Còn nhớ, khi chưa đặt chân đến Pù Luông, tôi đã đôi lần tự hỏi, giữa thời “tấc đất, tấc vàng”, Pù Luông liệu có còn giữ được “vẻ đẹp” hoang sơ, dịu dàng như trong nhiều bức ảnh, thước phim? Và, ngay lần đầu chạm mặt, tôi đã “trúng tiếng sét ái tình”. Đến giờ, đã ngót mươi lần “hò hẹn”, rồi hỏi Thúy ơi, biết hết về Pù Luông chưa? À chắc cũng sơ sơ…

Trước mấy hôm đi Pù Luông, mưa gió tơi bời, may sao hôm xuất phát thì trời trong nắng đẹp. Rồi mọi thứ vẫn như những lần trước đó, thanh bình, tươi đẹp. Đôi khi tặng kèm một chút xíu se lạnh của những cơn gió bất chợt. Cùng chung đường với chúng tôi là từng tốp “phượt thủ” nối thành hàng dài trên những xe máy và ô-tô nhằm hướng trung tâm các xã Thành Lâm, Thành Sơn (Bá Thước). Thỉnh thoảng bắt gặp nhiều nhóm phượt và du khách dừng xe, tụ lại bên đường để chiêm ngưỡng, chụp ảnh và hòa vào không khí lao động sôi nổi trên các cánh đồng. Không biết từ bao giờ, đồng bào Thái, Mường… nơi đây đã bạt rừng, xẻ núi mở ruộng, làm nên những thung lũng ruộng bậc thang đẹp đẽ. Khác với các xã vùng cao khác, Pù Luông có 2 mùa lúa. Mùa xuân từ khoảng tháng 2-3, mùa hè từ khoảng tháng 6-7 là mùa nước đổ và đến khoảng tháng 5-6, 9-10 thì lúa chín. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn đến Pù Luông vào những thời điểm này trong năm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ruộng bậc thang.

Tuy nhiên, bạn cũng đừng ngại nếu đi vào một ngày mùa đông, bởi bạn sẽ được nhìn thấy một khung cảnh rất lãng mạn với sương mờ bảng lảng phủ khắp núi đồi. Trong bếp lửa nhà sàn, cái lạnh đã bị lửa xua tan, những bắp ngô nếp nướng thơm lừng. Từ những khe hở của bức tường gỗ nhìn ra tứ bề đều mờ đục như giữa chốn thần tiên. Nước mưa rừng chảy trên mái hiên trong những đêm mưa như kể với người lạ về một huyền tích của núi rừng. Những ngày mùa xuân - mùa của lễ hội, tình yêu, với tiếng khặp nồng nàn của trai, gái tìm nhau. Trên các con đường, bên những mái nhà trầm mặc, góc sân..., hoa đào thắp lên từng đốm lửa, bung nở những cánh hồng dịu ngọt, mỏng manh, khiến không gian bừng lên ấm áp, xua đi cái lạnh giá, hoang vu. Những chiếc áo sặc sỡ mắc trên cành cây khô dập dờn như cánh bướm gọi mùa, điểm tô cùng màu xanh mát của rau quả và sắc vàng nhuộm nắng của hoa cải... - tất cả tạo thành một bức tranh trong trẻo và bình yên đến lạ.

Pù Luông đẹp lắm: thác Muốn (Điền Quang), thác Hiêu (Cổ Lũng), hang Dơi (Thành Sơn), hồ Đèn, hồ Duồng Cốc (Điền Hạ), Son – Bá – Mười (Lũng Cao)…. Nhưng Pù Luông với tôi đẹp nhất có lẽ là bản Đôn (Thành Lâm) - nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất. Những thửa ruộng bậc thang mềm mại, xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, trải rộng mênh mông tận chân núi, ôm ấp những mái nhà của đồng bào dân tộc Thái. Chụp một bức ảnh của buổi hoàng hôn, khiến tôi muốn đắm chìm mãi ở nơi đây. Nơi có nắng chiều vàng óng rải trên thảm lúa vàng.

