Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/ 2024), chúng tôi về làng Phong Mỹ, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa thăm Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân Cao Xuân Cới. Căn nhà vườn khang trang nằm trong một con ngõ nhỏ rợp bóng cờ. Nhìn những lá cờ phất phới bay trong gió, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào: “Không khi của ngày lễ lớn, rực rỡ quá ông ạ!". Ông mỉm cười: "Vui chứ! Tuổi chúng tôi sáng ra thấy mình còn khỏe mạnh, còn được đi bằng đôi chân của mình, đạp xe đưa cháu đi học, ra ngõ gặp mấy ông bạn kể chuyện thời tiết, chuyện thế sự… Thế là vui”. Bởi theo ông, “được sống qua cái thời ác liệt đó là điều may mắn và hạnh phúc nhất rồi”.

Giờ đây - ở tuổi 76, ông vẫn cùng vợ trồng và chăm sóc mảnh vườn, nuôi gà lợn, tham gia sản xuất cùng con cháu. Dường như, công việc “anh nuôi” trong những năm tháng quân ngũ đã “ăn vào máu” người cựu chiến binh này. “Mình làm việc cũng là tập thể dục luôn”, ông Cới chia sẻ.

Ký ức về một thời hoa lửa của gần 60 năm được ông kể lại một cách chi tiết như chuyện vừa hôm qua. Trên gương mặt đã in sâu vết hằn của thời gian ấy ánh lên biết bao hoài niệm, tự hào xen lẫn xúc động: Năm 1968, như bao lớp thanh niên ngày ấy, ông xung phong đi bộ đội vào Trung đoàn Pháo binh 154, trang bị pháo 120mm bảo vệ bờ biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Cuối năm 1969, ông nhận nhiệm vụ chuyển về Trung đoàn 146 (sau này thành Lữ đoàn) thuộc Quân chủng Hải quân tham gia huấn luyện để đi B. Sau thời gian huấn luyện, ông lên đường vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và được biên chế vào Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7.

Thấy chàng thanh niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh lại có tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo đơn vị quyết định phân công binh nhì Cao Xuân Cới về bộ phận “anh nuôi” để tăng cường lãnh đạo công tác nuôi quân. Từ đó, ông Cới bắt đầu lập nên những chiến công trên “mặt trận hậu cần”. Nhiệm vụ chính của ông là vận chuyển cơm nước cho đồng đội. Nếu có thương binh thì đưa đồng đội về phía sau cứu chữa; đồng đội hy sinh thì đưa về chôn cất.

Ông Cới nhớ lại: “Mỗi ngày tôi gánh cơm 3 lần vào sáng, trưa và tối. Còn nước thì phải gánh liên tục cho anh em, vì ở trận địa nắng nóng. Nhiều hôm không may, mảnh đạn bắn vào làm thủng can nước thì phải giấu cơm và quay về lấy can nước khác ra trận địa cho anh em. Bởi, quan trọng nhất là nước uống”.

Dù đoạn đường đưa cơm chỉ dài chừng 2 - 3 km nhưng lỗ chỗ những vết đạn, hố bom; chưa kể khi đi có thể gặp phải bom, mìn hay biệt kích, thám báo. Có hôm, đi từ 2, 3h chiều nhưng mãi đến 1, 2h sáng ngày hôm sau mới đến được trận địa phát cơm cho đồng đội. Về đến nhà 8, 9h sáng lại lao vào chuẩn bị cho cơm buổi chiều đưa đi. Một lần, ông và 3 đồng đội khác đang trên đường đi đưa cơm thì gặp máy bay địch phải ẩn nấp trong hầm. Một quả bom nổ gần hầm khiến tất cả bị vùi kín. Ông may mắn sống sót, tự đội đất ngoi lên. Không chút chậm trễ, ông dùng tay đào bới những người còn lại. “Thời chiến, sống – chết trong gang tất. Sáng gánh cơm lên, anh em còn trêu nắm cơm to, nắm cơm nhỏ đòi ăn thêm. Chiều mang nắm cơm to lên đã thấy thừa vài nắm. Đau xót! Mình còn sống là may mắn lắm rồi”, ông Cới ngậm ngùi.

Câu chuyện về những người đồng đội nghẹn lại nơi cổ họng của người lính già đã bao lần vào sinh ra tử. Bền chí kiên gan đối diện với khó khăn, thiếu thốn trong những tháng ngày kháng chiến, nhưng ông dường như mất hết sức lực trước sự hy sinh của những người đồng đội. “Có cậu muốn ăn một bữa no cũng không được. Cậu khác muốn tắm suối cũng không xong …”.

Thương anh em chiến đấu vất vả, ông luôn tìm cách cải thiện bữa ăn cho đơn vị. Không chỉ lặn lội trong rừng sâu đổ dế, hái măng, ông còn tự mình dòng dây kéo thuyền, lội xuống nước đẩy thuyền dọc theo bờ sông để tìm ốc, cá… Tận dụng thời gian, công sức, mỗi khi gánh bát, đĩa xuống núi rửa, ông gánh thêm vài bó củi. Nhiều hôm, anh nuôi Cao Xuân Cới quên ngủ, cố lo cho đơn vị có những bữa cơm ngon.

Người chiến sĩ kiêm anh nuôi ấy trong 4 năm liên tiếp (1971-1975) đều được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng.

6 năm công tác trên mặt trận hậu cần, đầu năm 1974, người lính trẻ Cao Xuân Cới chuyển sang tuyến đầu, trực tiếp cầm súng chiến đấu ở khu vực Tây Ninh, Sông Bé. Nơi đây, ông Cới đã trải qua biết bao chiến dịch, trận đánh vào sinh ra tử. Để rồi mỗi khi nhắc đến, nhiệt huyết và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” lại trào dâng mãnh liệt trong ông.

Tháng 1/1974, trong trận đánh tại Ấp Bến Cát (Bình Dương) và Ấp Tân Phú Trung (TP Hồ Chí Minh), Trung đội 2 thuộc Đại đội 11 của ông tiêu diệt hơn 20 lính Ngụy, thu nhiều vũ khí của địch... Cuối năm 1974, đầu năm 1975, ông cùng trung đội của mình tham gia chiến dịch đánh Phước Long. Giải phóng Phước Long, trung đội được lệnh tiến về Đồng Nai. Tại đây, trung đội ông cùng với các đơn vị khác phối hợp tiếp tục giải phóng tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh. Đây được xem là cánh cửa thép vào Sài Gòn. Với chiến thắng này, quân ta hừng hực khí thế sẵn sàng tiến vào Sài Gòn. Trong khi, quân Ngụy ở Sài Gòn lung lay, lo sợ.

Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị ông nhận lệnh xuất phát từ Long Khánh dọc theo Quốc lộ 1 đánh hướng Hố Nai, Trảng Bom. Từ đó tiến vào căn cứ Biên Hòa. Đúng 10h ngày 30/4/1975, đơn vị tiếp quản thị xã Biên Hòa, đồng thời thực hiện công tác dân vận, bảo vệ dân và tiếp quản những gì của ngụy để lại.

Ánh mắt ông Cới ánh lên niềm hạnh phúc khó tả khi nhớ về thời khắc lịch sử năm xưa: "Khí thế hừng hực tiến về Sài Gòn đến giờ vẫn rạo rực trong tôi như mới hôm qua. Cảm nhận rõ ràng chiến thắng đã về tay, phút giây đoàn tụ sắp đến gần, chúng tôi như được nhân lên hàng nghìn lần sức lực. Anh em cứ thế tiến về phía trước, chẳng buồn ăn uống dù phải hành quân một quãng đường rất dài và gấp gáp, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghe tin chiến thắng, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc bởi sau nhiều ngày đêm kiên cường, gian khổ, biết bao đồng đội hy sinh xương máu, quân ta đã giành được thắng lợi”.

Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thu về một mối, ông cùng đơn vị còn tiếp tục tham gia tiêu diệt quân Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam. Với những cống hiến của mình, năm 1976, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 1978, ông rời đơn vị đi học tại Học viện hậu cần và về công tác tại trường quân sự, Quân đoàn 1, với vị trí Phó chủ nhiệm phòng hậu cần và đến năm 1991 thì về hưu với quân hàm Thiếu tá. Sau khi về hưu, ông sống ở quê cùng gia đình từ đó đến nay.

Trở về quê với thương tích 21% và bị nhiễm chất độc da cam, dù vậy, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động trong các đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương. Nhiều năm liền, ông được người dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ, và bằng uy tín, trách nhiệm của mình, ông đã có những đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển quê hương Hoằng Phong nói chung, làng Phong Mỹ nói riêng.

Chiến công của những Anh hùng LLVT nhân dân như ông Cao Xuân Cới đã góp phần làm dày thêm trang sử yêu nước hào hùng, rạng danh mảnh đất xứ Thanh giàu truyền thống cách mạng.

Nội dung: Tăng Thúy

Ảnh: Hoàng Sơn và Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền