(Baothanhhoa.vn) - Để xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Để xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” bền vững

Để xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ”, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Bí thư chi bộ thôn Đồng Điều, xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) Lê Duy Sự thăm mô hình nuôi trồng thủy sản của người dân. Ảnh: Thanh Huê

Chọn nơi yếu để tập trung chỉ đạo

Thực hiện Kết luận 50-KL/TU, ngày 20-10-2010 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ đảng ở thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đến nay công tác phát triển đảng viên và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, bản, tổ dân phố đã có những chuyển biến tích cực. Đối với những địa bàn khó phát triển đảng viên, xóa chi bộ sinh hoạt ghép, cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm công tác phát triển đảng viên, củng cố chi bộ, đào tạo, sử dụng cán bộ cơ sở, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm trung tâm đoàn kết, là nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân, đưa chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ nào, phong trào ấy”, Đảng bộ xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) xác định vấn đề cốt lõi trong củng cố hệ thống chính trị chính là công tác cán bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Bốn, phó bí thư đảng ủy xã cho biết: Muốn có cán bộ tốt thì phải phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn từ cơ sở. Trước hết cần phải quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tại chỗ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Trải qua hàng chục năm từ khi thành lập, thôn Đồng Điều vẫn chưa có đảng viên. Thôn Đồng Điều có 30 hộ dân, chủ yếu là những hộ “khai hoang” làm kinh tế mới từ những năm 90 của thế kỷ trước. Do điều kiện không mấy thuận lợi cho phát triển sản xuất nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều năm thôn Đồng Điều không có nguồn để phát triển đảng viên. Trước thực trạng trên, ngày 26-3-2017, Đảng bộ huyện Hoằng Hóa chỉ đạo Đảng ủy xã Hoằng Lưu tăng cường 3 đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã để thành lập chi bộ thôn Đồng Điều, trong đó cử đồng chí Lê Duy Sự, công chức văn hóa xã, đảng viên chi bộ Phượng Khê làm bí thư chi bộ. Từ khi được phân công làm bí thư chi bộ thôn Đồng Điều, đồng chí Lê Duy Sự đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo chi bộ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí Lê Duy Sự cho biết: Tuy cư trú ở thôn Phượng Khê, nhưng là cán bộ văn hóa xã và là nhân viên y tế thôn nhiều năm nên việc tiếp cận cơ sở đến tận các hộ dân, tôi đã “thuộc lòng”. Được kết nạp Đảng trong quân đội, về địa phương năm 1999, tôi tham gia hoạt động phong trào ở địa phương nên ít nhiều cũng đúc rút kinh nghiệm, phương pháp trong tuyên truyền, vận động quần chúng. Muốn có sức mạnh thì trước hết phải có sự đoàn kết, từ người đứng đầu cấp ủy đến từng đồng chí đảng viên phải cùng một ý chí thống nhất. Việc gì ở thôn đảng viên cũng phải gương mẫu đi trước để làng nước theo sau. Việc khó mấy cũng phải kiên trì tuyên truyền, vận động. Ví như việc thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thuốc lào và nuôi trồng thủy sản, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn do chưa nhận được sự đồng thuận của các hộ dân, nhưng nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động và được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về giao thông, thủy lợi để nhân dân có thêm điều kiện thực hiện thành công. Từ một thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, đến nay, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Từ trung tâm thị trấn Triệu Sơn, vượt hơn 20 km, chúng tôi đến xã miền núi Bình Sơn. Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Bùi Văn Xuân, nguyên Bí thư Chi bộ Bao Lâm – Bóng Xanh cho biết: Do địa hình khó khăn, thôn Bao Lâm và Bóng Xanh cách nhau 3 km, đường sá đi lại rất vất vả. Trước đây, đảng viên của hai thôn phải sinh hoạt ghép nên một số đảng viên chưa thực hiện nghiêm nền nếp sinh hoạt Đảng, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ. Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ cũng gặp không ít khó khăn do mỗi thôn có đặc thù riêng. Năm 2016, đảng ủy xã đã thành lập Chi bộ thôn Bóng Xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt và phát huy vai trò của cấp ủy chi bộ.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn, việc xóa chi bộ ghép đã giúp cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiệu quả hơn; bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức đảng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương có nhiều thuận lợi. Điển hình như ở thôn Bao Lâm có 80% đồng bào dân tộc Mường, sau khi tách chi bộ sinh hoạt ghép, chi bộ thôn Bao Lâm đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo nhân dân thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng mía, mang lại hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, Chi bộ thôn Bao Lâm đã chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để giới thiệu kết nạp Đảng. Năm 2017, chi bộ kết nạp 2 quần chúng vào Đảng, trong đó có 1 đảng viên là người dân tộc thiểu số, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ thôn Bao Lâm lên 13 người.

Thực hiện các giải pháp đồng bộ

Trao đổi về kinh nghiệm xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố, đồng chí Trần Quốc Huy, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Trước tiên phải tạo được sự thống nhất trong cấp ủy các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở.

Trong những năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở yếu kém; đặc biệt là công tác xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố theo Kết luận 50-KL/TU, ngày 20-10-2010 của BTV Tỉnh ủy đã đạt kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chưa thật sự bền vững, gần đây đã có tình trạng tái “trắng đảng viên” và “ghép chi bộ” ở một số nơi. Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 15-5-2018, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 854-CV/TU về việc tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, BTV Tỉnh ủy yêu cầu BTV các huyện, thị, thành ủy tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức đảng về công tác phát triển đảng viên; sớm chỉ đạo có các giải pháp thành lập các chi bộ ở thôn, tổ dân phố đang có chi bộ sinh hoạt ghép hoặc chưa có đảng viên, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tập trung củng cố, xây dựng chi bộ và kết nạp đảng viên ở thôn, tổ dân phố có chi bộ sinh hoạt ghép, có ít hoặc chưa có đảng viên.

Cùng với triển khai thực hiện Đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy đảng đang tiến hành chỉ đạo sáp nhập các chi bộ thôn, tổ dân phố thì việc xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” trên địa bàn tỉnh cơ bản sẽ được giải quyết trong năm 2018. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp “số học”. Để xóa “trắng đảng viên” và xóa “ghép chi bộ” bền vững, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cần có nhiều giải pháp hơn nữa nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương; trong đó quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào có đạo, vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào khai thác thế mạnh của mỗi địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, gắn với thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên làm một trong những chỉ tiêu phấn đấu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức cơ sở đảng, các chi bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, coi trọng chất lượng đảng viên, tránh chạy theo số lượng. Tiếp tục kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố và các đoàn thể; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở. Cùng với xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể; cấp ủy, chính quyền các cấp huy động tổng hợp các nguồn lực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Từ đó nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, đảm bảo cuộc sống ấm no, ổn định, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.


Thanh Huê và Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]