Sầm Sơn được hình thành trên một dải đất cổ, có hình thế đẹp “tựa núi – hướng biển” và được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc tươi đẹp, đặc biệt là một dải bờ biển dài thoai thoải, nước trong xanh. Bởi vậy, từ đầu thế kỷ XX, Sầm Sơn đã nổi tiếng là khu nghỉ dưỡng hàng đầu tại Đông Dương. Đồng thời, quá trình xây dựng và phát triển đô thị Sầm Sơn suốt hơn 1 thế kỷ, đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng, trong đó phải kể đến năm 1963, thị trấn Sầm Sơn được thành lập theo Quyết định số 50-CP, ngày 19-4-1963 của Hội đồng Bộ trưởng; là thị trấn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa bao gồm khu nghỉ mát Sầm Sơn và xã Quảng Sơn. Đến nay, trải qua 60 năm, từ thị trấn nhỏ với diện tích khoảng 7,5km2, dân số trên 5.000 người; Sầm Sơn ngày nay đã được mở rộng địa giới hành chính và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với 11 đơn vị hành chính cấp xã, dân số gần 110 nghìn người. Đặc biệt, diện mạo đô thị đã có bước đột phá mạnh mẽ để trở thành đô thị du lịch thông minh, giàu đẹp, thân thiện và hấp dẫn.

Item 1 of 4

Nhằm tạo tiền đề căn bản để Sầm Sơn phát triển, ngày 9-6-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị xã Sầm Sơn, nhằm đưa Sầm Sơn trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia và là thành phố đáng sống. Đây là cơ sở để tỉnh Thanh Hoá tập trung chỉ đạo, kêu gọi, thu hút đầu tư và ưu tiên vốn ngân sách cho đô thị du lịch. Đặc biệt, ngày 19-4-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện này một lần nữa đã cho thấy sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển hạ tầng đô thị; cũng đồng thời là dấu mốc quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Sầm Sơn, tạo môi trường để đô thị du lịch tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, xứng đáng với tầm vóc và những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền thành phố đã chú trọng nhận diện và khai thác hiệu quả, tiềm năng lợi thế, nhất là về du lịch; thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; mạnh dạn đề xuất, kiên trì theo sát, kiến nghị các vấn đề thực tiễn; tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Sầm Sơn đã tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, kiến tạo đô thị và hoàn thiện cơ sở vật chất du lịch. Trong đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, năng lực và quy mô sản xuất ngày càng lớn mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 17,8%; các ngành dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng; du lịch tiếp tục giữ vững vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố (tốc độ tăng bình quân ước đạt 17,4%; giá trị sản xuất ước đạt 35.412 tỷ đồng, gấp 3,01 lần giai đoạn 2011 – 2015). Riêng năm 2022, kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trong nhóm các huyện, thị, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả tỉnh; thu ngân sách Nhà nước vượt so với dự toán tỉnh giao. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) trên địa bàn ước đạt 32,2%; đón được 7,05 triệu lượt khách, phục vụ 14,4 triệu ngày khách, doanh thu ước đạt 14.134 tỷ đồng.

Đặc biệt, những năm gần đây, Sầm Sơn đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Để có được điều đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án. Kết quả, tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 20.640 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn ngày càng văn minh, hiện đại.Điển hình là nhiều dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành, như: Quốc lộ 47; đại lộ Nam Sông Mã giai đoạn l; đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (Tiểu dự án 4: Đoạn từ đại lộ Nam Sông Mã, Sầm Sơn đến Cầu Ghép, Quảng Xương); cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, (đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài)... Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính và được công nhận đô thị loại III - thành phố trực thuộc tỉnh.

Hành trình suốt 60 năm tạo dựng diện mạo đô thị văn minh, hiện đại của thành phố Sầm Sơn dựa trên nhiều nhân tố căn bản. Trong đó không thể không nhấn mạnh đến nhân tố quan trọng là thành phố thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vững đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, nhất là trong nội bộ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Đồng thời, sáng tạo, nhạy bén, kiên quyết trong triển khai tổ chức thực hiện; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và phân công cụ thể cho từng ngành, từng cấp... Đặc biệt, thành phố đã tạo sự đoàn kết, đồng thuận và phát huy ý chí, khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, Nhân dân vì sự phát triển của thành phố.

Đánh giá cao vai trò của Sầm Sơn đối với sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định mục tiêu: Xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả, bền vững tiềm năng, lợi thế của Thành phố; tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; kết nối có hiệu quả với các khu du lịch, danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của các địa phương trong tỉnh, trong nước…

Item 1 of 4

Cùng với đó, với phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Năng động - Phát triển”, thành phố đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18% trở lên. Riêng du lịch, đón được 34,65 triệu lượt khách, doanh thu đạt 59.485 tỷ đồng trở lên... Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, thành phố tập trung vào 3 chương trình trọng tâm, trong đó chú trọng đến Chương trình phát triển du lịch, trọng tâm là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch, xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn văn minh, thân thiện; Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và  xây dựng thành phố thông minh.

Sự định hướng trên là có cơ sở vững chắc khi mà Sầm Sơn đang là đầu tàu du lịch, “nam châm” thu hút du khách về với Thanh Hóa. Đặc biệt, sự thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại đã và đang thổi một “làn gió mới” vào sự phát triển của thành phố trẻ. Cũng nhờ sự thay đổi tích cực này mà trong vài năm gần đây, thành phố đã thu hút nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất du lịch như: Dự án FLC Sầm Sơn golf links và Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, với tổng điện tích khoảng 200 ha và tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đang thực hiện đầu tư dự án Quảng trường biển và Trục cảnh quan lễ hội (dự án BT) và một số dự án khác (với diện tích khoảng 310 ha) thuộc quy hoạch Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD... Đại dự án này hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy du lịch Sầm Sơn “cất cánh” và sánh bước cùng nhiều đô thị du lịch biển hàng đầu Việt Nam hiện nay.

Kỉ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn và khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2023 là dịp để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Sầm Sơn nhìn lại những thành tựu đã đạt được, nhận diện những khó khăn, thách thức và nắm bắt, chuyển hóa thời cơ, vận hội mới cho phát triển, trở thành đô thị du lịch biển có thương hiệu, có bản sắc riêng, với nhiều giá trị độc đáo, nổi trội. Mảnh đất và con người Sầm Sơn chào đón du khách bằng sự thân thiện, mến khách và nhiều dịch vụ chất lượng cao Để ròi, đến với Sầm Sơn du khách sẽ được hào mình vào cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng; được thả hồn vào không gian thơ mộng, linh thiêng của quần thể di tích quốc gia đặc biệt núi Trường Lệ.. Đặc biệt, đến với Sầm Sơn hè này, du khách sẽ được trải nghiệm chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như các mini show biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn xiếc, ảo thuật, diễu hành đường phố; giải quần vợt bãi biển, vật bãi biển, marathon, đua xe đạp… chắc chắn sẽ để lại cho du khách nhiều ấn tượng đẹp.

Với truyền thống của đô thị du lịch đã có hơn 1 thế kỷ khai thác và phát triển, nhất là những thành tựu đạt được trong 60 năm kiến tạo đô thị, tin tưởng rằng Sầm Sơn sẽ “thăng hoa và tỏa sáng”, bứt phá vươn lên để trở thành một trọng điểm du lịch quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

Item 1 of 4

Nội dung: Lê Dung

Ảnh: Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền