(Baothanhhoa.vn) - Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, y tế là 1 trong 5 trụ cột chiến lược phát triển của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế đang tranh thủ mọi thời cơ, vận hội, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa sự nghiệp y tế của tỉnh có nhiều đột phá, phấn đấu trở trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung bộ

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, y tế là 1 trong 5 trụ cột chiến lược phát triển của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, ngành y tế đang tranh thủ mọi thời cơ, vận hội, nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa sự nghiệp y tế của tỉnh có nhiều đột phá, phấn đấu trở trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung bộ.

Xây dựng Thanh Hóa thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung bộPhẫu thuật u đại tràng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa.

Xây dựng hệ thống cơ sở y tế hiện đại

Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa được thành lập từ tháng 7-2017 và chính thức đi vào hoạt động ngày 1-10-2017. Từ nguồn đầu tư của tỉnh, bệnh viện đã được xây dựng mới khang trang, hiện đại với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, với những điều kiện tốt nhất cho người bệnh không may mắc bệnh hiểm nghèo, điều kiện tốt nhất cho nhân viên y tế phát huy hết trí tuệ và ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật giúp ích cho người dân.

Trao đổi với BSCKII Trần Văn Thiết, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, được biết: Là bệnh viện mới được đầu tư xây dựng nên công trình có thiết kế đồng bộ, kiến trúc hiện đại, với nhiều trang thiết bị tiên tiến như: Hệ thống nội soi tiêu hóa – KTS của Nhật Bản. Hệ thống này có khả năng phát hiện ung thư sớm, vừa siêu âm, vừa nội soi can thiệp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm bằng phương pháp nội soi cắt hớt niêm mạc. Bệnh viện cũng đưa vào sử dụng hệ thống siêu âm đàn hồi mô – đây là hệ thống siêu âm đầu tiên được ứng dụng tại Thanh Hóa. Ngoài chức năng siêu âm bình thường, hệ thống này còn có chức năng siêu âm phát hiện sớm ung thư tuyến giáp, ung thư vú, gan, mật, ung thư tử cung phần phụ... Đặc biệt, hệ thống này có thiết bị truyền dẫn tầm soát ung thư sinh thiết; hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy với chức năng chụp cắt lớp liều thấp giúp tầm soát ung thư phổi cũng như việc đánh giá giai đoạn ung thư chuẩn xác hơn... Nhờ có trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã giúp cho công tác sàng lọc phát hiện ung thư sớm, chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Bệnh viện đã thực hiện các kỹ thuật cao mà nhiều bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực chưa thực hiện được.

Hàng loạt công trình được đầu tư nâng cấp như: Nhà điều trị nội trú giai đoạn 2 của Bệnh viện Nhi, quy mô 400 giường bệnh, từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh (160 tỷ đồng) đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu cơ sở vật chất, giảm quá tải tại nhà điều trị số 1 của bệnh viện. Công trình Khoa Huyết học truyền máu và Khoa Nội A Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư hơn 180 tỷ đồng đã góp phần giảm quá tải ở một số khoa phòng, Trung tâm huyết học và truyền máu có điều kiện triển khai nhiều kỹ thuật mới liên quan các bệnh lý về máu. Các công trình: Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Khu điều trị nội trú Bệnh viện Phụ sản, khu điều trị Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc; dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi... đã từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị. Gần đây nhất, ngày 12-6, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 có 2 dự án được ký biên bản ghi nhớ là: Bệnh viện Nhi và Trung tâm đào tạo nhi khoa tại Thanh Hóa (do Bệnh viện Nhi Trung ương làm chủ đầu tư), quy mô 500 giường bệnh với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng; Bệnh viện Phục hồi chức năng Quốc tế Việt Nga (Công ty CP Viện Mắt quốc tế Việt – Nga đầu tư) tại TP Thanh Hóa 350 giường bệnh với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng...

Đồng chí Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Chưa có thời kỳ nào ngành y tế lại được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất lớn và đồng bộ như hiện nay, đây là sự động viên, khích lệ lớn của tỉnh giành cho ngành y tế. Các dự án phát triển ngành y tế đã, đang được triển khai đầu tư tập trung, đồng bộ, hiện đại đang dần được hình thành đủ khả năng tiếp nhận trang thiết bị y tế tiên tiến, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, áp dụng được các kỹ thuật hiện đại trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận... đang dần tiến tới mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm y tế chất lượng cao của khu vực.

Phát triển kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của Nhân dân, khắc phục tình trạng nhiều người bệnh phải chuyển điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, ngành y tế đã tranh thủ các dự án trong nước và quốc tế, đồng thời triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị y tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh là những đơn vị mạnh dạn đi đầu trong đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Trong những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng trang bị máy móc hiện đại, đồng bộ. Các trang thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ giải quyết được nhiều bệnh mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên do thiếu trang thiết bị, góp phần giảm chi phí và thời gian điều trị tối ưu cho người bệnh. Hiện tại, bệnh viện đã thực hiện được 100% danh mục kỹ thuật loại I, 46% danh mục kỹ thuật loại đặc biệt. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai như: ghép thận, phẫu thuật tim hở, đặt coil điều trị phình động mạch não, ứng dụng robot 1 cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng trong tiết niệu, tán sỏi đường mật qua da, phẫu thuật nội soi lấy nhân đệm cột sống thắt lưng qua lỗ liên hợp, phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ - động mạch vành có dùng máy tim phổi nhân tạo, thay đoạn động mạch chủ bụng dưới thận bằng đoạn động mạch nhân tạo, tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng, cố định, giải ép chấn thương cột sống cổ, phẫu thuật tạo hình xương ức... Trong đó nhiều kỹ thuật thường niên tương đương với tuyến Trung ương, từng bước khẳng định thương hiệu bệnh viện.

Không chỉ ở tuyến tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện đã quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho bác sĩ đi đào tạo sau đại học; tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên thông qua chỉ đạo tuyến; cử các kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học ở tuyến trên..., từ đó đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp như phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, mổ kết hợp xương, tán sỏi ngoài cơ thể và nhiều kỹ thuật khó khác. Đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật mới ở tuyến bệnh viện huyện phải kể đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, như: Mổ nội soi khâu thủng dạ dày, một số kết hợp xương vùng mắt, hàm mặt, dẫn lưu áp lực âm dẫn lưu màng phổi/bệnh nhân tràn dịch màng phổi, thở máy, XQ răng, cắt Amidal gây mê, cắt tử cung hoàn toàn đường dưới... Đặc biệt, bệnh viện đã làm chủ được kỹ thuật mổ thay thủy tinh bằng phương pháp phaco; chạy thận nhân tạo. Từ việc ứng dụng các kỹ thuật mới, bệnh viện đã cứu được nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, chất lượng khám, điều trị ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện cho người dân được hưởng những dịch vụ y tế có chất lượng cao mà không cần chuyển tuyến trên.

Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu thụ hưởng của người dân cũng ngày một cao hơn. Trong đó, nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Đáp ứng nhu cầu đó, ngành y tế rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng với nhiều giải pháp. Ngoài thu hút, tuyển dụng nhân tài về công tác tại các bệnh viện, thời gian qua, hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế đã được chọn cử đi đào tạo, tiếp thu các kỹ thuật chuyên sâu chuyên ngành ở các bệnh viện tuyến Trung ương và nước ngoài. Thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên mời các giáo sư đầu ngành về thực hiện kỹ thuật ngay tại tỉnh, vừa chuyển giao kỹ thuật mới, vừa đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh cũng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và trình độ, năng lực. Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, các bệnh viện cũng đã có nhiều chính sách để thu hút các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về công tác. Đây chính là những nền tảng vững chắc để Thanh Hóa phấn đấu trở thành trung tâm y tế chất lượng cao khu vực Bắc Trung bộ.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]