(Baothanhhoa.vn) - Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được quy định tại Điều 85 của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Chương 2, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, ngày 27-3-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.

Tin liên quan

Đọc nhiều

MTTQ tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng

Vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được quy định tại Điều 85 của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Chương 2, Nghị định số 47/2007/NĐ-CP, ngày 27-3-2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN.

MTTQ tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng

Đảng đoàn MTTQ tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy sơ kết quy chế phối hợp năm 2018.

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN, từ tháng 7-2016, Đảng đoàn MTTQ tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy. Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai chương trình phối hợp, các phòng, ban của hai cơ quan đã có nhiều cố gắng trong tham mưu thực hiện được một số công việc thiết thực, bước đầu có tác dụng tốt. Trong quá trình thực hiện, hai bên đều thể hiện đầy đủ trách nhiệm, thiện chí hợp tác, hỗ trợ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ, góp phần vào kết quả công tác của mỗi cơ quan. Hai bên thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung phối hợp; tham mưu với Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền một số địa phương và các ngành chức năng giải quyết kịp thời các vụ đình công, ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp FDI, một số vụ việc liên quan đến tôn giáo; trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn, thư theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.

Trong 2 năm (2017, 2018), MTTQ tỉnh đã phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động thi hành án hình sự, dân sự đối với 2 đơn vị; giám sát việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở một số địa phương, đơn vị; cử cán bộ tham gia các phiên tòa xét xử; phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tổ chức 2 cuộc giám sát việc thực thi pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự và hình sự đối với Chi cục Thi hành án dân sự các huyện Triệu Sơn, Mường Lát. Thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, MTTQ tỉnh đã phối hợp, mời lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy tham gia đoàn giám sát liên ngành đối với việc công khai và thực hiện kết luận thanh tra tại Thanh tra tỉnh và UBND huyện Hoằng Hóa và giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân ở 2 huyện Thọ Xuân và Yên Định. Tham gia ý kiến dự thảo 4 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Hà Trung, Yên Định và đảng ủy, ban giám đốc các Sở: Giao thông – Vận tải, Lao động, Thương binh và Xã hội... MTTQ tỉnh đã tiếp 41 lượt công dân; tiếp nhận 280 đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh; đã xem xét xử lý chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 70 đơn thư; hướng dẫn và trả lời công dân 75 đơn, thư. Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tiếp 495 lượt công dân đến cơ quan Tỉnh ủy KNTC, phản ánh, kiến nghị về 182 vụ việc (trong đó có 12 đoàn đông người); tiếp nhận, xử lý 1.365 đơn; đã hướng dẫn, trả lời công dân, chuyển đơn và chỉ đạo giải quyết 508 đơn; lưu 857 đơn không đủ điều kiện xử lý; ban hành 278 công văn chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị giải quyết theo thẩm quyền, nhất là các vụ việc đông người vượt cấp, phức tạp, kéo dài; rà soát 16 vụ việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp giải quyết.

Qua tiếp công dân, MTTQ tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy đã trao đổi thông tin về nội dung vụ việc, kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền về một số vụ việc; giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện quyền, nghĩa vụ của người KNTC; vận động thuyết phục công dân chấp hành quyết định giải quyết đúng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền. Phối hợp nắm bắt một số vụ việc khiếu kiện đông người, phân công cán bộ nắm bắt tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, qua đó phối hợp tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương giải quyết ổn định tình hình, như: Kiến nghị của công dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia về việc thi công dự án cảng công-ten-nơ Long Sơn và Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2; vụ việc ông Nguyễn Hữu Canh đại diện cho 21 công dân, người lao động của Công ty TNHH Thương binh 27-7 Chiến Thắng ở TP Sầm Sơn kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương để 34 xe điện của công ty này đi vào hoạt động và vụ 34 hộ dân ở xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa khiếu nại đối với kết luận điều tra của Công an huyện Thiệu Hóa... Việc cụ thể hóa tổ chức thực hiện quy chế phối hợp trong một số công việc thiết thực, phù hợp, bước đầu có hiệu quả, góp phần vào kết quả công tác của mỗi cơ quan. Đây là tiền đề, cơ sở tốt cho công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, MTTQ tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin thường xuyên giữa hai cơ quan. Trong đó, Đảng đoàn MTTQ tỉnh sẽ tham gia góp ý kiến đối với việc triển khai các đề án, quy định do Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu xây dựng; Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức nắm tình hình công tác tôn giáo, dân tộc, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới và một số địa bàn trọng yếu ở mỗi địa phương; tổng hợp, phân tích ý kiến của cử tri thông qua báo cáo của MTTQ tỉnh trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh về những nội dung có liên quan đến công tác nội chính và PCTN...

Để công tác phối hợp ngày càng hiệu quả

MTTQ tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng

Để công tác phối hợp PCTN ngày càng có hiệu quả, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Đảng đoàn MTTQ tỉnh cần phối hợp phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về các vấn đề an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tham nhũng, lãng phí để tổng hợp phản ánh, kiến nghị các kỳ họp của HĐND tỉnh. Phối hợp giám sát việc thực hiện trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài; việc thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc Quy định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân theo Quyết định số 2543-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực; đối với các dự thảo văn bản của cơ quan Nhà nước có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân thuộc các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Hoàng Khắc Trung

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

MTTQ tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng

PCTN, lãng phí là một công việc, quá trình phức tạp, gian nan và muốn thật sự hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào từng người dân. Ðể đạt mục tiêu đó, theo tôi, các cấp mặt trận cần xác định đấu tranh PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong tham gia xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ðó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mình.

Ðể thực hiện được quyền và trách nhiệm đó, cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên của mặt trận, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội phải quan tâm tự học tập, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ kiến thức pháp luật, ý thức trách nhiệm trong công tác phối hợp đấu tranh PCTN, lãng phí. Cần khắc phục biểu hiện vô cảm, nể nang, né tránh trước các biểu hiện dù nhỏ nhất của những hành vi tham nhũng, lãng phí. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức trong phối hợp tuyên truyền, giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, lãng phí trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; khơi dậy trong nhân dân tinh thần đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ðồng thời, kiến nghị các cơ quan thẩm quyền ban hành cơ chế để đoàn viên, hội viên và nhân dân phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng, hối lộ, lãng phí và có cơ chế hữu hiệu, khả thi nhằm bảo vệ người phát hiện, tố giác...

Lê Thanh Chương

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Như Xuân

Phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng

MTTQ tăng cường công tác phối hợp phòng, chống tham nhũng

Thời gian qua, các ban thanh tra nhân dân (TTND) và ban giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) đã phát huy được vai trò giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; PCTN, lãng phí, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...

Để phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của ban TTND, ban GSĐTCĐ trong thời gian tới, theo tôi, MTTQ các cấp cần xây dựng kế hoạch và kiểm tra thực hiện công tác TTND, GSĐTCĐ hằng năm; hướng dẫn cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Ủy ban MTTQ cấp xã tăng cường hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, đảm bảo số lượng thành viên ban TTND, ban GSĐTCĐ theo quy định mới; nâng cao chất lượng hoạt động của ban GSĐTCĐ, chú trọng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ và các công trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trên địa bàn chủ động thực hiện quyền giám sát. Định kỳ tiến hành tổng kết năm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác giám sát.

Hà Đình Ắng

(Xã Tam Lư, Quan Sơn)

Bài và ảnh: Phan Nga


Bài Và Ảnh: Phan Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]