Trong suốt 30 năm nay, đường dây 500kV Bắc - Nam đã khẳng định sứ mệnh đặc biệt của nó như là “tuyến đường huyết mạch”, nối liền “dòng chảy điện” từ Bắc vào Nam. Thế nhưng, kể từ năm 2020 đến nay, khi nhu cầu kết nối lưới điện liên miền đã tăng gấp đôi, thì “cao tốc” truyền tải điện này đã trở nên quá tải. Trong khi đó, theo Viện Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, dòng điện đã và sẽ tiếp tục phải “chở ngược” trong thời gian tới, khi miền Bắc không phát triển được nhiều nguồn điện mới.
Trong khi nguồn cung gặp khó, thì cầu tiêu thụ điện ở miền Bắc đang tiếp tục tăng cao. Tính riêng tại Thanh Hoá, nắng nóng xảy ra gay gắt và trên diện rộng trong mùa hè 2024, đã khiến công suất cực đại (Pmax) cao nhất từ trước tới nay. Ghi nhận đo đếm thực tế từ Trung tâm điều khiển xa, Công ty Điện lực Thanh Hoá cho thấy, trong tháng 6/2024, Pmax toàn tỉnh đạt 1.468,3MW. Đặc biệt, ngày 21/6 Pmax toàn tỉnh đạt 1,468,3 MW; ngày 22/6 Pmax toàn tỉnh đạt 1.406,3MW.
Trước thực trạng đó, việc tìm một giải pháp nhằm cấp bách giải “cơn khát” điện cho toàn miền Bắc, là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta luôn trăn trở. Và đây cũng chính là tiền đề để công trình trọng điểm quốc gia đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) chính thức khởi động. Công trình được mệnh danh là “kỳ tích” nhờ thời gian triển khai ngắn nhất trong lịch sử ngành điện Việt Nam. Đồng thời, công trình này cũng là minh chứng cho những hoạch định táo bạo “đi trước, mở đường” và thể hiện sức mạnh đoàn kết được khơi dậy từ tinh thần đồng lòng, đồng sức của toàn dân tộc Việt Nam.
Thanh Hóa là một trong những địa bàn trọng điểm của công trình trọng điểm 500kV mạch 3, khi có tới 299/1.177 móng cột (là tỉnh có số lượng móng cột nhiều nhất) và là 1 trong 2 tỉnh có chiều dài đường dây lớn nhất chạy qua (chiếm 131/519 km). Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định, triển khai thực hiện dự án lịch sử này vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là trọng trách lớn lao. Bởi, sẽ có một khối lượng công việc khổng lồ phải hoàn thành trong thời gian eo hẹp, nên cần được tiến hành vô cùng khẩn trương, gấp gáp.
Quán triệt cao nhất tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, cùng một quyết tâm “sắt đá”, nên khi dự án chính thức khởi động, Thanh Hóa cũng ngay lập tức triển khai “chiến dịch” giải phóng mặt bằng đường dây 500 kV mạch 3. Với những mốc thời gian cụ thể, những phần việc cụ thể, khối lượng cụ thể và trách nhiệm cụ thể được chỉ ra làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, áp dụng đúng, đủ, linh hoạt cơ chế chính sách của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của Nhân dân. Và đặc biệt là công tác dân vận được lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở thực hiện một cách mềm dẻo, khéo léo nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân. Nhờ đó, Thanh Hoá đã trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên toàn tuyến hoàn thành GPMB sớm hơn so với thời hạn mà tỉnh cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
Nhờ “giải” một cách nhanh chóng và hiệu quả “bài toán khó” GPMB, nên dù khối lượng móng cột, khoảng néo nhiều hơn hẳn so với các địa phương trên toàn tuyến, nhưng nhiều hạng mục thi công trên địa phận Thanh Hóa luôn “đi trước một bước”. Đặc biệt, ở những thời điểm cấp bách, căng thẳng nhất về tiến độ thi công, Thanh Hóa đã làm một cuộc “tổng động viên” trong cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà thầu, với tinh thần “Tất cả vì đường dây 500kV mạch 3”. Trong đó, tinh thần trách nhiệm rất cao và tâm huyết rất lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, đã thực sự truyền cảm hứng và thôi thúc, động viên tinh thần các lực lượng trên “tuyến đầu” thi công dự án, cũng như nhiệt huyết trách nhiệm của các lực lượng tham gia hỗ trợ triển khai dự án.
