Chiều nay, tôi chợt muốn trở về bên mái hiên có dàn hoa giấy. Cái mái hiên trĩu nắng đậu lấp ló vào mấy ô gạch vuông nhuộm màu cam đất ngày nhỏ. Trên khoảng sân dưới hiên mỗi độ chiều vừa ngả rạ, tôi nhớ ngoại hay ngồi tại chiếc ghế nhựa có lưng tựa màu xanh đen, móm mém nhai cho xong lá trầu vừa têm cánh phượng. Bà thường dõi mắt ra xa đầu ngõ, ngó trông tôi tan học. Tôi cứ thủng thẳng về trong cái kì kèo bá vai cùng đám bạn trên con đường còn lấm lem bùn sau cơn mưa đầu hạ. Ngõ vắng dần rộn vài câu í ới. Nắng cuối chiều loang lổ đậu trên má của bọn nhỏ đầu trần. Chúng tôi rôm rả những câu chào nhau, rồi sà xuống bên chân bà chờ nghe kể ngoài hiên. Mấy câu chuyện kể mà thường được bắt đầu bằng hai từ: “Hồi ấy”.
Hồi ấy, hiên nhà thường là nơi để tạo hình những giấc mơ gửi vào trong gió. Cứ độ tháng sáu nghỉ hè, mỗi đứa lại được ngoại làm cho một con diều giấy nhỏ. Cả đám nhóc hưng phấn như vừa được thả trại, túm tụm quanh bà để pha hồ, dán keo. Ngoại vót tre đan diều bằng cái lưỡi liềm nom chừng nhọn hoắt. Mấy đứa tò mò ngó nghiêng, cũng lén chạy về nhà tháo vành nón lá của mẹ để thay thanh tre. Cái khung diều xiêu vẹo tùy tay mỗi đứa, vậy mà cũng thành hình. Mẹ về nhà sau buổi đồng xa, tìm cái nón vừa để ngoài thềm mà ngó hoài chẳng thấy. Bắt gặp cánh diều còn dính liền mấy sợi chỉ nón trên khung, liền kéo bọn nhỏ về đánh đòn cho thôi cơn nghịch.
Giấy làm diều được xé từ mấy cuốn tập cũ. Bọn tôi tranh nhau chọn mấy trang trắng thật đẹp để làm mặt dưới của diều. Vài đứa lấy bút ra, viết vài ba điều ước nguyện lên giấy. Rằng xin cho nghỉ hè kéo dài tới hết năm. Xin cho học kỳ mới thi toàn 10 điểm. Hay xin mau lớn để cha mẹ không còn nói mình là đồ con nít. Đủ thứ xin được viết thư gửi lên ông trời mà chẳng kèm chút quà cảm tạ. Rồi đứa nào cũng ngước mỏi cổ nhìn diều để trông chờ ông trời hồi đáp. Nhiều đứa lẩm bẩm lo chẳng biết diều đã bay đủ cao để đưa thư tới? Giờ lớn rồi, mới thấy ông trời đã đọc được thư thật. Có điều, tự nhiên trong mấy cái cầu xin muốn thu hồi, ước mình được trở về cái thời bị gọi là đồ con nít.
Tôi nhớ những buổi thả diều trên cánh đồng vừa gặt còn thơm mùi rạ. Mỗi đứa tự tìm một lon sữa rỗng, quấn quanh lon là mấy đoạn dây cước, dây chỉ dài ngoẵng, buộc chặt với diều. Có cước trắng mượn từ đồ câu cá của ba. Có chỉ may từ đồ khâu vá của mẹ. Cũng có dây bao xi măng từ mấy nhà đang xây trong xóm. Mỗi đứa một kiểu, miễn tìm được sợi dây để thả cánh diều. Mấy đứa con gái chạy chậm hơn, còn nhớ tới lời mẹ dặn là phải mang dép. Bọn con trai thì như ngựa mất cương, chạy băng băng trên đôi chân trần để không vướng víu. Chúng vẫn còn nhớ trận đòn của lần tháo rời vành nón, nên bỏ dép chạy nhưng vẫn kẹp lại trên tay để giữ của bên người.
Mấy cánh diều bầu, diều tam giác bay lủng lẳng với cái đuôi dài nhiều móc xích. Gió đầu hạ đưa diều bay cao. Khi dây diều căng hết cỡ, chúng tôi thường tìm một gốc xoài già, nằm xuống đất rồi nhẩn nha nhìn trời. Cánh diều đung đưa giữa đám mây bồng bềnh, như cánh chim muốn tự do bị ghìm chặt trong tay qua sợi dây quấn quanh lon sữa. Chúng tôi vừa muốn diều tự do, vừa sợ diều đứt dây bay mất. Cái mâu thuẫn hệt như mấy lời cầu xin với ông trời hôm trước, nửa muốn lớn lên nhanh, nửa sợ bị bắt làm người trưởng thành.
Dường như trong đời người luôn có những nhớ thương được kể lại bằng hai từ “hồi ấy”. Những ký ức đan xen cứ ôm riết mình ở mãi trong mái hiên nơi ngoại vót khung cho những cánh diều...