Đến với bản Kho Mường (Thành Sơn) - một thung lũng nhỏ có hơn 60 hộ gia đình đang sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Thái. Ở đó, tôi đắm chìm trong một không gian thanh bình, để mặc thời gian cứ trôi đi, mà thấy thật an yên. Mãi khi ông mặt trời khuất sau ngọn núi xa xa, người bạn đồng hành giục giã, chia tay Kho Mường, tôi vẫn còn bịn rịn, lưu luyến…

Nếu bạn muốn biết cuộc sống của những người dân vùng cao như thế nào, thì hãy một lần đến Son - Bá - Mười (thường được gọi là biệt khu Cao Sơn) - Nơi nhiều nếp nhà sàn của đồng bào Thái vẫn còn nguyên vẹn nét hoang sơ. Xứ sở này còn được biết đến với những cái tên, như: “ốc đảo thiên đường nổi giữa lưng chừng trời”, “Sapa say ngủ trong lòng xứ Thanh”, “thung lũng trường thọ” vì có độ cao trung bình khoảng 1.500m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa duy trì 18 - 22 độ C, quanh năm sương mù bao phủ. Cuộc sống của đồng bào nơi đây bình yên bên những đồi luồng xanh mướt mát; dưới những thửa ruộng là các giàn dưa bao tử, đậu, su su được bà con trồng xen canh với ngô.

Còn gì tuyệt vời hơn những phút giây trải lòng, đắm chìm cảm xúc trên hồ Duồng Cốc, hồ Đèn. Giữa rừng núi nguyên sinh, ngồi trên thuyền lướt đi trên mặt hồ, qua những gò lớn, gò nhỏ, những thảm thực vật cây cối, trong mây trời hòa quyện, như hòa mình vào bức tranh thủy mặc... Neo thuyền vào các rặng cây rậm rạp ven hồ ngồi câu cá, thi thoảng chúng tôi bắt gặp những bè mảng của người dân bản địa chở củi, hàng nông sản di chuyển trên lòng hồ.

Khác với sự bao la, rộng lớn của hồ Duồng Cốc, hồ Đèn nằm nép mình bên vách đá, nước trong xanh, mát rượi, được người dân trong vùng gọi là hồ Tiên tắm. Bởi, trước kia các cô gái trẻ đi làm về thường rủ nhau và không ngại ngần trút bỏ trang phục rồi vừa khúc khích cười vừa ào xuống hồ tắm “như những nàng tiên giáng trần”. Cách hồ khoảng vài ki-lô-mét, hang Nước nổi tiếng bởi vẻ lung linh của những nhũ đá trong động. Khung cảnh nơi đây đã từng được mệnh danh là một “sân khấu đá” với những chùm hoa đá lúc ẩn, lúc hiện. Lên cao một chút để đến hang Bụt, thắp một nén hương thơm nơi cửa Phật từ bi, chúng tôi thấy tâm hồn mình thanh thản và yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên hơn. Trên đỉnh núi Đèn, núi Nạc và đồi Tràu, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi đã thực sự bị mê hoặc trước bức tranh phong cảnh hữu tình với mặt nước hồ Duồng Cốc trong xanh, những bản làng trù mật với ruộng nương tươi tốt, thấp thoáng nếp nhà sàn của cư dân xã Điền Hạ...

Và khi cần tìm kiếm một địa điểm để được trải nghiệm trọn vẹn sự kết hợp giữa leo núi và săn mây, nhưng lại không có nhiều thời gian, cũng như sức khỏe thì đỉnh Pù Luông là sự lựa chọn tuyệt vời. Với độ cao 1.700m so với mực nước biển, đỉnh Pù Luông là ngọn núi “ai cũng có thể đi”. Mùa này, đến với những đỉnh núi cao, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời phong cảnh tựa chốn bồng lai, ngắm mây vờn quanh lưng núi hay xếp tầng thành những “biển” mây trắng muốt. Sự thay đổi về các thảm thực vật trên từng độ cao của mỗi ngọn núi cũng cũng đem lại cho bạn nhiều điều kỳ thú.

