(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý và điều trị các bệnh mãn tính không lây trên địa bàn huyện Quảng Xương, như: Cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, tâm thần... đã được quan tâm triển khai. Qua đó, đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần giảm tải cho tuyến trên và tiết kiệm nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Quảng Xương: Thí điểm đưa bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp về trạm y tế

Thời gian qua, công tác quản lý và điều trị các bệnh mãn tính không lây trên địa bàn huyện Quảng Xương, như: Cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, tâm thần... đã được quan tâm triển khai. Qua đó, đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, góp phần giảm tải cho tuyến trên và tiết kiệm nguồn quỹ bảo hiểm y tế.

Kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Quảng Ngọc.

Thực hiện kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là trạm y tế) giai đoạn 2018-2020, theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, từ đầu tháng 8-2018, huyện Quảng Xương đã triển khai thí điểm đưa bệnh nhân tăng huyết áp và đái tháo đường về 5 trạm y tế xã (Quảng Tân, Quảng Ngọc, Quảng Long, Quảng Lưu, Quảng Thái) điều trị, quản lý. Trung tâm y tế huyện đã đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng, chống tăng huyết áp và đái tháo đường; tăng cường triển khai hoạt động dự phòng, điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã theo Quyết định 2559/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Theo đó, bệnh viện huyện rà soát, phân loại đưa bệnh nhân đái tháo đường ổn định, không có bệnh lý kèm theo về điều trị tại 5 trạm y tế xã; hỗ trợ, đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao mô hình quản lý điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính không lây nhiễm cho các trạm y tế; trung tâm y tế huyện đầu tư 5 máy đo đường huyết cho 5 trạm y tế triển khai thí điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, trên địa bàn huyện có tổng số gần 2.000 bệnh nhân tăng huyết áp, 1.300 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý điều trị. Trung tâm là đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã về chẩn đoán, điều trị, quản lý và dự phòng bệnh không lây nhiễm. Nhằm bảo đảm quá trình điều trị, giảm tỷ lệ người mắc các loại bệnh này, trung tâm đã xây dựng các kế hoạch phòng, chống bệnh; đồng thời chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện thường xuyên việc giám sát, theo dõi, quản lý các loại bệnh này. Cùng với đó, các bệnh nhân mắc bệnh được phát sổ theo dõi, ghi chép đầy đủ quá trình khám, điều trị tại cơ sở y tế. Việc quản lý từ huyện đến cơ sở cũng yêu cầu cán bộ tại các trạm y tế xã, thị trấn phải giám sát chặt chẽ những người bệnh này và tư vấn sức khỏe cho người bệnh kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hòa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Ngọc, cho biết: Trạm y tế đang tiếp nhận, quản lý 26 bệnh nhân tiểu đường, các bệnh nhân tăng huyết áp được tư vấn kiểm tra để đưa vào quản lý tại trạm y tế. Để nâng cao hiệu quả quản lý và điều trị bệnh, các y bác sĩ của trạm thường xuyên rà soát lại danh sách những bệnh nhân đang điều trị bệnh và tổ chức khám sàng lọc để phát hiện kịp thời những bệnh nhân mới mắc bệnh để lên phương án hỗ trợ điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh.

Còn theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Tân, mô hình điều trị và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế mặc dù mới được triển khai nhưng đã đem lại nhiều lợi ích, người dân được phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, phòng ngừa được các biến chứng do tăng huyết áp; được khám, tư vấn, chăm sóc điều trị gần nhà, tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho bệnh nhân; được cán bộ y tế quan tâm, nhắc nhở lịch khám nên bệnh nhân rất đồng tình, phấn khởi. Hiện tại trạm đang quản lý và điều trị hơn 100 bệnh nhân tăng huyết áp, 36 bệnh nhân đái tháo đường.

Ông Lê Hữu Hòa, thôn Tân Hoa, xã Quảng Tân, chia sẻ: Trước đây, mỗi lần lên tuyến trên đi kiểm tra và lấy thuốc phải đi từ 4-5 giờ sáng để xếp hàng, lấy được thuốc về nhà cũng mất một buổi nên nhiều khi tôi thường ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về uống cho tiện. Từ khi trạm y tế đưa vào danh sách quản lý, tôi được cấp thuốc 1 lần/tháng, bảo đảm có thuốc dùng thường xuyên. Hơn nữa, còn được các nhân viên y tế tư vấn về chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp nên thuận lợi cho bệnh nhân chúng tôi rất nhiều.

Mô hình quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế bước đầu triển khai hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm tải cho tuyến trên; giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc, không phải tốn kém chi phí đi lại được theo dõi thường xuyên. Vì thế, thời gian tới, huyện Quảng Xương sẽ đánh giá mô hình và cho triển khai nhân rộng, đồng thời từng bước chuyển bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường từ bệnh viện tuyến huyện về trạm quản lý theo mô hình này. Hiện nay, tại các xã chưa triển khai mô hình đã cử cán bộ đến thực tập nghiên cứu bệnh án, tiếp xúc bệnh nhân tại bệnh viện huyện; đi học tập kinh nghiệm mô hình tại các xã đã triển khai, phấn đấu đến đầu năm 2019 sẽ triển khai mô hình tại tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện.


Bài và ảnh: Hà Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]