Thời gian chỉ khẽ nhón gót nhoài mình cũng đủ làm ký ức trong tôi choàng dậy. Ai còn “bình chân như vại”, tôi thì một mạch sà vào ấu thơ mà vắt vẻo nụ cười trên cành na, cành mít, thoăn thoắt trèo về gian gác của ngày xưa, nơi đựng niềm no đủ an yên, đựng cả nỗi phấp phỏng ưu phiền của nhà nông gieo neo hôm sớm, đựng chút ngây ngô hờn dỗi của cô bé tôi năm nào. Gác bình lặng trong căn buồng cũ ẩm, đợi tôi về phơi phóng, chuyện xôn xao.

Là tiếng mẹ hướng về phía cha như giọng trà chạm vào làn men tách đựng: Cái gác xép tuềnh toàng là thế mà con bé vẫn chụp hình mình ạ! Nó bảo để giữ làm kỷ niệm tới sau này. Cha cười ngọt giọng lẫn hóm hỉnh bâng quơ: Ừ thì bởi có đứa lần nào về thăm nhà lại vui hơn bắt được vàng ý chứ! Đúng là vàng, thứ vàng quê lấp lánh chẳng phải mò tìm lặn ngụp tận đầu nguồn, cuối bãi xa xôi, mà cóp nhặt ngay giữa đời thường mộc mạc thôi.

Cha mẹ tôi xây nhà ở cái thời trăm bề eo hẹp, gác nhỏ được tận dụng bằng khoảng không trong căn buồng với công năng vừa chống nóng vừa làm nơi chứa đồ. Những cây tre ở bờ bụi sông quê theo cha mẹ vào nhà làm thanh dọc thanh ngang đan nhau mà thành gác xép. Trên đỉnh gác, tấm chăn bông chờ mùa đông trải giường, chiếc quạt điện được lên gác nghỉ ngơi sau mùa hè tất bật oi nóng. Cả con diều nằm im ắng sau những giờ rong ruổi vi vu, chiếc đàn bầu thánh thót làn điệu quê hương mà cha nâng niu treo ngay đầu gác. Những bao thóc gối lên nhau chờ tới lượt đem xát thành gạo thơm lừng trắng phau...

Ngày lũ lụt lịch sử, nước ngập kín trước sau, tôi còn bé xíu trong bụng bầu, cha phải đón mẹ từ đỉnh gác xép vào thau rồi vừa bơi vừa đẩy ra khỏi guồng nước dữ. Lũ lụt chẳng hẹn mà về cứ đường đột theo những trận mưa kéo dài lõm bõm sân thềm vườn tược, nhà tôi ngày đêm canh nước. Chiếc tủ gỗ đựng đầy quần áo được khênh lên gác khẩn trương. Bao nhiêu sách vở, túi cặp, màn chiếu cùng anh em tôi theo nhau lên gác. Năm lũ dâng cao, gác xép dầm mình trong vòng nước, cả nhà ở tạm đình làng, cha cột đồ trên gian gác cho khỏi bị nổi trôi rồi nhấc ngói lợp chui người ra từ nóc mái. Những hình ảnh nơm nớp ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức tôi.

Ngồi trên gác xép hôm nay, tôi ngẩng đầu nhìn nắng mỏng tang xiên vào khe ngói lợp, những sợi nắng đẹp trang hoàng cả gian gác cũ, thấy mạng nhện giăng đầy và buông thõng xung quanh, nghe lũ mọt nghiến răng kẽo kẹt, thấy bóng thằn lằn ngơ ngác thò đầu qua ô cửa, lũ thạch sùng đuổi nhau sột soạt, cả đàn chuột chí choé tung hoành. Bao năm rồi, gian gác vẫn ấm êm, vẫn dịu hiền nhìn loài vật nhỏ nhoi vui sống. Ngồi trên gác xép mà trông xuống cảnh nhà mộc mạc đơn sơ, thương sao bờ cửa lấm lem vì bàn tay ai bao lần bám vịn, cả khoảng sân lom khom cùng bóng mẹ sớm chiều, cha duỗi gối bên hiên thềm, làn khói phì phèo bay lên từ bếp.

Có vẻ đẹp nào ngời sáng lên, nỗi nhớ nào da diết thêm từ những điều đơn sơ hay từ trái tim vẫn đau đáu bốn bề quê hương nguồn cội.

Gác xép có nhiều ở làng tôi ngày ấy. Những gian gác nồng nặc mùi chè khô, mùi thuốc lào, cả mùi đường phên thơm ngọt, mùi hạt giống phơi khô, mùi quà bánh, mùi chợ ai đó mang về... và có cả mùi hạnh phúc của đám trẻ một ngày ba bữa no nê. Dân gian thường bảo “của làm ra để trên gác”, có phải vì thế nên người quê tôi ăn chắc mặc bền chắt chiu tằn tiện mà cất đựng “sự giàu có” của nhà nông mới yên tâm vụ nào vụ nấy lại cấy trồng, ngược xuôi đông tây mà bán buôn theo chiều chợ.

Tôi đã đi mòn cả tháng năm, đi mòn những con đường mà hai bên là dãy nhà nguy nga tráng lệ chỉ để dừng lại trước ngôi nhà cấp bốn giản dị đơn sơ tận cuối làng. Gian gác xép nhỏ trong gian buồng vẫn hằn in những ấm êm từ nhọc nhằn ngày cũ. Cha tôi tỉ mỉ gia cố lại cho gác xép thêm chắc bền. Cha thay cả mấy đời thang tre, những chiếc thang bình dị làm cầu nối lên gác xép dễ dàng như những chiếc thang bắc lên bầu trời tươi đẹp thênh thang. Tôi bình thản khẽ khàng mở những yêu thương gói ghém từ lâu trong lòng gác nhỏ.

Nội dung: Thanh Xuân

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền