Sau 5 thế kỷ giành độc lập, đầu thế kỷ 15, nước Đại Việt lại rơi vào ách đô hộ của giặc Minh. Trong 20 năm (từ 1407 – 1427), với dã tâm hủy diệt quốc gia Đại Việt, giặc Minh không từ bất cứ thủ đoạn thâm độc nào nhằm đồng hóa, hủy hoại mọi khả năng phục hồi nền độc lập dân tộc của Nhân dân ta. Sự tàn bạo của kẻ thù đã đặt dân tộc ta trước câu hỏi lớn về sự tồn – vong; đã cuốn cả dân tộc ta vào cơn xoáy lốc khủng khiếp về sự sống - còn, vinh - nhục; đã đặt con người lên “bàn cân” giá trị và buộc Nhân dân ta phải xác định lại thái độ và chỗ đứng của mình.

Suốt 2 thập kỷ, giang sơn Đại Việt chìm trong uất nghẹn, tủi nhục dưới ách đô hộ trời không dung, đất không tha của nhà Minh. Để rồi, khi đau thương đã dâng lên đỉnh điểm, khi mối thù chất cao tựa núi, máu chảy thành sông và khi lòng căm hờn đã lặn vào trầm tích, thì cũng là lúc lịch sử đặt câu hỏi về nhân vật có thể “nắn dòng lịch sử”. Và, Bình Định VươngLê Lợi - với ngọn cờ đại nghĩa “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” và tinh thần tự cường dân tộc “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác/Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có”- đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra vào năm Mậu Tuất 1418, ở núi rừng Lam Sơn. Trải qua 10 năm dài “nằm gai nếm mật”, đến năm 1427, với thế trận “trúc chẻ tro bay” gắn liền với những địa danh lừng lẫy như Tốt Động, Chúc Động, Bồ Đằng, Trà Lân, Xương Giang, Chi Lăng… đã giành thắng lợi rực rỡ. Đây là một trong những cuộc chiến tranh giải phóng có quy mô lớn và cực kỳ gian khổ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của nó được đánh dấu bằng sự kiện vĩ đại: đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập dân tộc. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập nên vương triều Hậu Lê, kéo dài hơn 360 năm. Thành quả vĩ đại đó đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt hùng mạnh, với những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa, quốc phòng…

Bàn về nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, cho rằng: Khởi nghĩa Lam Sơn là “cuộc chiến tranh chống ngoại xâm do giai cấp phong kiến lãnh đạo đạt tới tính chất Nhân dân sâu rộng nhất”.  Đây chính là đặc điểm nổi bật nhất và cũng là cội nguồn sức mạnh vô địch của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, hoàn toàn khác so với cuộc kháng chiến của nhà Hồ, cũng như tất cả các cuộc khởi nghĩa chống Minh trước khởi nghĩa Lam Sơn. Thắng lợi kỳ diệu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là thắng lợi của toàn dân tộc, nhưng người duy nhất ở thời điểm lịch sử đó hội được đầy đủ uy tín và tài năng, niềm tin và ý chí, thiết kế và thi công đường lối cứu nước dựa hẳn vào sức dân chính là Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Các anh hùng hào kiệt khắp nơi nhờ có ông mà thi thố được tài năng và có những đóng góp đặc biệt cho đất nước. Và cũng vì khéo biết phát hiện, trọng dụng nhân tài, triệt để huy động sức dân mà sự nghiệp cứu nước, cứu dân của Lê Lợi mới trở thành hoàn hảo và hiển hách (…) Hệ luận của toàn bộ vấn đề đã được trình bày ở trên thật hết sức đơn giản: Lòng dân quyết định mọi thành bại của các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa cứu nước hồi đầu thế kỷ XV. Nhưng làm thế nào để có thể huy động được sức mạnh vô địch của lòng dân cho công cuộc cứu nước cao cả. Mấu chốt lại nằm ở các chính sách và giải pháp của người đứng đầu có mang lại lợi ích thiết thực, có tạo lập được niềm tin thật sự và lâu bền trong dân chúng hay không. Bài học “lấy dân làm gốc” vì thế có giá trị trường tồn trong mọi thời đại, trong suốt quá trình lịch sử đất nước, đến ngày nay và cho đến mai sau!

Có thể nói, thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi quân Minh xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở thế kỷ thứ XV, là một dấu son ngời sáng trong tiến trình lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Để rồi, khi bàn về công lao của Vua Lê Thái tổ, nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt sử kí toàn thư”, cho rằng: “Loạn tột trị sinh, là vận của trời; thánh nhân ra thì muôn vật thấy quẻ Càn (Kinh Dịch) là thì hanh thông. Xét cuộc loạn trong cõi nước Việt ta chưa bao giờ đến tột như lúc này, mà dấy lên nghiệp Vương cũng chưa bao giờ khó bằng lúc này. Triệu Vũ thì nhân nhà Doanh Tần bị loạn, Trung Nguyên không có chủ, các hùng trưởng tranh nhau mà kiêm tính đất đai, chưa lấy gì làm khó. Đinh Tiên Hoàng nhân họ Ngô mất, mười hai sứ quân không có giềng mối với nhau, để dựng nên nước, cũng chưa lấy gì làm khó. Lê thay Đinh, Lý thay Lê, Trần thay Lý, đều là thừa đời thái bình, nhân lúc suy loạn, lại càng dễ lắm. Nói đúng ra thì đều chưa khỏi tiếng cướp ngôi, không phải làm việc nhân nghĩa, bộc bạch với thiên hạ cho mọi người sướng mặt, như cuộc cách mạng của vua Thang, vua Vũ ngày xưa”.

Khi tổng kết lại sự nghiệp vĩ đại của người sáng lập ra vương triều Hậu Lê, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, đã khẳng định: “Rồng thiêng bay chừ trên Lam Kinh/Giáo trời chỉ chừ ải Bắc yên/Sáng nghiệp thành công bao khó nhọc/Núi sông miền Tây thật là thiêng!”.

“Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ (…) Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Đó không chỉ lời Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi răn hậu thế trước khi về với tiên tổ, mà là điều đã được nhà vua thực hành khi còn tại vị. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Vua Lê Thái tổ đã có ý tưởng cho xây dựng Lam Kinh thành “kinh đô thứ hai” – “kinh đô tưởng niệm” của vương triều Hậu Lê. Từ ý tưởng ban đầu ấy, trải qua nhiều năm xây dựng, bằng trí tuệ, sức sáng tạo và bàn tay tài hoa của con người, Lam Kinh đã hiện hữu với các công trình điện miếu, lăng tẩm và nhiều công trình văn hóa – kiến trúc nghệ thuật giàu giá trị. Tầm vóc và vị thế của Lam Kinh quả thật tương xứng với công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các vị vua khai mở triều đại Hậu Lê trong lịch sử dân tộc. 

Trong cuốn “Thanh Hóa – Nghìn xưa lưu dấu”, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, cho rằng: Có lẽ sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Thuận Thiên Lê Lợi mới phát hiện thấy địa thế Lam Sơn giống địa thế Thăng Long đến kì lạ. Song, buổi đầu mới dựng nước, nhà vua chủ trương khôi phục kinh tế, không muốn xây dựng nhà cửa to tát, gây tổn hại sức dân. Cho nên Lam Sơn tuy gọi là Tây kinh, Lam Kinh, đền đài, miếu mạo vẫn sơ sài vách phên, mái cỏ. Phải chờ đến đời vua Nhân Tông, Tây Kinh hay Lam Kinh mới thật sự mang bóng dáng một kinh thành. Lam Sơn ngoài miếu đường, lăng mộ các bậc tiên đế, tiên hậu, còn được xây dựng các cung điện nguy nga, tráng lệ, toàn bộ cấu trúc là hình ảnh thu nhỏ của Thăng Long.

Người phụ trách xây dựng Lam Kinh lúc bấy giờ là Thái úy Trịnh Khả. Ông đã khéo kết hợp hài hòa giữa ba thành phần kiến trúc khác nhau: lăng mộ, thái miếu, cung điện trong một tổng thể kiến trúc nhất định với một không gian kiến trúc có thể nói là vô định. Bởi thế, nói Lam Kinh là hình ảnh thu nhỏ của Đông Kinh thực ra chỉ ở một số mặt. Nhìn chung, tổng thể kiến trúc Lam Kinh vô cùng phong phú và hết sức độc đáo. Ví như, Vĩnh lăng Lê Thái tổ trước mặt là “Lương thủy”, sau lưng là “Lam Sơn”, “thủy” có thuyền bè qua lại nhộn nhịp, đông vui; “sơn” có “hồi phong”, gió thổi đến đây quay trở lại bảo tồn anh linh tú khí. Người chết như vậy không phải là chìm đắm trong cõi tối tăm, lạnh lẽo mà vẫn hướng về cõi dương, nhờ đó, con cháu phồn thịnh, đế nghiệp vững bền...

Dẫu theo quan niệm đất thiêng sinh ra anh hùng hào kiệt, hay anh hùng hào kiệt làm cho đất trở nên thiêng, Lam Sơn vẫn là xứ sở thần thánh trong cõi tâm linh người đời. Năm trăm năm trước, học sĩ Đỗ Nhuận viết về Lam Sơn: “Đạm nồng kỉ biến vân yên cảnh/Hồng tử do huân cẩm tú hương” (“Nhạt nồng cảnh đổi theo mây khói/Hồng tía hương còn với gấm hoa”– Hoàng Tuấn Phổ dịch). Lời thơ như tiên đoán sự thăng trầm của nhà Lê. Riêng đất thiêng Lam Kinh, cảnh tượng dẫu có khi hưng khi phế, vẫn không mất đi vẻ đẹp và hương thơm của sự nghiệp người anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Lam Kinh xưa – với hào khí Lam Sơn quật cường, hùng tráng đã thổi qua từng gốc cây, ngọn cỏ khiến quân thù khiếp vía – dưỡng như vẫn đang hòa nhịp vùng Lam Kinh nay – một Lam Kinh linh thiêng, trầm mặc và uy nghiêm, nơi con cháu đời đời hướng về ngưỡng vọng và tri ân tiên tổ. Để rồi, cứ mỗi độ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”, khách thập phương có dịp tìm về Lam Linh chiêm bái tiền nhân, hãy lắng lòng để nghe hào khí Lam Sơn vọng về từ đại ngàn Lam Kinh. Rồi thả mình vào tổ hợp kiến trúc tao nhã nhưng không kém phần tráng lệ của các tòa miếu điện, lăng tẩm. Đó là cả “Một hạ tầng nghệ thuật ẩn chìm nhưng không kém phần nguy nga. Một kinh điện từ đất mà lên, một khu Sơn Lăng từ ý tưởng thanh cao đậm chất triết lý của con người tỏa xuống, hài hòa, lãng mạn, nương vào thiên nhiên, xuyên thấu thời gian và làm chủ không gian của tài hoa kiến trúc đất Việt. Dẫu ghập ghềnh, chênh chao đến mấy, cuộc đời vẫn luôn vận hành về phía trước. Cuộc sống vẫn luôn bỏ lại phía sau mọi nỗi lo toan nhọc nhằn, nhưng hào khí Lam Sơn, ngọn lửa bình Ngô, ánh sáng thánh địa vẫn không ngừng lan tỏa vào từng tâm hồn con người, vào từng chuyển động của cuộc sống xứ Thanh, cho đến tận hôm nay, mai này” (Nhà văn Chu Lai).

Ngót 6 thế kỷ kể từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bấy nhiêu so với chiều sâu thăm thẳm của thời gian có thể chỉ như vài cái chớp mắt, nhưng với mảnh đất đầy gian khổ, nhọc nhằn này, hơn 600 năm quả thực là dài đằng đẳng. Và thật may mắn biết bao, trong cái thời gian đằng đẳng ấy, có những ngọn gió quật cường đã thổi qua và nâng đỡ trái tim con người xứ sở này, đi qua những gập ghềnh, giông bão. Ngọn gió Lam Sơn đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh mãnh liệt nhất của Nhân dân ta; đã thổi tan đi những mưu đồ thâm hiểm nhất của kẻ thù. Để đến hôm nay, trong cuộc “vặn mình thoát xác” để khẳng định vị thế của xứ Thanh, ngọn gió Lam Sơn vẫn như đang thôi thúc những Lam Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Sầm Sơn để “thổi” lên một ý chí “vượt thắng” !

Lam Kinh - đất thiêng đã sinh ra bậc chân chúa Lê Lợi. Bởi vậy, Lam Kinh cũng chính là đất rồng thiêng - nơi vua chúa muôn năm triều ngự, chốn liệt thánh đời đời khói hương (Hoàng Tuấn Phổ). Để rồi sự hiện hữu của quần thể di tích Lam Kinh trên mảnh đất thiêng ấy, cũng ví như cánh linh điểu rực lửa, đang giang rộng đôi cánh vút lên tầng không và in hằn vóc dáng giữa nền xanh ngút ngàn Lam Kinh. Và rồi, cánh Chu Tước ấy sẽ cất lên tiếng ca của hòa bình, độc lập và khát vọng thịnh vượng cho quê hương, đất nước.

Nội dung và Ảnh: Lê Dung

Đồ họa: Mai Huyền