Trên đại công trường đường dây 500kV mạch 3, một khí thế thi công thần tốc chưa từng có. Dường như, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên lễ, xuyên Tết”… đã trở thành “mệnh lệnh trái tim”. Tinh thần ấy đã thôi thúc nhiệt huyết lao động của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung. Tất cả nhằm sớm cán đích mục tiêu là hoàn thành đường dây có tổng chiều dài lên tới 519km, đi qua địa bàn 211 xã, phường/43 huyện, thị xã/9 tỉnh. Trong khí thế khẩn trương, tận dụng từng giờ từng phút ấy, có thể nói, Thanh Hóa đã tập trung thực hiện các phần việc liên quan bằng trách nhiệm cao nhất, nỗ lực lớn nhất; cũng như đã ưu tiên dành các nguồn lực và điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công… với mong muốn chung sức viết nên “kỳ tích” lao động thời đại mới.
Những dòng điện quý báu, không những được đầu tư bằng nguồn vốn lớn, mà còn được “đánh đổi” bằng mồ hôi, sự hy sinh, có khi là cả... máu của những người trong cuộc. Nhưng, có điện đã khó, sử dụng điện thế nào cho an toàn, tiết kiệm mà hiệu quả còn quan trọng hơn.
Công ty Xi măng Long Sơn (thị xã Bỉm Sơn) hiện đang sử dụng nguồn điện có tổng công suất là 153,8 MW. Theo Giám đốc sản xuất nhà máy Trương Văn Lợi, mỗi năm DN phải chi tới 700-800 tỷ đồng tiền điện. Chi phí vào điện hiện chiếm tới 18-20% giá thành sản phẩm. Cùng với các giải pháp như lắp thêm biến tần cho các động cơ để giảm điện năng tiêu thụ; tiến hành thay thế các máy móc cũ bằng công nghệ hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng hơn. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, Công ty Xi măng Long Sơn đã duy trì việc ký kết biên bản ghi nhớ và tự nguyện tham gia chương trình DSM/DR (chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR)),
“Về cách làm, giữa DN và phía cung là Công ty Điện lực Thanh Hoá sẽ có sự chia sẻ và phối hợp chặt chẽ. Khi vào mùa cao điểm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, DN sẽ chủ động tính toán việc vận hành hệ thống dây chuyền phù hợp và tối ưu nhất để chủ động dịch chuyển sản xuất từ giờ cao điểm sang thấp điểm, hạn chế vận hành các thiết bị không thực sự cần thiết vào các khung giờ là 9h30-11h30 và 17h-20h. Điều này không chỉ góp phần giảm công suất cực đại của phụ tải, mà còn giúp DN tiết kiệm 15-20% chi phí điện cho chênh lệch giá. Đặc biệt, trong các ngày 19-20/6 vừa qua, công ty đã tham gia điều chỉnh phụ tải điện 2 lần với mỗi lần công suất điều tiết là 30 MW trong khung giờ cao điểm tối, góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện vào thời gian này”, Giám đốc sản xuất Trương Văn Lợi cho biết.
Theo Công ty Điện lực Thanh Hóa, để thực hiện chương trình DSM/DR, hàng năm, công ty đã chủ động làm việc với các khách hàng lớn có sản lượng tiêu thụ điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên để tuyên truyền, đề nghị các khách hàng tham gia các chương trình Điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải khỏi các khung giờ cao điểm. Hiện nay, toàn tỉnh có 209/209 khách hàng sản xuất công nghiệp lớn tham gia chương trình này.
