(Baothanhhoa.vn) - Phát triển đảng viên ở các địa phương có thế mạnh về kinh tế biển đang gặp không ít khó khăn, thách thức do thiếu hụt nguồn kế cận. Để tháo gỡ “nút thắt” này, cấp ủy đảng các địa phương đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên vùng biển nói chung, đảng viên là ngư dân nói riêng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đảng viên vững vàng nơi đầu sóng - Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”

Phát triển đảng viên ở các địa phương có thế mạnh về kinh tế biển đang gặp không ít khó khăn, thách thức do thiếu hụt nguồn kế cận. Để tháo gỡ “nút thắt” này, cấp ủy đảng các địa phương đã và đang nỗ lực với nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đảng viên vùng biển nói chung, đảng viên là ngư dân nói riêng.

Những đảng viên vững vàng nơi đầu sóng - Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”Ngư dân phường Quảng Tiến (Sầm Sơn) sẵn sàng cho chuyến vươn khơi dài ngày. Ảnh: p.v

Tin liên quan:

Linh hoạt tháo gỡ khó khăn

Chúng tôi về Quảng Nham (Quảng Xương) những ngày giữa tháng 6, khắp nơi trên địa bàn xã đều sôi nổi không khí thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025. Tiếp chúng tôi trong niềm phấn khởi, đồng chí Hoàng Thanh Tân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Nham cho biết: “Khó khăn trong phát triển đảng viên ngư dân ở Quảng Nham không phải là không có. Nhưng bằng sự quyết tâm, dồn lực và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Quảng Nham đã đi đầu trong huyện về số lượng đảng viên ngư dân.

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Quảng Nham đề ra chỉ tiêu kết nạp 30 đảng viên, nhưng chúng tôi kết nạp được tới 46 đảng viên. Hiện Quảng Nham có 22 đảng viên ngư dân, riêng nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi kết nạp mới được 8 đảng viên ngư dân, thật sự rất phấn khởi”.

Trò chuyện cùng lãnh đạo địa phương, chúng tôi nhận ra rằng dấu ấn “đầu tàu” của cấp ủy chính là yếu tố then chốt tạo nên “điểm nhấn” cho Quảng Nham. Quảng Nham có thế mạnh về nghề biển nên cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng ngư dân phát triển kinh tế biển. Thấy rõ hiệu quả sau mỗi chuyến ra khơi, nhiều thanh niên đã không lựa chọn con đường xuất khẩu lao động hay đi làm ăn xa mà ở lại địa phương để nối giữ nghề truyền thống của cha ông. Đây là giải pháp quan trọng để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng trong ngư dân.

Minh chứng cho điều này, đồng chí Hoàng Thanh Tân cho biết: “Quảng Nham đã thành lập hiệp hội nghề cá và 10 tổ, đội tàu thuyền trên biển, 1 trung đội dân quân biển. Tổ trưởng của các tổ, đội tàu thuyền phần lớn đều do đảng viên đảm nhận. Họ chính là điểm tựa để gắn kết tinh thần đoàn kết của các thuyền viên, sẵn sàng hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác hải sản, cứu hộ, cứu nạn... Tổ trưởng các tổ, đội tàu thuyền còn có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng những “hạt nhân” thanh niên ưu tú để giới thiệu cho các chi bộ bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng. Cùng với đó, chúng tôi chỉ đạo các chi bộ phải thường xuyên giữ liên hệ với những đảng viên hành nghề dài ngày trên biển; phải quan tâm thiết thực, động viên ngư dân trẻ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Công tác sinh hoạt Đảng cũng được thực hiện rất linh hoạt. Thông thường, tuần trăng xong cũng là lúc các tàu thuyền về cập bến, kết thúc một tháng lênh đênh trên biển. Các chi bộ chọn thời điểm tàu cập bến để tổ chức sinh hoạt, không làm ảnh hưởng đến chuyến ra khơi và thể hiện được sự quan tâm, đồng hành của đảng bộ, chi bộ đối với đảng viên ngư dân, qua đó để các đảng viên tích cực, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.

Thôn Trung (xã Quảng Nham) vốn được nhắc đến nhiều bởi chi bộ này có những cách làm linh hoạt, sáng tạo trong việc “đãi cát tìm vàng”. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Thanh Sắp, bí thư chi bộ thôn Trung cho rằng: “Kinh nghiệm trong phát triển Đảng của chi bộ là lấy những đảng viên cao tuổi, uy tín như ông Trần Văn Dền, Phạm Ngọc Châu, Trần Trọng Thớ để nêu gương, từ đó khơi dậy niềm tin và tạo động lực cho quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên. Song song với đó, chi bộ cử đảng viên phụ trách nhóm hộ thường xuyên gần dân, nắm bắt tư tưởng trong dân để có định hướng tuyên truyền phù hợp, nhất là với những người trẻ tuổi nhằm đánh thức niềm tin và chí hướng phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Khi phát hiện nhân tố điển hình, chi bộ phân công đảng viên nhiều kinh nghiệm, có uy tín để theo dõi, động viên, giúp đỡ một cách hiệu quả nhất”.

Rời Quảng Nham, chúng tôi về xã Hoằng Trường, nơi được xem là “điểm sáng nhất” của huyện Hoằng Hóa với 15 đảng viên là ngư dân, trong đó đảng viên trẻ nhất mới 21 tuổi. Hoằng Trường đông dân nên việc tìm những “hạt giống đỏ” không quá khó. Nhưng nếu không có những cách làm sáng tạo thì nhiều quần chúng tốt chưa hẳn đã có số lượng đảng viên đông. “Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”, cho nên Hoằng Trường quyết tâm xây dựng các chi bộ trở thành chi bộ tốt để tạo sức lan tỏa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoằng Trường chia sẻ: “Để xây dựng chi bộ tốt, đi đôi với xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, có chất lượng cao, số lượng phù hợp, đảng bộ xã luôn quan tâm kiện toàn đội ngũ cấp ủy, chi bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển đảng viên, các chi bộ thường xuyên rà soát nguồn quần chúng, chú trọng đến đối tượng là thanh niên, ngư dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung đội dân quân biển, các đội tàu để phát hiện nhân tố điển hình. Hằng tháng, các chi bộ đều đánh giá công tác tạo nguồn phát triển Đảng, khi có “nguồn sáng” các chi hội, đoàn thể sẽ giao việc cụ thể cho quần chúng thực hiện để phấn đấu và giao trực tiếp cho đảng viên giúp đỡ, kèm cặp. Định kỳ 3 tháng, đảng ủy xã tổ chức giao ban chuyên đề với các chi bộ về nội dung phát triển đảng viên. Nhờ đó, mỗi quý địa phương phát triển được từ 1 đến 2 quần chúng ưu tú để bồi dưỡng”. Để tiếp tục khẳng định vị trí “đầu tàu” của huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Hoằng Trường phấn đấu kết nạp được 10 đảng viên ngư dân.

Thường xuyên “kề vai sát cánh” cùng ngư dân trong phát triển kinh tế là giải pháp mà Đảng bộ xã Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) thực hiện trong những năm qua nhằm thu hút lực lượng thanh niên ở lại địa phương. Cùng với giải pháp “điểm nhấn” ấy, các chi bộ, các tổ chức đoàn thể cũng đặc biệt coi trọng việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua để tìm nhân tố tích cực, không để thôn “trắng” đảng viên, “trắng” chi đoàn và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ xã Hải Thanh cũng rất quan tâm đến phát triển giáo dục, tạo mọi điều kiện để học sinh được học hành chu đáo, đồng thời hướng lớp trẻ vào cuộc vận động “Đoàn viên, thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên” để giải quyết “bài toán” tạo nguồn phát triển đảng viên trong thanh niên, trong ngư dân. Vì vậy, tỷ lệ kết nạp Đảng của Đảng bộ xã Hải Thanh luôn đạt chỉ tiêu đề ra.

Đa dạng nguồn, chú trọng bồi dưỡng từ cơ sở

Với một địa phương có thế mạnh về kinh tế biển, xem biển là động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn đã ban hành Đề án “Phát triển đảng viên trên địa bàn dân cư giai đoạn 2018-2025” với 5 giải pháp lớn mang tính đột phá. Trong đó, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác phát triển Đảng, nhất là phát triển đảng viên trong ngư dân. Nêu cao vai trò lãnh đạo, điều hành của UBND TP Sầm Sơn và UBND các phường, xã trong phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại địa phương để thu hút, tập hợp quần chúng. Ban Thường vụ Thành ủy Sầm Sơn yêu cầu các cấp ủy đảng cơ sở phải xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển đảng viên, bảo đảm mỗi năm tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt từ 3,5% đến 4% so với số đảng viên của đảng bộ, chi bộ cơ sở còn nguồn kết nạp.

Để hiện thực hóa đề án này, đồng chí Ngô Hữu Biên, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Tiến cho biết: “Đảng bộ phường chọn việc mở rộng đối tượng tạo nguồn, đào tạo từ cơ sở làm giải pháp trọng tâm. Khi tạo nguồn, đảng bộ phường không chỉ quan tâm đến lực lượng thanh niên mà “ngắm” rất nhiều đối tượng như hội viên phụ nữ, nông dân, cựu quân nhân, sinh viên. Khi xem xét, chọn lựa các đối tượng tạo nguồn, các chi bộ cũng có những giải pháp cụ thể. Ví như với những người bằng cấp chưa đạt chuẩn theo quy định thì động viên và tạo điều kiện cho họ đi học thêm; với những người chưa có việc làm ổn định thì quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ để họ yên tâm lao động và phấn đấu... Vì thế, so với các địa phương khác ở Sầm Sơn, Quảng Tiến luôn dẫn đầu về số lượng đảng viên ngư dân. Hiện nay, toàn phường có 12 đảng viên đang ngày đêm bám biển vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Không giống như một số địa phương khác, giải pháp mà xã Đa Lộc (Hậu Lộc) lựa chọn là “giữ chân” thanh niên ở lại địa phương lập nghiệp. Thực hiện giải pháp này, Đảng bộ xã Đa Lộc đề ra nghị quyết chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm bớt số thuyền có công suất nhỏ khai thác ở ven bờ và tuyến lộng sang khai thác xa bờ, vươn ra những ngư trường lớn. Năm 2019, địa phương đã tổ chức cho các ngư dân trẻ, ngư dân là đảng viên đi tham quan, học tập mô hình ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng để đúc rút kinh nghiệm, sau đó ưu tiên nguồn vốn cho lao động trẻ vay phát triển kinh tế. Đảng bộ xã cũng giao nhiệm vụ cho từng chi bộ đến từng địa bàn dân cư để chọn lọc, lập danh sách quần chúng xứng đáng cho đi học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trực tiếp tuyên truyền cho người thân trong gia đình hiểu và tạo điều kiện cho con em đi học. Đồng chí Lê Văn Chín, Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc khẳng định: “Là địa phương có thế mạnh về phát triển kinh tế biển nên chúng tôi thường xuyên đưa ra các giải pháp để ngư dân giữ được nghề, giữ được lao động bám biển, từ đó tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp Đảng. Hằng năm, đảng ủy, UBND xã đều tổ chức hội nghị chuyên đề nghề cá và mời tất cả các ngư dân tham gia để trao đổi về kinh nghiệm và ngư trường khai thác để cùng làm ăn hiệu quả; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho ngư dân vay vốn ngân hàng, đầu tư sắm mới tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi dài ngày”.

Để tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển đảng viên mới ở các chi bộ vùng biển, đặc biệt là phát triển đảng viên trong ngư dân, theo đồng chí Vũ Đức Soãn, Trưởng Phòng huyện - cơ sở và đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thì yếu tố quyết định chính là mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải thật sự là “hạt nhân” lãnh đạo ở cơ sở, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với Nhân dân và phải là tấm gương có sức lan tỏa. Các tổ chức đảng phải đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, tạo niềm tin để lôi cuốn quần chúng phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Các chi bộ thôn, khu phố phải chủ động đề xuất cấp trên tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho những quần chúng có đủ tiêu chuẩn được kết nạp vào Đảng. Các tổ chức đảng phải không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt, làm tốt công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nói chung, đảng viên là ngư dân nói riêng là một trong các tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm. Nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chắc chắn công tác phát triển đảng viên vùng biển nói chung, đảng viên ngư dân nói riêng sẽ gặt hái được những thành công mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Quốc Hương - Thu Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]