Là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nơi sinh ra nhiều bậc hào kiệt làm rạng danh quê hương, đất nước, nơi phát tích của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; vùng đất đã từng in đậm dấu chân, gắn với tên tuổi các anh hùng dân tộc và danh nhân như Tô Hiến Thành, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Duẩn, Nguyễn Kim, Lại Thế Khanh... Nơi đây còn có địa danh cầu Đò Lèn nằm trên con đường huyết mạch Bắc - Nam, nơi mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã ghi dấu bao chiến công lẫy lừng, hiển hách của quân và dân Hà Trung, giữ vững con đường chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam... Theo thống kê, toàn huyện có 342 di tích lịch sử - văn hóa (trong đó, có 9 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 63 di tích được xếp hạng cấp tỉnh). Hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa mang đậm không gian văn hóa truyền thống, đã và đang được gìn giữ, bảo tồn, tu bổ phát huy giá trị. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân toàn huyện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, năm 2011, huyện Hà Trung bắt tay XDNTM ở điểm xuất phát thấp. Là huyện thuần nông, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu và yếu, nguồn lực đầu tư cho phát triển còn nhiều hạn chế, sản xuất manh mún, quy mô nhỏ hộ gia đình, giá trị sản xuất của huyện chỉ đạt 4.349 tỷ đồng, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 20,78%). Đặc biệt, sau khi tiến hành rà soát các tiêu chí XDNTM, Hà Trung mới đạt bình quân 4,63 tiêu chí/xã... Thực trạng và những con số trên đã đặt ra thách thức lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị và sự đồng thuận, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.
Nhận thấy đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để làm thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội nông thôn nên Hà Trung đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay XDNTM với bước đi, lộ trình cụ thể, bằng nhiều cách thức tổ chức khác nhau trên tinh thần “linh hoạt, thực chất, hiệu quả, bền vững”, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, cơ sở. Cùng với các chính sách của Trung ương, của tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp và XDNTM giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với vận động Nhân dân tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn... Các quyết sách này đã tạo động lực và nguồn lực tại chỗ thúc đẩy, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa xã, hệ thống chiếu sáng, nước sạch nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp... được các địa phương, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tích cực chung tay xây dựng.
Song song với đó, huyện đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh lập quy hoạch nhiều đồ án quan trọng có tính chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Hà Trung đến năm 2045, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-UBND, ngày 26/01/2021 theo hướng phát triển đô thị, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc thực hiện sớm, đồng bộ công tác quy hoạch đã giúp huyện Hà Trung xác định được định hướng cụ thể để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến giao thông quan trọng theo quy hoạch như: Đường giao thông từ trung tâm huyện Hà Trung đi thị xã Bỉm Sơn; đường giao thông kết nối đô thị Hà Lĩnh với cụm di tích đền Hàn Sơn, Cô Bơ; đường giao thông kết nối Quốc lộ 217 và đường tỉnh 508..., tại các khu vực trung tâm xã, khu vực quy hoạch phát triển đô thị huyện đã đầu tư xây dựng 13 mặt bằng khu dân cư mới với hạ tầng hiện đại, gắn với phát triển đô thị, thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hài hòa với bảo vệ môi trường, tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa.
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nội dung cốt yếu, quan trọng nhất của Chương trình XDNTM, huyện Hà Trung đã chú trọng thực hiện nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường... Từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, manh mún ở thời điểm năm 2011, đến nay, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được 634,34ha đất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cũng có chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn nhằm giải quyết việc làm tạo chỗ cho lao động địa phương. Đồng thời, khuyến khích đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mới doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có trên 300 doanh nghiệp đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 53,68 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,28%.
Cùng với việc chú trọng phát triển sản xuất, huyện cũng tập trung chỉ đạo và tranh thủ tối đa các nguồn lực để xây dựng hệ thống hạ tầng nông nghiệp, giao thông, các thiết chế văn hóa... Ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huyện đã chỉ đạo các xã, thôn huy động thêm các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt để đầu tư XDNTM. Nhờ đó, nhiều công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Diện mạo nông thôn có sự đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại. 100% đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% trường học đạt cơ sở vật chất tối thiểu. 100% thôn có Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định. 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 93,1%...
Trong quá trình XDNTM, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương luôn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở được đầu tư đồng bộ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” gắn với XDNTM, đô thị văn minh phát triển sâu rộng; bình quân hằng năm có trên 85% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, hơn 90% khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa... Đặc biệt, qua chương trình XDNTM, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp đã có chuyển biến căn bản. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 95,6%; có 69,7% số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn...
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông được kìm chế và giảm nhiều, tạo chuyển biến quan trọng đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống, sản xuất của Nhân dân.
Cùng với việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM, huyện Hà Trung luôn quan tâm duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí gắn với xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện có 19/19 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 131/133 thôn đạt chuẩn NTM, 20 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, thị trấn Hà Trung đạt đô thị văn minh, huyện Hà Trung được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2023...
Chặng đường 12 năm thực hiện XDNTM, có thể ví như một cuộc thử sức của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân. Theo đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, đã tạo ra kim chỉ nam cho cả nhận thức và hành động. Nguồn lực huy động trong Nhân dân đạt hơn 6.643 tỷ đồng trong tổng nguồn lực XDNTM được huy động hơn 12.000 tỷ đồng (chiếm 55,2%). Với sự tham gia tích cực của người dân, nhờ đó, không chỉ đảm bảo quyền làm chủ, phát huy công sức, trí tuệ của Nhân dân mà còn góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền cơ sở theo hướng ngày càng dân chủ; đảm bảo thành công cho chương trình XDNTM trên địa bàn huyện.
Xác định XDNTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và có tính kế thừa với sự tham gia của người dân là chủ yếu, trong thời gian tới, huyện Hà Trung tiếp tục xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao gắn với xây dựng đô thị; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái an toàn. Đây cũng là tiền đề vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ để Hà Trung đặt ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Nội dung: Lê Văn Dậu - Bí thư Huyện ủy Hà Trung
Ảnh: Phan Nga và CTV
Đồ họa: Mai Huyền