[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Giữa biển trời bao la, họ “lênh đênh” theo từng con nước, sống cheo leo trên những chòi tạm. Mỗi người một chòi, mỗi người một quê, nhưng cái nghề vốn khó nhọc ấy đã khiến họ trở thành những người anh em nơi đầu sóng ngọn gió.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Thủy triều vừa xuống, một vùng bãi ngao rộng lớn trơ cát giữa biển khơi, lão ngư Hồ Đức Sanh (62 tuổi, Hoằng Trường, Hoằng Hóa) bắt đầu công việc của mình. Hôm nay, thủy triều xuống đêm nên ông tranh thủ ánh trăng để dọn vệ sinh vây bãi.

Vùng đảo Nẹ (nơi giáp ranh giữa hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa) có khoảng 100 chiếc chòi chăm ngao, những người làm nghề chăm bãi ngao như ông Sanh không ít, nhưng hầu hết là những người đã lớn tuổi và một vài cặp vợ chồng trung niên. Họ là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề biển, được những ông chủ ngao thuê trông coi, chăm sóc bãi.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Tính đến nay, ngót cũng đã hơn 10 năm ông Sanh đi trông bãi ngao ngoài đảo Nẹ. Suốt 10 năm làm công việc “ăn sóng nằm gió”, nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy chán nản. Bởi, được ăn, được ở với sóng biển là niềm vui, niềm hạnh phúc mà ông đã lựa chọn cho những năm tháng cuối của nghiệp đi biển.

Ông kể, “Trước kia, khi còn trẻ, tôi cũng như những người bạn khác quanh năm “ăn sóng nói gió” ngoài khơi xa. Vốn là người con sinh ra ở vùng biển nên cứ được ra biển là lại thấy vui tươi, khỏe mạnh. Như đặc thù của nghề, trẻ thì đi khơi, già đi trông bãi. Không chỉ tôi mà nhiều người vẫn yêu thích và lựa chọn việc chăm ngao này để kiếm sống khi hết thời trai trẻ, hết thời xông pha ngoài biển.”

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Theo ông Sanh, những người đi chăm ngao không cần thiết phải quá khỏe, chủ yếu là yêu nghề và chịu khó. Tuy đây là công việc không tốn quá nhiều sức nhưng nó đòi hỏi phải cần mẫn, tỉnh táo, và hơn thế nữa đó là kinh nghiệm sông nước. Vì vậy, những người đi chăm bãi ngao được các ông chủ chọn lựa phải hết sức kỹ càng và tin tưởng.

“Mỗi bãi ngao là cả gia tài của ông chủ. Tất cả vốn liếng làm lụng bao nhiêu năm đều dành dụm vào bãi ngao. Nếu giao bãi ngao cho người không có kinh nghiệm, lười nhác thì coi như tiền bạc đem đổ sông đổ bể. Chính vì vậy, nhiều ông chủ bãi ngao thuê một người nhưng đã tin tưởng và quý mến nhau thì có khi đến vài chục năm cũng chưa thay người trông bãi. Chúng tôi cũng vậy, có những người ở một thời gian dài ngoài biển với chiếc chòi và trung thành với một đời chủ”. Ông Sanh tâm sự.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Chòi trông ngao của ông Sanh nằm cách đảo Nẹ chừng 1km, cách đất liền khoảng 3 hải lý. Đây là cái chòi ông gắn bó suốt nhiều năm với biết bao kỷ niệm. Ở vùng bãi ngao này, mỗi cái chòi canh được ví von gọi với cái tên “khách sạn ngàn sao” ngoài biển. Chòi cao hơn 3m, rộng khoảng 15m2 và được dựng hoàn toàn bằng gỗ, tre, luồng. Mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ đều sử dụng dịch vụ “trọn gói” trên chiếc chòi tạm.

“Trông thế này thôi nhưng để làm một cái chòi canh cũng phải mất hơn 50 triệu đấy. Đây là biển khơi nên tất cả nguyên vật liệu, công dựng chòi cao lắm. Tuy là chòi tạm nhưng chúng tôi xem nó như ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Giờ đỡ hơn nhiều chứ trước kia vất vả vô cùng. Chòi lụp xụp, mỗi khi mưa to sóng lớn chỉ lo nơm nớp.” Ông Sanh nói.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Giữa mênh mông biển nước, không quản ngại nắng mưa, họ lầm lũi trong cái chòi tạm. Những ngày mưa to gió lớn là những ngày vất vả nhất mà ông Sanh phải trải qua: “Hôm nào khi trời báo bão gần như anh em chúng tôi phải chạy ngay vào đất liền. Mưa to gió lớn ở đây nguy hiểm lắm”.

