[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Nếu có ai hỏi tôi, chặng đường nào của thanh xuân đã qua khiến tôi lưu luyến nhất, tôi nhất định sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng: Đó là quãng thời gian ôn thi vào đại học. Và ngay cả khi ký ức đưa tôi về với những ngày tháng nhọc nhằn, cặm cụi chong đèn đến 3-4 giờ sáng để kịp viết nốt bài văn còn dang dở, ghi nhớ dòng sự kiện diễn ra tận nước Nhật, nước Mỹ xa xôi, lạ lẫm... Cũng có khi cơn buồn ngủ đánh gục tôi xuống bàn học tự lúc nào chẳng hay biết, tôi vẫn cẩm thấy từng giây, từng phút đáng giá, đáng trân trọng biết bao nhiêu...

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Vào thời điểm đó, nhận thức cần phải đỗ đại học để làm gì? Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công? Và vô số vấn đề nan giải được đặt ra như: chất lượng giáo dục đại học, tỷ lệ thất nghiệp sau tốt nghiệp đại học… đều không hề khiến tôi mảy may bận tâm, lo lắng. Bởi với tôi, học tập là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Việc xác định rõ ràng như thế khiến tôi càng kiên định hơn với ước mơ của mình. Và các bạn hãy tin tôi đi, rằng, rất có thể, những tháng ngày ôn thi đại học miệt mài ấy chính là cơ hội duy nhất để các bạn được trải nghiệm cảm giác hết mình sống cho ước mơ, khao khát.

Càng trưởng thành hơn, càng va vấp nhiều hơn, các mối quan hệ được mở rộng hơn, bạn sẽ rất khó để có lại cảm giác hết mình của quãng thời gian ấy. Và hơn tất thảy, đằng sau những khung trời lý tưởng, mơ ước đó, điều khiến tôi trân quý nhất chính là bóng dáng cha mình đội nắng chờ con, là nỗi lòng mẹ thấp thỏm không yên lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Bố mẹ tôi, cũng như biết bao ông bố, bà mẹ khác, cánh cổng trường thi vừa kịp khép lại đều dấy lên trong lòng họ nỗi niềm thương yêu vô bờ, vô bến, vô hình, vô định lượng mà sâu nặng đến thẳm thẳm vô cùng.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Chính sự hoài niệm vẩn vơ như thế đã đưa tôi ghé lại một vài điểm thi THPT quốc gia năm 2019 trên địa bàn TP Thanh Hoá để được hoà mình vào không khí thi cử mà chính tôi đã trải nghiệm nhiều năm về trước. Gần 10 năm đã trôi qua với những thay đổi hàng loạt trong quy chế thi nhưng khung cảnh bên ngoài khu vực thi của ngày hôm nay chẳng hề khác xưa. Sự quen thuộc ấy khiến khoé mi tôi run lên niềm xúc động và hàm ơn sâu sắc. Giữa thời tiết chang chang nắng, tại các điểm thi, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn nhẫn nại tìm một bóng râm hay gốc cây, quán nước nào đó lánh tạm, đợi con thi xong. Mặc dù trước khi vào phòng thi, đứa con thương bố mẹ vất vả, đã một mực dặn bố mẹ “không phải đợi con đâu nhé”, “cứ về nhà bao giờ thi xong con gọi rồi hẵng ra đón” nhưng bố mẹ “chẳng ai chịu nghe lời”, khăng khăng “ở lại cùng con” với nỗi lo lắng mơ hồ “biết đâu con nó quên cái gì, bố mẹ ở đây còn xoay sở cho nó”. Lý do được các bậc phụ huynh dẫn viện nhiều nhất, đó là: “ở lại đây để động viên con trong phòng thi làm bài cho tốt”.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Thực ra, chẳng có bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa việc cha mẹ ở lại đợi con bên ngoài điểm thi với việc con sẽ được động viên để làm bài thi tốt hơn. Nhưng các ông bố, bà mẹ của chúng ta tự ngàn đời nay vẫn nhất mực thương con một cách bản năng như vậy. Tình yêu thương luôn có lối đi riêng của nó. Sự gắn kết bền chặt, thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, nhiều khi, đủ sức vượt qua mọi định kiến, giới hạn. Hoặc có thể ai đó vẫn còn hoài nghi về sự “bản năng” này mà kỳ công so sánh với các cường quốc năm châu về cách họ “buông đôi tay con ra từ khi còn tấm bé” để con học cách tự lập.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Tôi chẳng biết quan điểm của các bạn như thế nào nhưng với riêng tôi, tôi biết ơn hết thảy tình yêu thương “bản năng” mà cha mẹ đã dành cho mình. Nhờ nó mà tuổi thơ của tôi êm ả trôi qua bên cạnh hơi ấm, tiếng ru ầu ơ của mẹ, vòng tay ôm ấp, vỗ về của cha chứ không phải tách mẹ, cô đơn, sợ hãi nằm riêng một phòng để “học cách tự ru ngủ chính mình”, “luyện ngủ xuyên đêm”, “học cách tự lập, không bám mẹ”. Trừ những kì thi học kỳ đơn giản, còn lại những kỳ thi vượt cấp, thi học sinh giỏi hay thi đại học, dù bận bịu công việc như thế nào đi chăng nữa, bố tôi cũng thu xếp tạm gác lại, vượt quãng đường hơn trăm cây số về đưa tôi đi thi.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Bất kỳ một ai đã từng trải qua áp lực thi cử đều có thể hiểu được ý nghĩa của một cái ôm, xoa đầu âu yếm, trìu mến, lời động viên, an ủi của bố mẹ, người thân sau mấy giờ đồng hồ nỗ lực làm bài. Đứa làm được bài hớn hở chạy ra ôm chầm lấy bố mẹ, miệng ríu rít khoe câu này làm thế này, câu kia làm thế nọ, chân nhảy cẫng cả lên. Nhiều đứa không làm được bài, chẳng nói chẳng rằng, nghe bố mẹ gọi “con ơi” đã oà khóc nức nở khiến cho nỗi lòng bố mẹ xa xót mà rơi nước mắt cùng con. Thương quá mà khóc, đơn giản như vậy thôi!

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những ngày bố mẹ mắt ăn mất ngủ lo lắng cho mình trong kì thi đại học. Hồi ấy, thí sinh dự thi đại học ở các tỉnh lẻ đều phải tất tả, khăn đùm găn gói ra Hà Nội tập trung thi. Vậy là ngoài việc dành ra một khoản tiền kha khá làm lộ phí, cách đó chừng cả tháng kể từ khi biết địa điểm thi, bố tôi đã phải nhờ vả ông anh nhà bác đang làm việc ngoài Hà Nội chạy đôn chạy đáo tìm chỗ thuê trọ. Bố mẹ tôi dặn đi dặn lại ông anh tôi những tiêu chí khắt khe phải đáp được ứng được khi thuê nhà: “Mày tìm cho em chỗ nào mà gần điểm thi, 5 – 10 phút đi bộ cũng có thể đến kịp. Nhà trọ phải khép kín, nhà vệ sinh, nhà tắm tươm tất một chút ...”. Ấy thế mà chưa hết, bố tôi còn nhấn mạnh trong điện thoại: “Quan trọng là phải thoáng, mát nhé. Nóng quá, em nó không ngủ được”. Lo xong vụ nhà trọ, bố tôi như trút được gánh nặng lớn trong lòng. Mẹ tôi không quen với việc đi lại xa, lại say xe nên nhận nhiệm vụ bồi bổ sức khoẻ cho tôi thật tốt.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Mẹ tôi kỹ tính kiểm soát đồ ăn thức uống của tôi ghê lắm. Tôi không nhớ cụ thể nhưng suốt một tuần trước khi lên đường đi thi, tôi không được ăn trứng, trứng vịt lộn, thịt vịt, lạc, đậu đen, chuối... Còn nhiều thứ phải kiêng cữ lắm! Mẹ tôi bảo: “Trứng giống điểm O; vịt thì lạch bạch, chậm chạp; ăn lạc dễ bị làm lạc đề; ăn đậu đen thì xui xẻo”… Thành thử ra, nguyên tuần đấy cứ bị mẹ thúc giục chịu khó ăn đậu đỏ, dưa hấu… Tôi nhận thức rất rõ kết quả thi cử của mình chẳng bao giờ có thể vì một vài món ăn, thức uống mà xấu đi hoặc tốt lên giống như quan niệm của mẹ. Nhưng để đáp lại công sức, tâm huyết mẹ dành cho tôi, tôi vẫn vui vẻ nghe lời ăn theo chỉ dẫn của mẹ. Đừng ai nói mẹ tôi hay bất kì người mẹ nào đã từng có những suy nghĩ như thế là mê tín này kia, các bạn sẽ có lỗi với họ nhiều lắm đấy.

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Dân gian vẫn thường lưu truyền câu nói: “Có sinh con, nuôi dạy con cái rồi mới biết lòng cha mẹ”. Quả đúng là như vậy! Mang theo những hỗn độn cảm xúc sau một ngày rong ruổi tại các điểm thi, đêm nằm ôm đứa con nhỏ đang vô tư say giấc nồng bỗng cảm thấy nhớ, thương bố mẹ nghẹn lòng. Bố mẹ tôi suốt cả chặng đường thi cử cơm ăn còn chẳng no, lấy ai đưa đi đón về sớm tối? Vậy mà chưa bao giờ bố mẹ để chị em chúng tôi phải vượt qua những kì thi quan trọng một mình. Trong những kì thi ấy, có khi chúng tôi cười, có lúc chúng tôi khóc vì tiếc nuối, giận mình không học bài kỹ hơn nhưng bao giờ cũng thế, vòng tay bố mẹ vẫn luôn rộng mở đón chúng tôi vào lòng, khe khẽ thu thủ vào tai con:

“Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi!”

[E-Magazine] Đừng lo, có ba mẹ ở đây rồi

Hương Thảo - Vân Anh

Xuất bản: 3:26:06:2019:17:22

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM