(Baothanhhoa.vn) - Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Phát huy bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Phát huy bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mãi mãi soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó bài học về chớp thời cơ chính là một trong những thành công nổi bật của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo để tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), với Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (12-3-1945), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể xảy ra: thứ nhất, quân Đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; thứ hai, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh.

Và tình hình đã diễn ra đúng như dự đoán thứ hai của Đảng ta. Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiệnn, khiến quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ. Đồng thời, chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật ở Việt Nam cũng tỏ ra hoàn toàn tê liệt. Đến đây, kẻ thù của cách mạng Việt Nam đã suy yếu, không còn khả năng thống trị như cũ, thời cơ “ngàn năm có một” cho chúng ta giành chính quyền đã xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải hành động mau lẹ và kiên quyết. Nếu không kịp thời phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì “vạn năm” cũng không thể, bởi lúc này quân Tưởng và Anh đang sẵn sàng nhảy vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu mới của chủ nghĩa đế quốc trên danh nghĩa Đồng minh. Nếu để muộn hơn mới phát động tổng khởi nghĩa, chắc chắn cách mạng nước ta sẽ gặp muôn phần khó khăn, thử thách mới và thắng lợi sẽ khó nắm chắc trong tầm tay.

Trước tình thế vô cùng khẩn cấp và thuận lợi đó, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào đã thông qua lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng và quyết định Quốc kỳ, Quốc ca của Việt Nam, lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó nêu quyết tâm: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(1). Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh tổng khởi nghĩa, từ ngày 14 đến 28-8-1945, Nhân dân cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền trên phạm vi cả nước. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Thực tiễn quá trình Đảng lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 cho thấy, một trong những thành công nổi bật của Đảng là đã chọn đúng thời cơ để phát động Nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhờ vậy sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi một cách nhanh, gọn, không đổ nhiều máu và thành công triệt để.

Đến nay, 77 năm đã qua, bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, hiện nay.

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Cách đây tròn 75 năm, giữa thời điểm cả nước đang dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa đã vinh dự đón Bác Hồ về thăm lần đầu tiên. Với tình cảm mến yêu dành cho mảnh đất “có tiếng là văn vật”, Bác đã đặt nhiều kỳ vọng về một “Thanh Hóa kiểu mẫu” (2): “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết yêu nước” (3).

Phát huy bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Thấm nhuần lời Người căn dặn, trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Thanh Hóa đã và luôn chú trọng việc “điều khiển, sắp đặt”, để từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường... Từ đó, nắm bắt thời cơ, vận hội để vươn mình mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu phát triển chưa từng có. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Nghị quyết số 58-NQ/TW vừa là định hướng quan trọng và cũng là thời cơ, vận hội lớn để Đảng bộ tỉnh Thanh phát huy cả nội lực và ngoại lực nhằm tạo nên sức bật mới trong xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban, ngành, Trung ương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời nắm bắt thời cơ, vận hội trong khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Thanh Hóa. Phát huy hiệu quả các chính sách phân cấp về đất đai, quy hoạch xây dựng, lâm nghiệp trong Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV để tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các hạt nhân kinh tế của tỉnh là 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế; tiếp tục thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh, trọng tâm là các dự án thuộc các lĩnh vực hóa dầu và sau lọc hóa dầu, các dự án sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, dược phẩm, năng lượng trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, các dự án hạ tầng du lịch bảo đảm khai thác được 4 mùa, các dự án logistics quy mô cấp vùng và liên vùng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng và TP Thanh Hóa, các dự án nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước hình thành xa lộ nông nghiệp theo trục đường Hồ Chí Minh...

Cùng với các chính sách ưu đãi của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chú trọng tạo cơ chế thu hút đầu tư. Khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhà đầu tư được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tỉnh đã xúc tiến việc thành lập Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện; phân công lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc và trực tiếp giải quyết khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Định kỳ vào ngày 21 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ đối với các dự án lớn, dự án có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát huy bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Mặt khác, để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới theo Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, trong đó xác định rõ thời gian hoàn thành từng nội dung công việc theo lộ trình phù hợp; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện. Chương trình hành động được xây dựng trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; đẩy mạnh hội nhập quốc tế để phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, Thanh Hóa đang tạo được nhiều bước đột phá trong phát triển. Theo Cục thống kê tỉnh, năm 2021 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Có 20/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; trong đó nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vượt xa so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 36.500 tỷ đồng, vượt 37,4% so với dự toán; xuất khẩu ước đạt 5,3 tỷ USD, vượt 33,5% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công đạt 8.368,8 tỷ đồng bằng 91% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ nhiều năm gần đây, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước; thành lập mới hơn 3.600 doanh nghiệp, vượt 20% kế hoạch, đứng thứ 4 cả nước... Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, toàn tỉnh đã thu hút được hơn 1.205 dự án đầu tư trực tiếp (79 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 147.360 tỷ đồng và 3.778 triệu USD (năm 2020). Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 581 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011 - 2015. Đặc biệt, năm 2021, Thanh Hóa lần đầu tiên lọt top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây là minh chứng sinh động, thuyết phục cho sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong giai đoạn mới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, song với tinh thần đoàn kết và phát huy truyền thống cách mạng, những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Đảng, trong đó có bài học kinh nghiệm về chớp thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng những thành tựu toàn diện đã đạt được, sẽ là những tiền đề quan trọng để Thanh Hóa ngày càng phát triển hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.

ThS. Lê Thị Huyền - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.62-64

(4) Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.


ThS. Lê Thị Huyền - Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]