Vì đặc thù công việc nên mỗi tuần những người đi chăm bãi như ông Sanh chỉ được vào đất liền 1 lần để tiếp tế lương thực. Những ngày bận rộn, họ lại nhắn gửi tàu thuyền khác để ứng cứu. Theo ông Sanh, cuộc sống của những người đi chăm ngao thiếu thốn đủ bề. Từ nước ngọt, đến lương thực thực phẩm, tất cả chỉ dùng gói gọn 1 tuần vì không thể bảo quản được lâu. Duy chỉ có một thứ không thể hết, đó chính là pin điện thoại. Nếu pin điện thoại hết thì đồng nghĩa với việc không gọi được chi viện thực phẩm.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Đã hai ngày rồi ông Sanh chưa được thấy mùi của rau quả, số ít bí xanh đem ra từ tuần trước vừa dùng được hai ngày thì đã thối nhũn vì nước mặn. Khi hay tin chúng tôi ra thăm, ông mừng vì đã có rau để ăn. “Thông thường rau xanh chỉ ăn được hai ngày đầu, ngoài này nước biển mặn nên rau dễ nhàu thối. Nhưng để kiếm thêm cá, tôm thì không hề khó. Chỉ cần thả mẻ lưới là có ngay cá ăn”. Lão ngư cho biết.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Vất vả là vậy, giữa vùng bãi ngao ấy có một sự đoàn kết, gắn bó giữa những người đi chăm ngao. Mỗi người một quê, mỗi người ở một chòi nhưng họ có chung một công việc. Để giúp đỡ nhau lúc “tối lửa tắt đèn” họ sống chan hòa, vui vẻ và xem nhau như những người anh em.

Ông Sanh còn nhớ mãi kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời đi chăm bãi của mình. Đó là một ngày sương mù bao phủ dày đặc tháng 2-2016. Trong lúc chèo thuyền đi kiểm tra, ông Sanh phát hiện có một tàu cá lạ đang tiến sâu vào vùng bãi. Như thường lệ, ông Sanh đến để hướng dẫn tàu di chuyển đi nơi khác. Chưa kịp trở tay, ông bị một đối tượng lạ mặt trên thuyền lao tới gây sự rồi đánh ông. Sau vụ ẩu đả đó ông bị gãy 3 chiếc sương sườn.

Cũng từ đó, những người đi trông ngao ở nơi này càng trở nên đoàn kết. Họ quyết định thành lập một hội nhóm những người đi trông ngao, sống đoàn kết và bảo vệ, yêu thương nhau như những người anh em. Khi bó rau, lúc bò gạo, hay thậm chí là những liều thuốc, tất cả được họ sẻ chia cho nhau.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Cách chòi ông Sanh khoảng 200m là chòi của anh Bùi Ngọc Môn (42 tuổi, quê Hậu Lộc). Vừa nhận rau, ông Sanh vội vã chèo thuyền chia sẻ với đồng nghiệp. “Ở đây, cái quan trọng nhất đó là tình cảm. Mình đã ở một mình, thiếu thốn đủ bề thì phải biết đùm bọc lấy nhau. Chứ sống một mình một kiểu thì sẽ không sống sót nổi một tuần giữa biển khơi này”. Ông Sanh nói.

Tâm sự về nghề, ông Sanh vui vẻ: “Mỗi người ở đây trông ít nhất cũng 4ha ngao. Tính đồng lương thì cũng theo diện tích trông coi. Như tôi trông 4ha thì lương được trả khoảng 8 triệu đồng, còn những người trông nhiều từ 5- 7 ha thì lương cao hơn”.

Nói là đi chăm ngao, nhưng thực chất công việc chính chủ yếu của họ như một cỗ máy làm việc cả ngày đêm. Theo ông Sanh chia sẻ, công việc này chủ yếu làm theo con nước, khi thủy chiều rút thì phải tranh thủ đi cạo hàu, đánh vây bãi.

[E-Magazine] - “Vệ sĩ” chăm ngao ở đảo Nẹ

Trăng khuya lơ lửng, ông Sanh cũng vừa kết thúc buổi làm việc của mình. Nằm giữa chòi ngắm nhìn những ánh sao đêm, ông thiếp dần rồi chìm vào giấc ngủ để nạp năng lượng cho công việc của ngày mai.

Nội dung: Tuấn Kiệt

Ảnh: Hoàng Đông

Thiết kế: Minh Quân

Xuất bản: 4:17:09:2020:15:27

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

2 bình luận

 hồ Thuỳ dương - 12:45 18/09/20

 Trả lời

Ông nội tôi thật tuyệt vời ❤️ ông là một người tuyệt vời với chúng tôi

 Nguyễn Thị Huyền - 11:39 18/09/20

 Trả lời

Mình đã có dịp trải nghiệm 1 ngày ở nơi đây. Vì đi chơi nên cảm thấy rất vui, bình yên và thoải mái nhưng nếu ở đây lâu thì đúng là thương và ngưỡng mộ các cô chú,...buồn, thiếu thốn đủ thứ là vậy nhưng luôn thấy những ánh mắt hiền hòa và nụ cười dính trên môi. Chúc cho tất cả cô chú trên đảo luôn được bình an, nhiều sức khỏe và luôn vui tươi.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM