[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Quyết tâm rời bỏ công việc ổn định của một công chức nhà nước để ra làm ngoài, anh Trần Văn Tân (sinh năm 1979) bắt đầu hành trình đi tìm nguồn thực phẩm sạch để phân phối tới người tiêu dùng.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

14h, nắng gắt phả xuống trang trại rau sạch, rộng 7,8 ha ở thôn Dục Tú, xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương. Núp dưới nhà lưới kiên cố, những hàng rau xanh mướt cùng hàng trăm quả dưa lưới không cho thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng từ thời tiết. Điều đó không có gì lạ bởi đây đã là năm thứ 3, Tổng Giám đốc Queen Farm (Nông trại phong cách mới), Trần Văn Tân “chơi đùa” cùng rau, củ, quả sạch.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Chia sẻ cơ duyên gắn bó với nghề nông, anh Tân không cảm thấy tiếc nuối với quyết định của mình. Tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi, 6-2002, anh về công tác tại Công ty TNHH một thành viên thuỷ lợi Bắc Sông Mã. Năm 2009, nhiều người bất ngờ khi anh Tân bỏ công việc ổn định ra ngoài làm ăn. “Khó khăn lớn nhất mà tôi đã vượt qua được đó là quan điểm và nhận thức về kinh doanh, làm giàu. Ngày đó, tôi là dân kỹ thuật không có chút khái niệm kinh doanh nào. Để khắc phục khó khăn này, tôi đã mua rất nhiều sách về tự học, học trên Internet, tham gia nhiều khóa ngắn hạn về kinh doanh, marketing” – anh Tân trải lòng.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Lúc đầu, anh Tân mở công ty chuyên sản xuất, kinh doanh, lắp đặt và phân phối các loại cửa nhựa, nhôm, phụ kiện lõi thép. Sau 3 - 4 năm làm ăn có chút vốn, anh lấn sân sang lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) – lĩnh vực mà nhiều doanh nhân ngại ngùng vì một viễn cảnh không rõ ràng về tương lai. Anh Tân lý giải: “Tôi biết khá nhiều người mang bệnh chỉ vì thói quen nấu nướng đơn giản, và không quan tâm đến việc thực phẩm bẩn hay sạch. Tôi hỏi thì họ bảo rằng: “Sống chết có số”. Với tôi, câu nói đó thật sự rất đáng sợ. Quyết định lấn sân sang NNCNC, cái tôi muốn thay đổi nhất chính là ý thức của người tiêu dùng và ngay cả người cung cấp”.

Khi mới bắt đầu lên ý tưởng, nhiều người cho rằng, lĩnh vực này quá mạo hiểm và không thể thành công. Ngay cả bố mẹ và vợ anh cũng ngần ngại với quyết định của con trai nhưng anh Tân vẫn luôn đau đáu muốn thực hiện ước mơ NNCNC. Bằng ý chí, sự giúp đỡ của bạn bè về mặt tài chính, anh thuê được 7,8ha đất lúa tại thôn Dục Tú với giá thỏa thuận 1,8 tỷ đồng/ha. Có đất, anh san, lấp mặt bằng, đầu tư nhà kính, rồi mời chuyên gia Nhật Bản kết hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ Tiền Giang về hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Họ bắt đầu triển khai các mô hình thí điểm, tận dụng công nghệ Nhật để trồng dưa lưới Taki Nhật Bản, rau, củ, quả .... Chỉ sau 65 ngày kể từ ngày xuống giống, lứa dưa đầu tiên ngay lập tức đạt tiêu chuẩn VietGAP, vì tất cả khâu triển khai đã tuân đúng quy chuẩn ngay từ đầu. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khái niệm chuẩn VietGAP vẫn chưa thực sự phổ biến ở thị trường xứ Thanh. “Khi tôi đưa sản phẩm đến các siêu thị thì họ nói nếu chúng tôi bán bằng giá với những nhà cung cấp khác thì mua, còn không thì thôi vì họ không quan tâm đến các tiêu chuẩn ấy. Lại thêm một bài học nữa cho tôi. Làm nông nghiệp không chỉ sản xuất ra sản phẩm là đủ mà phải biết tạo thương hiệu, tìm cho mình một thị trường tiêu thụ ổn định thì mới có thể phát triển bền vững”- Anh Tân nhớ lại.Và đấy cũng là lý do mà Tân thành lập cửa hàng thực phẩm sạch Queen Farm, rồi tự quảng bá và tìm thị trường riêng cho mình.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Thành công và thất bại cứ liên tục nối đuôi nhau, trong khi thị trường không ngừng biến động và giá cả lúc trồi, lúc sụt. Cần một khoảng thời gian dài để chọn cây trồng tốt và thị trường chấp nhận, cần thời gian để mở rộng diện tích…và trong suốt những khoảng thời gian đó thì phải đứng trước thách thức không có doanh thu. Anh Tân cho biết tại thời điểm đó, trên thực tế Queen Farm có doanh thu nhưng không ổn định. Với mỗi ha nhà kính trồng dưa lưới thì cứ 65 ngày sẽ thu hoạch một lứa, tức chu kỳ có tiền sẽ diễn ra vào khoảng 2 tháng một lần. Trong khi đó, chi phí đầu tư và vận hành cao nên số tiền thu được hầu hết không bù đắp được chi phí.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Được biết, tính từ đầu năm 2018 đến nay, anh Tân đã trồng 4 vụ dưa lưới Taki F1 với tổng sản lượng 140 tấn, giá bình quân 65 triệu đồng/tấn. Như vậy, chỉ sau 4 vụ sản xuất, anh Tân đã thu về hơn 7 tỷ đồng. Anh Tân cho biết: “Ngoài dưa lưới, tôi xây dựng thêm 2.500m2 nhà lưới để trồng rau thủy canh và 4.500m2 để trồng rau, củ, quả hữu cơ. Theo tính toán, mỗi năm có thể sản xuất 15 - 17 vụ rau; chi phí 1ha nhà lưới mất khoảng 25 tỷ đồng, 300 triệu tiền phân/năm cùng với 150 triệu tiền hạt giống/năm sẽ thu về 350 tấn rau. Nếu chỉ tính giá bình quân 20 triệu đồng/tấn thì từ rau thủy canh, mỗi năm tôi cũng thu về trên 7 tỷ đồng. Bình thường, đầu tư trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, nếu có đầu ra ổn định thì 5 năm có thể thu hồi vốn. Nhưng tôi tin, chỉ cần 3 - 4 năm để thu hồi vốn bỏ ra”.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Ngoài ra, anh Tân đang đầu tư thêm khoảng 3,7 ha nhà lưới tại huyện Nông Cống cũng để sản xuất rau, củ, quả. Hiện nay, tất cả các sản phẩm nông nghiệp của Queen Farm sản xuất đều đã đạt chuẩn VietGAP, được đưa tới các bếp ăn trường học, siêu thị, xuất bán đi các thị trường Hà Nội, Ninh Bình... Queen Farm cũng đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm phấn đấu xây dựng thương hiệu GlobalGAP vào cuối năm 2019 để xuất đi các thị trường Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tổng giám đốc Queen Farm thường không thoải mái khi ai đó hỏi đâu là tiêu chí để phân phối sản phẩm. “Tất cả đều cùng một chuẩn. Không lý gì lại có chuyện lấy cái ngon đi các tỉnh, cái dở để lại cho người Thanh Hóa ăn, đây là tư tưởng cực kỳ lạc hậu” - Anh khẳng định.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Đến trang trại của anh Tân, chúng tôi mới hiểu tại sao chỉ sau 3 năm triển khai, sản phẩm của anh đã được xuất đi hầu hết các siêu thị, không lo ế hàng. Để đi vào khu vực nhà lưới của trang trại, khách tham quan phải đi qua khu cách ly khử trùng, thay dày dép, áo. Hàng chục nghìn giá thể đặt trong nhà lưới, phía dưới cùng là nền bê tông, trên được lót một lớp bạt. Giá thể được làm từ xơ dừa, phân trâu bò qua khử trùng. Trên mỗi giá thể là một cây dưa được cung cấp thức ăn bởi một vòi tưới nhỏ giọt công nghệ Nhật Bản. Hệ thống tưới này được lập trình tự động hóa và sẽ cung cấp lượng thức ăn theo từng chu kỳ phát triển của cây trồng, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng, phát triển.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Đối với rau thủy canh, quy trình cũng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất tới khâu sơ chế, đóng gói, vận chuyển với mong muốn cung cấp các sản phẩm sạch tới tận tay người tiêu dùng. Nhờ vậy, Queen Farm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa cung cấp cho mã vạch để truy xuất nguồn gốc rau, củ quả. Anh Tân chia sẻ: “Ngoài việc trồng rau theo quy trình VietGAP, trang trại trồng rau công nghệ cao của chúng tôi còn được áp dụng công nghệ hiện đại trong các khâu tưới tiêu, bảo quản. Nhờ thế mà sản phẩm rau, củ, quả làm ra luôn an toàn và đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng”.

[E-magazine] Ước mơ theo đuổi Nông nghiệp tử tế của CEO xứ Thanh

Ngồi trước khu nhà ăn dành cho các thực khách muốn thưởng thức rau, quả, quả sạch tại chỗ, Tổng giám đốc Trần Văn Tân chia sẻ một loạt giấc mơ về những sản phẩm rau, củ, quả chất lượng trước nhất là dành cho người dân xứ Thanh. Còn xa hơn chút nữa, anh đã phác thảo sơ bộ về những container hàng xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Điều cần thiết bây giờ là thời gian, bởi anh hiểu rằng "một con én không làm nên mùa xuân", nên sẽ cần thêm nhiều người hơn cùng góp sức trong việc tạo dựng một tương lai cho thực phẩm sạch.

Với những bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp lĩnh vực thực phẩm sạch, anh Tân khuyên: “Các bạn đừng ngần ngại, hãy thử dấn thân, bạn sẽ thấy lĩnh vực này rất thú vị. Nhu cầu thực phẩm sạch của người dân vô cùng lớn, thị trường còn rộng, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm để làm hay không? Bạn hãy nhớ, kinh doanh thực phẩm sạch cần nhất là cái tâm của người bán. Hãy xây dựng mô hình làm giàu chân chính bằng sức lao động của mình, mang đến cho khách hàng những sản phẩm sạch, có ích, bạn sẽ thấy bạn giàu có, hạnh phúc như thế nào”.

Nội dung: Tăng Thúy

ảnh & Thiết kế: Vân Anh

Xuất bản: 3:03:04:2019:12:45

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM