E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Tháng Ba về trong những ngày gió khẽ trở mình, mang theo chút ẩm ướt xuân thì của cơn mưa phùn giăng mắc. Lặng lẽ đứng nép mình nơi góc ban công, ngước nhìn nền trời xám bạc, lạ thay khi thấy lòng mình đang vẽ nên khung cảnh tháng ba tươi tắn, rực rỡ, ăm ắp yêu thương bằng sắc màu cỏ cây, hoa, lá. Ai đó đã từng nói rằng: Mọi sự vật tồn tại trên thế giới khách quan này đều có đời sống, linh hồn của riêng nó. Hay chính con người, vì những kí ức còn vấn vương mà thổi hồn vào từng dáng hình cỏ cây, hoa lá.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

E-Magazine: Sắc màu tháng BaVí như cái cách hoa bưởi vẫn thường được xướng tên mỗi độ tháng ba về. Ngỡ rằng, cánh hoa nhỏ nhắn, trắng muốt xếp xen kẽ những chiếc gai nhọn sẽ không đủ sức thu hút giữa cuộc sống bon chen, dòng đời hối hả. Ấy vậy mà, chẳng biết vì duyên cớ gì, loài hoa bé nhỏ ấy lại trở thành mạch nguồn cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật. Biết bao thế hệ văn nghệ sĩ vì hương sắc loài hoa ấy mà “nghiêng ngả” tâm hồn, dâng trào xúc cảm.

Phải chăng đó cũng chính là duyên cớ tốt lành để bài thơ “Hương Thầm” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn ra đời và có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng. “Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ/Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa” – “Cây bưởi sau nhà” đã trở thành chứng nhân cho tình yêu chớm nở đầu đời của đôi bạn trẻ. Đời người ai chẳng được một lần trải qua cung bậc cảm xúc của mối tình đầu. Nó trong trẻo, hồn nhiên, tràn đầy sức sống tựa như màu hoa bưởi khoe sắc trên cành. Sau khi đã lặng lẽ như một chứng nhân, hoa bưởi bẽn lẽn trở thành tín vật trao tay: “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Bên ấy có người ngày mai đi xa”.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Uớp tình yêu trong hương bưởi nồng nàn, cô gái đâu biết rằng, anh vô tâm chẳng biết; chỉ có cô gái vẫn ôm trái tim yêu cháy bỏng mà dõi theo: “Và theo từng hơi thở của anh/Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực/Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp/Họ chia tay, vẫn chẳng nói điều chi/Mà hương thầm theo mãi bước người đi”.

Bước ra khỏi ngôn ngữ thơ, hoa bưởi hiện diện trong cuộc sống thường ngày một cách khiêm nhường, giản dị. Hoa tươi cười đùa giỡn với bướm ong. Hoa quyện vào hương bồ kết, hương nhu, lá xả cho các bà, các mẹ gội đầu. Hoa lấm tấm rơi rụng nơi góc sân, góc vườn mặc ai hay ai biết. Rồi một ngày hoa dịu dàng xuống phố, trở thành vật ngã giá trong những cuộc bán – mua, lòng người mới giật mình thảng thốt, nhớ thương da diết miền kí ức đã xa.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

E-Magazine: Sắc màu tháng BaNếu hoa bưởi thanh thiết, tinh khôi trong sắc trắng thì hoa gạo lại điểm xuyết vào bức tranh sắc màu tháng ba màu đỏ thắm. Hoa gạo hay còn gọi bằng những cái tên mĩ miều khác như: Pơ lang, Mộc miên… là loài cây quen thuộc trong kí ức của người dân đất Việt. Từ vùng đồng bằng cho đến miền núi, dẫu khác nhau về cách gọi thì vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của hoa gạo vẫn luôn là điều bất biến. Không giống như bề ngoài thô ráp, xù xì của thân cây; ẩn sâu trong màu hoa rực rỡ là cả câu chuyện tình yêu đáng trân trọng.

Chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Theo cây nêu, chàng trai leo lên đến trời để thay người dân dưới hạ giới bày tỏ nỗi vất vả, khổ cực. Thấy được tấm lòng của chàng trai, Ngọc Hoàng giữ chàng trai ở lại thiên giới làm thần mưa. Không thể trái lệnh Ngọc Hoàng, chàng trai đêm ngày nhớ nhung người yêu, nước mắt rơi như mưa. Cô gái dưới trần cũng ngày đêm vò võ đợi chờ, mộng mị trong những giấc mơ. Một ngày tháng ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa gạo.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Loài hoa với 5 cánh lớn, dày xếp lại, mỗi khi hoa bung nở khiến người xem ngỡ ngàng như được chiêm ngưỡng những đốm lửa đang thắp lên, bừng cháy trên nền trời tháng ba, nhắc nhớ về mối tình thủy chung, son sắt.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Với nhiều thế hệ bạn đọc yêu thơ trên khắp cả nước nói chung, xứ Thanh nói riêng, tháng ba về trong nỗi nhớ đến nao lòng một màu hoa sim tím biếc. Dẫu biết rằng, loài hoa sim không trổ bông vào tháng ba ẩm ướt này. Nhưng tôi đâu có nhắc đến loài hoa sim với góc độ sinh vật học. Tháng ba nhắc nhớ đến “màu tím hoa sim” với tư cách là bài thơ tình nổi tiếng; khúc tình ca bi thương của một hồn thơ mà số phận trớ trêu buộc ông phải trải qua nhiều mất mát. Tháng ba này, xin trân trọng tưởng nhớ về ông – Hữu Loan – cha đẻ của “màu tím hoa sim” đã khiến cho biết bao nhiêu thế hệ bạn đọc phải rơi lệ.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

“Nàng có ba người anh đi bộ đội/Những em nàng/Có em chưa biết nói/Khi tóc nàng xanh xanh/ Tôi người Vệ quốc quân/xa gia đình/Yêu nàng như tình yêu em gái”. Lời thơ chính là lời mở đầu cho câu chuyện tình yêu của nhà thơ. Nó mộc mạc, tự nhiên như cái ngày đầu tiên chàng tú tài Hữu Loan “khoác áo gia sư” lên Thanh Hóa dạy học cho đứa con gái mới 8 tuổi của gia đình ông bà tham Kỳ - cũng là người vợ thủy chung, vẹn nghĩa vẹn tình của ông sau này.

Những ấn tượng khi ấy được nhà thơ giãi bày qua từng dòng hồi ký: “Bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi – mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ”Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh”. Những ngày sau đó, màu tím của những đồi hoa sim đã trở thành chứng nhân cho tình yêu của hai người. Sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với nhà thơ chẳng lạ lẫm gì nhưng vì một lẽ nào đó, khi “người em gái” bé bỏng, ngây ngô chăm chút đưa ông nếm thử từng trái sim chín mọng lại cảm thấy nó ngọt ngào, hạnh phúc đến lạ. Màu hoa sim nhuộm tím biếc kỉ niệm: “Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì… tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo”.

Ngày Hữu Loan lên đường theo kháng chiến, “bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim” của “người em gái nhỏ” vấn vương, lưu luyến vẫy chào. Bóng hình em cùng buổi chiều tím biếc màu hoa sim vẫn theo nhà thơ suốt dặm dài chinh chiến. Sau 9 năm xa cách, nhà thơ trở về tìm gặp lại người em gái nay đã là cô thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp, tràn đầy sức sống. Họ “hợp hôn” trong niềm hạnh phúc vỡ òa và sự chúc phúc của gia đình, bạn bè. Cảm thông với gia cảnh nghèo khó của nhà thơ nên mặc dù nhà thơ “bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: “yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. Đó cũng là nỗi niềm day dứt suốt đời của nhà thơ mỗi khi nhớ thương về người vợ của mình: “Ngày hợp hôn/Nàng không đòi may áo mới/Tôi mặc đồ quân nhân/đôi giày đinh/bết bùn đất hành quân/Nàng cười xinh xinh/bên anh chồng độc đáo”.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Ngay từ khi chia tay người vợ trẻ, bước chân Hữu Loan đã nặng nỗi niềm trăn trở xen chút lo âu - dự cảm không lành của người lính viễn chinh: “Lấy chồng thời chiến binh/Mấy người đi trở lại/Nhỡ khi mình không về/thì thương/người vợ chờ/bé bỏng chiều quê…”. Nhưng chính nhà thơ cũng không thể ngờ rằng, tạo hóa xoay vần, trớ trêu, nhẫn tâm đã cướp mất đi người vợ hiền lương, nết na của ông một cách phũ phàng đến thế.

Xuyên suốt cả bài thơ, Hữu Loan không trực tiếp nói đến nỗi đau mà ông phải chịu đựng nhưng từng hình ảnh, ngôn ngữ thơ cứ thế gieo vào lòng người cảm nhận sâu sắc về sự bi thương: “Tôi về/không gặp nàng/Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/Chiếc bình hoa ngày cưới/thành bình hương/tàn lạnh vây quanh”. Hình ảnh chiếc bình hoa ngày cưới cùng với sắc tím của những đồi hoa sim vốn là biểu tượng của tình yêu, niềm hạnh phúc. Để rồi giờ đây, tất cả như vệt nước mắt loang dài trong cơn mê sảng, đau đớn thét gào tự sâu thẳm hồn thơ: “Màu tím hoa sim/tím chiều hoang biền biệt/Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa/Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu/Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau/Chiều hoang tím có chiều hoang biết/Chiều hoang tím tím thêm màu da diết/Nhìn áo rách vai/Tôi hát trong màu hoa/Áo anh sứt chỉ đường tà/Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu.../Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm/Tím tình ơi lệ ứa”.

Đau khổ, nhọc nhằn sống trong “cõi tạm”, nhà thơ Hữu Loan – “cây gỗ vuông chành chạnh”, “ông Từ Thức Nga Sơn” đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ trong một ngày của tháng ba cách đây 10 năm có lẻ. Ông đành lòng “nhắm mắt xuôi tay” khi những đồi hoa sim vẫn chưa kịp nở. Nhưng rồi cứ thế, những cánh hoa sim tím vẫn cứ nở trái mùa, ám ảnh, day dứt khôn nguôi trong lòng độc giả yêu thơ mọi thế hệ, mỗi độ tháng ba về.

E-Magazine: Sắc màu tháng Ba

Đâu chỉ có hoa bưởi trắng tinh khôi, nồng nàn kí ức, hoa gạo - Thắp lửa tình yêu; Màu tím hoa sim thắm mãi; tháng ba được vẽ nên bởi nhiều sắc màu khác nữa. Nào hoa móng rồng vàng thơm, hoa xoan tím ngát, muồng hoàng yến vàng lộng lẫy… Tất cả như hòa quyện vào nhau, làm nên bức tranh thiên nhiên đa sắc. Và quan trọng hơn tất thảy, lắng đọng trong từng sắc màu này là thăm thẳm chiều sâu của tâm hồn, kí ức…

Nội Dung: Hương Thảo

Ảnh: Phạm Nam

Đồ Họa: Nam Nam

Xuất bản: 0:22:03:2020:10:09

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM