(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) trên địa bàn tỉnh luôn được ngành y tế quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Tư vấn sàng lọc HIV cho bà mẹ mang thai tại Trung tâm Y tế huyện Nga Sơn.

Thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (DPLTMC) trên địa bàn tỉnh luôn được ngành y tế quan tâm.

Bên cạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, việc mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV để có những can thiệp kịp thời... là một trong những giải pháp quan trọng mà Thanh Hóa quan tâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS...

Chương trình điều trị DPLTMC được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013, tại các phòng khám ngoại trú tuyến huyện và Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai khám, cấp thuốc điều trị thuốc kháng vi-rút ARV. Tại các điểm cung cấp dịch vụ này, phụ nữ mang thai (PNMT) được tư vấn và xét nghiệm HIV; có 9 địa phương là TP Thanh Hóa, các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Bá Thước, Tĩnh Gia, Quảng Xương và thị xã Bỉm Sơn, được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ cung cấp sinh phẩm xét nghiệm DPLTMC cho 100% PNMT. Tham gia dự án, cán bộ trạm y tế xã, nữ hộ sinh các xã, phường dự án đều được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xét nghiệm HIV. Theo đó, các cán bộ, nhân viên tại trạm y tế tuyến xã sẽ tư vấn và xét nghiệm HIV cho các bà mẹ đang mang thai và chuẩn bị sinh ngay tại cơ sở. Bên cạnh việc xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho PNMT, đối với các phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai hoặc sinh con đều được tư vấn và cung cấp thuốc kháng virut HIV (ARV) để điều trị.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ nguồn kinh phí hỗ trợ năm 2019, chương trình DPLTMC đã tập trung sàng lọc thường xuyên cho PNMT (chú trọng phụ nữ có hành vi nguy cơ), đã có 25.000 PNMT được xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 2 người mới, nâng tổng số lên 38 trường hợp điều trị DPLTMC. Trong tổng số 23.200 ca xét nghiệm sàng lọc của quý I-2020, có 11 PNMT xét nghiệm sàng lọc đưa vào điều trị sớm, điều trị tích cực ARV cho mẹ. Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các hoạt động DPLTMC đã được lồng ghép với chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản hay khi chẩn đoán, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục. Thực hiện can thiệp kế hoạch hóa gia đình khi phụ nữ nhiễm HIV không có nhu cầu sinh con, những phụ nữ nhiễm HIV được tư vấn các biện pháp can thiệp trước, trong và sau sinh để sinh con an toàn và được hướng dẫn về lợi ích cũng như những nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, khi vệ sinh, chăm sóc trẻ và tổ chức một hệ thống quản lý và chăm sóc thích hợp tại nhà.

Trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, được biết: Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra ở cả 3 thời kỳ: 10% trong thời kỳ mang thai (do máu mẹ qua màng rau thai bị tổn thương sang máu con), 15 - 20% trong thời kỳ chuyển dạ đẻ (tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của người mẹ chứa HIV) và 10% trong thời kỳ cho con bú (sữa mẹ có chứa HIV, núm vú tổn thương có thể chảy máu...). Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ do các bà mẹ nhiễm HIV sinh ra đều bị nhiễm HIV. Việc xét nghiệm sớm HIV đối với PNMT rất quan trọng, nếu được phát hiện sớm và có phác đồ điều trị sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang. Tỷ lệ nhiễm từ mẹ sang con nếu không được điều trị dự phòng là khoảng 25 - 40%; còn nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng bằng thuốc chống HIV ngay từ tuần thứ 28 thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con giảm xuống chỉ còn từ 2 - 5%. Hưởng ứng Tháng cao điểm chiến dịch DPLTMC năm 2020 (từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2020) với chủ đề “Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - sức khỏe cho con”, Thanh Hóa sẽ triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% đã được đề ra trong chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là PNMT, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với PNMT nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong DPLTMC; tăng cường cung cấp các DPLTMC như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho PNMT, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ DPLTMC; theo dõi tải lượng HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và PNMT nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện để bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để thực hiện tốt công tác DPLTMC, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội – đoàn thể trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; vận động PNMT nhiễm HIV nên đến các cơ sở y tế điều trị sớm; tuyên truyền trong lứa tuổi thanh niên thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn, tránh xa các tệ nạn xã hội... góp phần hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con ra khỏi cộng đồng.

Tô Hà


Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]