Giấc mơ tết đoàn viên

Giấc mơ tết đoàn viên

Giấc mơ tết đoàn viên

Có lẽ rằng, kí ức về đêm rằm Trung thu ở bất kì nơi nào cũng từa tựa những hình dung như thế. Nhưng trong lòng mỗi đứa trẻ trên khắp mọi miền đất nước này lại có cho riêng mình cảm xúc, ý nghĩa khác nhau. Nó giống như cái cách mà những đứa trẻ đáng thương đang được nuôi dưỡng tại chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) hào hứng kể cho chúng tôi nghe về không khí đêm hội trăng rằm mà năm nào chúng cũng mong ngóng đến thật nhanh. Câu chuyện của chúng vẫn có âm thanh trống hội, sắc màu đèn ông sao, vị ngon bánh nướng, bánh dẻo… Nhưng mấy ai biết được rằng, trong sâu thẳm những giấc mơ Trung thu của lũ trẻ nhỏ ấy vẫn tồn tại một khoảng trống vô hình, khó lòng khỏa lấp.

Giấc mơ tết đoàn viên

Chẳng có mùa thu nào chấp nhận lặp lại chính mình trong cái thực thể mẹ thiên nhiên bao la, rộng lớn và luân hồi chuyển tiếp. Nhưng kí ức của lũ trẻ nhỏ chúng tôi chưa bao giờ thôi ôm ấp hình dung về một quang cảnh đêm rằm Trung thu gần như cứ trở đi trở lại với những hoạt động vốn đã quá quen thuộc mà không bao giờ nhàm chán. Đó là tiếng trống rộn ràng khắp các đường làng ngõ xóm trong đoàn người đi rước đèn ông sao. Tiếng trống thúc giục, mời gọi bước chân ai cũng trở nên vội vàng, háo hức để nhanh chóng được hòa mình vào không khí tấp nập của đêm hội. Ở nhà, trên bàn thờ tổ tiên, cha mẹ đã chuẩn bị một mâm đủ đầy nào hoa quả, bánh kẹo chờ đám trẻ con đi rước đèn trở về sẽ cùng nhau quây quần phá cỗ. Mâm cỗ đặc trưng của đêm rằm trung thu, tùy hoàn cảnh và sở thích của mỗi gia đình mà tùy ý bày biện nhưng nhất thiết không thể khuyết thiếu đi cái hương vị ngọt ngào quyện vào cơn thèm thuồng con trẻ của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Cũng giống như cặp biểu tượng bánh chưng, bánh giày trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, hình ảnh chiếc bánh nướng vuông vức, óng lên màu nâu nhạt sóng đôi cùng chiếc bánh dẻo tròn đầy, trắng mịn tựa như hình hài của đất và trời giao thoa. Tất cả cùng hiện diện trong sắc màu rực rỡ, lấp lánh tỏa ra từ muôn hình vạn trạng những chiếc đèn ông sao. Có lẽ rằng, kí ức về đêm rằm trung thu ở bất kì nơi nào cũng từa tựa những hình dung như thế. Nhưng trong lòng mỗi đứa trẻ trên khắp mọi miền đất nước này lại có cho riêng mình cảm xúc, ý nghĩa khác nhau về ngày Tết Trung thu. Nó giống như cái cách mà những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương đang được nuôi dưỡng tại chùa Hồi Long (xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) hào hứng kể cho chúng tôi nghe về không khí đêm hội trăng rằm mà năm nào chúng cũng mong ngóng đến thật nhanh. Trong câu chuyện của những đứa trẻ ấy vẫn có âm thanh trống hội, sắc màu đèn ông sao, vị ngon bánh nướng, bánh dẻo…Nhưng mấy ai biết được rằng, trong sâu thẳm những giấc mơ trung thu của lũ trẻ nhỏ ấy vẫn tồn tại một khoảng trống vô hình, khó lòng khỏa lấp.

Giấc mơ tết đoàn viên

Không khí Tết trung thu đã đến rất gần! Những trăn trở, nghĩ suy về ngày Tết trung thu của những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã thôi thúc bước chân chúng tôi ghé thăm ngôi chùa Hồi Long trong một ngày đầu tháng 9. Thấy khách lạ, lũ trẻ đang vui vẻ chơi đùa trong gian phòng tương đối rộng rãi, ngăn nắp bỗng tụm lại với nhau, chẳng ai bảo ai mà đồng loạt hướng ánh nhìn ngơ ngác về phía cửa. Bỗng một bạn nhỏ, áng chừng khoảng 3-4 tuổi nhanh nhẹn, hớn hở chạy về phía chúng tôi. Chẳng có chút ngần ngại, e dè, bạn nhỏ ấy đưa tay kéo chúng tôi vào căn phòng mà bé cùng các anh chị của mình đang vui vẻ nô đùa; miệng hỏi không ngớt lời với cái chất giọng ngọng líu ngọng lô. Trông đứa trẻ hoạt bát, đáng yêu như thế, mấy ai biết được nỗi đau mà em đã phải trải qua. Chính em cũng chưa thể ý thức được rõ ràng về sự bất hạnh của mình. Ngay cả một cái tên đầy đủ giống như các anh, các chị trong chùa, em cũng không có. Mọi người chỉ quen gọi em với cái tên là Tùng, chẳng dài dòng thêm họ hay đệm, lót gì cả. Đưa tay ôm Tùng vào lòng, Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan – Trụ trì chùa Hồi Long, Giám đốc Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long kể với chúng tôi về hoàn cảnh đặc biệt của bé. Sư cô nhớ rất rõ rằng: “Vào khoảng 5 rưỡi – 6 giờ chiều ngày 29 – 4 (âm lịch), trước cổng chùa bỗng nghe tiếng trẻ con gào khóc rất to. Mọi người trong chùa hớt hải chạy ra tìm hiểu xem có chuyện gì thì rất đau lòng khi nhìn thấy đứa trẻ với vóc người nhỏ thó, da ngăm ngăm đen, gương mặt tèm nhem nước mắt nước mũi, khóc thét lên trong cơn hoảng loạn khi bị người thân bỏ lại một mình giữa nơi xa lạ”. Cũng như đa phần những đứa trẻ bị cha mẹ, người thân chấp nhận bỏ lại nơi cổng chùa vì một lí do nào đó, chút ơn huệ cuối cùng mà chúng nhận được từ đấng sinh thành là một vài vật dụng được sắp xếp qua loa, vội vã cho cuộc chia li bạc bẽo, đau đớn nhất đời người. Đứa bé này cũng vậy. Bé bị bỏ lại trước cổng chùa cùng một bộ quần áo, 1 đôi dép, 1 gói bánh. Trong lòng đôi dép ấy nguệch ngoạc viết lên chữ Tùng. Mọi người đồn đoán với nhau rằng đó ắt hẳn là tên của bé. Vỏn vẹn chỉ ngần ấy hành trang cho đằng đẵng cuộc đời sau này của một đứa trẻ. Vậy thì bé lấy gì để kể cho chúng tôi nghe về giấc mơ Trung thu tươi đẹp đã từng. Chúng tôi không nỡ lòng gạn hỏi.

Đâu chỉ có riêng Tùng! 7 đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại chùa Hồi Long đều có riêng cho mình nỗi niềm, hoàn cảnh đáng thương như thế. Ví như cô bé Lường Thị Hải Yến (9 tuổi, xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa). Mẹ Yến mất sớm; anh cả bị tàn tật; anh thứ hai thì phải mổ tim bẩm sinh; anh thứ ba và bố vốn chẳng được khôn ngoan, lanh lợi như người bình thường nên ngay từ khi còn nhỏ, ông bà đã phải đưa bé lên chùa, xin nhà chùa nuôi dưỡng vì điều kiện gia đình quá khó khăn. Được ông bà gửi lên chùa từ lúc còn chưa nói sõi, Yến cũng chẳng thể nào hình dung nổi cho mình một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa. Giấc mơ Trung thu của Yến gói gọn trong không khí đêm hội trăng rằm do nhà chùa tổ chức. Yến bẽn lẽn khoe với chúng tôi: “Trung thu ở chùa vui lắm. Chúng con được gặp gỡ nhiều người, được xem múa lân, rước đèn, phá cỗ và cùng nhau hát những bài hát thật hay”. Hỏi em mỗi mùa Trung thu không được giống như các bạn nhỏ khác quây quần bên cha mẹ, người thân, em có buồn không? Yến không trả lời. Cô bé im lặng, gương mặt cúi gằm như đang né tránh ánh nhìn của những người xung quanh mình. Hồi lâu, Yến nghèn nghẹn trả lời: “Bao giờ nhớ nhà thì con xin sư phụ cho con đạp xe về thăm. Mà lần nào về thăm gia đình, sư phụ cũng gửi biết bao nhiêu là quà cho ông bà, bố và các anh. Gạo, mì chính, nước mắm, quần áo…Con đều buộc túm lên xe chở về hết”. Câu trả lời của Yến thực ra không hề liên quan đến câu hỏi nhưng tất thảy chúng tôi đều hiểu và cảm thấy xót xa cho câu chuyện ấy. Yến là cô bé hiểu chuyện. Vì hiểu chuyện nên cũng thực sự hiểu được nỗi buồn trong lòng mình. Chỉ là em không muốn đối diện hoặc không đủ sức đối diện nên chẳng muốn nói nhiều, nhớ nhiều về nó. Với em, chỉ cần “bao giờ nhớ nhà” có thể trở về thăm ông bà, bố và các anh đã là niềm hạnh phúc lớn lao lắm.

Giấc mơ tết đoàn viên

Câu chuyện của những đứa trẻ đáng thương đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long khiến bất kì một ai cũng phải chạnh lòng xa xót; đặc biệt là khi không khí náo nức, tưng bừng của ngày Tết trung thu – Tết thiếu nhi – Tết đoàn viên đang đến rất gần. Được biết, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long trực thuộc Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, do Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan – Trụ trì chùa Hồi Long làm giám đốc và chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự bảo đảm cho các hoạt động diễn ra tại đây. Triển khai xây dựng từ năm 2017, chính thức khánh thành (giai đoạn 1) và đi vào hoạt động từ tháng 12 – 2018, Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long được Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Thanh Hóa cấp phép hoạt động với chức năng, nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi – khuyết tật, người già neo đơn, không nơi nương tựa; khám chữa bệnh đông y cho người nghèo và các hoạt động từ thiện xã hội khác góp phần làm vơi bớt gánh nặng của xã hội, cùng cộng đồng thực hiện hiện tốt công tác từ thiện an sinh xã hội tại địa phương.

Giấc mơ tết đoàn viên

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đang nhận nuôi dưỡng, chăm sóc 7 đứa trẻ (từ 2 ngày tuổi đến 10 tuổi) có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Bằng tất cả tấm lòng yêu thương con trẻ, nguyện phụng sự và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng xã hội của sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan và các nhân viên thuộc Trung tâm đã phần nào làm vơi bớt đi nhiều thiệt thòi, xoa dịu và chữa lành những vết thương nằm sâu trong tâm hồn vốn còn non nớt, dễ bị tổn thương của các em nhỏ.

Giấc mơ tết đoàn viên

Tại trung tâm, các bé không chỉ được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thiết yếu để phát triển một cách toàn diện về mặt thể chất. Hơn tất thảy, trung tâm chẳng khác nào ngôi nhà thứ hai của các bé. Tại đây, các bé được quây quần bên nhau cùng ăn, cùng ngủ, cùng vui chơi, học hành giống như một gia đình thực sự. Những mảnh đời bất hạnh tưởng chừng chẳng có bất kì một mối liên hệ nào đến nhau bỗng nay về sống đoàn kết, gắn bó, yêu thương dưới một mái nhà nhân ái, nương nhờ chốn cửa thiền mà lớn lên. 7 đứa trẻ - 7 cuộc đời – 7 số phận nhưng từ mái ấm nơi cửa thiền này, tất cả sẽ hiện diện cùng nhau trong một khoảng kí ức êm đềm, ấm áp; cùng chung một giấc mơ Trung thu ngọt ngào. Nếu các em là “những thiên thần” kém may mắn vì không được sống trong niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn thì sư phụ Thích Nữ Đàm Ngoan, mẹ Kết, cậu Quân, bà Khoa, bà Truật, bà Hòe, bác Thùy, chị Kiều, chị Yến... và những người có tấm lòng thiện nguyện ở khắp mọi nơi sẽ cùng chung tay vun vén cho các em một mái ấm đong đầy tình yêu thương. Sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan cho biết: “Gần 10 năm nay, năm nào nhà chùa cũng tổ chức đêm rằm trung thu, không chỉ cho các em nhỏ của trung tâm mà cho tất cả các bạn nhỏ ở nhiều vùng lân cận cùng đến chung vui”. Ngoài các hoạt động truyền thống trong ngày Tết trung thu như rước đèn, phá cỗ, múa lân…, hằng năm, vào dịp này, nhà chùa cũng dành một số phần quà tuy không mang nặng về giá trị vật chất nhưng có ý nghĩa động viên, sẻ chia to lớn dành trao tặng cho các bạn nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ (theo danh sách của các trường trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thống kê và gửi về Ban tổ chức). Bên cạnh đó, chùa Hồi Long cũng tích cực tham gia, tổ chức một số hoạt động thiện nguyện, tiêu biểu như hỗ trợ xây nhà cho người khuyết tật, người già neo đơn, gia đình chính sách; tổ chức phát thuốc, khám bệnh miễn phí; hỗ trợ đồng bào lũ lụt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa… Từ năm 2019, chùa Hồi Long đứng ra kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các điểm trường lẻ cho vùng cao xứ Thanh với kinh phí dự kiến khoảng từ 300 – 500 triệu đồng/điểm trường học.

Giấc mơ tết đoàn viên

Nhìn các bạn nhỏ lễ phép, ngoan ngoãn chơi đùa bên cạnh sư phụ của mình – sư cô Thích Nữ Đàm Ngoan, chúng tôi mới hiểu hết được ý nghĩa, giá trị sâu sắc từ việc cho đi và nhận lại. Hãy cứ cho đi chân tình để nhận lại chân thành. Hãy cứ cho đi yêu thương để nhận lại thương yêu. Tâm niệm ấy chính là nguồn động lực giúp cô vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong hành trình thiện nguyện lớn lao. Sư cô bộc bạch tâm sự: “Tôi chưa từng trải qua một lần sinh nở nhưng tôi yêu và thương những đứa trẻ ấy bằng tất cả bản năng của một người phụ nữ, một người mẹ, một người tu hành”. Có lẽ, chính sự quan tâm, chăm sóc ân cần, xuất phát từ tình yêu thương chân thành mà sư cô và các nhân viên của Trung tâm từ thiện xã hội chùa Hồi Long đã gieo hạt giống thiện lành, ươm mầm cho giấc mơ qua mỗi mùa Trung thu của những đứa trẻ nơi đây ngày thêm tươi tốt, lớn khôn.

Nội dung: Thảo Linh

Ảnh: Vân Anh

Xuất bản: 5:13:09:2019:09:31

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM