(Baothanhhoa.vn) - Tại xã Ngọc Khê (Ngọc Lặc), một hang động đẹp dài tới 6km với hệ thống nhũ đá nhiều màu sắc lấp lánh tựa tranh vẽ, nhưng gần đây mới có nhiều người biết đến. Theo sử sách ghi lại, đây chính là nơi nghĩa quân Lam Sơn cùng nhân dân tổ chức mai phục, chặn đánh thắng giặc Minh tiến quân về miền Tây Thanh Hóa vào tháng 11-1420.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hang động làng Ngán - chứng tích chiến tranh nhân dân trong Khởi nghĩa Lam Sơn

Tại xã Ngọc Khê (Ngọc Lặc), một hang động đẹp dài tới 6km với hệ thống nhũ đá nhiều màu sắc lấp lánh tựa tranh vẽ, nhưng gần đây mới có nhiều người biết đến. Theo sử sách ghi lại, đây chính là nơi nghĩa quân Lam Sơn cùng nhân dân tổ chức mai phục, chặn đánh thắng giặc Minh tiến quân về miền Tây Thanh Hóa vào tháng 11-1420.

Hang động làng Ngán - nơi nghĩa quân Lam Sơn khi xưa mai phục để tấn công giặc Minh.

Kỳ vĩ hang động làng Ngán

Hang động làng Ngán, hay còn gọi là hang Ngán đã, đang được huyện Ngọc Lặc đầu tư phát triển du lịch, gắn với quần thể di tích Bàn Bù cách đó không xa. Những chiếc cầu tạm bằng luồng, nứa đã được dựng lên trong hang phục vụ du khách tham quan. Để giúp chúng tôi khám phá hang động, ông Bùi Hồng Nhi, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc, người đã gắn bó cuộc đời mình với công tác nghiên cứu văn hóa Mường và lịch sử huyện nhà, đã đồng ý dẫn đường và làm hướng dẫn viên đồng hành với chúng tôi.

Qua cửa động nhỏ cách chân núi chỉ chừng vài chục mét, trần hang cao tương đương ngôi nhà 2 tầng đã hiện ra. Từng giọt nước ngưng tụ trên đầu các nhũ đá vôi rơi thánh thót, một không khí mát lạnh người ngay giữa trưa hè. Đường đi vào hang là những cây nứa được ghép lại, phía dưới là dòng suối trong mát chảy róc rách, tạo cảm giác thích thú cho du khách. Vừa rảo bước, ông Bùi Hồng Nhi vừa giới thiệu: Hang động kỳ vĩ này ẩn mình trong lòng dãy núi Than với một cửa vào và hai cửa ra, tổng chiều dài tới 6km.

Tiếp tục khám phá lòng hang, chúng tôi ghi nhận các hệ thống thạch nhũ đẹp lung linh huyền ảo. Dưới sự tưởng tượng của con người, nhiều chòm nhũ đá được đặt tên thành hang Bụt, thác Bạc, thác Vàng, động Tiên, cung Cấm... Những vùng đáy hang sâu chứa nước trong vắt được nhân dân địa phương coi là “ruộng vua”, “ao vua”, gắn với những câu chuyện linh thiêng hóa nguồn nước, tạo nên sự kỳ thú khi được thăm hang động.

Di tích gắn với cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn

Theo sách “Lam Sơn thực lục”: “Trong trận mai phục chặn đánh quân Minh tại làng Ngán vào tháng 11-1420, Lê Lợi phái các tướng Lý Triên, Nguyễn Lý, Phạm Vấn đem quân mai phục ở khu vực hang Ngán, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá tan ý định tiến quân lên miền Tây Thanh Hóa”. Còn sách “Đại Việt thông sử” thì khẳng định: “...đội quân của nghĩa quân Lam Sơn có đến vài nghìn người đi mai phục tại hang Ngán. Chờ quân Minh kéo đến, nghĩa quân xông ra đánh, tiêu diệt hàng trăm quân địch. Ở Thanh Hóa, quân Minh bị tổn thất khá nặng, tinh thần của chúng ngày càng sa sút sau các thất bại ở làng Ngán, Thị Lang, Quan Du, chúng phải rút lui về cố thủ ở thành Tây Đô và các đồn lũy xung quanh để chờ viện binh. Nhân đó, nghĩa quân đã mở rộng hoạt động ra khắp vùng Tây Bắc Thanh Hóa, nhân dân các vùng lân cận cũng hưởng ứng vây đánh các đồn lũy của địch”.

Các tài liệu nghiên cứu của huyện Ngọc Lặc ngày nay cũng khẳng định, sau khi đánh thắng quân Minh, vua Lê Thái tổ đã sắc phong cho dân làng Ngán tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng giêng hàng năm. Hiện sắc phong vẫn được lưu tại một ngôi đền gần đó. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Giám đốc, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa đã dịch bản sắc phong này như sau: “Sắc cho xã Ngọc Khê, châu Ngọc Lặc phụng thờ Tĩnh Quang Ngọc Giám Thủy Lôi Thanh Thủy Thần. Nỗi niềm nghiệm thấy linh thiêng ứng nghiệm. Tới nay vừa đúng vua tứ tuần (40 tuổi) làm lễ khánh tiết, trẫm ban chiếu báo ơn... cho phép phụng thờ thần để thần giúp dân ta”. Sau chiến thắng của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, hiện tại gần đó vẫn còn đền thờ Lê Lai, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Xét về ý nghĩa quân sự, hang Ngán có cửa thông sang tận xã Thúy Sơn - đoạn thuộc thung Bứa, có núi non bao quanh che chở. Theo ông Bùi Hồng Nhi, nhiều tài liệu và các câu chuyện nhân dân địa phương truyền lại, thung Bứa chính là nơi tập trận và đóng quân tạm thời của chủ tướng Lê Lợi và nghĩa quân. Cuốn sách “Khởi nghĩa Lam Sơn” của các nhà sử học Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn, xuất bản năm 1977, tại trang 139, 140 cũng ghi nhận: “Công lao và đóng góp của đồng bào dân tộc Mường đến nay còn in đậm trong ký ức nhân dân. Người Mường Ngọc Lặc còn lưu truyền bài hát “Đón đường mà theo” nói về sự đóng góp này. Bài hát có đoạn được dịch: “Người kéo về dằng dặc/ Người rước nhau ùn ùn/ Từ đất Đô Kỳ, Đô Lam kéo đến/.../ Người Mường cùng vác dao, vác kiếm/ Đi chật suối chật đường/ Để hòng giết giặc đang đến Mường xa cướp phá”. Như vậy, qua các sách sử nói về sự kiện này có thể thấy, nhân dân địa phương đã đồng lòng ủng hộ nghĩa quân Lam Sơn, nhất tề chống giặc ngoại bang xâm lược.

Thắng lợi của cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn chính là thắng lợi của một cuộc chiến tranh nhân dân, cách đây gần 600 năm. Nhiều dấu vết và những câu chuyện về cuộc chinh chiến 10 năm nếm mật nằm gai cũng dần phai nhạt, song ở miền Tây xứ Thanh vẫn còn nhiều chứng tích, mà hang Ngán là một trong số đó. Nếu chúng ta chú trọng khơi dậy lịch sử, nhiều địa danh có thể trở thành nơi tham quan lý tưởng, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho hậu thế.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]