"Hà điên" và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Lê Xuân Hà, chàng sinh viên bỏ dở hai trường đại học về quê nhà tại xã Tân Thành (Thường Xuân) khởi nghiệp. Chuyện của Hà "ngộ" tới mức những người hàng xóm ở đây đã quen với cái tên “Hà khùng”, “Hà điên”, “Hà ống hút”…

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Tân Thành (Thường Xuân) một ngày cuối Đông. Chàng trai dáng vẻ nghệ sĩ, mái tóc dài buộc gọn đang điều khiển chiếc xe honda cổ, men theo con đường đất ven cánh đồng mía chạy về phía khe suối dưới chân núi Hón Mũ. Chàng trai đó là Lê Xuân Hà, chàng sinh viên bỏ dở hai trường đại học về quê nhà tại xã Tân Thành (Thường Xuân) khởi nghiệp. Chuyện của Hà "ngộ" tới mức những người hàng xóm ở đây đã quen với cái tên “Hà khùng”, “Hà điên”, “Hà ống hút”…

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

"Có phải hỏi thằng Hà “điên” suốt ngày ôm tre với luồng đi lang thang không? Nó ở trong ngôi nhà tre ngay gần dưới chân núi Hón Mũ kia kìa”, bà bán hàng tạp hoá cười to khi chúng tôi tìm đến nhà của Lê Xuân Hà (28 tuổi, chủ Nông trại Hón Mũ).

Căn nhà chúng tôi nhìn thấy đầu tiên khi băng qua con suối nhỏ đang được dựng dở chỉ làm bằng tre và lá cọ, Hà đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện cùng dáng dấp của một chàng trai phong trần giữa núi rừng đại ngàn. Trong ngôi nhà nhỏ hòa mình giữa thiên nhiên, Hà đã chia sẻ với chúng tôi về những gian nan, khó nhọc trên chuyến hành trình anh đã và đang bước chân đi.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Khi chúng tôi đang mơ màng giữa không gian thiên nhiên đất trời, không khí trong veo không chút ồn ào của xe cộ và khói bụi, ánh mắt anh chùng xuống, giọng trầm lắng: “Sau cú sốc khi bố mất tích lúc tôi 10 tuổi, mọi việc làm cũng như con đường học hành của tôi đều dở dang”. Câu nói ấy khiến chúng tôi càng thêm tò mò. Lê Xuân Hà đã từng là một học sinh giỏi tại Trường THPT Thường Xuân và thi đỗ vào Khoa Kế toán, Trường Đại học Hồng Đức vào năm 2009, nhưng sau 2 năm theo đuổi đèn sách, anh đã bỏ ngang việc học. Một năm sau, anh tiếp tục trở thành tân sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng rồi, con đường học hành lại một lần nữa dở dang...

4 năm sau đó là khoảng thời gian đủ dài để anh giải đáp những băn khoăn của bản thân về ý nghĩa của cuộc đời. Chàng trai trẻ đã thử thách bản thân với nhiều công việc như bán bánh xèo, phụ hồ… nơi phố thị. Và rồi anh nhận ra mình không thể ở nơi mình không thuộc về. Do từ nhỏ sinh ra ở miền rừng núi, nên anh quyết định trở về nơi chôn rau cắt rốn, mang theo ý định khởi nghiệp và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Tuy nhiên, không chấp nhận làm nông theo kiểu lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, Lê Xuân Hà đã bắt tay nghiên cứu về rau sạch.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Sau nhiều lần thăm quan các mô hình rau sạch, Lê Xuân Hà vẫn cảm thấy “sự sạch” ở đây có vấn đề. “Thời điểm đó, tôi từng hoang mang và nghĩ rằng, bản thân mình có điều gì đó không bình thường. Nhưng cuốn sách nổi tiếng “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của tác giả Masanobu Fusuoka và một số độc giả của cuốn sách này đã đưa tôi thoát khỏi cái bóng của một “người điên”. Tôi nhận ra rằng, xung quanh có nhiều người giống mình và mình hoàn toàn bình thường.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Sau lần đó, tôi bắt tay vào xây dựng Nông trại Hón Mũ, tạo ra một không gian sống mới mà ở đó, “con người hoàn toàn thuận theo tự nhiên”.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Tại đây, anh cùng người vợ là Lê Thị Ưng thực hành quyết tâm sống cộng sinh cùng thiên nhiên, sống có ý thức bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học của rừng bằng cách duy trì lối sống sạch, không dùng hóa chất, tuyệt đối nói “không” với thuốc trừ sâu, cây giống biến đổi gen và thức ăn tăng trọng. Thay vào đó, anh dùng các loại cây, quả có có trong rừng để làm nên những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, như: gội đầu bằng bồ kết, chanh, lá sả; thuốc đánh răng được chế từ than họat tính của luồng và mộ số phụ phẩm khác; xà phòng được chế từ quả găng, một loại quả mọc dại trong rừng… Thực phẩm hàng ngày là rau, củ, quả, thịt, cá có trong môi trường tự nhiên và do gia đình nuôi, trồng.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Đến với Nông trại Hón Mũ, chúng tôi như được hoà mình cùng thiên nhiên, được cảm nhận không khí trong lành, nghe tiếng suối róc rách bên sườn núi, được ngắm nhìn những đàn chim chao liệng trên bầu trời và đắm mình trong hương thơm của cỏ cây, hoa lá… Và cũng nơi đây, chúng tôi đã nhìn thấy một tương lai mới, hi vọng mới cho những con người không ngại khó, không ngại khổ trên hành trình tìm kiếm và hiện thực hóa ước mơ.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Với gần 10ha đất đồi rừng, trước đây chủ yếu trồng mía để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy đường Lam Sơn. Mặc dù hằng năm, nguồn thu từ cây mía đủ để duy trì cuộc sống nhưng Hà nhận ra rằng, đất rừng đang cằn cỗi đi nhiều. Anh bàn bạc cùng gia đình dừng trồng mía để cải tạo đất đồi. “Tôi chấp nhận đánh đổi bằng một khoảng thời gian dài để trả lại vẻ tự nhiên của đất đồi rừng và tái tạo lại rừng. Mọi cỏ cây, hoa lá trong rừng đều có giá trị và cần được tôn trọng”. Anh cũng nhận ra giá trị của cây luồng về nhiều mặt, nhất là về môi sinh, đặc biệt là khả năng chống xói mòn cho đất.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Từ nhận thức tích cực này, Lê Xuân Hà đã vận động người dân trong xóm trồng luồng. Anh cũng là người tích cực tìm cách sử dụng cây luồng sao cho giá trị mang lại được cao nhất. Và thật tình cờ, trong một lần người bạn ở Hà Nội đến thăm nông trại, chiếc thìa gỗ người bạn mang theo bị gãy, Lê Xuân Hà đã làm một chiếc thìa bằng gỗ khác tặng bạn. Món quà ý nghĩa đó được người bạn đăng lên facebook. Sau sự kiện đó, thêm nhiều chiếc thìa tre ra đời và đến tay những người khác. “Khi có nhiều người hỏi về thìa tre, tôi nảy ra ý định làm để bán. Không lâu sau, tôi làm thêm đũa, muôi hoàn hoàn từ tre, luồng, gỗ. May mắn đến với tôi khi được bạn bè, người thân ủng hộ ý tưởng và động viên tinh thần. Lúc này tôi tin tưởng rằng, mình đã và đang đi đúng hướng”.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

“Cơ duyên giúp tôi đến với những chiếc ống hút tre, nứa cũng tình cờ như vậy. Trong một lần giao lưu cùng bạn bè trong cộng đồng Farm, câu chuyện về tác hại của chiếc ống hút nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường đã ám ảnh rất nhiều trong tâm thức của tôi. Ngay trong đêm hôm đó, tôi trở về về nhà và sử dụng cây tre sẵn có để cắt, mài thử nghiệm những chiếc ống hút. Chiếc ống hút tre đầu tiên ra đời từ đó”. Sau sự ra đời của chiếc ống hút, Lê Xuân Hà đã lên một số trang mạng online tìm hiểu thì được biết, những chiếc ống hút tre được bán với giá cao. Ý nghĩ: “Mọi người làm được, tại sao mình không thử?” đã thôi thúc chàng trai trẻ. Tháng 9 - 2017, những chiếc ống hút bằng tre, nứa đầu tiên được đưa ra thị trường.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Nhu cầu tăng đột biến, nhưng khác với những nhà sản xuất khác, Lê Xuân Hà không vội vàng mở rộng quy mô và phát triển ồ ạt. Theo cách lý giải của anh: “Tôi cần quan sát để đảm bảo việc mở rộng sản xuất không tác động đến môi trường rừng và hoạt động khai thác có đảm bảo tính bền vững của thiên nhiên hay không”. Anh đã dành 1 năm để tìm ra câu trả lời. Vì vậy, đến tháng 9 - 2018, một xưởng sản xuất được thành lập với nhiều thiết bị hiện đại như: máy cắt, máy mài, máy đánh bóng, lò hấp....

Để có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất và không tác động xấu đến môi trường, Lê Xuân Hà đã thu mua tre, luồng, nứa từ các hộ dân trong vùng và các huyện lân cận. Đồng thời, anh đã vận động người dân vừa khai thác, vừa trồng cây mới.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Các sản phẩm được tạo ra như đũa, thìa, muôi, cốc uống nước, ống hút, giỏ xách, rổ, rá… đều đảm bảo nguyên tắc không tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. “Hiện nay, môi trường đang dần bị hủy hoại. Con người đang phải dung nạp vào cơ thể nhiều chất độc hại mỗi ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng. Tôi muốn việc làm của mình góp phần hạn chế những tác động xấu đó. Tôi muốn bảo vệ môi trường sống, bảo vệ cho sức khỏe của tôi, của gia đình và cộng đồng”. Được biết, để hoàn thành những sản phẩm vừa đảm bảo chất lượng, vừa thẩm mỹ, quá trình sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn, như: phơi nguyên liệu, cắt, gọt, mài, sấy (để tránh ẩm mốc, tăng độ bền) và đánh bóng sản phẩm.

Với ý chí vươn lên cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ và khát vọng sống hòa thuận với thiên nhiên, hôm nay, người con trai của núi rừng Hón Mũ đã được gặt hái quả ngọt khi sản phẩm của nông trại đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và thông qua một số đại lý trung gian, các sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Pháp. Những sản phẩm của nông trại đều nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng. Đó chính là động lực để anh tiếp tục cố gắng.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Hiện tại, thu nhập hàng tháng của gia đình duy trì từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Nguồn thu này được Lê Xuân Hà tái đầu tư vào việc trồng rừng, trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất. Xưởng của anh tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.

“Hà điên” và câu chuyện khởi nghiệp từ chiếc thìa gỗ

Rời Hón Mũ khi trời đã về chiều, cái lạnh cuối đông càng thêm se sắt. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng, bởi chúng tôi biết rằng, sau bao nhiêu gian khó, nhọc nhằn, giữa chốn rừng xanh hoang sơ này đã có những con người dám mơ ước, dám tạo sự khác biệt, biết vươn lên và làm những điều có ý nghĩa với thiên nhiên, với cộng đồng và với chính bản thân mình...

Nội dung: Lê Tình - Vân Anh

Ảnh: Vân Anh

Xuất bản: 4:17:01:2019:16:17

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Trương Văn huấn - 05:15 14/01/20

 Trả lời

Bạn cho mình xin địa chỉ cụ thể thôn xóm . mình cần tìm hiểu và tham quan xin cảm ơn

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM