Tôi nhớ năm ấy đàn cò trắng bay rợp trời, không đếm xuể, ngước nhìn mỏi cổ mà đàn cò còn chưa bay qua hết. Dưới hiên nhà đứng cạnh tôi, bố thở dài bảo: Lại sắp có bão lớn.

Đúng lời bố nói, năm đó bão lũ làm tiêu điều xơ xác thị trấn nghèo quê tôi.

Đàn cò báo bão năm ấy dường như cảm nhận được một tín hiệu thay đổi nào đó của thiên nhiên sắp giận dữ thì phải. Và dường như không chỉ loài cò, mà còn rất nhiều loài vật khác cũng có khả năng cảm nhận được những thảm họa thiên nhiên sắp xảy đến, để chúng có những thay đổi bất thường. Khi đó tôi còn nhỏ, chưa cảm nhận hết sự tàn phá của những cơn bão. Chỉ biết trong cơn bão, gió rít giật mạnh làm cây cối xiêu vẹo đổ gãy. Nhà cửa dù đã được chằng chịt cẩn thận, nước mưa vẫn phả rát rạt, tràn vào bên trong.

Có những điều găm vào lòng tôi chắc chẳng bao giờ có thể quên. Năm ấy quê tôi - vùng đất ở nơi cuối cùng phía Nam của xứ Thanh chứng kiến cơn bão số 6 đầy hung hãn, theo sau là trận lụt lịch sử. Khi trời mưa lớn không ngớt, mẹ và ông chân trần đội chiếc nón lá vội vả khiêng những vại mắm nặng vào nhà. Con lợn con sổng chuồng trước đó không hiểu sao lại biết đường mà chạy vào chui xuống dưới gầm chiếc phản ở giữa nhà để tránh lụt. Nước khi đó ngập tới nửa chân nó, rồi sau đó cứ ngập dần lên.

Mẹ kể lúc đó hai anh em ngồi trên mấy thanh rát giường. Mẹ chỉ những tàu lá dừa uốn cong trong gió làm em tôi từ hôm ấy cứ thấy gió lay tàu dừa là sợ hãi gào lên: “Bão, bão"... Thế mới biết cơn bão lịch sử ấy gây nên một ấn tượng mạnh cỡ nào. Ngày đó bố đi chạy gạo ở xa, chỉ còn ba mẹ con và ông ở nhà. Sau cơn bão, tôi không thể nào quên hình ảnh ông nội đội nồi gạo trên đầu, mình trần bơi đi tìm chỗ nước không ngập để nấu cơm.

Rồi khi tôi đi làm dự án ở vùng Đông Bắc, bão Haiyan - cơn bão mạnh nhất trong lịch sử đổ bộ vào Việt Nam một cách hung hãn trong đêm tối. Những lán lợp tôn trong khu cư xá của kỹ sư công trường theo từng cơn gió rít rung lên bần bật rồi bung chốt bay đi từng mảnh. Không còn mái che, nước trút xuống, tạo thành dòng nước chảy xiết ngay trong nhà. Chúng tôi không biết chạy đi đâu trong cơn bão dữ. Một anh hô to: “Vào nhà vệ sinh”. Cả một khu lán năm ấy chỉ có một nhà vệ sinh là đổ bê tông mái, được xem là kiên cố nhất. Trong nhà vệ sinh tối om, thỉnh thoảng lòe lên ánh chớp. Lúc ấy không cần biết nhà vệ sinh hôi hám cỡ nào, chỉ ước mong bình an qua cơn bão. Sáng ra, cả khu lán thành bình địa. Chúng tôi thầm cảm ơn thần may mắn đã giữ mạng cho mình.

Năm nào cũng vậy, mùa bão về theo sau là hoàn lưu với những cơn mưa như trút nước, tôi quặn lòng thương dải đất miền Trung nghèo khó lại chìm trong mênh mang biển nước. Nước ngập khắp ruộng đồng, đường làng ngõ xóm, nước còn ngập lên tận mái nhà. Sau trận lụt, bùn đất bám vào đồ đạc, nhà cửa. Thật thương khi những trang sách bê bết bùn đất không thể dùng lại được, mà tiền để mua mới thì đã không còn.

Dù biết rằng thiên nhiên là thử thách, tình đồng bào trong cơn hoạn nạn thắm thiết biết bao, nhưng sao năm nào cũng vậy, năm nào cũng một dải miền Trung chìm trong mưa lũ. Mưa lũ rồi sạt lở vùi lấp biết bao con người. Sức lực con người làm sao bám giữ được trước dòng nước lũ hung bạo chảy xiết bất thần quét qua. Thế nên, mỗi khi nghe đài báo bão, khi nhẩm đếm thấy mùa lũ lại sắp về, lòng tôi lại buốt lên đau nhói, thầm cầu mong năm nay bão lũ không cuốn trôi, không tàn hại người nào. Thế nhưng điều ấy là không thể lường trước được. Điều lường trước và có thể làm được, là con người đừng chặt đi những cánh rừng đầu nguồn, đừng tàn phá những cây cối giữ đất ngăn lũ quanh mình, và phải trồng thêm thật nhiều cây mới.

Giờ đây ông và bố tôi đều đã khuất núi, tôi là người đàn ông trụ cột của gia đình, tới lượt mình lại vươn tay che đỡ cho đàn con thơ khi có thiên tai. Dưới mái nhà kiên cố, tôi nghĩ bão lớn không thể làm khó được mình, nhưng không biết làm sao cứ mỗi khi thời tiết có biểu hiện thay đổi, tự dưng tôi lại nhớ những ngày xưa, nhớ đàn cò trắng bay rợp trời, để thảng thốt dặn mình.

Nội dung: Lê Ngọc Sơn

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền