(Baothanhhoa.vn) - Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, những năm qua, Lang Chánh đã triển khai nhiều giải pháp “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận của người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

“Dân vận khéo” sáng bản làng

Là huyện miền núi khó khăn của tỉnh, những năm qua, Lang Chánh đã triển khai nhiều giải pháp “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận của người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

“Dân vận khéo” sáng bản làngChính quyền xã Yên Khương khuyến khích người dân duy trì nghề đan lát truyền thống.

Đổi thay từ thôn, bản

Xác định phương châm “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố mang lại sự thành công trong phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM ở địa phương, xã Trí Nang rất chú trọng đến các phương thức nâng cao chất lượng công tác dân vận. Với các biện pháp tuyên truyền, “dân vận khéo” hiệu quả, đã thu hút được sự ủng hộ của đại đa số Nhân dân trong việc chung tay phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các hộ dân đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái cộng đồng và xem đây là hướng phát triển kinh tế chủ đạo trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND xã Trí Nang Hà Văn Tằm, thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo”, xã đã huy động kinh phí XDNTM đạt 92,8 tỷ đồng; trong đó, huy động nguồn lực Nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng. Cuối năm 2020, xã Trí Nang đã đạt tiêu chí xã NTM. Hiện xã đã phát triển được gần 20 trang trại; 100 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; nhiều hộ gia đình có mức thu nhập 300 triệu đồng/năm...

Đối với xã Tân Phúc, khi bắt tay vào XDNTM gặp không ít khó khăn, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình XDNTM chưa đầy đủ; sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ...

Để giải quyết những hạn chế này, đội ngũ lãnh đạo xã Tân Phúc đã xác định công tác dân vận phải đi trước một bước. Theo đó, Đảng ủy xã đã thành lập 9 tổ dân vận ở cơ sở, đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM”; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, các chi bộ vận dụng “cẩm nang” dân vận khéo “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để vận động, tập hợp và khuyến khích khơi dậy được sức dân trong thực hiện các tiêu chí NTM.

Chỉ tay vào những con đường bê tông sạch, đẹp tại thôn Tân Thành, Bí thư chi bộ thôn Lê Văn Hạnh, phấn khởi chia sẻ: Đây chính là thành quả của “Dân vận khéo” trong việc khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Quang Tùng khẳng định: Thông qua “dân vận khéo”, xã Tân Phúc đã huy động được tổng nguồn vốn XDNTM 92,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở dân cư. Kết quả này là một trong những minh chứng của vai trò công tác dân vận ở địa phương.

"Dân vận khéo" trong giai đoạn mới

Để mô hình “Dân vận khéo” ngày càng đi vào thực chất, hàng năm, huyện Lang Chánh đều xây dựng kế hoạch để các cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân tự nguyện đăng ký thực hiện; đồng thời có hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, tìm ra được “cái khéo” trong vận động, tập hợp những điển hình nổi bật, có sức lan tỏa để nhân ra diện rộng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được trên 200 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có gần 70 mô hình hoạt động hiệu quả ở các xã Trí Nang, Giao An, Quang Hiến...

Trong hơn 10 năm qua, Nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp được hơn 30 tỷ đồng, hiến khoảng 5 ha đất cùng hoa màu và 70.500 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Nổi bật là toàn huyện đã làm hơn 40 km đường giao thông nông thôn, gần 20 km đường điện chiếu sáng tại các thôn, bản; xây mới 8 công sở xã, 10 trung tâm văn hóa - thể dục - thể thao xã; sửa chữa, làm mới 25 nhà văn hóa thôn. Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận, bà con tại thôn Năng Cát, xã Trí Nang và thôn Chiềng Ban 2, thị trấn Lang Chánh đã xây dựng được vùng rau an toàn tập trung với diện tích 4,5 ha để phục vụ nhu cầu rau xanh an toàn hàng ngày của Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Hồng, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Những mô hình “Dân vận khéo” không chỉ làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn, mà còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương. Nổi bật là hạ tầng cơ sở được tăng cường xây dựng, các công trình giao thông, điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân sinh hoạt và phát triển kinh tế. Toàn huyện có 2/9 xã, 30/78 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 2 thôn, bản đạt các tiêu chí thôn kiểu mẫu của tỉnh; có 132 doanh nghiệp và 24 HTX được thành lập; 25/31 trường học trên địa bàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia.

Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục đẩy mạnh triển khai sâu rộng, có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị. Trong đó, chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, từng bước vận động đồng bào các dân tộc xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, phát triển kinh tế, làm thay đổi diện mạo thôn, bản, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân...

Bài và ảnh: Phan Nga



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]