Hàng chục hộ dân vạn chài thôn Lam Đạt (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa) từng sống cuộc sống lênh đênh trên sông nước, nay đây mai đó, không có tài sản giá trị lớn. Cho nên, việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng có lẽ là điều không tưởng. Giờ đây, được sống trong ngôi nhà mới khang trang, được cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục vay vốn, sử dụng nguồn vốn hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, với họ, đó ví như mùa xuân cuộc đời hay là thời điểm bắt đầu cuộc sống mới vậy.

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Hậu, khi anh đang dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị mở quán nước giải khát phục vụ người dân trong vùng. Quán nước của gia đình được mở từ nguồn vốn chính sách giải ngân tháng 10/2023. Mời chúng tôi vào căn nhà đại đoàn kết khang trang mới được bàn giao, anh Hậu phấn khởi khoe: “Ước mơ thoát khỏi cảnh lênh đênh trên sông nước, sau hàng chục năm của gia đình đã trở thành hiện thực. Được chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, nay lại được NHCSXH cho vay 90 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình tôi đã đầu tư mở cửa hàng kinh doanh đồ uống, bước đầu cho thu nhập ổn định”. Với bố con anh Hậu, cuộc sống hiện tại đến như một giấc mơ, đem đến nhiều niềm vui và hy vọng, anh vẫn chưa quen với niềm hân hoan choáng ngợp này. Chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà Nước, chính quyền các cấp đã lo lắng giúp cho người dân có cuộc sống ổn định để an cư lạc nghiệp.

Việc tiếp tục đưa toàn bộ 28 hộ dân sông nước trên địa bàn huyện Thiệu Hóa lên bờ là nỗ lực rất lớn của huyện. Đây cũng là vấn đề an sinh xã hội mà huyện luôn quan tâm trong những năm qua. Ngay từ khi triển khai, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã giao việc cụ thể cho từng thành viên, vận động mọi người dân, doanh nghiệp chung tay, nhờ đó mà toàn bộ 28 hộ dân sinh sống trên sông nước đã có nhà mới để an cư.

Tuy nhiên, lên bờ cũng là lúc các hộ gia đình phải đối mặt với cuộc mưu sinh hằng ngày, bởi đa số đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không có vốn sản xuất. Trước thực tế này, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Thanh Hóa, Phòng giao dịch NHCSXH Thiệu Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân làm hồ sơ, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Đến nay, đã có hàng chục hộ được tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm... để phát triển sản xuất kinh doanh, với dư nợ gần 4,3 tỷ đồng.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp, các ngành, các địa phương đang nỗ lực đồng hành, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách nói chung, đồng bào thủy cơ được lên bờ nói riêng sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế bền vững.

Ghi nhận thực tế tại khu định cư thôn Lam Đạt, 28 căn nhà đẹp như một khu phố nhỏ, được xây dựng ngay gần trung tâm xã, thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày của bà con. Được dọn về ở trong nhà mới, người dân tại khu tái định cư vui mừng, hạnh phúc. Họ vui vì không còn phải sống đời nay đây mai đó, được lên bờ để con cái họ có điều kiện đi học tốt hơn, những người trong độ tuổi lao động có cơ hội làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, nhiều gia đình được vay vốn chính sách, đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả. Tính đến thời điểm này, trong số 28 hộ dân làm nghề sông nước vừa được hỗ trợ tái định cư ở xã Thiệu Vũ, có khoảng 15 hộ đã chuyển đổi nghề nghiệp, dần quen với tập quán sản xuất trên bờ...

Ông Phạm Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa), cho biết: Để ổn định đời sống người dân làng chài mới lên bờ sinh sống, Đảng ủy xã Thiệu Vũ chỉ đạo UBND xã rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất thầu ngân sách xã, đất của các hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng, ưu tiên giao cho các hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp; tìm kiếm và hỗ trợ đào tạo, dạy nghề. Đồng thời, phối hợp NHCSXH thường xuyên tuyên truyền tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn, đến nay có hàng chục hộ dân đã tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng và qua kiểm tra cho thấy việc sử dụng nguồn vốn rất có hiệu quả.

Tôi vẫn nhớ như in chuyến thực tế cùng cán bộ tín dụng NHCSXH đến từng chiếc thuyền đánh cá chòng chành trên sông của người dân xã Thiệu Vũ, để tuyên truyền cho bà con hiểu được các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đang triển khai hỗ trợ đồng bào. Nhiều hộ có ý chí làm kinh tế, đủ tiêu chuẩn vay vốn chính sách, lại không dám vay, sợ mất vốn. Lúc này, cán bộ NHCSXH lại trở thành người làm công tác dân vận để tuyên truyền về các chính sách vay vốn ưu đãi và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm hồ sơ, thủ tục vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc NHCSXH Thiệu Hóa chia sẻ: Sau nhiều năm công tác tại NHCSXH, thấm thía điều Bác dạy: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải chịu khó giải thích cho mọi người dân hiểu rõ thì dân sẽ vui lòng làm, việc gì cũng thành công”. Do vậy, từng cán bộ NHCSXH đã đến tất cả các xã trên địa bàn huyện vận động các bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn và người có uy tín rà soát nhu cầu, nguyện vọng vay vốn của người dân. Phấn đấu 100% hộ nghèo, các gia đình chính sách có nhu cầu được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Trăm ngàn cái khó, nhưng với sự đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, cán bộ ngân hàng đã sẵn sàng vượt qua khó khăn. Bởi đa số hộ dân thủy cơ, chài lưới khi mới lên bờ muốn vay vốn nhưng không đủ tài sản bảo đảm theo quy định. NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị nhận ủy thác, tạo điều kiện cho người người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Đây là hình thức cho vay “tín chấp”, bởi nếu áp dụng đúng theo quy định, thủ tục theo hồ sơ dự án để vay vốn ưu đãi thì người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn. Giao tiền đến tay người dân rồi nào đã xong, cán bộ tín dụng phụ trách món vay lại tiếp tục phối hợp cùng cán bộ xã, tổ trưởng tổ vay vốn khảo sát, hướng dẫn người dân sử dụng vốn đúng mục đích và cùng cán bộ chuyên môn của huyện bám sát các hộ vay để hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sao cho đồng vốn được sử dụng và phát huy hiệu quả.

Làm cán bộ tín dụng chính sách ở khu vực nông thôn phải cố gắng một thì cán bộ tín dụng chính sách cho đồng bào thủy cơ, gần như cả cuộc đời lênh đênh trên sông nước phải cố gắng gấp nhiều lần. Giải thích, hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn cho khách hàng - một công việc không dễ dàng khi khách hàng phần lớn là dân làng chài vốn ít tiếp xúc thông tin, không quen với các văn bản, giấy tờ, chưa kể đến việc kiểm tra việc sử dụng vốn, thu nợ, thu lãi. Nhiều khi để tránh thất thoát đồng vốn, cán bộ tín dụng phải kiêm luôn nhiệm vụ khuyến nông, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt. Điều đó lý giải tại sao cán bộ tín dụng NHCSXH lại thông thạo kỹ thuật trồng cây vụ đông, cây ăn quả, nuôi lợn, nuôi gà đến thế...

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay các tổ chức, các nhà hảo tâm, ước mơ được lên bờ định cư, sống trong những ngôi nhà mới của cư dân vạn chài ở khu định cư mới thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ đã trở thành hiện thực. Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, các địa phương, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đặc biệt, từ nguồn vốn chính sách đang từng ngày, từng giờ góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân làng vạn chài, cũng như xây dựng cho vùng đất mới ngày một phát triển. 

Nội dung: Khánh Phương

Ảnh: Khánh Phương và Tư liệu

Đồ họa: Mai Huyền