Năm 2023 đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong ngoại giao kinh tế của Thanh Hóa. “Khởi động” cho kế hoạch đón đầu “làn sóng” tái cơ cấu nguồn vốn dịch chuyển về Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19 là hàng loạt những sự kiện đối ngoại, xúc tiến đầu tư được Thanh Hóa tổ chức bài bản cả trong và ngoài nước.
Đáng tự hào, khi Thanh Hóa không chỉ đã thành công mà còn đã để lại ấn tượng đặc biệt với đối tác, bạn bè quốc tế trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào tháng 5/2023. Không chỉ vun đắp, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa 2 quốc gia, đây còn là cơ hội lớn để tỉnh Thanh nâng tầm hợp tác chiến lược toàn diện với đối tác hiện đang chiếm tới gần 45,7% tổng vốn đầu tư FDI vào tỉnh.
Ông Ishiguro Norihiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) bày tỏ bên lề Hội nghị kết nối Thanh Hóa - Nhật Bản năm 2023: “Chúng tôi thấy nơi này còn rất nhiều tiềm năng hợp tác với Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ. Tại hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra thảo luận các vấn đề rất thiết thực với chủ đề mà các tổ chức, các nhà đầu tư quan tâm. Cùng với những gợi mở về các giải pháp khả thi, kế hoạch cụ thể tiến tới hiện thực hóa khả năng liên kết sẽ mở ra cơ hội để nâng tầm hợp tác tỉnh Thanh Hóa và đất nước chúng tôi trong thời gian tới”.
Sau hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Ngày Italia tại Thanh Hóa, các hội thảo, buổi tiếp và làm việc với các đoàn công tác đến từ Israel, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, những cuộc “hội ngộ” với những tập đoàn “tên tuổi” nổi tiếng thế giới và trong nước như Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), Tổng Công ty LH (Hàn Quốc), Tập đoàn WHA (Thái Lan), Công ty TNHH Năng lượng JERA Việt Nam, Tập đoàn Phát triển năng lượng Gulf (Thái Lan), Tập đoàn Hoa Lợi, Công ty CP Tập đoàn TH... cũng đã được tổ chức thành công, thắt chặt tình đoàn kết và cơ hội hợp tác rộng mở.
Cùng với các chuỗi sự kiện được tổ chức trong nước kết hợp hoạt động khảo sát thực địa, hoạt động xúc tiến tại nước ngoài cũng được tổ chức sôi nổi, ví như đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Thanh Hóa xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa tại Nhật Bản, Italia, Séc, Đức, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) những ngày cuối năm vừa qua.
Thành quả của những nỗ lực không ngừng trong năm 2023, chính là 83 dự án đầu tư trực tiếp; trong đó có 14 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký 29.057 tỷ đồng và 209,9 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với những năm trước đó.
Cùng với những con số thành quả đã hiện hữu thì 8 thỏa thuận quốc tế, trong đó có 2 thỏa thuận nhân danh UBND tỉnh và 2 thỏa thuận nhân danh các sở, ngành; 2 thỏa thuận của các trường đại học trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp nước ngoài cũng đã được ký kết. Các cơ quan ngoại giao của tỉnh Thanh Hóa cũng đang xúc tiến ký kết 11 thỏa thuận quốc tế với các đối tác nước ngoài trong năm 2024, mở ra cơ hội kết nối đầu tư những ngành nghề thế mạnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực phục vụ phát triển của tỉnh.
Ngay sau chuyến công tác của đoàn cấp cao tỉnh Thanh Hóa tại các nước châu Âu vừa qua, Tập đoàn GEO, Cộng hòa liên bang Đức cũng đã đến tỉnh Thanh Hóa ký kết Bản ghi nhớ về nghiên cứu, khảo sát đầu tư nhà máy điện gió. Tập đoàn IDS (Nhật Bản) cũng đã quyết định sẽ sớm nghiên cứu, đầu tư một công ty phần mềm tại Thanh Hóa.
Hình hài 1 khu công nghiệp (KCN) đẳng cấp, hiện đại theo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng sắp trở thành hiện thực khi biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án hạ tầng KCN phía Tây TP Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) - một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất của xứ sở hoa anh đào với tỉnh Thanh cũng đã được thực hiện trong năm 2023. Trong buổi ký kết, ông Takashi Yanai, Tổng Quản lý Ban Kinh doanh hạ tầng tiếp vận Tập đoàn Sumitomo Corporation cam kết sẽ phát triển KCN phía Tây TP Thanh Hóa thành KCN hàng đầu về chất lượng, thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp từ Nhật Bản có công nghệ hiện đại, gia tăng nhiều sản phẩm công nghiệp chất lượng cao cho địa phương.
Thanh Hóa đặt kỳ vọng thu hút thành công 30 tỷ USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu sẽ tiếp cận và xúc tiến từ 3 - 6 công ty sở hữu công nghệ gốc nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới. Ngoài các địa bàn truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cô-oét... thì các thị trường Mỹ, châu Âu, Nga, các tập đoàn lớn từ các nước phát triển đang là đích hướng tới.
Chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan! Cùng với “chất xúc tác” mạnh mẽ từ các hoạt động xúc tiến, đối ngoại, thì những nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng đang là “lời mời chào” hấp dẫn nhất của xứ Thanh đến với nhà đầu tư ở khắp năm châu!