Những ngày cuối năm 2024, Trung tâm Thương mại AEON MALL Thanh Hóa - dự án có quy mô sử dụng đất lớn nhất của AEON MALL tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã chính thức khởi công. Với tổng vốn đầu tư khoảng 4.157 tỷ đồng, AEON MALL được kỳ vọng không chỉ kiến tạo không gian dịch vụ thương mại đẳng cấp của Thanh Hóa, mà còn mở thêm “cánh cửa” để sản phẩm địa phương đến với thị trường Nhật Bản cùng nhiều quốc gia trong chuỗi đầu tư, bán lẻ của AEON MALL.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam Tetsuyuki Nakagawa, “là một tỉnh đông dân và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, chúng tôi cho rằng đầu tư vào Thanh Hóa là chiến lược đúng đắn và hiệu quả. Chúng tôi mong muốn “biến” nơi đây thành một cơ sở không thể thiếu đối với người dân Thanh Hóa cũng như du khách trong nước và quốc tế”.

Trong 20 dự án FDI về với Thanh Hóa trong năm 2025, “siêu dự án” nghìn tỷ - Nhà máy Sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa (Bá Thước) cũng đang được đặt kỳ vọng lớn. Không chỉ bởi quy mô tới 26ha và tổng đầu tư gần 3.200 tỷ đồng, mà dự án đã đi “trúng” lĩnh vực mà tỉnh Thanh đang rất cần trên lộ trình thu hút các dự án chế biến sâu, quản trị hiện đại nhằm gia tăng giá trị cho vùng nguyên liệu tre, luồng lớn nhất cả nước.

Được biết, Công ty staBOO Holdings AG sẽ sử dụng công nghệ cao, giảm phát thải carbon, đáp ứng yêu cầu phát triển xanh, bền vững của Việt Nam và đưa sản phẩm tre luồng của Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là dự án đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp thuộc Liên minh châu Âu (EU) vào tỉnh ta, mở ra những chân trời hợp tác mới của Thanh Hóa và các nhà đầu tư lớn đến từ EU.

Nhiều năm liền duy trì vị thế hàng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước về thu hút FDI, Thanh Hóa hiện đang là điểm đến của 20 quốc gia trên thế giới, với những tên tuổi thuộc top 200 thế giới, như: Tập đoàn Idemitsu Kosan; Marubeni Corporation, Mitsui Chemicals; Taiheiyo Cement Corporation (Nhật Bản); Tập đoàn Kepko Hàn Quốc; Kuwait Petroleum International (Cô-oét); Tập đoàn Musim Mas (Singapore)...

Không tránh khỏi những thăng trầm do biến động chính trị, kinh tế thế giới; tuy nhiên 2 năm gần đây, Thanh Hóa đã có tín hiệu bứt tốc trở lại trên “đường đua” thu hút FDI. Năm 2024, thu hút vốn FDI vào tỉnh đạt 377 triệu USD, gấp 1,7 lần so với năm trước.

Đó là Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn với vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,5 tỷ USD sẽ lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2025. Dự án đang nhận được sự quan tâm của những tên tuổi hàng đầu trên lĩnh vực năng lượng tái tạo như: JERA Co.Inc (nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản, cũng là nhà nhập khẩu sử dụng LNG lớn nhất trên thế giới); Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS)...

Nhiều nhà đầu tư lớn như Tập đoàn GEO (Cộng hòa Liên bang Đức) cũng đang mong muốn đầu tư phát triển dự án điện gió, gắn với trường đào tạo nhân lực chuyên môn cao cho lĩnh vực này. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư hạ tầng hàng đầu thế giới như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản); Tập đoàn WHA... cũng xúc tiến lộ trình hình thành những khu công nghiệp hiện đại, với “tệp” khách hàng thứ cấp sẵn có là các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ sản xuất tiên tiến.

Xúc tiến “đầu tư có địa chỉ”, trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư tại Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan, Australia... Hoạt động kết nối đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư có tiềm lực lớn trên thế giới tiếp tục quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.

Điển hình như tháng 11/2024, Hiệp hội Xuất nhập khẩu máy móc và sản phẩm điện tử Trung Quốc (CCCME) đã tới Thanh Hóa khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo Phó Chủ tịch CCCME Trịnh Siêu, với hơn 10.000 doanh nghiệp thành viên, bao gồm nhiều ngành công nghiệp và các chuỗi cung ứng, đại diện cho toàn bộ ngành công nghiệp Trung Quốc, hàng hóa “made in Thanh Hóa” sẽ có cơ hội đi khắp thế giới thông qua mối hợp tác của CCCME với hơn 130 phòng thương mại và hiệp hội thương mại quốc tế; hơn 120 đại sứ quán nước ngoài tại Trung Quốc và hơn 60 khu công nghiệp ở nước ngoài.

175 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 15,2 tỷ USD, dẫn đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước. Thành quả tự hào nhưng sẽ không làm xứ Thanh “ngủ quên trên chiến thắng”. Thanh Hóa vẫn đang trên lộ trình quyết tâm mục tiêu tiếp cận và xúc tiến từ 3 đến 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới, sớm xứng đáng là một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Việt Nam.