Australia, cũng như Mỹ, là một quốc gia đa chủng tộc với nền tảng chính là tộc người Anglo-Saxon, đa phần tới từ những tù nhân gốc Ai-len hay những người bị đi đày trong quãng thời gian các nhà tù của Vương Quốc Anh đã chật kín người.

Sang đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người nhập cư đến Australia bắt đầu đa dạng hơn. Australia không còn là vùng đất của riêng người Anglo-Saxon hay những người bản địa có lớp da ngăm đen gọi là Aborigines nữa, giờ đây, nó trở thành mái nhà chung của những sắc dân như Hy Lạp, Croatia, Serbia và Italia, thậm chí, ở “xứ sở Chuột túi” còn có một cộng đồng người Sikh ở Woolgoolga, những người đã góp phần biến vùng đất ở New South Wales này trở thành vùng trồng chuối hàng đầu quốc gia rộng lớn nằm ở Nam bán cầu này.

Trong số các sắc dân chuyển đến sinh sống ở Australia thời kỳ này, có lẽ nổi bật nhất là sắc dân Hy Lạp, tổ tiên của HLV Ange Postacoglu, người sẽ dẫn dắt Tottenham ở mùa giải tới. Theo các thống kê về sinh kế của Australia, người Hy Lạp có số dân lên tới 424.750 người, trong đó có tới 92.314 người sinh ra ở Hy Lạp. Cũng khá thú vị khi biết rằng, chính những người Hy Lạp cổ đại ở thời La Mã đã nghĩ đến việc có một vùng đất rộng lớn ở phương Nam nhằm cân bằng với các vùng đất ở Phương Bắc, khái niệm này được họ gọi là Terra Australis Incognita, trong tiếng La-tinh có nghĩa là "Vùng đất nằm ở phía Nam chưa được biết tới".

Để hiểu lý do vì sao người Hy Lạp lại phải bỏ xứ mà đi ồ ạt như thế, chúng ta cần phải ngược dòng lại lịch sử, cụ thể là giai đoạn sau chiến tranh thế giới thứ 2. Ở thời kỳ này, sau khi đánh bại phe Trục, người dân Hy Lạp lại phải đối mặt với chính quyền vẫn được lịch sử Hy Lạp gọi là "Chính quyền của những vị đại tá", một chính quyền độc tài thân Mỹ tàn bạo đã từng cướp đi sinh mạng của rất nhiều người Hy Lạp vô tội. Không những vậy, Hy Lạp còn phải đối mặt với một cuộc nội chiến giữa một bên là chính quyền độc tài và một bên là chính quyền cách mạng lâm thời được lập nên bởi các đảng viên Đảng Cộng sản Hy Lạp ở giai đoạn hậu Chiến tranh thế giới thứ II.

Trên quê hương mới, người dân Hy Lạp xa xứ bắt đầu thành lập nên những nhà hàng, khách sạn, những CLB dành riêng cho người Hy Lạp, nhưng đặc biệt nhất vẫn là các CLB bóng đá. Có thể nói, bên cạnh người dân Nam Tư cũ, người dân Hy Lạp chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển vượt bậc của nền bóng đá Australia, quốc gia khi đó vẫn đang mê đắm môn bóng đá Australia - một dạng bóng bầu dục cơ động hơn, di chuyển nhiều hơn và có nhiều pha tắc bóng máu lửa hơn môn bóng đá Mỹ hay môn Rugby kiểu Anh Quốc.

Cũng ở thời kỳ này, các CLB bóng đá có gốc Hy Lạp bắt đầu mọc lên ở khắp nơi trên đất Australia, trong đó nổi bật nhất vẫn là South Melbourne Helllas, sau này được đổi tên thành South Melbourne FC, được thành lập vào năm 1959, tiếp đó là Alexander the Great, sau này đổi tên thành Heidelberg United FC, được thành lập vào năm 1958, ngoài ra, chúng ta còn có Pan-Hellenic, sau này đổi tên thành Sydney Olympic, CLB từng được cựu HLV của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, ngài Steve Darby, dẫn dắt trong vòng 3 năm.

Để hiểu rõ hơn về Ange Postacoglu, chúng ta có thể nhìn vào hai thứ đã tạo nên con người hiện tại của ông, đó là mối quan hệ tốt đẹp nhưng cũng rất nghiêm khắc của người cha - ông Jim Postecoglu, và nguồn gốc nhập cư của gia đình Postecoglu.

Bố của Postecoglou là một người đàn ông nghiêm khắc, một người luôn có quyết tâm cải thiện đời sống gia đình. Vì vậy, vào năm 1970, theo làn sóng những người Hy Lạp rời khỏi đất nước vì chế độ độc tài quân sự do nhà độc tài Georgios Papadopoulos nắm quyền, gia đình Postecoglu đã chuyển đến Australia khi Ange mới 5 tuổi. Họ quyết định dừng chân ở Prahan, một khu xóm nghèo dành cho người lao động nhập cư tới từ Châu Âu ở thời điểm đó.

Bố của Postecoglu luôn cố gắng làm việc để cung cấp những gì tốt nhất cho hai con của mình. Ông ra khỏi nhà từ sáng sớm, trước cả khi cậu con trai Ange và cô con gái Liz thức dậy, sau đó, ông sẽ trở về vào buổi đêm khuya để dùng bữa tối rồi lên giường.

Ange chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với trang Masterminds rằng bố ông là một người rất khó gần. Tuy nhiên, khi đến sân bóng để theo dõi CLB South Melbourne Hellas, một trong những đội bóng Hy Lạp được thành lập trên đất Australia, ông Jim ngay lập tức trở thành một người khác.

Ngay lập tức, cậu bé Postecoglu nhận ra bóng đá chính là thứ hữu hiệu nhất để cậu tạo ra cầu nối với người cha khó gần của mình.

"Bóng đá chọn tôi chứ tôi không chọn bóng đá", Postecoglu viết trên trang Athletes Voice sau khi bố của ông qua đời 5 năm trước. "Đó là cách tôi tạo cầu nối với người hùng thuở nhỏ của mình. Chúng tôi đôi lúc quên mất thể thao là thế nào. Tôi dần hiểu ra chiến thắng hay thất bại không quan trọng, quan trọng là tạo được cầu nối với mọi người. Bóng đá tạo ra cầu nối với mọi người, mọi thành phố, mọi đất nước. Nó tạo ra cầu nói giữa con trẻ và bố mẹ của chúng".

Có thể thấy triết lý bóng đá của Postecoglu bị ảnh hưởng nặng như thế nào bởi nhân sinh quan này. Ông luôn tin vào tầm quan trọng của bóng đá trong việc kết nối con người, gia đình và cộng đồng với nhau. Ông cũng dành rất nhiều sự tôn trọng cho các CLB và CĐV của các CLB ông từng dẫn dắt. Ngoài ra, ông còn có một khát khao, đó là áp dụng lối đá mà theo ông sẽ khiến bố ông cảm thấy thích thú mỗi khi theo dõi.

"Khi người ta hỏi tôi về triết lý bóng đá của mình hay ai khơi gợi đam mê cho tôi, họ luôn thất vọng vì tôi chẳng nêu ra một cái tên nhất định nào cả. Không phải Barcelona, không phải Liverpool, không phải Pep Guardiola hay Johan Cruyff, Chẳng ai trong số họ dạy tôi hay chơi bóng đá chung với tôi cả".

"Câu trả lời được cô đọng lại trong ba từ bé nhỏ nhưng đầy sức nặng: "Káto i bála", tiếng Hy Lạp có nghĩa là: "Cầm chắc bóng trong chân". Đó là câu cửa miệng của bố tôi đấy".

Khi biết về điều này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn vì sao Postecoglu cho rằng triết lý bóng đá của ông chính là "một phần mở rộng của tôi" theo lời Postecoglu. Thêm vào đó, HLV người Australia cũng khẳng định rằng: "Không ai có thể lay chuyển được niềm tin trong tôi".

Ở Australia, bóng đá là một cầu nối hữu hiệu giữa các cộng đồng nhập cư Châu Âu với nhau, vì vậy, với Postecoglu và những cậu bé tới từ Hy Lạp, Croatia, Italia và các nước Châu Âu khác, bóng đá luôn tràn đầy trong huyết quản của ông.

Mỗi buổi khuya, bố của Postecoglu sẽ đánh thức ông dậy giữa đêm để theo dõi bóng đá Anh trên TV, thường là các trận đấu của Liverpool, CLB mà theo ông luôn áp dụng một lối đá tấn công quyến rũ và luôn biết cách kết nối với các CĐV của mình, đa phần đều có nguồn gốc người lao động chân tay như gia đình Postecoglu.

"Hoàn cảnh của ông ấy đóng một vai trò rất quan trọng", nhà báo Rugari chia sẻ với trang tin The Athletic trong một cuộc phỏng vấn. "Bóng đá không phải là môn chơi phổ biến ở đây, vì vậy, nền tảng của môn chơi này tới từ cư dân nhập cư tới từ các nước Châu Âu đầu thế kỷ 20. Có thể nói, họ đã định hình nền bóng đá xứ này. Bản thân Postecoglu cũng từng chơi cho Southern Melbourne, một CLB có nguồn gốc Hy Lạp".

Đúng với triết lý "cầm chắc bóng trong chân" của bố ông, Celtic dưới thời Postecoglu là một đội bóng luôn tìm cách áp đảo và kiểm soát thế trận trước đối phương. Nhưng quan trọng nhất, HLV của Tottenham biết rõ rằng áp đảo đối phương hay kiểm soát bóng thôi là chưa đủ, mà còn phải tìm cách phát động bóng lên tuyến trên nhanh nhất có thể. "Kiểm soát bóng rất quan trọng, nhưng kiểm soát bóng mà không có mục đích rõ ràng sẽ khiến bạn thất bại, thêm vào đó, nó cũng khiến trận đấu trở nên nhàm chán". Postecogly chia sẻ.

"Kiểm soát bóng không phải là vấn đề chính, vấn đề chính nằm ở việc làm sao để luân chuyển trái bóng theo ý muốn của toàn đội." Postecoglu chia sẻ thêm.

Ở Celtic, Postecoglu thường sắp xếp đội hình thi đấu với sơ đồ 4-3-3, ý đồ của ông là áp đảo đối phương ở khu vực cánh qua các chuỗi đập nhả giữa hai hậu vệ cánh hay giữa số 8 và các tiền đạo cánh, ngoài ra, ông còn tập trung vào việc để các học trò áp đảo khu vực cầm bóng của đối phương.

Ở hai mùa đầu tiên dẫn dắt Celtic, Postecoglu dựa rất nhiều vào các pha triển khai bóng từ cánh bằng cách sử dụng các cầu thủ giàu tốc độ xuyên phá khối phòng ngự đối phương. Theo các thống kê của The Athletic, hơn một nửa số pha xâm nhập khu vực phần sân đối phương của Celtic ở hai mùa giải 2021-2022 và 2022-2023 tới từ khu vực hai bên cánh của đối phương.

Ngoài khu vực cánh, khu vực trung lộ cũng là một trong những điểm phân phối bóng chính của Celtic dưới thời Postecoglou. Theo thống kê của The Athletic, trong mùa giải 2022-2023, có tới 45% các pha bóng sống của Celtic được thực hiện ở khu vực này.

Là một HLV có lối chơi hiện đại, thiên về tấn công và cực kỳ đa dạng, nhưng Ange Postecoglu lại có một điểm xấu, đó là ông gắn quá chặt với triết lý của mình kể cả khi triết lý của ông không được vận hành trơn tru. Có thể nói, về mặt này, ông khá giống với hai vị HLV người Italia từng dẫn dắt các CLB ở Premier League, đó là Maurizio Sarri của Chelsea và đặc biệt là Antonio Conte, cựu HLV của chính Tottenham mùa giải trước.

Có thể nói, sự bảo thủ của Postecoglou chính là thứu kìm hãm ông nhiều nhất. Ông có thể áp dụng chính đội hình dùng để đá với Real Madrid ở Champions League vào trận đấu với Dundee United. Tuy nhiên, sự bảo thủ này cũng đem lại một vài điểm tích cực cho Celtic, đó là họ đã ghi được 15 bàn ở 3 trận đối đầu với Dundee United mùa trước. Có thể thấy chút gì đó táo bạo trong lối chơi của Postecoglou, tuy nhiên, sự táo bạo này không giúp được gì nhiều cho ông.

Theo thống kê của OptaJoe chỉ có 7 đội ở Champions League mùa này giành lại bóng nhiều hơn con số 60 pha giành lại bóng thành công của Celtic ở vòng bảng Champions League mùa này, trong số đó, có đến 5 đội vượt qua được vòng bảng, 2 đội còn lại cũng cố gắng tới những ngày cuối cùng trước khi chính thức nhận "án tử", chỉ có Celtic là rơi xuống vị trí chót bảng F, cách 10 điểm so với đội nhì bảng RB Leipzig.

Các thống kê của Opta cũng chỉ ra một thực tế buồn, đó là Celtic, dù có được số cú sút tới từ các tình huống cướp bóng thành công nhiều chỉ sau Benfica, Barcelona, Napoli và Manchester City, lại không thể kiếm được dù chỉ là một bàn thắng từ những cú sút kể trên. Trong khi đó, các đội bóng kể trên đều làm được điều này.

Dù mùa giải mới còn hai tháng nữa mới chính thức khởi tranh, nhưng khi nhìn vào những gì HLV Ange Postecoglou đã và đang làm được, cùng với đó là những triết lý xung quanh lối đá của ông, chúng ta có thể thấy đây chính là vị HLV phù hợp nhất với Tottenham lúc này, một vị HLV có thể tiếp quản lại di sản của những Mauricio Pochettino, Antonio Conte và phát triển chúng lên một tầm cao mới dưới triều đại của ông ở mùa giải 2023-2024 sắp tới.

Nội dung: KDNX

Ảnh: Internet

Đồ họa: Mai Huyền