Khi bạn là một cầu thủ chuyên nghiệp, việc quên mất ý nghĩa của bóng đá là điều dễ xảy ra. Bạn bắt đầu quên lý do vì sao mình yêu bóng đá. Lúc nào điều đó cũng xảy ra ở CLB hết: tập thì cứ tập, nhưng vui thì chẳng thấy vui. Thi đấu với cái mặt tối sầm và cái tâm lý nặng trĩu.

Ngày ấu thơ thì khác. Đầu óc bạn trống rỗng, chơi bóng thì cứ chơi thôi. Hồi còn bé, cứ hết giờ học là tôi lại phi thẳng về nhà để ra vườn chơi bóng tới tối mịt. Sau đó, tôi sẽ lại ra sân chơi bóng tiếp. Với tôi, nó đâu phải là một thú vui, nó là một thứ gây nghiện đấy.

Một trong những ký ức đầu tiên của tôi về bóng đá đó là sút quả bóng vào bức tường nhỏ trong vườn của ông bà mình. Bố mẹ thường nói với tôi rằng đi đâu tôi cũng mang theo quả bóng. Tôi lớn lên ở Chesthunt, ngoại ô London. Kể từ đó, tôi gia nhập CLB đầu tiên của mình, East Herts FC ở Turnford. Khi đó, tôi mới 6 tuổi và chỉ thi đấu 6 tháng.

Tottenham biết đến tôi kể từ đó. Micky Hazard theo dõi tôi ở một trường bóng đá tổ chức vào mùa hè. Ngay sau đó, ông ấy mời tôi đến tham quan Tottenham. Tôi vẫn nhớ lúc bố nhận được điện rồi báo lại cho tôi. Tôi vừa chạy nhảy vừa hò reo trong phòng. Có thể nói, đó là những gì tôi ao ước nhất trong cuộc đời mình.

Được đá cho Spurs là giấc mơ có thực đấy. Lúc 7-8 tuổi, tôi chưa nghĩ đến việc đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kể từ thời đó, khoác lên mình bộ áo đó thực sự khiến tôi phấn chấn. Những trận đấu gặp Arsenal đối với tôi lúc nào cũng là trận đấu lớn ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Đương nhiên, tôi vẫn chú trọng chuyện vui đùa với bạn mình hơn, chỉ có điều tôi sẽ làm điều đó khi khoác lên mình màu áo của Tottenham.

Vài cậu tôi chơi cùng hiện tại đang thi đấu ở Premier League. Hồi còn 7 tuổi, tôi chơi bóng cùng với Adam Smith, sau đó là Andros Townsend khi lên 8. Sau đó là những gã đàn em trẻ hơn như Harry Kane hay Steven Caulker. Tôi ước chừng có tới 80% trong số chúng tôi hiện đang thi đấu chuyên nghiệp. Thậm chí, chúng tôi còn giữ hẳn một tấm ảnh chụp lại bốn đứa chúng tôi khi chuẩn bị thi đấu cho ĐT Anh.

Nhóm cầu thủ này ít khi được nhắc tới, nhưng đây thực sự là thời hoàng kim của học viện. Thật thú vị, bởi khi chúng tôi còn trẻ, nhóm tuổi trên chúng tôi mới được coi là thế hệ đặc biệt chứ không phải chúng tôi. Tôi nghĩ điều đó đã tạo động lực cho chúng tôi theo một cách nhất định. Chúng tôi khao khát nhiều hơn, từ đó khiến bầu không khí trở nên hào hứng hơn. Chúng tôi đều muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, và tôi nghĩ rằng chúng tôi đều có được cá tính thích hợp cho điều này.

Có mùa tôi ghi 42 bàn cho đội U18. Khi đó, tôi bắt đầu nghĩ về suất đá chính ở đội một. Tôi nhớ rằng tôi đã trò chuyện với HLV học viện, John McDermott, thế nhưng, ông ấy lại cho rằng phải đến 22 tuổi, tôi mới có thể đá chính ở Premier League được, bởi cơ thể của tôi phát triển khác hẳn mọi đứa trẻ khác. Ở thời của tôi, thường đến 16 tuổi là trẻ em sẽ phát triển hoàn chỉnh về mặt hình thể, nhưng với tôi, mọi chuyện lại không đơn giản thế.

