Tiếng trống trường vang lên giữa khoảng trời biên giới Mường Lát, các em học sinh ríu rít đứng chào thầy để ra về. Năm học 2024 - 2025, điểm trường Suối Tút thuộc Trường Tiểu học Quang Chiểu 2, xã Quang Chiểu chỉ có 8 học sinh các lớp 1, 2, 3. Thầy Nho - giáo viên duy nhất của điểm trường, lặng lẽ dọn dẹp lớp học, rồi trở về căn phòng nhỏ sát bên chuẩn bị bữa trưa. Lách cách giữa tiếng nồi niêu xoong chảo, giọng thầy trầm ấm như đang đứng trên bục giảng: “Cuộc sống một mình đơn giản lắm, cá dưới suối, rau trên rừng có gì ăn nấy. Đường đi lối lại khó khăn, cách trở nên củ sắn, củ khoai thay cho bữa cơm hàng ngày là chuyện bình thường”.
Hai bản người Dao đỏ Con Dao và Suối Tút (xã Quang Chiểu) hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Từ 7 hộ dân di cư từ tỉnh Sơn La xuống, bản Suối Tút nay đã có 26 hộ với hơn 127 nhân khẩu. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Quang Chiểu khoảng 7km, song nhiều năm về trước, hai bản gần như biệt lập với thế giới bên ngoài vì bị núi ngăn, suối cách. Trẻ con bản lớn lên chỉ biết làm bạn với vật nuôi, cây cỏ chứ tuyệt nhiên chẳng biết gì thêm. Bởi, đến bố, mẹ chúng cũng hiếm khi vượt suối, vượt rừng ra đường lớn. Có lẽ vì thế mà trong tâm thức người dân nơi đây, những người mang chữ đến với con em họ, dù gắn bó ít hay nhiều, đều nghiễm nhiên được dân bản coi như người trong nhà.
Khi đó, anh thanh niên Quách Công Nho, người xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) sau 3 năm chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) đã xuất ngũ về quê và ngược lên Mường Lát làm công nhân cho Lâm trường Mường Lát. Dù không muốn đi theo nghề giáo giống bố và chị nhưng nghề giáo vẫn chọn thầy như sự sắp đặt của số phận. Năm 1995, thầy Nho xuống núi “đi tìm con chữ”. Sau 3 năm cùng với tấm bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm Thanh Hóa, thầy một lần nữa ngược ngàn lên Mường Lát dạy học. Cuộc đời dạy học ở Mường Lát của thầy đi qua các xã Mường Chanh, Nhi Sơn, Pù Nhi và 14 năm nay thầy gắn bó với điểm trường Suối Tút, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2.
Ngày thầy lên Suối Tút, cây cầu bắc qua suối Sim đã hoàn thành. Nhờ thế, hành trình “gùi chữ” lên bản người Dao của thầy Nho cũng bớt vất vả hơn những đồng nghiệp đi trước. Năm 2021, con đường bê tông nối từ bản Pùng đi Suối Tút, Con Dao lên hình thành dạng đã đáp ứng lòng mong mỏi của bà con dân bản từ bao đời. Tháng 3/2023, người dân ở hai bản lại một lần nữa vui mừng khi điện lưới quốc gia về. Bản làng tăm tối bao đời được chiếu sáng. Có đường, có điện, những đứa trẻ nơi đây có điều kiện tiếp cận với thế giới bên ngoài thông qua sách vở, tivi..., giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Mỗi ngày, thầy bận rộn với việc cầm tay các em để tô từng con chữ, uốn giọng các em trong mỗi buổi học vần. Hàng chục năm gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số, thầy Nho trang bị cho mình vốn ngôn ngữ phong phú từ Thái, Mông, Dao, đủ để thầy trò hiểu nhau. Thầy ưu tiên dạy học trò của mình về nếp sống, đạo đức, từ cách ăn mặc, vệ sinh cá nhân đến việc chào hỏi, lễ phép.... Chia sẻ điều này, Trưởng bản Suối Tút, ông Tặng Văn Lai cho biết: “Nhờ có những giáo viên bám bản như thầy Quách Công Nho, nên không chỉ những đứa trẻ ở đây biết chữ, biết lễ phép ngoan ngoãn mà các phụ huynh cũng nhận thức được rằng, chỉ có việc học mới có thể giúp bọn trẻ lớn lên và ngoan hơn”.
Ở bản Suối Tút, thầy giáo Nho như người con của bản. Trưởng bản Tặng Văn Lai quý thầy lắm, có việc gì cũng tâm sự, bàn bạc với thầy, từ chuyện học hành con em trong bản đến chuyện xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Đồng bào vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, như: lễ hội cấp sắc, cơm mới, Tết nhảy, cầu mùa... Điều này giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn kết. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc bản không có những mâu thuẫn phức tạp. Là người hiểu sâu, biết rộng và có uy tín, thầy Nho luôn được tin tưởng tham gia cùng với già làng, trưởng bản giải quyết xung đột, bất hòa trong nhân dân.
Theo Trưởng bản Tặng Văn Lai, do dân trí thấp, nhận thức không đồng đều, nếu giải quyết không thấu tình đạt lý sẽ khó thuyết phục nhân dân, thậm chí gây mất đoàn kết dẫn tới phức tạp. Vì thế, sự giáo dục phải đến từ ngay từ các gia đình, dòng họ, trường lớp…, kết hợp với giám sát chặt chẽ, kịp thời nắm bắt các biểu hiện để phòng ngừa vi phạm. Nhờ cái tình và cái lý được vận dụng phù hợp mà hầu hết các vụ việc vi phạm an ninh trật tự, mâu thuẫn trong nhân dân đều được giải quyết ổn thỏa.
Ngoài đồng thuận tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, chung tay xây dựng nông thôn mới, bà con cũng tích cực tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng xuất. Từ chỗ chỉ trồng lúa, sắn, nuôi vài ba con gà trong nhà thì nay người Dao ở bản Suối Tút có những mô hình trồng cam rộng vài hec-ta trở trên. Cam ở Suối Tút là giống cam Lào có vị chua ngọt dễ chịu và đặc biệt vỏ có mùi thơm đậm đặc tinh dầu, rất được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, phụ nữ và người già ở đây còn có nghề dệt thổ cẩm, làm thuốc; nam giới đi xa làm ăn phát triển kinh tế.
Dù tỷ lệ hộ nghèo ở bản Suối Tút còn cao, 21/26 hộ do nhiều nguyên nhân khách quan, nhưng đời sống bà con thì thực sự đã đổi thay rất nhiều. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà cửa kiên cố, có đầy đủ vật dụng thiết yếu, như: tivi, xe máy, điện thoại di động.., thậm chí mua cả ôtô để kinh doanh vận tải, dịch vụ. 100% các em học sinh đều được tới trường, không còn tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học thấp. Nhiều con em người Dao thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Sau khi học xong đã trở về phục vụ quê hương, giữ các vị trí trong hệ thống chính quyền cơ sở. Đặc biệt, phong trào xuất khẩu lao động diễn ra sôi nổi, bản hiện có 6 lao động đang làm việc tại Đài Loan và Hàn Quốc, cùng nhiều thanh niên đang học tiếng để đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống nơi đây sẽ đổi thay mỗi ngày, bản không còn đói và con trẻ ở bản đang nuôi những ước mơ vượt qua dãy núi trùng điệp với những bài giảng của thầy cô.
Một chặng đường trong cuộc đời của thầy giáo Quách Công Nho gắn bó với các em ở vùng núi cao, miền xa. Tuổi cao, sức khỏe không còn như lúc tóc còn xanh và chỉ còn một mùa khai giảng nữa là đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, nhưng thầy không có ý định xin về dạy ở một trường đồng bằng hay ở gần nhà. “Cả một đời gắn bó với mảnh đất biên cường này, không có tình cũng có nghĩa. Nơi đây dù có trăm ngàn thứ thiếu thốn, thì tình người vẫn luôn đong đầy. Tôi nguyện cống hiến đến những ngày cuối cùng cho mảnh đất biên cường còn bộn bề khó khăn này”, thầy tâm sự.
Là 2 trong 10 bản được huyện Mường Lát định hướng, lựa chọn xây dựng làm điểm du lịch cộng đồng theo Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bản Con Dao và Suối Tút đang chập chững đón những vị khách phương xa đầu tiên trên chặng đường du lịch trải nghiệm. Những vị khách lạ khi tận mắt nhìn thấy một bản làng nằm bình yên nơi góc núi vẫn có đầy đủ lớp học, thầy và trò ca vang trong những giờ lên lớp. Họ vui thích khi thấy những ngôi nhà nửa sàn nửa đất ngăn nắp, những con đường đi qua bản sạch sẽ và con người của bản người Dao thân thiện, tốt bụng làm sao.
Hỏi về những khen thưởng, danh hiệu mà thầy có được thì thầy cười hiền. Rồi thầy cũng chia sẻ với chúng tôi nơi vùng biên viễn chỉ mong các em biết đọc thông, viết thạo, làm được con tính là mừng rồi. “Thấy các em chăm đến lớp, học hành ngày càng tiến bộ, có em đỗ đại học, có em đã trưởng thành tham gia công tác xã hội là phần thưởng cao nhất rồi. Còn mong gì hơn”, thầy Nho nói, trong mắt ánh lên niềm vui.
Chia tay bà con người Dao thân thiện khi trời đã xế chiều, vùng biên nhuộm tím bởi những cánh hoa mua rừng. Mỏng manh là vậy nhưng lại có sức sống mãnh liệt, giữa thiên nhiên khắc nghiệt vẫn bám sâu vào lòng đất để vươn lên – tựa những con người đang sống ở non cao này... dẻo dai, bền bỉ!.