Trong vài năm gần đây, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao top đầu khu vực. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì nhu cầu về năng lượng, nhất là điện năng cũng tăng nhanh. Tính riêng giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam đạt khoảng 7%; song tốc độ tăng nhu cầu điện thì cao hơn nhiều và đạt khoảng 9,5%. Tuy nhiên, vì là nước đang phát triển nên so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tình trạng lãng phí điện năng của Việt Nam đang khá phổ biến.

Trong bối cảnh chung ấy, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có tốc độ tăng nhu cầu điện ngày càng cao. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 11,5%; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,8% so với cùng kỳ. Có 17/18 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng, một số sản phẩm tăng mạnh, như: dầu nhiên liệu tăng 33,9%, xăng động cơ tăng 23,3%, giày thể thao tăng 15,9%, sắt thép các loại tăng 12,2%, quần áo may sẵn tăng 11,6%... Thực tế, đây cũng là những ngành “ngốn” lượng điện năng rất lớn.

Theo tính toán của Công ty Điện lực Thanh Hóa, trong cơ cấu sản lượng các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thì sản lượng tiêu thụ của thành phần công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản lượng điện thương phẩm. Cụ thể, năm 2023, sản lượng điện thành phần công nghiệp là 3.968,59 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 55,87%; ước năm 2024, sản lượng điện thành phần công nghiệp là 4.477,53 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 56,43%.

Thế nhưng, cùng với tốc độ tăng ngành công nghiệp nói chung, các sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng, Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ tổn thất điện năng tương đối cao. Cũng theo Công ty Điện lực Thanh Hóa, tỷ lệ tổn thất điện năng của Thanh Hóa lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện là 3,89% (thấp hơn kế hoạch năm 0,08% và giảm so cùng kỳ 1,29%). Với con số này, tỷ lệ tổn thất điện năng của Thanh Hóa thấp thứ 14/27 tỉnh, thành phố.

Khách quan nhìn nhận, những năm gần đây, cùng với việc được đầu tư xây dựng mới 12 trạm biến áp (TBA) 110kV và chú trọng cải tạo, sửa chữa lưới điện nhằm bảo đảm cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, nên tỷ lệ tổn thất điện năng của Thanh Hóa đã giảm qua các năm (từ 5,64% năm 2020 xuống còn 3,89% trong 6 tháng đầu năm 2024). Tuy nhiên, con số 3,89% vẫn là mức khá cao. Theo nhận định của các chuyên gia, việc sử dụng điện không hiệu quả hay lãng phí điện sẽ gây phát sinh thêm chi phí, gây rủi ro cho phát triển kinh tế; ảnh hưởng đến đời sống và phát triển bền vững của cộng đồng; và xa hơn là có tác động tiêu cực đến an ninh năng lượng, làm tiêu tốn tài nguyên...

Sự lãng phí trong sử dụng điện tại Thanh Hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn cấp điện rộng, trải dài trên nhiều khu vực địa hình, dân cư lại phân bố không đều khiến cho lưới điện phân phối trung áp có những đường dây dài trên 200km. Trong khi, lưới điện trung áp vẫn còn tồn tại nhiều cấp điện áp 6kV, 10kV, 22kV, 35kV (có 4 đường dây 6kV, 41 đường dây 10kV và 26 TBA trung gian), vốn đã vận hành lâu năm, thiết bị không đồng bộ dẫn đến chất lượng điện áp bị ảnh hưởng, đường dây cấp điện áp thấp sớm bị quá tải, gây khó khăn trong quản lý vận hành. Thêm một thực trạng rất đáng lưu ý nữa là, hạ tầng lưới điện hạ áp tiếp nhận khu vực nông thôn hiện đã xuống cấp, dây dẫn tiết diện bé, đường dây dài (nhiều TBA có chiều dài từ trạm đến phụ tải xa nhất >2km) dẫn đến điện áp thấp; trong khi vốn đầu tư hàng năm còn hạn chế nên chưa thể cải tạo, nâng cấp triệt để. Ngoài ra, những năm gần đây, do tình trạng nắng nóng với nền nhiệt cao và kéo dài, dẫn đến nhu cầu điện tăng cao và cao điểm sử dụng điện bị lệch về ban đêm, đã và đang gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành, cân đảo pha lưới điện...

Mặc dù cơ cấu nguồn điện ở nước ta khá đa dạng, song nhiệt điện và thủy điện vẫn là 2 nguồn điện nền cơ bản và quan trọng nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là những loại điện mà càng sản xuất với sản lượng lớn thì càng phải “đánh đổi” nhiều tài nguyên năng lượng không tái tạo, lẫn môi trường. Điển hình như ngành xi măng được xem là ngành tiêu tốn nhiều nguồn điện năng lớn, với con số trung bình tiêu thụ được tính toán là khoảng 100kWh điện/tấn xi măng. Đó là chưa kể, việc sản xuất xi măng phải sử dụng nguyên liệu đá vôi, than và thải ra môi trường hàng triệu tấn CO2 mỗi năm. Chính vì vậy, mọi lĩnh vực đời sống và sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, càng phải chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng điện hiệu quả, tránh lãng phí.

Trước hết, để lãng phí điện không trở thành một “căn bệnh nan y”, thì yêu cầu có tính quyết định là ngành chức năng phải áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật, nhằm giảm tổn thất trong quá trình truyền tải, phân phối, chuyển đổi năng lượng đến đầu cuối sử dụng. Theo đó, Công ty Điện lực Thanh Hóa cần xây dựng kế hoạch, phương thức vận hành, các phương án kịch bản cung ứng điện năm 2024, phù hợp và hiệu quả nhất. Đồng thời, thực hiện vận hành tối ưu lưới điện phân phối, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng của hệ thống. Thực hiện các giải pháp quản lý kỹ thuật, đầu tư, cải tạo và nâng cấp lưới điện; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, hạn chế sự cố, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo chất lượng điện năng. Ngoài ra, tích cực phối hợp với sở, ngành trong việc kiểm tra công suất sử dụng điện so với biểu đồ phụ tải đã đăng ký của một số khách hàng lớn trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa là địa phương có đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối chạy qua. Do đó, cùng với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giải phóng mặt bằng và hỗ trợ thi công; thì yêu cầu đặt ra cho Công ty Điện lực Thanh Hóa là phải đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp, nhằm giảm thời gian phải ngừng cấp điện khi thi công kéo dây đường dây 500kV qua các đoạn giao chéo với các đường dây 220kV, 110kV và trung, hạ áp. Từ đó, vừa bảo đảm dự án về đích theo đúng tiến độ được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, vừa bảo đảm duy trì cung ứng điện phục vụ sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh các giải pháp trước mắt, về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình điện, nhất là các công trình trọng điểm, sẽ là cơ sở quan trọng để phục vụ cấp điện an toàn và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.

Những giải pháp nêu trên có tính tiền đề, nền tảng. Song song với đó, từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là công nghiệp - thành phần đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng điện thương phẩm - cần phải có các phương án quản lý và tối ưu hóa điện năng, cũng như có những hành động cụ thể để tiết kiệm, tránh lãng phí điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Mỗi năm, Công ty CP Gạch Tuynel Sơn Trang Thanh Hóa (đóng tại xã Hoằng Trung, Hoằng Hóa) sử dụng gần 2 triệu kWh điện (là 1 trong 5 khách hàng sử dụng điện sản lượng từ 1 triệu kWh/năm trở lên, do Điện lực Hậu Lộc quản lý). Ông Lê Ngọc Phương, giám đốc điều hành công ty, cho biết: Để tiết giảm chi phí sử dụng điện, công ty đã lắp thêm biến tần cho các động cơ để giảm điện năng tiêu thụ. Đồng thời, dịch chuyển giờ lao động mùa hè (thay vì từ 7h-11h sáng sang 16h30-20h30) để vừa tránh giờ cao điểm, giá điện cao, vừa bảo đảm điều kiện sức khỏe cho lao động...

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong nhiều ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30%. Tuy nhiên, để đạt được con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại, có khả năng tối ưu về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, thực tế tại Thanh Hóa hiện nay, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90% và phần đa trong số này đang sử dụng công nghệ còn lạc hậu. Trong khi đó, năng lực tài chính còn yếu nên rất hạn chế về khả năng đầu tư cho công nghệ hiện đại, công nghệ tuần hoàn gắn với tiết kiệm điện năng. Đó là chưa kể, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược phát triển bền vững, song hành với những cam kết mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng.

Điều 9, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đã quy định rõ trách nhiệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, cơ sở sản xuất công nghiệp phải xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hằng năm. Đồng thời, phải áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất năng lượng cao; sử dụng các dạng năng lượng thay thế có hiệu quả cao hơn trong dây chuyền sản xuất. Cùng với đó, thực hiện quy trình vận hành, chế độ duy tu, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị trong dây chuyền sản xuất để chống tổn thất năng lượng; loại bỏ dần phương tiện, thiết bị có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ...

Như vậy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được luật định. Do đó, sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí điện là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là yêu cầu bắt buộc mà mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ. Mặc khác, sử dụng điện hiệu quả, tránh lãng phí cũng là góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tiết kiệm, chống lãng phí điện phải thực sự trở thành nền nếp, phải đi vào nhận thức và hành động của từng doanh nghiệp, vì chính lợi ích và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ấy.

Nội dung: Lê Dung

Ảnh: Minh Hằng

Đồ hoạ: Mai Huyền