Tôi luôn cảm nhận rằng định mệnh của tôi thuộc về Tottenham. Kể cả khi họ muốn bán tôi đi, tôi vẫn sẽ ở lại. Tôi luôn tin rằng tôi sẽ thành danh ở Spurs và luôn cảm nhận mình xứng đáng có được chỗ đứng. John luôn nói với tôi rằng: "Có công mài sắt, có ngày nên kim", như thể muốn căn dặn với tôi rằng cứ cố gắng hết mình là sẽ có thể đạt được thành công.

Sẽ là nói dối khi nói rằng tôi không có những khoảnh khắc buồn, ví dụ như quãng thời gian ngồi dự bị khi được cho mượn ở Doncaster. Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc sẽ có cơ hội ra sân ở Tottenham, tôi lại được tiếp thêm động lực để cố gắng.

4 hay 5 trận đầu gì đó ở mùa giải 2015-2016, tôi có cảm giác mình chính là cầu thủ tuyệt nhất bên Spurs. Tôi được gọi lên ĐT Anh hồi tháng 9, dù tôi chẳng chơi nổi một trận. Sau đó, tôi gặp phải chấn thương sau khi ghi bàn thắng quyết định trong trận gặp Sunderland. Thế rồi, tôi bị ngồi ngoài trong vòng vài tuần.

Tôi muốn trở lại lắm, vậy nên tôi cố gắng quá nhiều. Thế rồi, tôi ngã quỵ trong một buổi tập phục hồi chứng năng, thế là lại phải ngồi ngoài vài tuần.

Tôi tập luyện khi gặp phải chấn thương, tệ đến mức khiến tôi không thể tắm nước nóng, bởi khi đó, đầu gối tôi sẽ sưng húp. Sau đó, tôi được trở lại ở lại một vài trận đấu, nhưng khi gặp Chelsea, tôi bị lật mắt cá chân và thế là phải ngồi ngoài hai tháng. Khi chấn thương hồi phục, tôi không thể cố được nữa rồi. Đến lúc đó, các đồng đội đang tham gia một cuộc đua "đường trường" tới danh hiệu. Mousa Dembele khi đó có được phong độ "không tưởng". Toàn đội dần trở nên phấn chấn hơn, vì vậy, tôi đành hài lòng với băng ghế dự bị.

Hồi đầu hè năm đó, một vài CLB muốn chiêu mộ tôi về, nhưng tôi gạt họ hết sang một bên vì tôi muốn chiến đấu hết mình cho chỗ đứng của mình ở Tottenham. HLV chia sẻ với tôi rằng tôi sẽ sớm được trao cơ hội, rằng ông ấy muốn tôi ở lại đây. Nhưng khi trở lại ở giai đoạn tiền mùa giải, một vài thứ đã xảy ra, những thứ không liên quan tới bóng đá hay HLV, những thứ khiến tôi không thể chấp nhận được.

Khi tôi không thể thi đấu ở 3 trận đầu tiên của mùa giải, tôi chia sẻ với người đại diện của mình rằng ở tuổi 25, tôi phải ra sân thường xuyên hơn. Tôi đã chờ đợi việc chuyển sang Hull tạm thời trước khi chuyển sang đội bóng khác, hay thậm chí là trở về Tottenham. Đúng là lúc đó tôi nghĩ thế, bởi sự nghiệp quá ngắn, vậy nên đôi lúc bạn phải tỏ ra ích kỷ.

Hull rất khác so với Spurs. Tôi phải chuyển từ một đội bóng thi đấu với lối chơi tích cực, luôn pressing và tranh cướp bóng rát sang một đội bóng cẩn trọng và có phần bảo thủ hơn. Thực sự không giống với lối chơi của tôi chút nào cả. Tôi được giao vị trí số 10, nhưng chỉ sau hai trận, tôi lại được đẩy về vị trí lùi sâu hơn. Phải mất một thời gian tôi mới thích nghi được, nhưng khi Marco Silva đến, mọi thứ khác hẳn.

Chúng tôi được thi đấu theo cách tôi muốn. 4 trận tôi thi đấu dưới trướng ông ấy có thể được xem là 4 trận tuyệt nhất của tôi cho Hull. Tôi bắt đầu cảm thấy mình có thể chứng minh bản thân một lần nữa. Có thể nói, tôi cảm thấy rất lạc quan về tương lai của mình.

Chúng tôi tập theo giáo án thường tập trước trận lượt về. Đó là một trận đấu diễn ra vào chiều chủ nhật, vậy nên chúng tôi di chuyển đến sân đội khách vào ngày thứ 7, ở lại khách sạn gần sân một hôm. Ngày hôm sau, chúng tôi đi dạo xung quanh sông Thames để thả lỏng cơ thể, sau đó ăn một bữa trước trận, nghỉ ngơi một lát rồi di chuyển đến sân Stamford Bridge.

Tôi để lại hai vé cho bố mẹ ở quầy vé. Tôi nhớ rằng mình đã nhìn vào tấm vé, đó là một tấm vé ở hàng đầu tiên ở khán đài Hull. Khi đó, tôi đã nghĩ sẽ rất tuyệt nếu mình tiến lại khán đài đó sau khi ghi bàn.

Trận đấu diễn ra khá ổn với chúng tôi. Tôi đối đầu với N'Golo Kante, một cuộc đối đầu tuyệt vời. Có một vài pha tắc bóng chắc nịch, một vài pha đối kháng với nhau, nhưng chẳng có gì quá nghiêm trọng. Thế rồi, 13 phút sau đó, thảm họa đã xảy ra.

Họ được hưởng quả phạt góc. Bóng bay thẳng đến vòng cấm. Tôi nhảy lên đánh đầu phá bóng, thế rồi, một lực va đập thẳng vào hộp sọ tôi, một cơn đau kinh nhất tôi có thể tưởng tượng ra ập đến.

Người ta tưởng tôi sẽ quên mất chuyện đó, nhưng tôi vẫn nhớ đó. Tôi nhớ bác sĩ chạy đến chỗ tôi, sau đó là một cơn đau nhói. Tiếp theo, họ phải thực hiện một vài kiểm tra xem đầu tôi có gặp chấn thương không, khi đó, cơ thể tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn thường thấy khi bạn bị đau dữ dội. Cơn đau mới khó tả làm sao, có cảm giác như một quả bom nổ tung trong đầu tôi vậy!

Tổng cộng, tôi phải đặt 14 cái đĩa kim loại dưới hộp sọ của mình, cùng với đó 28 cái ốc vít để cố định chúng. Ngoài ra, có đến 45 đường kim mũi chỉ và một vết sẹo dài 6 inch dọc đầu tôi. Đương nhiên, nhổ mấy cái kẹp đó ra khỏi đầu chẳng dễ dàng gì.

Kể cả hiện tại, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác đó, tôi cảm nhận rõ điều đó mọi lúc, mọi nơi. Tôi phải học cách sống chung với nó liên tục. Có lẽ, cách giải thích đơn giản nhất mà tôi có thể dùng để giải thích với mọi người đó là cảm giác chóng mặt sau khi ngồi xem ti vi 3 tiếng đồng hồ rồi phải đứng bật dậy để ra mở cửa vậy. Tưởng tượng cái cảm giác đó diễn ra hằng ngày mà xem! Khi tôi đau đầu, cơn đau thật kinh khủng. Nếu tôi nghiêng người qua bên, tôi có thể cảm nhận sức ép ở phần đầu đó của mình. Đó thực sự là điều mà tôi khó có thể quên được trong một khoảng thời gian dài.

Mọi dây thần kinh của tôi ở phần mặt đó cũng bị hủy hoại, tệ hơn, họ phải cắt xuyên qua phần cơ gần với phần cằm dưới của tôi để mở hộp so, vì vậy, có một khoảng thời gian, đôi lúc phần đó nhói lên như bị kim châm vậy !

Phần cơ đó kết nối với hàm của tôi, vì vậy, tôi chẳng thể mở được mồm mình. Trong khoảng 10 ngày, tôi phải ăn bằng muỗng. Phải đến 10 tuần sau đó, tôi mới mở hàm bình thường. Lần đầu tiên tôi uống được cốc nước cam một cách bình thường, cả nhà vui tới mức quay phim lại cảnh tượng đó nữa.

Khả năng thăng bằng của tôi cũng bị ảnh hưởng rất nặng. Tôi không thể đi đứng thẳng thớm, mà tôi cũng có đi được nhiều đâu cơ chứ! Trong một khoảng thời gian, mỗi lần tôi cử động đầu, đầu óc tôi lại choáng váng. Tôi phải đi gặp một chuyên gia về thăng bằng sau 12 tuần. Chị ấy giúp tôi rất nhiều trong quá trình hồi phục khả năng cân bằng, nhờ đó mà tôi đã có thể đi đứng vững chãi hơn.

Đến giữa tháng 1- 2018, tôi thuyết phục bản thân rằng tôi chỉ cần vài tuần nữa là sẽ được thi đấu cho đội một trở lại. Tôi thậm chí nghĩ rằng mình có thể trở lại đội một, thi đấu vài tháng ở Championship rồi sau đó trở lại Premier League. Lúc đó tôi nghĩ như vậy, nhưng đến lần Scan lại tháng 2, mọi thứ thay đổi hoàn toàn.

Trong năm đầu tiên sau chấn thương, mọi sự tập trung đều được dành cho hộp sọ của tôi, bởi ở đó có những lỗ thủng cần được trám lại và những vết nứt cần được khép miệng. Nhưng ở lần Scan cuối hồi tháng 2 năm đó, bác sĩ phát hiện ra một vài vấn đề ở não. Chúng tôi chia sẻ với một vài chuyên gia phẫu thuật thần kinh cũng như các các chuyên gia tư vấn. Khi đó, họ bắt đầu chia sẻ với chúng tôi một vài điều, giải thích cho chúng tôi điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi thi đấu trở lại.

Họ chia sẻ với tôi rằng nếu tôi thực hiện các pha đánh đầu trong vòng 1 năm, hay thậm chí là 6 tháng, tôi có thể bị mất trí nhớ và co giật khi bước vào tuổi 28 hay 29. Họ nói rằng việc tôi hồi phục một cách nhanh chóng đã là một điều kỳ diệu rồi, nhưng thi đấu lại một lần nữa có thể khiến não tôi gặp nguy hiểm.

Rời khỏi cuộc gặp đó, tôi biết sự nghiệp mình thế là xong rồi. Cái tin đó mới đáng buồn làm sao. Chúng tôi mới có con hồi tháng 12, mỗi lần nhìn vào thằng bé, tôi chỉ có thể nghĩ rằng mình thật may mắn và hạnh phúc làm sao. Thằng bé trao cho tôi một niềm tin để tiếp tục. Giờ đây, tôi phải tập trung vào việc nuôi nấng thằng bé.

Tôi vẫn yêu bóng đá lắm, và thật may mắn khi vẫn còn đủ khỏe để đá "phủi", nhưng thi đấu chuyên nghiệp thì không. Có lúc tôi cũng nghĩ đáng lẽ ra mình phải thi đấu tốt hơn, đáng lẽ ra mình phải đá cho ĐT Anh nhiều hơn. Tôi nhìn vào quá trình phát triển sự nghiệp của mình rồi nghĩ rằng chắc phải đến 28 mình mới "đạt đỉnh" được, hoặc thậm chí là 32 tuổi. Nhưng khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng tôi đã đạt đỉnh từ lâu rồi.

Đương nhiên, tôi chẳng buồn khi nghĩ về việc mình không còn cơ hội thi đấu ở Premier League hay ra sân trong màu áo Tottenham hoặc đá cho ĐT Anh nữa. Nếu bạn hỏi tôi khi 15 tuổi rằng tôi muốn đạt được gì trong môn bóng đá, 3 thứ trên sẽ là ước mơ chính. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể tự hào mà tuyên bố rằng: xuyên suốt sự nghiệp bóng đá ngắn ngủi của tôi, Ryan Mason này chẳng có gì để nuối tiếc!

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền