(Baothanhhoa.vn) - Mục tiêu của Chương trình Chống lao quốc gia đặt ra từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam giảm 30% số người mắc lao và giảm 40% số người chết do lao mỗi năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực phòng, chống và điều trị bệnh lao

Mục tiêu của Chương trình Chống lao quốc gia đặt ra từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam giảm 30% số người mắc lao và giảm 40% số người chết do lao mỗi năm.

Kỹ thuật viên Bệnh viện Phổi Thanh Hóa làm xét nghiệm sinh hóa máu.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh lao, nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, khám phát hiện và điều trị nên những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh tại tất cả các tuyến, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn, dần đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, hiện nay mạng lưới chống lao đã bao phủ khắp 27 huyện, thị xã, thành phố và 100% số xã; ngoài ra còn có 5 tổ chống lao tại 4 trại giam trên địa bàn. Tại các tổ chống lao sẽ khám phát hiện các đối tượng nghi lao đến khám, nếu có bệnh sẽ đưa vào thu dung điều trị; ngoài ra còn xuống các xã để khám, phát hiện bệnh chủ động cho người dân. Hàng quý, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa có các tổ chỉ đạo tuyến xuống giám sát và hỗ trợ cho tất các tổ chống lao; tổ chức tập huấn, đào tạo, đào tạo lại cho các cán bộ làm công tác chống lao tuyến huyện để nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức tập huấn công tác phát hiện, phòng bệnh lao cho khoảng 2.000 y tế thôn bản mỗi năm; tổ chức khám phát hiện chủ động cho các đối tượng có nguy cơ cao với hơn 10.000 phạm nhân, 1.300 người nghiện đang điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone... Đến nay, hầu hết cán bộ y tế đều đã được tập huấn về cách phát hiện bệnh lao, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đến xét nghiệm đờm tại các cơ sở y tế nếu thấy các triệu chứng, như: Ho khan, ho có đờm, ho ra máu; cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm ban đêm, đau ngực... Ngoài ra, người dân được các bác sĩ tư vấn, cung cấp kiến thức về cách nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng nhằm tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu loại trừ bệnh lao.

Song song với các hoạt động tại cộng đồng, thời gian qua Bệnh viện Phổi Thanh Hóa đã chú trọng đào tạo, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu về phát hiện và điều trị bệnh lao, bệnh phổi. Đặc biệt, bệnh viện đã được Dự án Phòng, chống lao quốc gia đầu tư hệ thống GeneXpert - là ứng dụng kỹ thuật phát hiện lao nhanh, chỉ sau 2 giờ là có kết quả chẩn đoán lao và lao kháng thuốc. Nhờ ứng dụng thành công các thiết bị, kỹ thuật hiện đại đã giúp cho công tác chẩn đoán, điều trị được an toàn, kết quả nhanh và chính xác hơn trước đây, đồng thời tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại ngay tại tỉnh nhà, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo, vùng sâu, vùng xa...

Trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Thanh Hóa, được biết: Thực hiện chương trình chống lao, cán bộ chuyên trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công phụ trách từng địa bàn cụ thể. Đối với công tác phòng, chống lao, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng rất quan trọng trong quản lý và điều trị bệnh nhân; cán bộ phòng, chống lao tại các trạm y tế xã chủ động vận động, thuyết phục những người nghi lao trong cộng đồng đi xét nghiệm. Hàng năm tại Thanh Hóa đã phát hiện và điều trị cho hơn 3.000 bệnh nhân với tỷ lệ khỏi chiếm 92%. Tuy nhiên, vẫn còn trên 20% số bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện vẫn là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng. Hơn nữa, thách thức hiện nay đối với công tác phòng, chống bệnh lao là vấn đề kháng thuốc do bệnh nhân bỏ dở việc điều trị; việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống bệnh lao tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn; nguy cơ phát sinh nguồn lây trong cộng đồng vẫn chưa có giải pháp phòng, chống hữu hiệu; nhiều người còn ngần ngại đến cơ sở y tế khám, đến khi được phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng... Để tiến tới loại trừ bệnh lao, thời gian tới, cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh lao hơn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế ở các tuyến về công tác chẩn đoán và điều trị; tăng cường kiểm tra, giám sát tại cộng đồng; tìm kiếm, huy động các nguồn lực viện trợ của các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng vào hoạt động phòng, chống lao.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa tiếp tục tăng cường truyền thông về bệnh lao và cách phòng bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thực hiện hiệu quả chiến dịch truyền thông với nhiều hình thức: Cổ động, diễu hành, treo băng rôn tuyên truyền phòng, chống lao tại các tuyến đường chính; tổ chức mít tinh, phát động cuộc thi sáng tác với chủ đề “Cùng hành động để làm nên lịch sử chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”; ủng hộ “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao”...


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]