E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

“Đường dài tương lai quê hương đang gọi mời. Tuổi trẻ hôm nay chung tay xây ngày mới. Dù lên rừng hay xuống biển. Vượt bão giông vượt gian khổ. Tuổi trẻ kề vai, vững vàng chân bước bạn ơi. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta. Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. (Khát vọng tuổi trẻ)

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Tôi chẳng nhớ, suốt thời thanh xuân đã qua, tôi cùng những người đồng đội của mình đã bao lần hát vang câu ca này trên khắp các nẻo đường tình nguyện. Đối với ai đó, có thể, câu hát này chỉ đơn thuần là những nốt nhạc vui nhộn được nhạc sĩ dụng công xếp vào từng khuông nhạc. Nhưng với bất kì ai đã từng trải qua hồi ức thanh xuân tuyệt đẹp của những ngày tình nguyện “mùa hè xanh”, “tiếp sức mùa thi” và muôn vàn dự án vì cộng đồng khác, bài hát này là đại diện cho lý tưởng, nhiệt huyết trong tim. Đó là lý do vì sao, trước khi bắt đầu câu chuyện với chàng kỹ sư trẻ Lê Đình Oanh (29 tuổi), Bí thư Đoàn thanh niên Công ty Cổ phần cơ khí ô tô 19 – 5, tôi thấy lòng mình như đang rộn vang giai điệu của bài hát này.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Quen biết nhau từ những ngày cùng hoạt động trong Ban liên lạc (BLL) sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội, bẵng đi một thời gian dài không gặp, nay có dịp ngồi lại bên nhau để nói về cơ duyên đã đưa chúng ta đến với các hoạt động tình nguyện, hẳn sẽ thấy thú vị lắm nhỉ?

Quả thực, truyền thống gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi bước phát triển trong cuộc đời tôi, kể cả cơ duyên mang tôi đến với tình nguyện cũng vậy. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học, hai anh trai chính là người đã dìu dắt tôi tham gia các hoạt động tình nguyện. Sau những bỡ ngỡ, e dè ban đầu; khi đã hòa mình với phong trào thì cảm thấy yêu thích, hứng khởi rồi chính sự hứng khởi ấy khiến mình dấn thân nhiều hơn. Chẳng biết từ bao giờ, hoạt động tình nguyện trở thành niềm đam mê cháy bỏng, đeo đuổi đến ngày hôm nay và có lẽ mãi về sau nữa. Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã gắn bó với hoạt động đoàn được hơn 11 năm rồi nhưng vẫn thấy yêu mến, quyến luyến lắm. Nhiều người bảo: “Mày không lo lấy vợ đi, hoạt động tình nguyện vậy xem chừng cũng đủ rồi”. Nhưng với tôi, những cống hiến ấy chưa bao giờ là đủ. Trái tim tôi chia làm hai ngăn. Một cho những người yêu thương; hai là cho tất cả mọi người.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, hành trình hoạt động tình nguyện của anh đã phát triển như thế nào?

Giai đoạn phát triển ấy có một phần chứng kiến của bạn đấy thôi (Lê Đình Oanh lém lỉnh trả lời-PV). Cũng giống như tất cả các bạn, những năm đầu tiên, tôi tham gia hoạt động đoàn với tư cách là tình nguyện viên. Ngày ấy, tôi là tình nguyện viên của Đoàn sinh viên tình nguyện Hàm Rồng. Qua quá trình hoạt động, tích lũy kinh nghiệm, tôi chứng tỏ được năng lực của mình nên nhận được sự tín nhiệm, các tình nguyện viên trong đoàn bầu tôi làm Phó Đoàn sinh viên tình nguyện Hàm Rồng. Khi tổ chức cho Đoàn sinh viên tình nguyện Hàm Rồng tham gia các hoạt động của BLL sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội, bằng tất cả nhiệt huyết, sôi nổi, trách nhiệm, tôi tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Ban.

Sau ngần ấy năm gắn bó, ngày tốt nghiệp đại học, nhận tấm bằng “loại ưu” của Trường Đại học Giao thông Vân tải Hà Nội, tôi quyết định trở về quê hương với ước mong được cống hiến sức mình cho mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng mình lớn khôn. Thực ra, ngay từ khi bước chân lên “thủ đô” đi học, tôi đã kiên định với suy nghĩ đó rồi. Có lẽ “tấm lòng cảm động trời xanh” hay sao, tôi thuận lợi xin được việc làm đúng chuyên ngành học tại Công ty Cổ phần Cơ khí ô tô 19-5. Với những kinh nghiệm và thành tích hoạt động đoàn cùng vinh dự được kết nạp Đảng từ ngày còn là sinh viên đã trở thành bước đệm giúp tôi “ghi điểm”, thuyết phục được Chi bộ và Ban Giám đốc tin tưởng, cất nhắc vào vị trí Bí thư Đoàn thanh niên của Công ty chỉ sau 5 tháng kể từ ngày nhận quyết định tuyển dụng. Tại đây, ngoài những hoạt động đoàn gắn liền hoạt động chuyên môn, tôi vẫn đam mê hoạt động tình nguyện nên đã chủ động kết nối với những người cùng chung chí hướng, tích cực tổ chức, xây dựng các chương trình, dự án vì mục tiêu phát triển cộng đồng.

Như bạn thấy đấy, cả thanh xuân của tôi là màu áo xanh tình nguyện. Bây giờ, qua thời thanh xuân rồi đó, vị trí của “mối tình” ấy vẫn không hề thay đổi (tủm tỉm cười).

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Qủa nhiên, đúng như người ta vẫn thường nói: “Mối tình thời thanh xuân luôn là mối tình sâu đậm, nhiều khi khiến lòng ta vương vấn suốt một đời”. Vậy thì cũng giống như các giai đoạn phát triển của tình yêu sẽ có lúc thăng, lúc trầm; lúc rạo rực, tha thiết lúc lắng đọng, trầm tư; trên suốt hành trình phát triển của anh cùng các hoạt động tình nguyện ấy, đâu là những “dấu mốc” thể hiện sự cao trào, tiêu biểu cho từng giai đoạn?

Để mà phân định rạch ròi các dấu mốc ấy, thì có lẽ tôi sẽ chia hành trình phát triển cùng các hoạt động tình nguyện của mình thành 3 giai đoạn

Đầu tiên là quãng thời gian hoạt động trong BLL sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội. Như các bạn đã biết, đây là một tổ chức tình nguyện kết nối các thế hệ sinh viên Thanh Hóa tại Hà Nội nhằm giúp đỡ nhau học tập cũng như trong cuộc sống. Quan trọng hơn nữa, từ “mái nhà chung” này, các thành viên cùng chung sức đồng lòng tổ chức các hoạt động tình nguyện thiết thực, ý nghĩa hướng về quê hương như: Đông ấm xứ Thanh, Tiếp sức mùa thi, Tư vấn hướng nghiệp, Mùa hè xanh, Âm vang xứ Thanh… Với vai trò “thủ lĩnh”, trong quá trình trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động; thông qua các chuyến đi tiền trạm, hoạt động tại địa phương, tôi mới thấy, cuộc sống của người dân ở nhiều nơi trên mảnh đất quê hương mình còn khó khăn, vất vả quá, nhất là đồng bào dân tộc miền thượng du. Mỗi một lần trải nghiệm, nó càng củng cố thêm niềm tin, ý chí, động lực để tôi quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt, sau này trở về cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương.

Là phong trào quy tụ đông đảo sinh viên tham gia, dưới sự quan tâm, dìu dắt của các “bậc lão thành” nguyên là cán bộ cấp cao của Nhà nước như: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ… Tôi đã tích lũy cho mình nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu mà không một trường lớp nào có thể đào tạo được. Quãng đời sinh viên của tôi đã được sống và “cháy” hết mình với niềm đam mê, nhiệt huyết. Danh hiệu “sinh viên thủ đô thời đại mới” do Thành đoàn TP Hà Nội, các giấy khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Thanh Hóa trao tặng giống như những “tấm huy chương tuổi trẻ” để mỗi lần nhìn lại, tôi không phải “xót xa, ân hận vì năm tháng đã sống hoài, sống phí”.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Trước những yêu cầu, đòi hỏi mới của đời sống xã hội, hoạt động tình nguyện cần có sự đầu tư, trăn trở, đi vào chiều sâu ý nghĩa. Thay bằng các chương trình, hoạt động mang tính cổ động, tuyên truyền thì nên hướng tới các dự án hoặc sản phẩm cụ thể, thiết thực thuộc các lĩnh vực gắn với sự phát triển lâu dài như: ý tế, giáo dục, môi trường, năng lượng. Xuất phát từ ý tưởng đó, dự án “Vì trẻ em vùng cao” ra đời. Đây là dự án do tôi và một số anh em, bạn bè cùng chung đam mê, lý tưởng thành lập với mục đích hỗ trợ phát triển giáo dục ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã kêu gọi, vận động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân để xây dựng các phòng học mới và một số công trình phụ trợ cho các điểm trường khó khăn tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa …

Qua 4 năm triển khai thực hiện (bắt đầu từ năm 2016), dự án đã thực hiện 6 công trình, xây mới 24 phòng học tại vùng cao xứ Thanh với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng tại các huyện: Mường Lát (bản Ón, xã Tam Chung và bản Lốc Há, xã Nhi Sơn), Quan Hóa (bản Vui, xã Thanh Xuân, nay là xã Phú Xuân), Quan Sơn (bản Ngàm, xã Tam Thanh), Lang Chánh (bản Cơn, xã Yên Thắng) và Thạch Thành (thôn Thạch Lỗi, xã Thành Tân). Bên cạnh đó, dự án còn kêu gọi ủng hộ cho các điểm trường nói trên nhiều bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng học tập, tặng quà với gia trị hàng trăm triệu đồng.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát, xây dựng, hỗ trợ tại các điểm trường khó khăn tại các huyện vùng cao của tỉnh Thanh Hóa. Đây được xem là món quà đầy ý nghĩa mà dự án dành tặng cho các em học sinh vùng cao xứ Thanh, góp phần xóa bỏ các phòng học tranh tre nứa lá nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Vì những đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội, dự án “Vì trẻ em vùng cao” vinh dự nhận giải thưởng “Tình nguyện Quốc gia” năm 2019.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Dự án “Nuôi em” là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Vì trẻ em vùng cao” với mục đích hướng tới là nâng cao tỉ lệ trẻ em đến trường cũng như phát triển thể chất của trẻ thông qua hình thức nhận đỡ đầu, hỗ trợ bữa trưa cho những em học sinh vùng cao phải ở lại bán trú tại trường.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi thành viên tham gia sẽ “nhận nuôi” từ 1 đến một vài em (tùy theo điều kiện, khả năng tài chính). Mức đóng góp, hỗ trợ là: 180 nghìn đồng/tháng. Số tiền này sẽ được chuyển về tài khoản của dự án và dự án có trách nhiệm chuyển đến cho thầy cô phụ trách ở các trường. Các thầy cô ở các trường sẽ sử dụng số tiền đó để nấu những bữa ăn trưa đảm bảo chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh và công khai tài chính để các “mạnh thường quân” được biết, theo dõi. Đồng thời, các thầy cô cũng thường xuyên cung cấp thông tin về sức khỏe của từng em học sinh được “nhận nuôi” để dự án giám sát và thông báo đến “người nhận nuôi” để có sự điều chỉnh, chăm sóc chu đáo hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã “nhận nuôi” khoảng 400 em học sinh tại các điểm trường thuộc một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Thật là những dấu mốc đáng tự hào. Từ một “thủ lĩnh” của hoạt động phong trào sinh viên cho đến khi trở thành người đồng sáng lập dự án “Vì trẻ em vùng cao”, “Nuôi em”… Dù ở cương vị nào, những dấu chân tình nguyện của anh vẫn chưa bao giờ thôi in dấu. Với những gì đã tích lũy, trải nghiệm và thành công đã đạt được, anh có thể khái quát một chút về những thuận lợi và khó khăn khi tổ chức, tham gia các hoạt động tình nguyện?

Bất kể một vấn đề gì trong cuộc sống đều song hành tồn tại hai mặt: Thuận lợi và khó khăn. Cái thuận lợi của một người tổ chức các hoạt động tình nguyện như chúng tôi đó là sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của các mạnh thường quân và sự tích cực hưởng ứng, tham gia của các tình nguyện viên. Một hoạt động tình nguyện từ khi xây dựng chủ trương mà không nhận được sự đồng tình, hưởng ứng thì làm sao có thể triển khai thực hiện được. Sức lan tỏa cộng đồng là giá trị cốt lõi. Sự lan tỏa ấy không chỉ thể hiện ở việc hoạt động ấy có tác động thế nào đến xã hội mà còn thể hiện ở chỗ cộng đồng đã tham gia hoạt động như thế nào. Chính vì vậy, trên mỗi chặng đường phát triển, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn “những người bạn đồng hành” của mình, từ các mạnh thường quân đến các bạn tình nguyện viên và cả đoàn viên, thanh niên của Công ty Cổ phần cơ khí ô tô 19 – 5 nữa. Các bạn là những người đã góp phần giúp tôi từng bước hiện thức hóa đam mê, ước mơ.

Bên cạnh mặt thuận lợi, việc tổ chức, tham gia công tác tình nguyện cũng luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Áp lực về mặt tâm lý, nhất là trong giai đoạn đầu, khi chưa nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của mọi người sẽ khiến chúng ta rất dễ nản lòng. Ngoài ra, sự chi phối về mặt tài chính, thời gian, các mối quan hệ xung quanh cũng là rào cản “bước chân” các bạn đến với hoạt động tình nguyện.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Vậy điều gì đã giúp anh vượt qua khó khăn, thử thách đó? Phải chăng, giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là nguồn động lực để anh bước tiếp?

Như mình đã chia sẻ, chính sự quan tâm, giúp đỡ, động viên, hưởng ứng nhiệt tình của gia đình, bạn bè, các mạnh thường quân, tình nguyện viên… là nguồn động lực mạnh mẽ để mình tiếp tục xây dựng những dấu mốc quan trọng, gặt hái thành công trên hành trình hoạt động tình nguyện. Trong đó, giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2019 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng là một minh chứng tiêu biểu.

Đối với tôi, giải thưởng đó là sự ghi nhận về quá trình cống hiến của bản thân cho sự phát triển xã hội. Nó vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm, thôi thúc mình nỗ lực phấn đấu hơn nữa.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Có ý kiến cho rằng: “Một bộ phần các bạn trẻ hoạt động tình nguyện chủ yếu theo tinh thần a dua, đua đòi với mục đích tìm kiếm chỗ đi chơi, chụp vài tấm ảnh check – in “sống ảo” đăng lên Facebook nhằm “lấy le” với mọi người. Anh nghĩ sao về vấn đề này?

Thực tế hoạt động tình nguyện cho mình biết rằng: Vấn đề đó có nhưng chỉ là phần rất nhỏ và hơi khắt khe trong cách đánh giá, nhìn nhận. Nó không đủ để đại diện hay phản ánh toàn diện diện mạo tinh thần của đại bộ phận thanh niên nói chung và thanh niên tình nguyện nói riêng. Bản chất tốt đẹp của thanh niên trong mọi thời đại vẫn là tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng.

Lịch sử hình thành và phát triển của đất nước ghi nhận công lao, nỗ lực cố gắng của biết bao thế hệ thanh niên tình nguyện đã và đang bền bỉ cống hiến. Đa phần các tình nguyện viên tham gia hoạt động tình nguyện đều xuất phát từ mục đích, lý tưởng tốt đẹp là được sống hết mình với những trải nghiệm và cống hiến sức mình cho xã hội. Mình tin chắc rằng, sự chân thành, nhiệt tình của các bạn ấy sẽ ngày càng tô đẹp thêm cho hình ảnh màu áo xanh; từ đó thay đổi cách nhìn, cách đánh giá của một số người trong xã hội về ý nghĩa thực sự của hoạt động tình nguyện – ý nghĩa của sự sẻ chia. Sự sẻ chia ấy luôn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc khi được làm chính mình, sống hết mình cho những điều tốt đẹp, có ích cho cộng đồng, xã hội. Chỉ cần thực tâm cho đi, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mất mát mát. Khi bạn cho đi nghĩa là bạn sẽ còn mãi. Vì vậy, hãy để hoạt động tình nguyện trở thành niềm đam mê chứ không phải là sự khiên cưỡng, ép buộc.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Được biết, anh hiện là Bí thư Đoàn thanh niên của một đơn vị doanh nghiệp. Hẳn rằng, quan điểm, định hướng của anh về hoạt động Đoàn, phong trào tình nguyện sẽ khác đi rất nhiều so với những ngày làm thủ lĩnh phong trào Đoàn của sinh viên?

Nó khác nhiều lắm chứ, khác từ bản chất đến hình thức tổ chức, thực hiện. Hoạt động đoàn luôn gắn bó mật thiết với hoạt động chuyên môn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và theo sát định hướng chỉ đạo của Chi bộ Đảng, Ban Giám đốc Công ty như: Phát động các phong trào đoàn viên thanh niên phát triển sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tác phong, kĩ năng ứng xử; góp phần xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu của doanh nghiệp…

Vậy theo anh, để phong trào Đoàn đạt hiệu quả cao, tạo sức lan tỏa, chuyển tải thông điệp có ý nghĩa đến cộng đồng xã hội thì cần có những giải pháp gì?

Theo tôi, phong trào Đoàn nói chung muốn đạt được những điều như bạn nói phải thực sự đáp ứng được hai yếu tố: đó là bề nổi của phong trào và chiều sâu của giá trị. Tức là, các hoạt động tình nguyện phải có tính lan tỏa rộng rãi, phù hợp tâm lý đoàn viên thanh niên. Nhưng để tránh mang nặng tính hô hào, hình thức, các hoạt động phải hướng tới mục tiêu, giá trị cụ thể, thiết thực, tác động mạnh mẽ đến xã hội.

Còn đối với việc thúc đẩy phong trào Đoàn tại khối các cơ quan, doanh nghiệp, thiết thực nhất; bên cạnh sự quan tâm, định hướng, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo doanh nghiệp thì vai trò của người thủ lĩnh rất quan trọng. Trong mỗi một hoạt động tình nguyện, khi xây dựng và tổ chức thực hiện, người thủ lĩnh xác định được đối tượng hướng đến, đối tượng tham gia, tình hình cụ thể tại địa điểm triển khai thực hiện. Đối với các dự án vì cộng đồng, tính minh bạch tài chính, uy tín phải được đặt lên hàng đầu. Quan trọng nhất, các hoạt động Đoàn phải thực sự gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, cách thức tổ chức khoa học, hợp lí.

E-Magazine: Khát vọng tuổi trẻ

Nội dung: Hương Thảo

Ảnh: Phạm Nam & Nhân vật cung cấp

Đồ họa: Nam Nam

Xuất bản: 4:26:03:2020:08:50

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Tứ 36A54263 - 17:17 02/03/21

 Trả lời

Đẹp trai và dễ gần

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM