(Baothanhhoa.vn) - Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xác lập nền tảng - hạt nhân chính trị ở cơ sở, từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp. Song, nhiệm vụ này cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp cần “đả thông” tư tưởng, nhận thức và quyết liệt hành động.

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xác lập nền tảng - hạt nhân chính trị ở cơ sở, từ đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với doanh nghiệp. Song, nhiệm vụ này cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp cần “đả thông” tư tưởng, nhận thức và quyết liệt hành động.

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp: Tạo chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May Thiệu Đô trong ca sản xuất). Ảnh: Lê Dung

Phát huy vai trò hạt nhân ở cơ sở

Xác định rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23-11-1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty CP tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân... Và gần đây nhất, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, một lần nữa cho thấy việc xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt, được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trong các doanh nghiệp luôn được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết, 2 kết luận về phát triển Đảng, đoàn thể và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh (Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 23-7-2018 về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30-12-2015 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; Kết luận số 81-KL/TU ngày 19-5-2017 về Đề án đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh trong tình hình mới; Kết luận số 583-KL/TU ngày 17-8-2021 về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh).

Theo số liệu tổng hợp của Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, trong giai đoạn 2016–2020, toàn đảng bộ có 177 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) gồm 121 đảng bộ cơ sở và 56 chi bộ cơ sở; có 23 đảng bộ bộ phận, 1.253 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 15.484 đảng viên. Trong đó, có 87 TCCSĐ trong doanh nghiệp, khu công nghiệp và Văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh (gồm 52 đảng bộ cơ sở, 35 chi bộ cơ sở; 5.475 đảng viên sinh hoạt tại 451 chi bộ; có 118 doanh nghiệp có chi bộ). Cùng với đó, có 4 tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng ủy Khối, gồm Đoàn Thanh niên Khối, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn viên chức tỉnh, Hội Khuyến học Khối. Trong đó, riêng khối doanh nghiệp hiện có 59 tổ chức đoàn thanh niên trong doanh nghiệp; 79 tổ chức công đoàn (66 công đoàn thuộc Công đoàn Trung ương và công đoàn ngành, 10 đơn vị thuộc LĐLĐ thành phố và huyện, 2 đơn vị thuộc LĐLĐ tỉnh, 1 đơn vị thuộc Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn) và 8 đơn vị không có tổ chức công đoàn; 46 tổ chức hội khuyến học cơ sở (12 hội cơ sở và 34 ban, chi hội cơ sở); 20 tổ chức hội cựu chiến binh cơ sở.

Thực hiện Kết luận số 583-KL/TU, ngày 17-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp, kiện toàn TCCSĐ trực thuộc Đảng bộ Khối, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chuyển giao 43 đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp về sinh hoạt tại Thành ủy TP Thanh Hóa, Huyện ủy Như Xuân, Bá Thước, Hoằng Hóa. Đến nay, Đảng bộ Khối có 41 TCCSĐ trong doanh nghiệp (31 đảng bộ và 10 chi bộ cơ sở, 3 đảng bộ bộ phận, 330 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với tổng số 4.715 đảng viên), trong 27 doanh nghiệp có vốn Nhà nước và 11 doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, 3 khu công nghiệp (Lễ Môn, Hoàng Long, Đình Hương). Đồng thời, chỉ đạo tổ chức đoàn thanh niên chuyển giao 15 tổ chức cơ sở đoàn; giải thể 3 đơn vị (hiện còn 35 tổ chức cơ sở đoàn trong doanh nghiệp, với 2.311 đoàn viên, trong đó có 926 đảng viên, tham gia sinh hoạt đoàn). Tổ chức hội cựu chiến binh chuyển giao 5 tổ chức hội cơ sở; giải thể 4 tổ chức (hiện còn 11 hội cơ sở trong doanh nghiệp, với 480 hội viên).

Đi đôi với số lượng là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCCSĐ, đoàn thể cũng có sự chuyển biến đáng kể. Nhiều cán bộ, đảng viên còn được các cấp, các ngành, lãnh đạo doanh nghiệp tín nhiệm, bổ nhiệm giữ các vị trí chủ chốt của đơn vị, của cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Hoạt động của các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, được chủ doanh nghiệp đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện. Đặc biệt, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân kết nạp được 543 đảng viên (trong đó có 143 đảng viên là chủ doanh nghiệp, cán bộ lãnh đạo quản lý của doanh nghiệp tư nhân)...

Có thể nói, các TCCSĐ, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và đóng góp tích cực vào kết quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị, qua đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tính riêng giai đoạn 2018–2020, kết quả kinh doanh của 27 doanh nghiệp Nhà nước bình quân đạt 22.492 tỷ đồng/năm (không tính 9 doanh nghiệp khối ngân hàng); kết quả kinh doanh của 55 doanh nghiệp tư nhân năm 2020, có 52/55 đơn vị có tổng doanh thu đạt 13.932,6 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.257,1 tỷ đồng. Đặc biệt, việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng được các doanh nghiệp quan tâm, riêng năm 2021 các doanh nghiệp trong khối đã quyên góp, ủng hộ 128,798 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn...; các doanh nghiệp trong khối đã ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh (3 lần/năm 2021) hơn 48,63 tỷ đồng...

Nhìn thẳng vào hạn chế để có giải pháp phù hợp

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện Thanh Hóa có hơn 21.000 doanh nghiệp tư nhân đăng ký kinh doanh (chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa); trong đó có khoảng 15.000 doanh nghiệp hoạt động, có kê khai thuế và phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tư nhân thành lập TCCSĐ ở mức rất thấp, với 32 đảng bộ, 27 chi bộ và 178 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa), dù được đánh giá là có “dư địa” tương đối lớn để phát triển tổ chức đảng và đảng viên, song thực tế mới chỉ có 10 đơn vị thành lập TCCSĐ; 6 doanh nghiệp FDI với gần 23.000 lao động vẫn trong tình trạng “trắng” TCCSĐ. Điển hình như Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản) và Công ty TNHH Giày SunJade Việt Nam (vốn đầu tư Đài Loan) đều có một bộ phận cán bộ, người lao động là đảng viên nhưng chưa thành lập TCCSĐ. Bên cạnh đó, số lượng công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua tăng khá nhanh, nhưng chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế. Đây cũng được xem là một trở ngại trong công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp...

Có thể nói, nghịch lý giữa số lượng doanh nghiệp cao trong khi số lượng tổ chức đảng, đảng viên thấp đang cho thấy “điểm nghẽn” trong công tác phát triển TCCSĐ và đảng viên ở khu vực kinh tế tư nhân hiện nay. Song, không dừng lại ở những con số, công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể và đảng viên trên địa bàn tỉnh cũng đang bộc lộ không ít bất cập. Đó là chất lượng hoạt động của các TCCSĐ không đồng đều; một số ít TCCSĐ trong doanh nghiệp chưa thể hiện rõ nét vai trò, vị trí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong doanh nghiệp tư nhân. Chế độ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy chưa đảm bảo quy định, nhiều chi bộ chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề; chế độ, nền nếp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy trong một số doanh nghiệp chưa được quan tâm, chú trọng. Công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa phát triển được tổ chức đảng trong doanh nghiệp FDI; nhiều lao động ưu tú, xuất sắc trong doanh nghiệp tư nhân, FDI chưa thực sự mong muốn gia nhập vào Đảng...

Mặc dù vậy, những bất cập mà Thanh Hóa đang đối diện cũng không phải là vấn đề riêng có của tỉnh. Nhìn trên bình diện chung cả nước, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được và cả những mặt còn hạn chế, yếu kém, Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, đã chỉ rõ: Phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp “là vấn đề mới và khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không ít cấp ủy còn lúng túng hoặc chưa có quyết tâm chính trị cao. Nhận thức của nhiều cấp ủy chưa theo kịp tình hình, phương pháp, cách làm thiếu sâu sát, sáng tạo. Nhìn chung, tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa là cầu nối gắn bó thường xuyên người lao động với doanh nghiệp; chưa là chỗ dựa tin cậy, chưa có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể vào sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp. Đa số chủ doanh nghiệp và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về Đảng, ngại tham gia các đoàn thể chính trị - xã hội. Các quy định, quy chế, hướng dẫn xây dựng tổ chức đảng thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung phù hợp với đặc thù của đơn vị kinh tế tư nhân...”.

“Soi” vào đánh giá chung của Ban Bí thư và nắm bắt đúng thực trạng, đặc biệt là chỉ ra những “điểm nghẽn” trong thực tế, là cách “bắt mạch” để tìm ra các giải pháp căn cơ, khả thi nhằm thúc đẩy công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta thời gian tới. Nhiều nhận định cho rằng, muốn quyết liệt trong hành động, trước hết cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là “khơi thông” tư tưởng để chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng vai trò, ý nghĩa và lợi ích của tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp, đó là góp phần làm cho doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật. Đồng thời, phải tạo dựng được mối liên hệ chặt chẽ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với chủ doanh nghiệp, để tạo cầu nối và định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh nói chung, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh, hoạt động hiệu quả nói riêng.

Mới đây, trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Về hành động, cần chú trọng đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các loại hình TCCSĐ; rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác cho phù hợp với từng loại hình TCCSĐ; xác định rõ những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo của TCCSĐ; bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên các cấp... Từ sự định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư có thể thấy, để phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp, thì việc xác định rõ “nội hàm” – đặc trưng, loại hình, quy mô, hiệu quả và mục tiêu phát triển - của doanh nghiệp ấy chính là cơ sở để xây dựng TCCSĐ phù hợp với bối cảnh CNH, HĐH, hội nhập, đặc biệt là đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, tiếp tục khẳng định, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong khối kinh tế quan trọng này.

Khôi Nguyên

Phát triển tổ chức công đoàn gắn với phát triển tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong công nhân, lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước là tất yếu khách quan, được đặt ra một cách cấp bách, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng.

Trên cơ sở thực hiện Chương trình phối hợp giữa Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất về nhận thức trong chủ doanh nghiệp về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về sự cần thiết xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là tổ chức công đoàn gắn với phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp.

Tăng cư­ờng lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên công đoàn ở tất cả các loại hình cơ sở, thuộc các thành phần kinh tế. Thông qua hoạt động công đoàn để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, tạo động lực phấn đấu trở thành đảng viên của công nhân, xây dựng Đảng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các chủ thể trong doanh nghiệp. Theo đó, đối với chủ doanh nghiệp, cần giúp họ nâng cao nhận thức về vai trò của công đoàn trong việc giải quyết hài hòa, ổn định và tiến bộ các lợi ích, tạo điều kiện để công đoàn hoạt động công khai và hiệu quả. Đối với cán bộ công đoàn, cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm, sứ mệnh của bản thân cũng như của tổ chức; có ý thức tự giác trong việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, năng lực nghiệp vụ, dành tâm và trí cho công tác công đoàn. Đối với công nhân, cần nâng cao nhận thức của lực lượng này về vai trò của tổ chức công đoàn - “trường học” đặc biệt tập hợp, đoàn kết, rèn luyện giai cấp công nhân, tạo nguồn cho Đảng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc tập hợp, đoàn kết và phát triển Đảng trong công nhân. Theo đó, công đoàn cấp trên cơ sở cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác, năng động, sáng tạo, vừa biết lắng nghe tiếng nói của người lao động, vừa hiểu tâm lý và tham mưu đúng, kịp thời cho chủ doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của công đoàn. Tăng cường phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, đặc biệt là phong trào “Công nhân, viên chức, lao động chung sức hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh thịnh vượng giai đoạn 2021-2030”, tạo điều kiện cho công nhân rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp.

Võ Mạnh Sơn

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa

Phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên là nhiệm vụ hàng đầu

Tổng Công ty CP Hợp Lực có đảng bộ và 7 chi bộ trực thuộc, với 177 đảng viên, trong đó, cao cấp và cử nhân lý luận chính trị 4 người, trung cấp 7 người. Đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên mới, mỗi năm đảng bộ kết nạp thêm khoảng 15 đảng viên.

Qua thực tế hoạt động, tôi nhận thấy rằng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể, công tác phát triển đảng viên đã làm thay đổi về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp và người lao động. Đơn vị thành viên nào có tổ chức đảng, đoàn thể, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn, người lao động yên tâm, phấn khởi làm việc hơn. Tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã phát huy được vai trò, vị trí, đóng góp nhất định vào sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đoàn kết, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ người lao động là đoàn viên, đảng viên tham gia sinh hoạt ở các tổ chức đoàn thể, tổ chức đảng từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp.

Nhằm đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp, Tổng Công ty CP Hợp Lực xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với phương châm vừa phát triển về số lượng, vừa nâng cao chất lượng, quy mô, hiệu quả. Chúng tôi coi đây là nhân tố đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, nâng cao vị thế, uy tín chính trị, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nguyễn Văn Thành

Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Hợp Lực

Khó khăn của doanh nghiệp nhỏ trong phát triển tổ chức đảng và đảng viên

Tháng 3-2021, Chi bộ Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Tấn (TP Thanh Hóa) được thành lập, trực thuộc Đảng bộ Khu Công nghiệp Lễ Môn. Trước thời điểm trên, 4 đảng viên là cán bộ, người lao động trong công ty tham gia sinh hoạt ghép với Chi bộ Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Vinaconex. Việc sinh hoạt ghép trên thực tế luôn tồn tại những khó khăn, bất cập đối với việc thực hiện nhiệm vụ riêng của công ty. Tuy nhiên để thành lập được chi bộ đối với những doanh nghiệp quy mô nhỏ như Đại Tấn cũng không ít khó khăn. Trước hết đó là hạn chế về số lượng đảng viên, sau nữa là nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, người lao động đối với việc thành lập tổ chức đảng. Khi đã thành lập được tổ chức đảng, hạn chế về con người khiến việc thực hiện công tác đảng hiệu quả chưa cao, do cán bộ, đảng viên làm công tác đảng đều là kiêm nhiệm. Chính vì những nguyên do đó, hiện nay rất ít doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ chú trọng tới công tác Đảng, bởi với doanh nghiệp nhiệm vụ phát triển kinh tế luôn được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, với vai trò là người đứng đầu công ty, xác định phải gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với nhiệm vụ chính trị, tôi đã đề xuất với cấp ủy cho tách 4 đảng viên của công ty để thành lập chi bộ riêng. Khi doanh nghiệp có tổ chức đảng, đảng viên là đầu tàu gương mẫu để người lao động noi theo, có lý tưởng phấn đấu, có trình độ chính trị vững vàng thì nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng có thể hoàn thành tốt hơn. Từ khi thành lập đến nay, không chỉ phát triển về số lượng đảng viên mà vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới thành lập, Chi bộ Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Tấn đã cùng các tổ chức cơ sở đảng khác trong Đảng bộ Khu Công nghiệp Lễ Môn tìm hướng đi cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Vũ Văn Sơn

Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Tấn


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]