Vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần (năm 2010), Đoàn công tác của Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XI của Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh dẫn đầu đến tìm hiểu thực tế tại Thanh Hóa. Chỉ trong 2 ngày làm việc, đồng chí và đoàn công tác đã tìm hiểu mô hình hoạt động, tình hình sản xuất của  Nhà máy sản xuất ô tô VEAM, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, công trình thủy lợi thủy điện Cửa Đạt, trò chuyện, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất của cán bộ, nhân dân xã Ngọc Phụng (Thường Xuân), vùng nguyên liệu mía Cẩm Châu (Cẩm Thủy),  trước khi có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sự đổi thay của một vùng đồi núi phía Tây, với những minh chứng sinh động, hiệu quả từ mô hình công – nông  liên kết sáng tạo, từ các công trình dự án, trọng điểm Nhà nước đầu tư đã đem lại cho đoàn công tác nhiều tư liệu quý báu trong quá trình đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận. Với tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo, nhà lý luận kiệt xuất, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao cách làm của Thanh Hóa, đồng thời  khẳng định: Qua nghiên cứu, tìm hiểu thực tế, đoàn công tác nhận thức rõ hơn về vị trí quan trọng của Thanh Hóa đối với khu vực và cả nước. Thành tựu về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đạt được là sự khẳng định đúng đắn về đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN của Đảng ta. Kết quả của Thanh Hóa có thể là minh chứng cho một số vấn đề chung của cả nước. Nội dung báo cáo và cả những vấn đề trao đổi đã khá rõ, trong đó có nhiều vấn đề có thể nghiên cứu, đúc rút, bổ sung thành lý luận.

Phấn khởi chia sẻ với những thành quả, nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng trăn trở, nhắc nhở Thanh Hóa hết sức chú ý trong khi quan tâm đến tăng trưởng, phải đồng thời quan tâm đến công bằng xã hội. Kinh tế thị trường trong một chừng mực nào đó phải chấp nhận sự chênh lệch về thu nhập, phân cực giàu nghèo, nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải nghiên cứu xem độ chênh lệch đến đâu thì có thể chấp nhận được.

Là một người cộng sản chân chính, luôn lấy lợi ích của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, vì Nhân dân phục vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là biểu tượng về phong cách lãnh đạo giản dị, luôn gần dân, sâu sát với dân.

Chỉ hơn một năm sau, đúng vào dịp Tết độc lập 2/9/2011, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về thăm huyện vùng cao biên giới Mường Lát của Thanh Hóa – một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, để kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  Tổng Bí thư đã đến tận bản, tận hộ gia đình thăm hỏi bà con đồng bào các dân tộc ở xã Trung Lý, Quang Chiểu, Mường Chanh - những xã đặc biệt khó khăn nhất của Mường Lát. Hình ảnh Tổng Bí thư ở giữa lòng dân, ân cần lắng nghe những câu chuyện về đời sống của đồng bào, những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất rất đời thường của người dân, thật bình dị, thân thương, gần gũi. Tổng Bí thư đã thăm hỏi sức khỏe, nhắc bà con phải luôn luôn đoàn kết, bảo ban nhau làm ăn, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gợi mở cho bà con suy nghĩ thêm mình cần phải làm gì để thay đổi cuộc sống, để cho cuộc sống khấm khá lên…

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa và huyện Mường Lát, Tổng Bí thư chia sẻ những băn khoăn, trăn trở về số huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo ở Thanh Hóa, nhất là Mường Lát còn chiếm tỷ lệ cao. Qua tìm hiểu thực tế, Tổng Bí thư đã lý giải những nguyên nhân của đói nghèo, lạc hậu và gợi mở những giải pháp phù hợp để đưa huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh, bền vững. Tổng Bí thư lưu ý phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ cán bộ, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào các dân tộc, phải đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sử dụng cán bộ một cách có hiệu quả để tạo sự chuyển biến, bên cạnh đó cần tiếp tục kết hợp, phối hợp quân dân đoàn kết một lòng vượt qua thử thách để phát triển. Tổng Bí thư nhấn mạnh việc chọn Mường Chanh làm xã chỉ đạo để xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, để tạo sự lan tỏa, đồng thời mong muốn các cấp, các ngành, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Chanh cần bày tỏ quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Có thể thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn sâu sát với mỗi bước phát triển đi lên của tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ, gợi mở những đường hướng, giải pháp để Thanh Hóa tháo gỡ những khó khăn, rào cản, đồng thời khơi dậy, phát huy hiệu quả  các tiềm năng, lợi thế nổi trội để tạo ra các đột phá mới, động lực tăng trưởng mới. Trong chuyến thăm, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII nhiệm kỳ 2010 – 2015 (trong hai ngày 31/7 và 1/8/2014), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Chứng kiến các công trình đang thi công và hoạt động của một số nhà máy tại khu kinh tế, đồng chí vui mừng trước sự phát triển của KKTNS và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa sau 8 năm xây dựng KKTNS. Những kết quả đạt được của KKTNS cho thấy hướng đi thật sự đúng đắn,  là một bước tiến lớn, biến một vùng khó khăn trở thành một khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò động lực đối với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có nhiều dự án trọng điểm của đất nước.

Tổng Bí thư chỉ đạo Thanh Hóa cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển tốt KKTNS, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, coi đây là khâu đột phá, đưa tỉnh bứt phá đi lên. Bên cạnh đó, Thanh Hóa vẫn phải chú trọng kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chất lượng cao gắn với chế biến. Đặc biệt, Thanh Hóa cần chú ý đúng mức phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu, tâm huyết xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Những điều này luôn được Tổng Bí thư nhắn nhủ, căn dặn trong các chuyến thăm, làm việc với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thanh Hóa. Kể từ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa trên cương vị của người đứng đầu Đảng ta cho đến buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (tháng 7/2020) để cho ý kiến vào Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - trước khi Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về xây dựng, phát triển Thanh Hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhắc Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa cần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, nhưng muốn kinh tế phát triển thì đất nước phải ổn định. Đảng ta phải thật sự trong sạch vững mạnh.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng an ninh của Tổ quốc. Vì vậy, việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa có ý nghĩa mở đường cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ từng căn dặn.  Song để thực hiện được mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu, cán bộ, đảng viên phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Đảng bộ phải thực sự trong sạch vững mạnh, đồng thời phát huy sức mạnh, nguồn lực trong dân; mở rộng quan hệ với các địa phương khác, tăng cường kết nối vùng. Khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh Hóa muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”, tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa để cho ý kiến vào Đề án xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn Đảng bộ Thanh Hóa làm tốt hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tiềm năng thế mạnh, vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh, vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh khác. Tổng Bí thư cũng lưu ý Thanh Hóa đặc biệt coi trọng việc phát huy các giá trị văn hóa và nguồn lực con người vì đó chính là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển.

Cụ thể hóa những kỳ vọng, tin tưởng của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Thanh Hóa đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Năm 2020, ước tính quy mô nền kinh tế của Thanh Hóa đã lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010. Hơn nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, Thanh Hóa đã lựa chọn một số công việc ưu tiên làm trước, có tầm nhìn xa trên cơ sở quy hoạch, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách. Đến nay nhiều chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đang dần hiện hữu. Từ mức thu ngân sách năm 2014 mới chỉ đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, năm 2022 Thanh Hóa đã cán mốc hơn 50.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là hậu đại dịch COVID- 19, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thanh Hóa đang bứt phá vươn lên, không phụ sự kỳ vọng của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của đất nước.

Nội dung: Hồng Hạnh

Ảnh: Minh Hiếu và tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền