Tháng vu lan về trong cơn mưa khi trời còn đương nắng. Những cơn mưa rất nhanh chẳng chờ người ta kịp trở tay bung ô hay khoác lên người chiếc áo mưa. Mấy dáng lưng lam lũ nép khẽ vào mái tôn của một ngôi nhà chất đầy mành lưới, nhác thấy mưa xẹt ngang như bóng câu qua cửa. Họ chép miệng lắng lo, đầu tháng mưa to, e lại sắp có một mùa biển dữ.

Ngôi chùa cạnh cửa biển lúc này vang lên từng hồi chuông đảnh lễ. Chuông chùa tháng bảy âm lịch được dân biển quê tôi gọi là chuông vu lan. Mấy hồi chuông thường vang tầm rạng sớm lúc thuyền mới cập cửa biển, hoặc chạng vạng tối lúc đèn báo bão đã châm sáng ngoài hiên. Chuông không trong, mà trầm đục, như tiếng gọi của người mẹ già tóc trắng chờ con ngoài khơi, như tiếng khóc của người thiếu phụ chờ chồng ngoài bãi bồi đầy cát, hay tiếng í ới hỏi của bọn trẻ ngóng cha về trên con thuyền viền xanh.

Làm cái nghề này chính là chấp nhận kí khế ước với biển. Không ít người sinh nghề tử nghiệp, gửi hồn lại trong những con nước tràn bờ. Thế rồi mỗi đợt tháng cô hồn ghé ngang, xóm chài lưới lại hun lên mùi nhang trầm nghẹt mũi. Ngó qua những ô cửa vừa sáng đèn, thấy nhớ thương đọng trĩu trịt trên nếp nhăn xô lệch của vài người con có tim bị khoét nửa. Vu lan về, nơi cửa biển sóng rền, có mấy nhà đoàn viên, cũng có mấy nhà buồn thẳm.

Xa xa, tiếng chuông vang ầm cùng tiếng sóng, tiếng mưa, gõ vào tai, vào lòng, nghiêng ngả lắc lư những hoài niệm cũ. Vài Phật tử quỳ trên bồ đoàn, lẩm nhẩm khấn tụng kinh vu lan báo hiếu. Sau mỗi tiếng mõ, họ vái lạy, trong tay giữ một bông hoa hồng tươi. Màu hoa được chọn theo hoàn cảnh mỗi người, có đỏ thẫm, có hồng nhạt, có trắng. Những mái đầu từ đen bóng, muối tiêu đến trắng xóa xế chiều, cúi thụp sâu trong chính điện. Hết lễ, họ mang hoa tiến dần về phía biển. Những cánh hoa tươi mang đủ nguyện cầu vừa khai quang qua cuốn kinh vu lan, được thả trôi trên những con nước. Họ tin rằng nương theo cánh hoa, mảnh hồn lỡ rơi ngoài khơi sẽ theo đó mà về nhà. Cũng có vài đứa trẻ nhỏ hơn hiến hoa cho thần biển, mong thần nâng đỡ cha chúng vượt qua những cơn sóng to.

Đoàn người chắp tay trước biển thật lâu, ngắm những bông hoa nhuộm mùi mặn của sóng gió trôi dạt ra xa mãi. Vài mái đầu cúi gằm, lẩm nhẩm lời nguyện cầu riêng cho bậc sinh thành. Có ước mong cha mẹ khỏe mạnh, cho lưng cha bớt đau, cho đầu gối của mẹ bớt khuỵu cong vì những tảo tần. Có khấn xin cho gia tiên được về miền vãng sinh, trong tháng âm tào mở cửa được nương theo cơn sóng ngoài kia mà về nhà ăn bữa cơm ấm. Những đứa con vừa đủ lớn để mong bé lại, cứ thế náu mình trong tiếng chuông chùa vọng xa và bông hoa trước biển, với bao điều khấn nguyện thành kính.

Tôi nghe chuông vu lan vọng từ cửa ghềnh. Những mùa chuông tháng bảy làm người ta cứ lợn cợn trong người. Mỗi hồi chuông vang, tim tôi lại hẫng lên mấy nhịp của trăn trở. Tiếng chuông vang xa như thế, chẳng biết có đủ vọng ngoài khơi để gọi cha về? Cha đi trong một đêm tháng tám tối tăm, trên con thuyền hãy còn nồng mùi cá biển. Bất ngờ và hụt hẫng. Cái khế ước cha kí với thần biển chắc đã tới kì mà chẳng biết trước để kịp gửi lại một lời trối trăn.

Tiếng chuông vu lan tan ngoài sóng, dùng cách riêng để tìm kiếm những anh linh đi lạc. Nó gõ từng hồi, không vội vã. Từng tiếng như một câu thở than truyền trong gió. Này, về đi, mấy đứa trẻ trong nhà đang dành hết sự tinh khôi để đọc kinh báo hiếu.

Tháng mới ghé ngang, có tiếng chuông vu lan tan giữa cơn sóng lớn.

Nội dung: Nguyễn Trần Thanh Trúc

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền