Ngược dòng về tháng 11 năm 2016, thời điểm vị tỷ phú bất động sản hàng đầu nước Mỹ Donald Trump chính thức trở thành tổng thống nước Mỹ. Có thể nói, đây chính là thông tin gây chấn động nhất nước Mỹ thời điểm đó, bởi lẽ, người ta chẳng biết rõ con đường chính trị của Donald Trump, chẳng biết cả những ý tưởng chính trị của ông là gì và nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời của ông. Thật sự, bao quanh vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ này chỉ là một màn sương kỳ ảo và những tin đồn thêu dệt mà thôi.

Và chỉ sau 4 năm, người Mỹ đã biết được Donald Trump là người như thế nào: một vị tổng thống ăn to, nói lớn, một vị tổng thống sẵn sàng "khẩu chiến" với các phóng viên của nhiều hãng truyền thông lâu đời của Mỹ. Thậm chí đi xa tới mức gọi họ là "lũ tin giả" không hơn không kém, cái cụm từ đã trở nên phổ biến trong khoảng thời gian 7 năm trở lại đây. Ở thời điểm đấy, cứ mỗi khi Donald Trump thốt ra một câu nói, một phát biểu hay chỉ đơn giản là một dòng tweet nho nhỏ trên trang Twitter của mình, lập tức các báo lớn sẽ đưa ra hàng loạt phân tích, bình luận, thậm chí là đính chính những phát ngôn của vị tổng thống "nghiệp dư" này.

Có lẽ, khi nhìn vào cung cách ứng xử của Donald Trump, người Mỹ sẽ cảm thấy "sốc". Bởi lẽ, nền chính trị Mỹ vốn là một nền chính trị trọng hình thức, trọng lời ăn tiếng nói và quan trọng nhất là phải giữ được phép lịch sự. Tuy nhiên, với người dân Italia, đất nước cách Mỹ một bờ biển Bắc Đại Tây Dương, Donald Trump vẫn chưa thể bằng một người, một cái tên đã trở thành "bất tử" với người dân “Quốc gia hình chiếc ủng” nói riêng và thế giới bóng đá nói chung, một người mà khi nhắc đến tên ông, người ta sẽ lập tức nghĩ đến 7 danh hiệu Champions League, màu áo sọc đỏ-đen, sân San Siro và một lão già đầu trọc phương phi với khuôn mặt khó đăm đăm luôn ngồi cạnh ông trong các cuộc họp, đó chính là Silvio Berlusconi, vị chủ tịch đáng kính vừa qua đời.

Nhìn vào những gì mà Berlusconi đã trải qua trong cuộc đời mình, có lẽ những người làm chính trị ở Mỹ sẽ không bao giờ dám để ông trở thành hạ nghị sĩ chứ chưa nói tới chức danh tổng thống cao quý. Bởi lẽ, chẳng ai dám để một người đàn ông có cái tôi cao ngất ngưởng, một người đàn ông "nghiện gái" tới mức luôn tổ chức những cuộc ăn chơi thâu đêm với các bóng hồng xinh đẹp như Berlusconi, một người đàn ông đã tạo ra một từ mới trong từ điển tiếng Italia: Bunga Bunga, từ dùng để chỉ những cuộc ăn chơi được ông tổ chức ở chính nơi ở của mình.

Thế mà người dân Italia vẫn quyết định bầu một người như thế làm thủ tướng, không chỉ một nhiệm kỳ mà tới 3 nhiệm kỳ khác nhau, trải dài từ năm 1994 cho tới năm 2011, tức 17 năm trời, một con số mà có lẽ rất nhiều tổng thống Mỹ mong ước đạt được.

Người Italia tại sao lại yêu quý Berlusconi đến vậy? Vì ông chính là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất tinh thần của người Italia, một con người hào sảng, đã ăn chơi là ăn chơi tới bến, đã làm là sẽ dốc hết sức mình vì những mục tiêu của cả nước Italia nói chung và CLB AC Milan nói riêng.

Người Italia yêu Berlusconi đến vậy, hẳn họ phải kính trọng vị thủ tướng này lắm? Không! Họ vẫn nhạo báng ông trên mặt báo thường xuyên. Một ví dụ rõ nét nhất cho điều này đó là một bức biếm họa thể hiện ba con người được xem là vĩ đại nhưng cũng nhiều tai tiếng của lịch sử Italia: Julius Cesar trong bộ áo giáp oai phong đang giương cao thanh kiếm của mình bằng tay phải, còn tay trái  cầm chiếc mũ giác đấu, người thứ hai trong nhóm tượng này là Benito Mussolini, nhà độc tài đầy tai tiếng của phe Trục trong chiến tranh thế giới thứ 2, và cuối cùng là Silvio Berlusconi, được thể hiện đang cởi trần, chỉ mặc độc một chiếc quần cộc với bộ phận "nhạy cảm" được phóng đại hết mức, một bức biếm họa có lẽ đã thể hiện rõ nhất con người của vị thủ tướng "điên rồ" nhất lịch sử Italia này.

Ăn chơi hết mình, không bỏ sót một cuộc tiệc tùng nào, nhưng Berlusconi không vì thế mà quên đi khía cạnh công việc của mình. Những người am hiểu về chính trị Italia nhưng không quan tâm tới bóng đá nhiều sẽ nhớ đến Silvio Berlusconi như một vị thủ tướng đầy tai tiếng và màu mè, nhưng với người hâm mộ AC Milan, đặc biệt là ở Việt Nam, ông không chỉ đơn giản là một vị thủ tướng "danh tiếng lắm, tai tiếng nhiều", mà còn là một trong những vị chủ tịch vĩ đại nhất lịch sử đội bóng nửa đỏ-đen thành Milan.

Berlusconi vĩ đại như thế nào, có lẽ chúng ta chẳng cần phải nói quá nhiều, cứ nhìn vào 7 danh hiệu Champions League vĩ đại của AC MIlan dưới thời ông, cùng với đó là rất nhiều danh hiệu quốc nội là đủ để thấy những đóng góp quý giá của người đàn ông này trong suốt những năm tháng ông lãnh đạo đội bóng nửa đỏ-đen thành Milan. Tuy nhiên, cái mà người ta nhớ tới nhất ở vị chủ tịch này không chỉ nằm ở những danh hiệu, mà còn nằm ở những con người xung quanh ông.

Quả thực, dưới triều đại của Berlusconi, bóng đá thế giới nói chung và bóng đá Italia nói riêng đã "khai quật" được rất nhiều những cái tên "độc lạ" cho bóng đá thế giới. Từ những Marco Van Basten, "chú thiên nga trắng" đã giúp ĐT Hà Lan giải cơn khát danh hiệu bằng cú vô-lê đẹp mắt vào lưới đội tuyển Liên Xô ở kỳ Euro 1988 trên đất Đức; hay Fabio Capello, một HLV nổi tiếng với lối chơi bảo thủ, kỷ luật thép, thậm chí có phần thô ráp. Nhưng đáng nhớ nhất trong số những cái tên được "khai quật" dưới triều đại của vị chủ tịch này vẫn là Arrigo Sacchi và Carlo Ancelotti.

Trong ngày sinh nhật tuổi 80 của con người vĩ đại nhất lịch sử thành Milan này, HLV Carlo Ancelotti đã dành rất nhiều lời khen tặng cho ông. Cụ thể, ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Il Giornate: "Điều gì hiện lên trong đầu tôi khi người ta nói Berlusconi sẽ bước vào tuổi 80 trong vài giờ tới ư? Chà, tôi coi ông ấy là chủ tịch của đời tôi. Không chỉ bóng đá thôi đâu, ông ấy là vị chủ tịch của cuộc đời tôi đấy! Vì vậy, tôi xin chúc mừng sinh nhật ngài Chủ Tịch bằng chữ in hoa".

Giải thích vì sao lại chúc tụng Berlusconi "bằng chữ in hoa", vị thuyền trưởng vĩ đại nhất lịch sử AC Milan và Real Madrid chia sẻ: "Vì sao ư? Vì Berlusconi không chỉ là một vị chủ tịch đem đến sự vĩ đại cho bóng đá Italia, ông còn là một nhà cách tân, một người đã đưa bóng đá Italia khỏi cái thời "trung cổ" của nó để đến với thế giới bóng đá hiện đại, giải phóng nó hoàn toàn khỏi những tàn dư cũ kỹ từng tồn tại trên khắp các sân bóng của đất nước này"!

Một điều khác cũng khiến Ancelotti tin rằng Berlusconi chính là một nhà cải cách, đó chính là việc ông chú trọng vấn đề dinh dưỡng của cầu thủ trước cả khi điều này trở thành điều hiển nhiên trong bóng đá: "Cứ nhìn vào chi tiết này nhé: Ở các đội bóng hiện đại, người ta sẽ tuyển những nhân viên dinh dưỡng vào bộ máy của mình, 30 năm trước, Berlusconi đã nói về chế độ dinh dưỡng hợp lý ở Milanello rồi. Có thể nói, việc ông ấy đến là một cuộc cách mạng theo nhiều mặt khác nhau. Ông ấy luôn quyết tâm cải cách CLB theo hướng một công ty, từ đó, mọi thành công sẽ đến, từ những quyết định, những tham vọng cho tới những chỉ dẫn để vươn đến thành công. Tất cả có thể được cô đọng trong một phương châm duy nhất ở Milanello: "Chiến thắng một cách thuyết phục, tôn trọng đối thủ một cách tuyệt đối".

Ở thời bóng đá hiện đại, chủ tịch là người đứng đầu một đội bóng, nhưng không phải là người quyết định tất cả. Bên cạnh ông luôn là một ban bệ theo dõi sát sao từng mục tiêu, từng đồng tiền mà CLB chi ra. Nhưng ở Milan giai đoạn đầu, mọi thứ lại trái ngược hẳn. Cụ thể, theo Ancelotti chia sẻ: "Berlusconi làm tất, từ việc lựa chọn một HLV vô danh như Arrigo Sacchi, người khi đó thực hành một lối bóng đá rất riêng ở Italia, một lối bóng đá thiên về tấn công đẹp mắt, độc đáo đến mức nó xứng đáng được đem vào những trang sử của bóng đá Châu Âu. Tôi cũng xin nhắn đôi lời tới các vị chủ mới của AC Milan rằng: "Silvio Berlusconi là một điều khó có thể so sánh"!.

Trong ngày buồn của thành Milan, từ phương xa, Ancelotti đã gửi những tâm sự, những lời trân trọng nhất dành cho vị chủ tịch đáng kính của mình: "Hôm nay, nỗi buồn sẽ không thể xóa đi những khoảnh khắc hạnh phúc mà chúng ta đã dành cho nhau. Chúng tôi luôn dành sự biết ơn cho ngài chủ tịch. Nhưng trên hết, tôi muốn gửi đến ngài, vị chủ tịch có khiếu hài hước, trung kiên, thông minh và thành thực, một phần quan trọng trong chuyến phiêu lưu của tôi, ban đầu dưới danh nghĩa cầu thủ, và sau đó là HLV, một lời cảm ơn sâu sắc"!.

Berlusconi đã về vói đất mẹ, một điều mà các CĐV nửa đỏ-đen thành Milan vẫn chưa thể tin, bởi mới cách đó vài ngày, người ta vẫn còn thấy vị chủ tịch này ngồi trên chiếc ghế chủ tịch đảng của ông để gửi đến những thông điệp dành cho các đảng viên cũng như cử tri của mình. Thế nhưng, đó lại là sự thực, một sự thực mà dù có đau đớn tới đâu, người ta vẫn phải chấp nhận nó như một quy luật tự nhiên của cuộc đời!.

Sau sự ra đi của Berlusconi, người ta sẽ phải tự hỏi: ai sẽ là người gánh vác di sản của ông trong tương lai? Đương nhiên, câu trả lời của hiện tại đó là Adriano Galliani, "đàn em" thân tín nhất của ông trong những ngày đầu làm chủ tịch AC Milan, và sau này là AC Monza. Có thể nói, chừng nào Galliani còn sống, các CĐV AC Monza còn có thể tự tin rằng CLB của mình sẽ còn vững chắc. Bởi lẽ, Galliani không chỉ là một nhà đàm phán chuyên nghiệp, ông còn là người hiểu Berlusconi nhất trong số những trợ lý của Berluscconi, một Tom Hagen phiên bản già hơn của bóng đá Italia, một người đã từng đem về một đội hình mà cho tới nay vẫn được biết đến dưới cái tên gọi đùa là AC Freeloan ở mùa giải 2015-2016.

Có lẽ, ngài chủ tịch đã nhắm mắt yên lòng. Bởi trong những năm  cuối đời, ông đã được chứng kiến ba điều đáng nhớ. Đầu tiên, đó là sự trở lại vĩ đại của Ibrahimovic, cái tên đánh dấu sự trở lại của AC Milan ở đấu trường Serie A cũng như đấu trường Châu Âu. Thứ hai, đó là thành công của AC Milan ở đấu trường Châu Âu mùa này, trong đó nổi bật nhất là việc lọt vào tới trận bán kết gặp Inter Milan, và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đó là danh hiệu Scudetto đầu tiên của AC Milan sau 11 năm dài chờ đợi ở mùa giải 2021-2022, những thành tích thay cho lời chào tạm biệt người chủ tịch vĩ đại nhất lịch sử nửa đỏ-đen thành Milan.

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền