Năm 2012, Thanh Hóa chính thức tham gia vào bộ Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) - PAR INDEX nhưng nhiều năm liên tục đều xếp ở nhóm cuối của cả nước. Năm 2021, lần đầu tiên Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác, vươn lên xếp thứ 14 về Chỉ số PAR INDEX với 87,83 điểm (tăng 15 bậc so với năm 2020). Bước “nhảy vọt” ấn tượng về thứ hạng trong lần công bố này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong hành động của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Bộ tiêu chí Chỉ số PAR INDEX cấp tỉnh, thành phố được cấu trúc thành 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần đánh giá một cách toàn diện từ công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC cũng như các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước. Giai đoạn 2017-2019, Chỉ số PAR INDEX của Thanh Hóa luôn không ổn định và xếp ở nhóm cuối của cả nước khi đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2017), thứ 57 (năm 2018), thứ 43 (năm 2019). Điều này đã khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh phải trăn trở, tìm giải pháp thực thi thật sự hiệu quả để cải thiện vị trí xếp hạng của tỉnh trong “cuộc đua” cùng với cả nước.
Nhìn lại kết quả nhiều năm liên tục xếp ở nhóm cuối của cả nước, Thanh Hóa nhận thấy còn nhiều những “điểm nghẽn” chưa được khơi thông. Từ đó, cả hệ thống chính trị đã “nhìn thẳng vào sự thật” và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều mô hình, cách làm mới chưa có trong tiền lệ.
Với tư duy đổi mới, nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, Thanh Hóa lần đầu tiên đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS và PAPI vào Kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025. Điều này thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vì lợi ích của Nhân dân. Cũng trong năm 2021, Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) để “truyền lửa cải cách”, để các đơn vị “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với 3 trụ cột chính là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thanh Hóa cũng thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các ban, sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố, “buộc” các cơ quan công quyền phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt và xuyên suốt mới có thể giành thứ hạng cao. Công tác giám sát CCHC, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thường trực HĐND tỉnh cũng được thực hiện toàn diện, rộng khắp để nắm bắt kịp thời các vấn đề còn tồn tại và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo ra địa bàn toàn tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt các hội nghị thảo luận, phân tích, đánh giá các chỉ số SIPAS, PAR INDEX, PAPI, PCI cũng được tổ chức để bàn giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả nhất.
Xác định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng tiếp doanh nghiệp định kỳ mỗi tháng để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, TTHC, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC, đồng thời ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện CCHC 5 năm và hàng năm, nội dung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và cơ quan thực hiện.
Công tác chỉ đạo, điều hành được đặt lên hàng đầu - đó chính là “chìa khóa” để Thanh Hóa gỡ dần những “nút thắt” và mở cánh cửa thành công bằng những trái ngọt đầu mùa. Điều này được minh chứng khi năm 2020, Thanh Hóa vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác vươn lên xếp thứ 29 cả nước về Chỉ số PAR INDEX (tăng 14 bậc so với năm 2019). Đến năm 2021, Thanh Hóa tiếp tục bứt phá “nhảy vọt” trên bảng xếp hạng PAR INDEX với sự có mặt trong top 14 tỉnh dẫn đầu cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2020). Đáng phấn khởi, cả 8 lĩnh vực đánh giá năm 2021 của Thanh Hóa đều có sự cải thiện vượt bậc, trong đó công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 7,82 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,93 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 12,70 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đạt 9,23 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,49 điểm; cải cách tài chính công đạt 9,88 điểm; hiện đại hóa hành chính đạt 14,18 điểm; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt 13,61 điểm.
Kết quả xếp hạng các chỉ số cải cách năm 2021 là hiện thực sinh động cho khát vọng không ngừng vươn xa của Thanh Hóa trong hành trình cải cách, đổi mới. Dấu ấn nổi bật trong bộ Chỉ số PAR INDEX mà Thanh Hóa đạt được là cả 8 lĩnh vực đánh giá đều có sự cải thiện vượt bậc so với năm 2020. Đáng chú ý, lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vươn lên nhóm đầu cả nước, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; lĩnh vực hiện đại hóa hành chính xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố.
Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Hóa vươn lên xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố ở lĩnh vực hiện đại hóa hành chính. Thành quả này là cả một chặng đường dài không ngừng nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Để phục vụ cho việc xây dựng chính quyền điện tử theo đúng định hướng của Chính phủ, từ năm 2019 UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tham vấn các tổ chức, chuyên gia để được tư vấn, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh. Sau khi Chính phủ ban hành khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Thanh Hóa cũng đã sớm phê duyệt đề cương Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa phiên bản 2.0. Đóng vai trò trụ cột của chính quyền điện tử, việc hiện đại hóa hành chính được Thanh Hóa quan tâm đầu tư xây dựng. Theo đó, trục tích hợp liên thông văn bản LGSP của tỉnh đã kết nối, liên thông với hệ thống của quốc gia, phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chất lượng cao, với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh nằm trong top đầu của cả nước triển khai hiệu quả việc tạo lập văn bản trên môi trường điện tử và chữ ký số. Mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số có bước đột phá quan trọng khi cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Tỉnh đã cấp thiết bị ký số dạng E-token (ký số trên máy tính) cho 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã và hơn 150 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, cấp 1.100 chứng thư số cấp cho cá nhân; việc ký số trên thiết bị di động cũng đang tích cực được triển khai. Năm 2021, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 99% (trừ các văn bản mật theo quy định); 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Trong năm, toàn tỉnh đã trao đổi, xử lý trên hệ thống 1.988.791 lượt văn bản đến và 808.230 văn bản đi. Thanh Hóa cũng là tỉnh có hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến thuộc diện lớn nhất cả nước với 348 điểm cầu, góp phần triển khai nhiệm vụ nhanh chóng, tiết kiệm chi phí cho các cuộc họp và rất phù hợp trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Không dừng ở đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được đầu tư mạnh mẽ. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống “một cửa” điện tử tại 27/27 UBND cấp huyện và 559/559 UBND cấp xã, tạo thành một hệ thống hiện đại, đồng bộ, góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Thanh Hóa là 1 trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên của cả nước kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 2.079 TTHC, trong đó có 831 TTHC mức độ 3 và 4, phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC.
Thúc đẩy lộ trình ứng dụng công nghệ số, Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng Tòa nhà Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thanh Hóa để phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin cho các tổ chức, cá nhân và các hoạt động khác liên quan đến công nghệ thông tin. Tỉnh cũng khuyến khích và “trao quyền” cho mỗi người dân để trở thành những công dân điện tử, là hạt nhân quan trọng trong hệ thống chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Đặc biệt, UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thúc đẩy triển khai chính quyền số, xã hội số, kinh tế số giai đoạn 2021-2025..., tạo tiền đề để từ năm 2022 trở đi Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực bứt phá, đẩy nhanh lộ trình xây dựng chính quyền điện tử.
Cùng với hiện đại hóa hành chính, Thanh Hóa vui mừng khi đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố ở lĩnh vực tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, dù không nằm ngoài vòng xoáy do những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi là điểm sáng của cả nước trong thực hiện “mục tiêu kép”. Tỉnh đã đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển nền kinh tế. Bằng sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng và đồng bộ, Thanh Hóa đã có sự “bứt tốc” tăng trưởng để ghi dấu ấn đậm nét lên bức tranh phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bằng những “kỷ lục” có ý nghĩa lớn lao. Minh chứng rõ nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, đưa Thanh Hóa đứng vào nhóm những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 39.600 tỷ đồng, vượt 49,1% so với dự toán; giải ngân vốn đầu tư công đạt 91% kế hoạch, cao hơn 5,2% so với cùng kỳ và thuộc nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân cao cả nước; thành lập mới ước đạt 3.729 doanh nghiệp, đứng thứ 4 cả nước...
Đặc biệt, năm 2021 tiếp tục chứng tỏ sức hút của Thanh Hóa - điểm đến đầy tiềm năng, độ tin cậy cao, an toàn và hấp dẫn các nhà đầu tư. “Làn sóng” nghìn tỷ, mà nổi bật với những dự án “khủng” như Quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Tân Dân có tổng mức đầu tư 3.662 tỷ đồng; Flamingo Hải Tiến có tổng mức đầu tư 3.350 tỷ đồng... đã cho thấy thành công của Thanh Hóa trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Những con số “biết nói” về thành tựu tăng trưởng đã phản ánh sinh động và đầy thuyết phục những sắc thái tươi mới trên bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời, cũng là minh chứng về một Thanh Hóa đổi mới trong định hướng, tư duy, tầm nhìn phát triển.
Bước tiến mới về Chỉ số PAR INDEX mà Thanh Hóa đạt được là rất vui mừng, phấn khởi, song kết quả đó vẫn chưa được như kỳ vọng. Quyết tâm về một hành trình không có điểm dừng và phải vươn tới đích đến cao hơn được thể hiện rất rõ nét khi Thanh Hóa mạnh dạn đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS và PAPI vào Kế hoạch hành động thực hiện “Khâu đột phá đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn” giai đoạn 2021-2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh xác định đổi mới, cải cách là việc làm lâu dài và dư địa cải cách của tỉnh còn rất lớn, không gian cải cách còn rộng mở nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục được ưu tiên đặt lên hàng đầu, xem đây là yếu tố quyết định sự thành bại của công cuộc cải cách. Việc thực hiện nhiệm vụ CCHC sẽ tiếp tục được triển khai đồng bộ và toàn diện theo hướng sâu sát, cụ thể, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ thời gian hoàn thành và rõ hiệu quả”, đồng thời chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền vừa quản lý vừa phục vụ, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ.
Cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng “4 tăng, 2 giảm, 3 không”. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết TTHC đối với một số lĩnh vực để tạo thuận tiện, nhanh chóng nhất cho tổ chức, công dân. Các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; kiến nghị bãi bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp và đơn giản tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục; niêm yết đầy đủ, công khai tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền để người dân, doanh nghiệp tiện tra cứu. Việc giao, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích đến địa chỉ người nhận được đẩy mạnh thực hiện, đảm bảo đúng hạn, không thất lạc, không mất hồ sơ. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến độ 3 và 4 cũng được khuyến khích, tạo sự công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC. Đặc biệt, để đánh giá một cách khách quan nhất chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, các sở, ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đa dạng nhiều cách thức như phát phiếu khảo sát để tổ chức, công dân đánh giá mức độ hài lòng qua hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, qua địa chỉ Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa (pakn.dichvucong.gov.vn), hệ thống phản hồi (http://phanhoi.thanhhoa.gov.vn)...
Để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, sau khi giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và sắp xếp, tổ chức lại tổ chức và số lượng cấp phó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, bảo đảm sự thống nhất trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Cùng với đó, Thanh Hóa đang triển khai kế hoạch sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa cho phù hợp với xu thế phát triển mới.
Con người là một trong những khâu then chốt quyết định sự phát triển và đổi mới, vì thế Thanh Hóa đã soi rõ 8 lĩnh vực đánh giá của bộ Chỉ số PAR INDEX quốc gia hàng năm và nhận ra rằng việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ con người. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tạo môi trường tốt nhất để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, rèn luyện, được cống hiến; đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính để mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực sự liêm chính, tận tụy phục vụ Nhân dân. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng đồng bộ để hiện đại hóa nền hành chính, tạo bước đột phá mới trong thời gian tới.
Trước đó, Thanh Hóa đã ghi dấu ấn vô cùng đậm nét khi vươn lên xếp thứ 3 cả nước về Chỉ số PAPI. Đây là động lực để Thanh Hóa quyết tâm chinh phục mục tiêu nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về Chỉ số PAR INDER. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hóa và các tổ chức, công dân trong tỉnh kỳ vọng cấp ủy, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục có nhiều cải biến sâu sắc, đưa CCHC trở thành “đòn bẩy”, là “chìa khóa” để mở cánh cửa thu hút đầu tư, đưa Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, cùng với Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển.
Ngày xuất bản: 02/6/2022
Tổ chức thực hiện: Tuấn Hoàng
Nội dung: Thu Vui
Ảnh: Tố Phương, TL
Đồ họa và trình bày: Mai Huyền