Nếu từ trong kho tàng các giá trị truyền thống Việt Nam, chọn ra một giá trị được xem là tinh hoa nhất, đã được “gạn đục khơi trong” qua thời gian, được tôi luyện qua dặm dài lịch sử với vô vàn thử thách khắc nghiệt nhất và trở thành nhân tố trung tâm - nền tảng - điểm tựa cho sự trường tồn của quốc gia - dân tộc, thì chủ nghĩa yêu nước hẳn là thỏa mãn hầu hết các yêu cầu, đặc trưng ấy. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sự phát triển lên đến đỉnh cao của truyền thống yêu nước, tư tưởng yêu nước, tinh thần yêu nước Việt Nam. Đồng thời, là sự tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí của con người Việt Nam, tạo thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc mỗi người sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, hay xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là giá trị thiêng liêng, cao đẹp, bền vững, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Giá trị ấy đã trở thành chuẩn mực cao nhất, giúp định hướng suy nghĩ, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân và toàn thể cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu chung vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, sự trường tồn của quốc gia - dân tộc
Dẫu rằng “yêu nước” không phải “đặc quyền” hay “đặc trưng” của riêng dân tộc nào, hay của người dân đất nước nào. Song với dân tộc Việt Nam, hai chữ “yêu nước” luôn mang một sức nặng. Như cách nói của Giáo sư Trần Văn Giàu, thì “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không phải là một truyền thuyết thâm viễn, cũng không phải là một tín ngưỡng huyền diệu, nó là một hệ thống tư tưởng nhận thức và ứng xử đơn giản vừa đủ để cho dân tộc Việt Nam tồn tại”. Đặc biệt, khi Tổ quốc lâm nguy, hay khi xuất hiện những thử thách liên quan đến sự tồn vong, đến vận mệnh quốc gia - dân tộc, thì cũng là lúc truyền thống yêu nước, tinh thần yêu nước được thôi thúc để trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sục sôi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”!.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, cũng chính Người đã phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta lên tầm cao thời đại. Đó là khơi dậy sức mạnh vô tận của Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc vĩ đại. Người đã chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.
Nhằm cụ thể hóa hay hiện thực hóa “tinh thần yêu nước” thành “công việc yêu nước”, “công việc kháng chiến”, ngày11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Bằng lối viết cô đọng, hàm súc, dễ hiểu nhưng rất sâu sắc và đầy đủ từ “mục đích”, “cách làm”, đến “lực lượng”, “kết quả”. Trong đó, mục đích của thi đua ái quốc rất cụ thể là: “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt” và “diệt giặc ngoại xâm”; cách làm cũng rất rõ ràng, là phải dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Rồi không kể “bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”… “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch là lời hiệu triệu sức mạnh cộng đồng - sức mạnh từ sự đồng sức, đồng lòng, đồng cam cộng khổ của muôn người - để cùng hướng về một kết quả trước mắt là “toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn” và một mục tiêu cao cả là “ba chủ nghĩa”: dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.
Giữa bối cảnh đất nước đang đứng trước mối họa ngoại xâm, “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thôi thúc tinh thần yêu nước trong trái tim, khối óc mỗi người để đan kết thành sức mạnh nội sinh to lớn, đưa dân tộc ta vượt qua muôn vàn gian khổ và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bài học được đúc rút ở đây là gì nếu không phải là bài học về sức dân, rằng “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; và rằng “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào Nhân dân thì việc gì cũng xong". Cho nên, “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của Nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”!.
Đặc biệt, muốn “xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân” thì một bài học luôn phải nằm lòng là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Bác đã khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của Nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước”.
Là người mang trong mình trái tim yêu nước nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng: Quyết không làm nô lệ. Chỉ có một chí: Quyết không chịu mất nước. Chỉ có một mục đích: Quyết kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Vậy nên kêu gọi tinh thần thi đua yêu nước trong bối cảnh muôn vàn gian khổ, cũng cần một quyết tâm lớn nhất: quyết tâm “tự lực cánh sinh”. Bác khẳng định, “Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ, phải tự lực cánh sinh”; và “... Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Do vậy, phải “tự lực cánh sinh” và “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: làm cho mau, làm cho nhiều”; “ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.
Thực tiễn lịch sử hào hùng của dân tộc ta cũng đã chứng minh, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là giá trị thiêng liêng chung của toàn dân Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh, là “bệ phóng” đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng gió, thử thách để đi đến vô vàn thắng lợi vẻ vang. Khi đánh giá về ý nghĩa của thi đua ái quốc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tác phẩm “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách dân tộc”, đã khẳng định: “Phong trào thi đua ái quốc do Hồ Chủ tịch đề xướng ra đầu năm 1948 này là phương pháp đầy đủ nhất, thần diệu nhất để động viên tất cả sức lực và tài năng của dân tộc cống hiến cuộc kháng chiến và kiến quốc”; và rằng “lòng yêu nước của mỗi người và của mọi người chúng ta là một tiềm lực chứa đựng những khả năng muôn màu, muôn vẻ, cần phát huy nhằm hoàn thành sự nghiệp lớn của dân tộc Việt Nam ta”.
Trải qua hơn 3 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là những yêu cầu cấp thiết, những thách thức rất lớn đang đặt ra đối với nước ta lúc này. Tròn 75 năm kể từ ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”, cũng là chừng ấy thời gian lời hiệu triệu ấy đã thấm sâu và lan tỏa vào đời sống, để nhân lên vô vàn việc tốt, điển hình tiên tiến; để kết thành hoa trái thành quả cách mạng gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và dựng xây đất nước. 75 năm – thời gian đủ để chúng ta suy ngẫm và một lần nữa khẳng định: những bài học quý giá về sức dân, về đoàn kết, về tự lực cánh sinh, cho đến ngày nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự.
Còn nhớ, một nhà báo ngoại quốc đã hỏi Hồ Chủ tịch rằng Người thuộc đảng phái nào. Bác đáp: “Đảng của tôi là Đảng Việt Nam”!
“Đảng Việt Nam ấy là Đảng của tất cả chúng ta. Ai là người Việt Nam, phụng sự nước Việt Nam, dân Việt Nam đều thuộc vào Đảng ấy. Chỉ có kẻ nào tự mình khai trừ mình ra khỏi đại gia đình Việt Nam, cam tâm làm tay sai cho giặc, phá hoại sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Chính phủ, của dân tộc, thì mới không thuộc vào Đảng ấy. Mà không thuộc vào Đảng Việt Nam ấy thì không mong sống còn ở nước Việt Nam ngày nay” (Phạm Văn Đồng).
Giữa bối cảnh hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song thế giới cũng đang chứng kiến những biến động to lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo hơn bao giờ hết. Do đó, càng phải thấm nhuần sâu sắc và lan tỏa rộng khắp Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Để luôn luôn “thức tỉnh” tinh thần yêu nước, tinh thần thi đua và chuyển hóa tinh thần ấy trở thành lời hiệu triệu nhiệt huyết trong mỗi trái tim, khối óc con người Việt Nam. Từ đó, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo ra động lực mới, khí thế mới, đột phá mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc.