[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Xứ Thanh - Vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng tinh hoa văn hóa ngàn năm. Có lẽ bởi vậy mà mỗi ngọn núi, dòng sông, cây cầu… đâu đâu cũng thấy ẩn chứa nhiều câu chuyện hấp dẫn, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất và người nơi đây.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Nhắc đến cầu Hàm Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) thường gợi nhớ đến những ngày quân và dân Hàm Rồng – Thanh Hóa anh dũng chiến đấu với không quân Mỹ. Tên gọi Hàm Rồng đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng của cả nước. Tuy nhiên, mấy ai biết được rằng, cây cầu lịch sử ấy còn được đặt tên theo ngày sinh của Bác: Cầu 19 tháng 5. Nhà văn Lê Xuân Giang – “người viết sử Hàm Rồng”, “lính C4” trực tiếp tham gia chiến đấu trong những ngày Hàm Rồng bị đánh phá ác liệt nhất đã kể lại câu chuyện xoay quanh tên gọi khác của cầu Hàm Rồng - Cầu 19 tháng 5 trong tập ký và ghi chép “Tường trình của một người lính” hết sức thiêng liêng, cảm động. Bởi lẽ, trong câu chuyện, từng giai đoạn lịch sử của cây cầu đều gắn liền với những kỉ niệm về Bác Hồ - người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Trước khi có cây cầu như bây giờ, ở Hàm Rồng lúc đó đã có một chiếc cầu vòm, do thực dân Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cầu bị phá hủy. Năm 1960, khi miền Bắc bước vào thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cầu mới được xây dựng. Mặc dù thời điểm cầu mới được xây dựng, cán bộ, kỹ sư, công nhân xây cầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, toàn đội dốc sức làm không kể ngày đêm nên việc xây cầu hoàn thành trước kế hoạch một năm. Cầu được khánh thành vào ngày 19-5-1964, dịp kỷ niệm lần thứ 74 ngày sinh của Bác. Từ đó, cầu mang tên: Cầu 19 tháng 5.

Khánh thành chưa trọn một năm thì ngày 3 và 4-4-1965, giặc Mỹ điên cuồng ném bom Hàm Rồng. Quân và dân Hàm Rồng – Thanh Hóa anh dũng chiến đấu, lập được nhiều công lớn, được Bác gửi thư khen ngợi. Nhiều tấm gương chiến đấu tiêu biểu đã vinh dự được diện kiến, trò chuyện cùng Bác như: đồng chí Nguyễn Thị Hằng, anh hùng Ngô Thị Tuyển, Chiến sĩ Quyết thắng Lê Xuân Thanh…

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với cuộc chiến đấu ở Hàm Rồng trở thành niềm vui, vinh dự, tự hào và động lực thôi thúc khắp các trận địa pháo ở Hàm Rồng. Sâu trong trái tim mỗi người lính khi đó, tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn. Nó tạo nên niềm tin để quân và dân Hàm Rồng – Thanh Hóa vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu bảo vệ cầu. Chẳng biết tự bao giờ, quân và dân Hàm Rồng – Thanh Hóa luôn khắc ghi tâm niệm: Phải bảo vệ cầu Hàm Rồng bằng tất cả sinh mạng đề ngày thống nhất đón Bác đi qua nơi này vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt.

Tâm niệm ấy đã trở thành khẩu hiệu được viết trên các hầm pháo. Ngay trong giờ phút hiểm nguy, ngặt nghèo nhất, mặc cho “máu chảy tràn trên mâm pháo”, tại hầm Khẩu đội 5 vẫn bật lên lời thề: “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục. Khi được nghe báo cáo về việc quân và dân Hàm Rồng đã bắn rơi 99 máy bay của giặc Mỹ, Bác khen ngợi rồi giơ một ngón tay lên nói: “Chỉ còn một chiếc nữa là 100. Khi nào bắn rơi chiếc thứ 100 thì báo cho Bác biết để Bác vào thăm”. Tiếc rằng, quân và dân Hàm Rồng chưa thực hiện được điều đó thì Bác đã đi xa.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Chiến tranh đã đi qua, mảnh đất Hàm Rồng hôm nay đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, tên gọi cầu Hàm Rồng hay cầu 19 tháng 5 vẫn in đậm như chứng nhân một thời liệt oanh; nhắc nhớ về hình ảnh vị cha già kính yêu của dân tộc.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Cầu Đò Lèn như dải lụa nằm vắt ngang mặt sông Lèn - một nhánh của hạ lưu sông Mã chảy qua địa phận hai huyện: Hà Trung và Hậu Lộc trước khi đổ ra biển Đông. Cầu được xây dựng từ năm 1901 – 1905, là huyết mạch giao thông quan trọng trên Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc – Nam. Chính vì vậy, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cùng với cầu Hàm Rồng, bến phà Ghép, cầu Đò Lèn trở thành địa điểm bắn phá rất ác liệt của không quân Mỹ hòng cắt đứt con đường tiếp tế và phân tán lực lượng của quân và dân ta. Xác định được tình hình, sau khi nhận được mệnh lệnh của cấp trên, Huyện ủy Hà Trung và Hậu Lộc đã tổ chức cho bộ đội địa phương và dân quân tự vệ quanh khu vực cầu Đò Lèn chuẩn bị tốt các điều kiện nhân lực, vật lực sẵn sàng chiến đấu.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Sáng ngày 3-4-1965, trận đánh đầu tiên của không lực Mỹ ác liệt diễn ra trên khu vực cầu Đò Lèn. Từng tốp máy bay xuất hiện từ phía biển; âm thanh gào rú tưởng như xé nát bầu trời. Rồi tất cả cùng đổ nhào ném bom, đánh phá dữ dội khu vực cầu Đò Lèn. Tại trận địa của quân và dân các xã: Hà Phong, Hà Ngọc, Hà Lâm (huyện Hà Trung), hai xã: Đồng Lộc, Đại Lộc (huyện Hậu Lộc), tự vệ các cơ quan đóng quanh khu vực và ga Đò Lèn đã nhanh chóng hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội pháo cao xạ cùng bội đội chủ lực chiến đấu dũng cảm với không lực Mỹ. Ngay từ trận đầu thử lửa, “uy danh của không lực Hoa Kỳ” gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta nên buộc phải rút lui. Trong trận đánh này, một chiếc phản lực của địch đã bị bắn hạ.

Khoảng 20 phút sau, trận đánh thứ hai tại khu vực cầu Đò Lèn lại tiếp tục diễn ra. Một lần nữa, “bầy quạ sắt” của không quân Mỹ lại ngông cuồng gào thét trên bầu trời, điên cuồng trút bom. Như được tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn từ trận đánh đầu tiên, sự hiệp đồng của pháo phòng không tầm cao, súng bộ binh tầm thấp và những cánh “én bạc” của lực lượng không quân Việt Nam lại tạo nên phòng tuyến vững vàng, mạnh mẽ, giáng đòn tấn công nặng nề vào quân địch.

Ngày 4-4-1965, địch hung hăng huy động tới hàng trăm lượt máy bay hiện đại nhất lúc bấy giờ, chia thành từng tốp điên cuồng trút bom xuống Hàm Rồng, Đò Lèn và các vùng phụ cận nhằm cô lập, cắt đứt tuyến giao thông quan trọng Bắc – Nam, phân tán lực lượng, gây thiệt hại về người và của cho ta. Một lần nữa, từ khắp các trận địa, khẩu lệnh “Bắn!” của người chỉ huy vẫn vang lên đanh thép. Các chiến sỹ pháo thủ trên mâm pháo hiên ngang ngẩng cao đầu, bám chặt mục tiêu, kiên cường chiến đấu, tiêu diệt quân địch.

Những mất mát, hy sinh đã hòa cùng niềm vui thắng trận. Trong mưa bom, bão đạn, cầu Đò Lèn vẫn trụ vững, vẫn hân hoan đón trên mình những đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Nhiều năm sau đó, khi đã bước ra khỏi cuộc chiến, cầu Đò Lèn vẫn được nhắc mãi trong những trang sử hào hùng của dân tộc, trở thành niềm tự hào của đất và người Hà Trung nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đi suốt dặm dài lịch sử, chứng kiến nhiều đổi thay của mảnh đất nơi đây, năm tháng kháng chiến gian lao, vất vả mà cũng thật oanh liệt, hào hùng ấy lắng đọng trong tâm hồn người thi sĩ, thôi thúc dòng cảm xúc dâng trào mãnh liệt, bật nên thành tiếng thơ lay động trái tim bao thế hệ độc giả:

Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại

Dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi

Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!”

(Đò Lèn – Nguyễn Duy)

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Cầu Nguyệt Viên là một trong những hạng mục quan trọng nằm trong gói thầu 7.2 thuộc Tiểu dự án 2: Đoạn cải tuyến QL1A từ cầu Ba Gian – Nút giao tuyến tránh Tp. Thanh Hóa và Đại lộ Lê Lợi thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Dốc Xây – Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cầu bắc qua sông Mã, có tổng chiều dài 1045, 4m, rộng 20,5m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với 22 nhịp: 3 nhịp dầm liên tục đúc hẫng cân bằng trên các trụ từ P9 đến P12 và 19 nhịp dầm giản đơn SuperT dài 33 và 38. Cùng với cầu Nguyệt Viên, dự án còn bao gồm cầu vượt nút giao Quốc lộ 1 và đường sắt với chiều dài 326m; cầu sông Tào qua sông Lạch Trường chiều dài 537m.

Cầu Nguyệt Viên là cây cầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho đến nay. Cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tai nạn và ùn tắc giao thông của quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Những thông số kỹ thuật hay những hoạch định, kỳ vọng mang tầm vĩ mô ấy, nói ra đây, đơn thuần chỉ như là đang khái quát lại “tiểu sử” của một cây cầu mới được xây dựng, cho bớt đi phần nào sự bỡ ngỡ của nhiều người. Chẳng thân quen lắm đâu nhưng ai đã một lần nghe đến hẳn sẽ ấn tượng nhiều với tên gọi của cây cầu này: Cầu Nguyệt Viên. Một cách nôm na, “nguyệt viên” có nghĩa là trăng tròn – hình ảnh đẹp, gợi lên cảm giác viên mãn, thanh tân, yên bình. Nó cũng giống như cái cách mà cây cầu này sống đời bên dòng sông Mã, bên xóm làng, đồng ruộng và những con người chất phác, hiền hậu của quê hương.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Tên cầu còn đặc biệt có ý nghĩa khi nó được đặt theo tên của ngôi làng yên bình nép mình dưới chân cầu: làng Nguyệt Viên. Sử liệu về Hoằng Hoá ghi lại: “Trước kia khi văn minh sông nước còn thịnh thì Nguyệt Viên là bến đỗ của các thương thuyền. Bến Nguyệt Viên nhộn nhịp, trên bến, dưới thuyền, trăm người bán, vạn người mua. Các quan tổng, quan phủ cũng thường đến đây nghe hát và tiêu dao thơ phú nơi sông nước hữu tình”.

Cùng với làng Cổ Bôn (Đông Sơn), xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), từ xa xưa, làng Nguyệt Viên được biết đến là nơi chú trọng việc học, có nhiều người thi cử đỗ đạt, lập nên công danh sự nghiệp nên thường được gắn với danh xưng: “Làng khoa bảng”, “Làng đại khoa”. Trong nhiều người con của xã Hoằng Quang (Tp Thanh Hóa) đỗ đạt khoa cử thì làng Nguyệt Viên có tới 11 người được ghi danh ở Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội). Người đỗ khoa bảng cuối cùng của làng là ông Lê Viết Tạo, làm quan dưới triều Nguyễn. Vì lẽ đó, dân gian lưu truyền câu ca ca ngợi:

“Nguyệt Viên mười tám ông nghè

Ông cỡi ngựa tía, ông che tán vàng”.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

Tự hào về truyền thống khoa cử của làng, tiếp bước cha ông, thế hệ cháu con hôm nay luôn nỗ lực phấu đấu, cố gắng rèn luyện, học tập, cống hiến sức mình trên con đường xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Và có lẽ, trong tâm thức của mỗi người nơi đây, dẫu bước chân có in hình vạn dặm, vẫn khôn nguôi ngóng trông về bóng dáng cây cầu lặng lẽ soi bóng bên dòng sông Mã, gắn với tên gọi thân thương của làng.

Đâu chỉ có cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn vẻ vang lịch sử, cầu Hoàng Long, cầu Nguyệt Viên khoe nét đẹp trẻ trung, hiện đại bên dòng sông Mã... Đi khắp những nẻo đường quê Thanh, chuyện về những cây cầu biết nói sao cho hết. Chuyện lịch sử, chuyện văn hóa, chuyện kinh tế, kỹ thuật… Cả chuyện xưa, chuyện nay, chuyện tương lai nữa… Duy chỉ có một điều chung nhất trong những câu chuyện ấy: Đó là những cây cầu này đã, đang và sẽ cùng nhau góp sức vào công cuộc dựng xây và phát triển của mảnh đất xứ Thanh này.

[E-Magazine] - Chuyện về những cây cầu trong lòng xứ Thanh

(Bài viết có sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: Di tích Lịch sử cách mạng tỉnh Thanh Hóa; Tường trình của một người lính – Lê Xuân Giang)

Nội Dung: Hương Thảo

Ảnh: Phạm Nam & CTV

Trình Bày: Nam Nam

Xuất bản: 0:05:04:2020:10:01

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM