(Baothanhhoa.vn) - Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư. Trước đây, bệnh xảy ra ở người 40 tuổi trở lên nhưng hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25 - 30 tuổi, thậm chí là tuổi vị thành niên. 85% số người chỉ phát hiện bệnh ĐTĐ khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân...

Bệnh đái tháo đường – để không trở thành nỗi lo của toàn xã hội

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư. Trước đây, bệnh xảy ra ở người 40 tuổi trở lên nhưng hiện nay nhiều người mắc bệnh khi mới 25 - 30 tuổi, thậm chí là tuổi vị thành niên. 85% số người chỉ phát hiện bệnh ĐTĐ khi đã có biến chứng nguy hiểm như: tim mạch, suy thận, thần kinh, biến chứng bàn chân...

Bệnh đái tháo đường – để không trở thành nỗi lo của toàn xã hội

Khám, tư vấn điều trị kết hợp chế độ luyện tập phòng các biến chứng bệnh ĐTĐ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa.

Xác định phòng, chống bệnh ĐTĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, những năm gần đây, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, nhằm hạn chế tỷ lệ người mắc và tăng cường công tác điều trị cho người bệnh ĐTĐ.

Tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Thanh Hóa, hàng năm tiếp nhận khoảng hơn 60.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú cho gần 5.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh ĐTĐ là chủ yếu. Theo thống kê, gần 50% bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 ở độ tuổi từ 20 - 40, 50% bệnh nhân bị biến chứng gây tê bì chân tay, tổn thương thận, suy thận, tổn thương đáy mắt, tắc mạch chi gây hoại tử. Hàng năm, bệnh viện đã thực hiện tốt các hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ tại cộng đồng, như tổ chức triển khai khám sàng lọc ĐTĐ tại cộng đồng, tuyên truyền sâu rộng các kiến thức về phòng chống bệnh ĐTĐ cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh, thông qua các kênh thông tin như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, các câu lạc bộ ĐTĐ, truyền thông trực tiếp... Riêng năm 2021, qua khám sàng lọc 6.968 người tại 30 xã/3 huyện Nông Cống, Quảng Xương, Ngọc Lặc cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ chiếm 7,62%, tiền ĐTĐ chiếm tỷ lệ 5,52%.

Bên cạnh đó, hiện nay mạng lưới quản lý, điều trị bệnh ĐTĐ trên địa bàn tỉnh đã được củng cố và hoàn thiện tương đối đồng bộ từ tuyến tỉnh đến huyện. Đồng thời hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ĐTĐ và năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế được tăng cường, nhất là năng lực y tế cơ sở trong dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị bệnh ĐTĐ. Tất cả các bệnh viện đều có máy sinh hóa, máy siêu âm, máy điện tim, máy XQ đủ điều kiện để triển khai khám và điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ. Các bệnh viện đã xét nghiệm được các chỉ số giúp chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ type 2 chưa có biến chứng nặng; đánh giá được biến chứng tim (bệnh mạch vành thông qua làm điện tim), biến chứng thận (protein niệu); đa số các bệnh viện đã xét nghiệm đường huyết lúc đói 2 lần hoặc làm nghiệm pháp tăng đường huyết để chẩn đoán xác định cho những bệnh nhân có biểu hiện bệnh ĐTĐ đi khám lần đầu...

Trao đổi với bác sĩ CKII Hà Khánh Dư, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Thanh Hóa, được biết: ĐTĐ là căn bệnh rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, gây tăng đường huyết mãn tính do thiếu hụt insulin hoặc hoạt động của insulin ở mức độ khác nhau, dẫn đến tăng đường máu gây nhiều biến chứng cấp tính và mãn tính. Bệnh diễn biến âm thầm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh tim mạch và nhiều bệnh lý nguy hiểm. Hiện có tới 69,9% người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh, 85% phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nguy hiểm. Hầu hết bệnh nhân mắc ĐTĐ hiện nay ở dạng type 2. Người mắc bệnh ĐTĐ thường có biểu hiện khát nước nhiều, uống nhiều nước mà cảm giác khát vẫn còn; đi tiểu nhiều lần trong ngày; sút cân bất thường, người mệt mỏi; dễ nhiễm trùng, nhiễm nấm; giảm thị lực. Khi cơ thể bị trầy xước thì vết thương lâu lành. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, nếu người bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý mạch vành, suy thận, mù lòa, tai biến mạch máu não, ảnh hưởng đến thần kinh, tê bì chân tay mất cảm giác, loét hoại tử cắt cụt chi. Để phòng tránh bệnh ĐTĐ, người dân cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nặng có thể xảy ra; bảo đảm chế độ dinh dưỡng lành mạnh: ăn giảm muối, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, nước có ga, chất kích thích bia, rượu; dành thời gian nghỉ ngơi tránh căng thẳng. Đặc biệt, người mắc bệnh ĐTĐ cần tuân thủ 3 nguyên tắc điều trị cơ bản: uống thuốc điều trị bệnh ĐTĐ theo chỉ định của bác sĩ hàng ngày, đúng liều; chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý; luyện tập thể dục, vận động tùy thuộc vào sức khỏe từng người. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, liên tục sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý thận, mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi và các biến chứng nghiêm trọng khác từ bệnh ĐTĐ.

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh ĐTĐ năm 2021 (14-11), ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh ĐTĐ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho người dân về phát hiện sớm bệnh ĐTĐ, cách chăm sóc dinh dưỡng ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý cho mọi người dân nhất là trẻ em và người lớn tuổi; uống thuốc đều đặn hợp lý, xét nghiệm theo dõi đường huyết thường xuyên, ghi chép các chỉ số đường huyết cẩn thận; tăng cường rèn luyện thể lực, thể dục thể thao, giữ gìn lối sống lành mạnh; theo dõi thường xuyên tăng trưởng và phát triển của trẻ để phát hiện sớm trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và thừa cân/béo phì và có biện pháp hiệu quả tránh nguy cơ béo phì gây tăng huyết áp và gia tăng ĐTĐ. Mọi người hãy quan tâm và chung tay phòng chống bệnh ĐTĐ vì sức khỏe và cuộc sống lành mạnh.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]