Pù Luông giờ đây vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, nhưng đồng thời các Homesatay, Resort như: PuLuong Casa Resort, Puluong Bocbandi Retreat, Central Hills Pù Luông Resort, Puluong Retreat, The Paml Puluong, Ebino Pù Luông Resort and Spa... được người dân đầu tư phục vụ khách du lịch chả kém nơi nào. Không ồn ào, náo nhiệt như những điểm du lịch khác, Pù Luông vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa bản địa. Tại đây, hằng năm vẫn diễn ra các lễ hội đặc sắc, như: Lễ cầu mùa, cầu mưa, lễ mừng cơm mới, lễ mừng thọ cho người già, lễ mừng đầy tháng con... Nhấp chén rượu thơm mùi lúa mới, du khách hòa mình vào các trò chơi dân gian, như: Tung còn, hát khặp... Trong đêm trăng sáng, lễ hội tưng bừng, trai gái hẹn hò nhau cùng giã cốm, rồi từng cặp nhảy những điệu múa mô tả cuộc sống của cộng đồng, như: Cấy lúa, làm nương... với trang phục độc đáo.

Điều đặc biệt ở Pù Luông chắc hẳn không thể thiếu đó là ẩm thực. Mọi người hãy một lần thưởng thức các món ăn dân giã của Pù Luông: Tằm lá sắn, cua đá, trứng kiến, bọ xít, nhộng ong, vịt Cổ Lũng, canh đắng, canh pịa, canh uôi, canh lóng, canh môn, canh lá sắn muối, canh khoai mán, canh măng… - những món ăn độc đáo không phải ở đâu cũng có.

Ngoài ra, Pù Luông cũng có rất nhiều các loại đặc sản núi rừng như: Mật ong rừng Pù Luông, Lạp sườn họ Hoàng, Khâu nhục họ Hoàng, đũa tre Rầm Tám, vịt Cổ Lũng, rượu cần, rượu men lá….. Hầu hết những hộ kinh doanh homestay ở đây cũng đồng thời có cơ sở sản xuất hoặc cung cấp các loại đặc sản này… Ngay trong lòng xã Thành Lâm, làng nghề sản xuất rượu cần được truyền từ đời này qua đời khác. Xa hơn một chút, làng nghề Dệt thổ cẩm, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đang dần lấy lại hào quang một thời. Những người làm nghề thủ công nơi đây đa phần đều là anh em ruột trong gia đình. Hiện nay đã có một số máy móc hỗ trợ, nhưng 60% công việc vẫn được thực hiện bằng tay; các họa tiết vẫn cực kỳ tinh xảo, bắt mắt.

Pù Luông là núi đồi, cây cỏ, đúng vậy, đó là một nửa linh hồn của nó rồi. Nhưng ở vùng đất Mường Khoong này, những chứng nhân lịch sử vẫn kiêu hãnh tồn tại. Đó là: Mái Đá Điều, Mái Đá Nước, hang Làng Tráng Bồ Mộng, Ba Lẫm, Kình Lộng, Úng Ải, căn cứ Điền Lư, Đồn và Sân bay Cổ Lũng, La Hán… với những cái tên huyền thoại như: Hà Văn Mao, Hà Văn Nho, Đinh Công Tráng, Cầm Bá Thước… Tất cả tô thắm thêm trang sử dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc. Di sản văn hoá của quê mình, sao không chậm lại để ngắm nhìn và nâng niu, để tìm hiểu về lịch sử, để cùng ngẩn ngơ mà nói với người bạn đồng hành “quê mình sao đẹp quá”.

Rồi phiên chợ Phố Đoàn vội vàng mở sáng thứ Ba, thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, những bà mế hiền từ đem bán dăm ba gói rau rút, bắp ngô mới bẻ còn tươi nhựa, đôi ba mảnh thổ cẩm còn thơm mùi vải mới... Những cuộc gặp gỡ văn hóa ấy tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến khách lãng du có dịp biết đến một góc về đời sống vật chất của đồng bào nơi đây. Hay đâu đó trên cung đường, tôi bắt gặp vẻ đẹp của những phụ nữ Thái, Mường không chỉ toát lên ở gương mặt, vóc dáng, trang phục truyền thống, mà còn toát lên từ trong lao động, trong cuộc sống đời thường. Họ luôn mang trên vai đôi khi là đứa trẻ hay là gánh củi, gùi rau xanh. Vẻ đẹp của họ toát lên nét mộc mạc, an nhiên, một vẻ đẹp rất riêng mà tôi chẳng thể gặp giữa chốn thị thành náo nhiệt.

Điều mê hoặc tôi khi đến “vùng đất mây trời” này chính là sự bình yên, mộc mạc và chân chất của đồng bào. Không giống những trẻ em ở thành thị, trẻ em vùng cao có cuộc sống khó khăn, vất vả, thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc đến chỗ vui chơi và học hành, những em bé lớn thì phải lên nương phụ giúp cha mẹ, còn các em nhỏ hơn thì ở nhà. Tuy cuộc sống bao nhọc nhằn nhưng trên gương mặt các em luôn rạng ngời niềm vui với ánh mắt thơ ngây trong sáng giữa non xanh rừng thẳm khi vui đùa với trò ô ăn quan, chạy xe gỗ, đánh con quay bình dị... làm tôi như sống lại những năm tháng bình yên của tuổi thơ.

Cũng là cái may của tôi, khi lần nào đến Pù Luông cũng gặp được những con người bản địa rất tốt, xem nhau như gia đình, nói đến chỉ có rưng rưng mà cảm ơn. Với tôi, cái bản tính chung của người vùng cao vẫn mãi là sự chân thành và hiếu khách. “Lên đây với anh, chị, em không cần phải lo gì cả”, “Hôm nay em ăn gì?, để anh, chị dắt đi chỗ này, chỗ kia”, “Em ơi, mùa lúa đẹp lắm, bắt xe lên non nào”, “Dậy chưa, đi săn mây thôi”. Ở Pù Luông á, khuyên thật tâm là chậm rãi mình yêu nhau thôi, Pù Luông hùng vỹ và quý giá vô cùng.

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, có lần đã nói với tôi “Pù Luông vẫn còn là vùng đất chưa công nghiệp hoá, mà nhờ vậy con người còn nhiều cái để thương, để nhớ”.

Những ngày cuối tuần yên bình đúng nghĩa - Thức dậy trong ánh nắng xuyên qua tán lá, tiếng chim hót rộn ràng, nghe giọng nói véo von của người dân địa phương, kết thúc. Hẹn gặp lại Pù Luông vào một ngày gần nhất! Hứa với nhau rằng lên với bà con mình cứ thong thả thôi nha. Cái bình yên của chốn này sẽ chữa lành hoặc ít nhất làm gác lại mọi trăn trở mà cuộc sống lỡ “dúi vào tay”. Biết đâu lắng nghe lời thủ thỉ tâm tình của cỏ cây, hoa lá sẽ khiến cho tâm hồn của bạn dịu dàng hơn như cái cách mà núi non ôm ta vào lòng. Một lần lên với bà con mà thấy buồn, tha thứ cho nhau, rồi đến thêm lần nữa nha….

Nội dung: Tăng Thúy và Võ Nga (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bá Thước)

Ảnh: Tiến Đông và CTV

Đồ họa: Mai Huyền