triển sản xuất mà đời sống của người dân bản Hắc được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/người/năm. Có được thành quả đó, một phần nhờ bản có diện tích lớn để phát triển nông - lâm nghiệp. Trong tổng số 765,59ha diện tích đất, bản có khoảng 200ha cây keo, 40ha cây mía, gần 10ha trồng cây ăn quả, gần 10ha cây dược liệu …. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa hàng ngàn con gia súc, gia cầm. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nông - lâm nghiệp nên việc huy động Nhân dân đóng góp thực hiện các tiêu chí xây dựng bản NTM kiểu mẫu cũng dễ dàng hơn.
Theo đồng chí Hà Văn Tằm, Bí thư Đảng ủy xã Trí Nang, xã đã có 5/5 bản đạt bản NTM, 2 bản NTM kiểu mẫu là bản Hắc và bản Trí Nang. Hiện tại, cán bộ và nhân dân bản Hắc tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết một lòng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM kiểu mẫu; xây dựng phát triển bản Hắc trở thành một miền quê đáng sống, góp phần cùng với xã Trí Nang hoàn thành mục tiêu, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tin rằng, với sự nỗ lực ấy, mục tiêu nâng cả về chất lượng lẫn số lượng bản NTM kiểu mẫu của xã Trí Nang sẽ sớm hoàn thành.
Chia tay bản Hắc, qua những ngọn đồi xanh mướt, thoảng hương dược liệu, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang hăng say lao động, dù khó khăn còn đó bộn bề nhưng niềm hy vọng của người dân vẫn bừng lên. Như câu ca: “Chớ than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Qua cơn hoạn nạn, ý chí con người nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh, nhân lên tình thân ái để vượt qua thiên tai, gây dựng lại cuộc sống mới ngay trên đống đổ nát hoang tàn.