“Chúng tôi đã sớm chủ động thông tin về tình hình cung ứng điện, phương án đảm bảo điện mùa nắng nóng năm 2024, chương trình DSM/DR, các biện pháp tiết kiệm điện. Đồng thời, bàn bạc, trao đổi thỏa thuận với khách hàng trên tinh thần thấu hiểu, sẻ chia và tự nguyện tham gia dịch chuyển phụ tải sản xuất trong các khung giờ cao điểm trong mùa hè 2024; sẵn sàng vận hành máy phát điện diezel khi hệ thống nguồn cung ứng điện gặp khó khăn”, ông Hoàng Hải, Giám đốc Điện lực Thanh Hóa cho biết.
Cùng với việc chú trọng triển khai Chương trình DSM/DR, nhiều năm trở lại đây, Thanh Hóa cũng đang chú trọng đến phát triển kinh tế xanh. Trong đó, doanh nghiệp cũng được xác định là một “mũi nhọn”. Theo đó, tại Công ty CP mía đường Lam Sơn (Lasuco), cùng với quá trình nâng cấp dây chuyền ép mía, từ năm 2012 đến nay, Lasuco đã lắp đặt hệ thống phát điện từ bã mía với công nghệ turbine đối áp và turbine trích ngưng hơi trung áp và cao áp. Với công suất 33,5 MW, ngoài việc giải quyết vấn đề môi trường phát sinh từ nhà máy đường, khi vào cao điểm vụ ép, nhà máy không chỉ chủ động được nguồn điện, mà có tới 50% sản lượng điện còn lại được bán lên lưới điện quốc gia thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Năm tài chính vừa qua (từ tháng 7/2023-7/2024), nhà máy điện sinh khối đã sản xuất được gần 49,4 triệu KWh điện. Ngoài đáp ứng nhu cầu diện tự dùng cho nhà máy trong mùa sản xuất, Lasuco đã bán lên lưới quốc gia hơn 19,3 triệu KWh, ông Lê Quang Mây, Giám đốc Nhà máy điện sinh khối, Lasuco cho biết.
Giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững là 3 nhiệm vụ chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đề ra tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường là 23% (cụ thể: mức giảm địa phương tự nguyện là 13%; 10% còn lại là mức giảm khi có hỗ trợ từ quốc gia và quốc tế).
Ngoài ra, trong lộ trình “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”, Thanh Hoá đang tập trung nguồn lực vào hoạch định, triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Hiện nay, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn 1.500MW đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp đang tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 9/2024. Đối với 2 dự án điện gió Bắc Phương - Nghi Sơn công suất 100 MW và điện gió Mường Lát 200MW, cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận cho lắp cột đo gió. Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp, sớm lựa chọn nhà đầu tư các dự án này, đưa các nhà máy vào vận hành đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII”.
Điện là nguồn năng lượng quý giá mà Việt Nam đang phải nỗ lực chắt chiu để phục vụ công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, lãng phí dù chỉ một 1W điện cũng là lãng phí tài sản quốc gia. Ngược lại, sử dụng điện tiết kiệm là hành động của một công dân văn minh và là hành động thể hiện tinh thần yêu nước!
Việt Nam đang được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao top đầu khu vực. Đi cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì nhu cầu về năng lượng, nhất là điện năng cũng tăng nhanh. Tính riêng giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng năng lượng của Việt Nam đạt khoảng 7%; song tốc độ tăng nhu cầu điện thì cao hơn nhiều và đạt khoảng 9,5%. Tuy nhiên, vì là nước đang phát triển nên so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nên tình trạng lãng phí điện năng của Việt Nam đang khá phổ biến.
Tại hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), được tổ chức tại Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) năm 2021, Việt Nam đã cùng với gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. Đây là “một chương trình rất lớn, là vấn đề khó, mới và có cả những nội dung nhạy cảm”, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh. Song cam kết này lại phù hợp với mục tiêu phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, toàn diện của Việt Nam.
Trong bối cảnh sức ép nhu cầu năng lượng tăng cao qua từng năm và nhất là việc thực hiện những cam kết rất mạnh mẽ tại COP26 như vậy, nhưng Việt Nam vẫn đặt ra mục tiêu: Trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Đồng thời, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025. Có thể nói, việc đề ra những con số rất cụ thể về tiết kiệm điện, đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc chống lãng phí điện năng, hay sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm tối đa, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
Tại Thanh Hoá, theo tính toán của Công ty Điện lực Thanh Hóa, thì tỷ lệ tổn thất điện năng của Thanh Hóa lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện là 3,89%. Con số khiến cho vấn đề tiết kiệm điện vẫn luôn là vấn đề “nóng” đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa. Trước thực trạng đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo”. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có tính “dài hơi”, nhằm giải quyết vấn đề lãng phí điện năng, thúc đẩy việc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả, an toàn. Điển hình như Công điện số 12-CĐ/TU ngày 13/6/2023 về việc tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, yêu cầu các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng ít nhất 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, trạm y tế, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng ít nhất 5% so với cùng kỳ. Các đơn vị chiếu sáng công cộng, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư tuân thủ các quy định về chiếu sáng tiết kiệm và hiệu quả, giảm tối đa công suất các thiết bị điện phục vụ mục đích quảng cáo, trang trí, chiếu sáng công cộng, sẵn sàng cắt, giảm nhu cầu sử dụng điện khi có thông báo của đơn vị điện lực trong trường hợp xảy ra thiếu điện và quá tải hệ thống điện. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR) khi có thông báo của đơn vị điện lực. Các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt thực hiện tiết kiệm điện với mức cao nhất…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tiết kiệm và thực hành tiết kiệm. Người từng nhiều lần nhắc nhở về việc tiết kiệm điện, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta còn nghèo, lại vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Người nhấn mạnh “Chúng ta tiết kiệm điện chính là giữ gìn “mạch máu” cho mỗi gia đình cũng như cả nền kinh tế”. Hiện nay, khi mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan, đơn vị và người dân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thì hơn lúc nào hết, “tiết kiệm điện” phải trở thành một nội dung học tập và làm theo Bác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Rồi từ nhận thức dần chuyển biến về hành vi, với thói quen “tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, để có điện dùng khi cần thiết”!
Những năm gần đây, sự kiện “Giờ Trái đất” đã trở thành hoạt động thường niên, để khuyến khích, kêu gọi sự thay đổi nhận thức và hành vi của con người về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc tổ chức “Giờ trái đất” đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là tiết kiệm điện và giảm lượng phát thải khí CO2, vừa giúp tích lũy một nguồn năng lượng quý cho phát triển, vừa mang lại môi trường sống trong lành hơn. Ban đầu, việc thay đổi một thói quen là không dễ, nhưng sẽ không khó nếu thói quen ấy mang lại nhiều lợi ích tích cực và thiết thực. Bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng điện tiết kiệm từ mỗi gia đình – “tế bào” của “cơ thể” xã hội. Từ đó, dần lan tỏa thói quen này trở thành hành vi, thậm chí thành chuẩn mực ứng xử chung của cả cộng đồng. Có như vậy, việc thực hành tiết kiệm điện mới dần trở thành nhận thức chung, thành hành động chung của toàn xã hội. Để mỗi ngày đều có “Giờ trái đất”, để mỗi giờ đều là “Giờ Trái đất”!
Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu từng căn dặn: “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Muốn độc lập, tự cường thì trước hết và quan trọng nhất là phải dựa vào nội lực và nội lực ấy được vun đắp bằng cách đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và thực hành tiết kiệm. Điều này vẫn luôn đúng với câu chuyện phát triển Việt Nam ngày nay, khi cả dân tộc đang dồn lực để dựng xây nước Việt Nam XHCN giàu đẹp, văn minh. Vậy nên, mỗi người dân Việt Nam hãy thể hiện tinh thần yêu nước từ việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn: Hãy tiết kiệm điện!