(Baothanhhoa.vn) - Tâm lý sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) giúp nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật không còn xa lạ với phần đông người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiềm ẩn phức tạp, việc người dân tìm giải pháp nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình là điều cần thiết. Tuy nhiên, do không tham vấn các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, không nắm được cách thức bổ sung vitamin có trong TPCN, chỉ nghe lời giới thiệu hoặc quảng cáo đã bỏ tiền ra mua và sử dụng nhiều loại TPCN dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lạm dụng thực phẩm chức năng để phòng bệnh: Lợi bất cập hại?

Tâm lý sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) giúp nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật không còn xa lạ với phần đông người dân Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiềm ẩn phức tạp, việc người dân tìm giải pháp nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình là điều cần thiết. Tuy nhiên, do không tham vấn các chuyên gia y tế, dinh dưỡng, không nắm được cách thức bổ sung vitamin có trong TPCN, chỉ nghe lời giới thiệu hoặc quảng cáo đã bỏ tiền ra mua và sử dụng nhiều loại TPCN dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Lạm dụng thực phẩm chức năng để phòng bệnh: Lợi bất cập hại?

Nhiều cửa hàng thuốc trên địa bàn TP Thanh Hóa bày bán thực phẩm chức năng (ảnh có tính chất minh họa).

Trong vai một người đi mua TPCN cho con nhỏ biếng ăn, tôi đến một số cửa hàng thuốc có “thương hiệu” trên địa bàn TP Thanh Hóa, người bán hàng ở cửa hàng thuốc H. trên đường Trần Phú giới thiệu cho tôi loại sản phẩm có tên là Pediakid, xuất xứ của Pháp có giá bán 218.000 đồng/hộp. Theo lời người bán hàng, Pediakid là sản phẩm hỗ trợ bổ sung vitamin và khoáng chất, hỗ trợ tiêu hóa cho bé với thành phần chiết xuất từ thiên nhiên. Sản phẩm có chứa 15 loại vitamin, dạng siro và có vị trái cây, thơm ngon nên bé nào cũng thích. Khi được hỏi về liệu trình sử dụng như thế nào thì người bán hàng khuyên dùng trong vòng 3 tháng; 1 năm nên uống nhắc lại 2 - 3 lần vì đây là sản phẩm bổ sung và vô hại với người sử dụng.

Rời cửa hàng thuốc H., tôi đến cửa hàng thuốc M. nằm trên đường Lý Nam Đế, phường Đông Hương, chị bán hàng giới thiệu cho tôi sản phẩm Kinder Optima của Úc, với giá 300.000 đồng/hộp, có tác dụng giúp trẻ tăng cường sức khỏe, phục hồi khả năng hấp thụ và hỗ trợ quá trình phát triển của trẻ. Người bán hàng còn nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về từng thành phần trong sản phẩm như L-lysine, sắt, vitamin B1, B6, B12, vitamin C... có công dụng giúp trẻ phát triển toàn diện và nên sử dụng trong vòng 3 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, còn 1 loại TPCN của Việt Nam có tên Ăn Ngon Kid IQ Smile, giá bán 120.000 đồng/hộp, gồm 20 ống. Sản phẩm này có chứa Enzyme Amylase có chức năng phân hủy carbohydrate và tinh bột và Enzyme Protease có chức năng tiêu hóa protein là những men tiêu hóa quan trọng, xúc tác cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn...

Qua khảo sát thực tế ở 2 cửa hàng thuốc, cùng một triệu chứng con nhỏ biếng ăn, song mỗi cửa hàng giới thiệu một sản phẩm nhưng đều có chung công dụng đó là hấp thụ các chất dinh dưỡng, kích thích sự thèm ăn, tăng cường sức đề kháng... để bé phát triển toàn diện. Cũng chính từ “ma trận” của các sản phẩm TPCN trên mà chị Nguyễn Hải Yến, ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) đã bỏ tiền ra mua TPCN để bổ sung tinh chất rau xanh cho con gái sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, con chị có biểu hiện mệt mỏi và tiêu chảy. Đưa con đi khám, khám bác sĩ kết luận, bé bị thiếu vitamin hữu cơ nên hệ thống tiêu hóa bị ảnh hưởng, nguyên nhân có một phần do lạm dụng TPCN.

Hay trường hợp của chị Lê Thị Minh, ở phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, sau khi sinh em bé được hơn 1 năm, mặc dù có luyện tập thể dục, thể thao để lấy lại vóc dáng như ban đầu nhưng chị thấy việc giảm cân nhờ luyện tập mất nhiều thời gian, lại mệt mỏi trong người nên chị đã tìm đến TPCN để hỗ trợ giảm cân “Nghe một người bạn giới thiệu, có một loại TPCN dạng kẹo rất thơm ngon, sử dụng trong vòng 3 tháng có thể giảm được từ 3 đến 5 kg nên chị đã mua về sử dụng. Theo lời người bạn, đây là loại TPCN có đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất nên không cần phải bổ sung quá nhiều dưỡng chất qua đường ăn uống. Hơn nữa, sử dụng sản phẩm giúp hạn chế cơn thèm ăn, không gây mệt mỏi. Sau khi dùng một thời gian, chị thấy giảm cân nhưng thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, da dẻ sần sùi. Chị hỏi người bán sản phẩm thì họ nói đó là phản ứng đào thải độc tố của cơ thể, một thời gian sẽ tự hết và khuyên chị tiếp tục sử dụng sản phẩm. Chị sử dụng thêm 1 tuần, những triệu chứng đó không những không giảm mà còn nặng thêm, chị đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị suy nhược cơ thể và sỏi thận” – chị Lê Thị Minh cho biết.

Qua trò chuyện với chị Yến, chị Minh, chúng tôi được biết, việc 2 chị mua các sản phẩm TPCN cho con hoặc bản thân sử dụng gây nên hệ lụy về sức khỏe là do các chị không tìm hiểu kỹ về sản phẩm mà chỉ nghe người khác đã sử dụng mách bảo hoặc nghe người bán quảng cáo sản phẩm rồi mua, mà không biết đến câu “không phải thứ gì tốt với ai đó cũng sẽ tốt với bạn”. Theo Ths. BS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong một bài viết về “Thực phẩm chức năng – những điều bất cập” đăng trên trang website của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: “TPCN là loại thực phẩm không chỉ cung cấp những chất dinh dưỡng cơ bản mà còn chứa một số thành phần khác có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tạo ra tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Loại TPCN được kể đến đầu tiên là những thực phẩm mà khi ở dạng tự nhiên đã có những hoạt chất có lợi với hàm lượng lớn. Tiếp đó là nhóm thực phẩm có ít hoạt chất hơn, phải bổ sung hoặc tinh chế cô đặc lại ở dạng dễ sử dụng, hay gây biến đổi gene để làm tăng hàm lượng những chất có lợi. Có thể dễ dàng nhận biết những TPCN ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng với những thực phẩm có bổ sung và biến đổi, người tiêu dùng phải biết cách đọc nhãn bao bì thực phẩm (với điều kiện chúng phải qua kiểm duyệt một cách nghiêm túc và được sản xuất bởi những công ty có uy tín). Trên thực tế, không ít loại TPCN đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng. Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các TPCN gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng TPCN. Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm. Ở Mỹ, Hội đồng Khoa học và Sức khỏe đã tiến hành phân loại các TPCN thành từng nhóm, như: Nhóm có bằng chứng đáng tin cậy, nhóm có bằng chứng đủ độ tin cậy, nhóm có bằng chứng ở mức vừa phải, nhóm có bằng chứng chưa đủ tin cậy cần nghiên cứu thêm và nhóm còn tranh cãi nhiều để người sử dụng tìm hiểu và lựa chọn. Ở ta, điều này chưa được thực hiện, các TPCN đang trong tình trạng “trăm hoa đua nở” mà không biết hoa nào thật, hoa nào giả và giả thật ở mức độ nào”.

Có thể nói, bên cạnh những lợi ích mà TPCN mang lại, nếu không hiểu rõ và dùng không đúng đối tượng, liều lượng thì cũng sẽ là con dao hai lưỡi gây ra không ít những tác hại khôn lường. Trước khi quyết định chọn mua và sử dụng loại TPCN nào, người tiêu dùng nên đặt ra câu hỏi: Thành phần mang lại hiệu quả chức năng của sản phẩm là gì; hiệu quả của sản phẩm ra sao; đặc điểm dinh dưỡng của TPCN có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà người sử dụng mong muốn không;... Trước sự bùng nổ về thông tin trên mạng internet, chúng ta phải biết chọn lọc thông tin chính xác nhất, hãy là một người tiêu dùng tỉnh táo trước những lời quảng cáo hoa mỹ để không bị “tiền mất, tật mang”, thậm chí là để lại hậu quả lâu dài về mặt sức khỏe.

Bài và ảnh: Phương Anh


Bài và ảnh: Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]