Tai họa do bão Yagi gây ra những ngày này, đang là vấn đề nóng nhất, nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Để giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại, thì việc sẵn sàng tâm thế đối diện và bằng những phương án ứng phó quyết liệt từ sớm, từ xa, đầy đủ, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, là yêu cầu cấp thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương liên quan. Tuy nhiên, vì là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua, nên dù có sự chuẩn bị tốt đến mấy, thì đứng trước sức mạnh khủng khiếp của tự nhiên, tất cả đều có tính tương đối. Thực tế, nơi cơn bão đi qua đã để lại một “vệt dài” tang thương cho nhiều tỉnh/thành đồng bằng Bắc bộ và trung du, miền núi phía Bắc.

Các phương tiện truyền thông đã và đang liên tục cập nhật, thông tin đến người dân cả nước những hình ảnh tang thương, xơ xác của đồng bào ta nơi rốn lũ. Như vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ làm nhiều người chết; hay cả một thôn ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bị “nuốt trọn” khiến mấy chục mạng người vẫn đang chôn vùi trong đất. Rồi vụ xe khách bị nước lũ cuốn trôi ở tỉnh Cao Bằng khiến 20 hành khách chết và mất tích. Rồi nước dâng biến không ít làng mạc, thành phố trở thành sông hồ đục ngầu đất đỏ và đảo lộn hoàn toàn nhịp sống con người… Từ Lào Cai đến Yên Bái, từ Thái Nguyên sang Phú Thọ, từ miền núi cao Tuyên Quang đến vùng trung du Vĩnh Phúc… tất cả đang phải gánh chịu sức tàn phá ghê gớm của cơn “đại hồng thủy”, khiến nhiều người không khỏi quặn thắt tim gan.

Còn nhớ những năm “khúc ruột miền Trung” xác xơ, tiêu điều vì bão lũ tàn phá, người dân hai miền Nam, Bắc đều một lòng hướng về, lấy sức người sức của mà “vá”, “lấp” lại những lỗ hổng tang thương còn hằn lên sau giông bão. Hay khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, biến TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh/thành miền Nam trở thành “điểm nóng”, thì những chuyến hàng cứu trợ và từng đoàn y, bác sĩ, bộ đội, tình nguyện viên… 2 miền Bắc và Trung cũng không tiếc vật chất, thậm chí cả tính mạng để vào miền Nam chống “giặc dịch”. Cho nên, khi miền Bắc chìm trong mưa bão, lũ dữ, thì không lý gì người dân khắp mọi miền Tổ quốc lúc này lại có thể bình thản?

Nhưng có lẽ, bão Yagi một lần nữa trở thành “phép thử” cho tinh thần đoàn kết một lòng, tinh thần nhân ái nghĩa tình của toàn dân tộc Việt Nam. Lẽ dĩ nhiên, nếu có thể đánh đổi bằng một cách khác, thì chẳng ai lại muốn lấy “cơn thịnh nộ” của tự nhiên ra làm phép thử cả. Nhưng vì không có sự lựa chọn nào khác, nên dân tộc Việt Nam chỉ có thể lựa chọn đoàn kết, đùm bọc, yêu thương để đi qua những ngày giông bão.

Thanh Hóa từng là “tâm” càn quét của nhiều cơn bão mạnh, nên càng thấu hiểu hơn hết sự gian khổ, thiếu thốn của những ngày giông bão. Do đó, dù một mặt đang phải nỗ lực khắc phục những tác động tiêu cực của hoàn lưu sau bão; nhưng mặt khác, Thanh Hóa cũng nhanh chóng huy động sức người, sức của để lên đường “chi viện” cho đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt, như tinh thần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, rằng “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều” và “không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở”…, khi đồng bào vùng lũ lụt, thiên tai đang chờ đợi đồng bào cả nước lên tiếng, thì Thanh Hóa cũng không nề hà khó khăn, sẵn sàng đồng lòng, đồng sức để cùng hướng về.

Ngay sau Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 9/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; thì sáng 10/9, các cơ quan cấp tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt tổ chức chương trình quyên góp, ủng hộ. Đặc biệt, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã tiên phong đi đầu trong việc quyên góp ủng hộ, với tinh thần tất cả hướng về đồng bão vùng lũ lụt, thiên tai. Sau hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh (diễn ra vào sáng 10/9), đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đã cùng với toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa, quyên góp (mức thấp nhất là 1 ngày lương) để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Cũng thời điểm, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, tổ chức quyên góp ủng hộ với tổng số tiền 93 triệu đồng…

Từ những hình ảnh đẹp và hết sức ý nghĩa ấy, đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị và xã hội. Để ngay sau buổi phát động ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thì MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cũng nhanh chóng vào cuộc, tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các đoàn viên nhiệt tình, trách nhiệm tham gia sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này. Tiếp đó, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp tục tổ chức các chương trình quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3. Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến 17h ngày 12/9, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận gần 3 tỷ đồng ủng hộ của 160 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong 3 ngày 10 -12/9, đã có nhiều chuyến xe chuyển những thùng hàng nhu yếu phẩm cần thiết (gạo, lương khô, mì tôm, nước lọc, sữa tươi, bánh chưng, thuốc y tế, quần áo, áo phao...) của các tổ chức, nhóm thiện nguyện, cá nhân trên địa bàn tỉnh đi đến các tỉnh phía Bắc hỗ trợ người dân vùng lũ.

Có thể nói, chính sự vào cuộc rất nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng với tinh thần “tương thân tương ái” tốt đẹp của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đã khơi dậy và thôi thúc tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” trong toàn cộng đồng. Nhờ đó, bên cạnh tiền mặt, nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn quyên góp bằng hiện vật, nhu yếu phẩm và nhất là các dụng cụ, phương tiện hỗ trợ mà đồng bào vùng lũ đang rất cần kíp lúc này.

Ví như Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thành lập 2 Đội xung kích, với 39 cán bộ, công nhân viên và nhiều phương tiện chuyên dụng, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ sửa chữa lưới điện. Và ngay ngày 9/9, các Đội xung kích đã nhanh chóng lên đường để hỗ trợ cho Công ty Điện lực Quảng Ninh và Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng, khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3. Hay trong đêm 11, rạng sáng 12/9, nhiều chiếc ca nô cao tốc của những người làm du lịch tại biển Hải Tiến đã được đưa lên xe tải, hướng thẳng về các tỉnh phía Bắc. Những phương tiện ấy vốn dĩ là “kế mưu sinh” của nhiều người, nhưng giờ họ sẵn sàng gác lại, để mong được góp một phần công sức hỗ trợ đồng bào mình trong cơn khốn khó…

Ở nhiều huyện/thị/thành phố trên địa bàn tỉnh những ngày này là hình ảnh những đoàn xe chở hàng, chở phương tiện và chở cả những người đã tạm gác lại công việc và nhịp sống nhàn tản để về với vùng thiên tai. Rồi nhiều người ở lại cũng không ngơi tay chuẩn bị nhu yếu phẩm, hay vẫn tích cực kêu gọi bạn bè, làng xóm, các mạnh thường quân tiếp tục ủng hộ, để những chuyến xe nối tiếp nhau ngược về phía Bắc. Thử hỏi một người trong số họ, rằng “Vì sao anh/chị lại làm vậy”, chắc hẳn câu trả lời sẽ khiến nhiều người “ngoài cuộc” không khỏi bất ngờ: “Đó là lẽ đương nhiên”! Bởi như tục ngữ Việt Nam đã có câu “Đường mòn ân nghĩa không mòn”, hay “môi hở răng lạnh”. Những ân nghĩa thủy chung của dân tộc được sinh ra từ một cội nguồn tiên tổ, cùng chung một “bọc trăm trứng” thì “máu chảy ruột mềm” cũng là lẽ hiển nhiên. Đó là chưa kể, đập trong huyết quản người dân vùng đất Thanh Hóa nhiều gian lao mà anh dũng này và rộng hơn là của cả dân tộc này, là trái tim nhân ái. Chính vì vậy, khi là người dân Việt Nam ai có thể nhắm mắt bịt tai trước tình cảnh tai ương của đồng bào mình? Chưa kể, giúp người cũng là giúp mình, bởi ai biết tai ương lúc nào sẽ ập xuống với chính mình, gia đình mình, xóm làng mình?

Vốn dĩ, với dân tộc nằm ngay cạnh chân sóng, thì việc “sáng chắn bão giông/chiều ngăn nắng lửa” đã trở thành một lẽ tất yếu trên hành trình sinh tồn và phát triển. Thế nhưng, cũng chính những “bão giông” của cuộc đời và thiên nhiên, lại trở thành môi trường tôi luyện nên những phẩm chất tốt đẹp, gắn với lẽ sống cao thượng, đã được nâng thành những đạo lý, thậm chí thành những chuẩn mực giá trị cao cả nhất, được cộng đồng chấp nhận, dưỡng nuôi và thường xuyên vun đắp. Đó là tinh thần nhân ái “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, hay  lẽ sống “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” … Tất cả chính là “tấm lưới đạo lý” – tưởng mỏng manh nhưng lại dẻo dai vô cùng – phủ lên nền tảng xã hội, nền tảng đạo đức dân tộc này. Để khi con người được dưỡng nuôi trong môi trường ấy và nhất là khi kinh qua những thời khắc giông bão thực sự, ví như cơn bão Yagi này, mới càng cảm nhận được và càng thêm trân quý, thêm tự hào.

Sẽ còn những cơn bão khác kéo đến và không ít “giông bão” có thể ập xuống bất kỳ. Nhưng tin rằng, dù sức mạnh thiên nhiên có khủng khiếp đến mấy, thì con người Việt Nam vẫn sẽ đi qua giông bão bằng tất cả sự dẻo dai, quật cường và hơn hết là bằng tình yêu thương của chính đồng bào mình. Để rồi, “Lửa thử vàng gian nan thử sức”, cùng nhau chúng ta sẽ bỏ lại phía sau những gian khó, nhọc nhằn để xây dựng lại quê hương, để những ngày tháng bình yên rồi sẽ lại trở về…

Nội dung: Lê Dung

Ảnh: Nhóm PV

Đồ họa: Mai Huyền