(Baothanhhoa.vn) - Văn minh Đông Sơn – Văn hóa Đông Sơn: Chưa có văn hóa khảo cổ nào ở Việt Nam được định danh cho một nền văn minh như văn hóa Đông Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Thanh - Một trong những cái nôi văn minh của người Việt cổ

Văn minh Đông Sơn – Văn hóa Đông Sơn: Chưa có văn hóa khảo cổ nào ở Việt Nam được định danh cho một nền văn minh như văn hóa Đông Sơn.

Xứ Thanh - Một trong những cái nôi văn minh của người Việt cổ

Núi Đọ – di chỉ khảo cổ học thời đại đá cũ. Ảnh: Tư liệu

Văn hóa Đông Sơn lấy tên từ một vùng đất bên bờ sông Mã của Thanh Hóa. Văn hóa Đông Sơn với những đặc trưng, tổng thể nói chung những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong giai đoạn này phân bố rất rộng từ biên giới Việt Trung đến Quảng Bình mang tính thống nhất cao, là một bước ngoặt lớn trong quá trình dựng nước của cha ông, đánh dấu sự ra đời của nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ nước Việt Nam ngày nay, mà trong đó, bộ Cửu Chân (Thanh Hóa) trở thành một bộ phận trong đất nước Văn Lang gồm 15 bộ của các vua Hùng.

Lần giở lại từng trang lịch sử hình thành và phát triển của xứ Thanh, chúng ta cũng tự hào bởi nền văn minh của người Việt đã ra đời và phát triển từ cội nguồn trực tiếp trải hàng chục vạn năm của quê hương, là một trong những cái nôi của người Việt đã tạo nên nền Văn minh Đông Sơn rực rỡ thuở các vua Hùng, được định danh trên bản đồ lịch sử văn minh của nhân loại.

Từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, khảo cổ học đã có nhiều phát hiện, thành tựu nghiên cứu nguồn gốc lịch sử dân tộc, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Việc phát hiện di chỉ núi Đọ của các nhà khảo cổ học Việt Nam cùng GS. Boritcopsky (Liên Xô) đã tạo nên tiếng vang lớn, đưa núi Đọ - một di chỉ thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ ghi vào chính sử nước nhà, vào chương trình giảng dạy lịch sử chính thống trong các trường học từ bậc phổ thông cơ sở. Và như vậy, Thanh Hóa – xứ Thanh là nơi xuất hiện và chứng kiến buổi bình minh của lịch sử dân tộc.

Hơn 10 năm sau, khi núi Đọ được định danh là một văn hóa thời đại Đồ đá cũ, một phát hiện quan trọng khác của khảo cổ học Việt Nam ở Thanh Hóa là hang Con Moong (Thành Yên, Thạch Thành). Qua 8 lần thám sát, khai quật, trong đó có 5 mùa khai quật quy mô toàn diện với sự hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam và Viện Khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Nga, đã bước đầu xác định người Việt cổ có mặt ở đây từ Văn hóa Sơn Vi, thuộc hậu kỳ thời đại Đồ đá cũ, có niên đại so sánh và đo độ từ cảm lên tới từ 40 đến 60 nghìn năm cách ngày nay.

Hang Con Moong là một di chỉ đặc biệt ở Việt Nam, hiếm có ở khu vực Đông Nam Á, là nơi chứng kiến sự sống, nơi cư trú liên tục của người tiền sử, từ hậu kỳ thời đại Đồ đá cũ đến hậu kỳ thời đại Đồ đá mới – từ Văn hóa Sơn Vi đến Văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn ở Việt Nam. Các di tích văn hóa tìm thấy ở hang Con Moong đã kể lại câu chuyện hết sức lý thú về truyền thống cư trú trong hang động, truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và phát triển kỹ thuật chế tác công cụ, về sự thay đổi hành vi của con người, ứng xử của con người trước những biến đổi của môi trường tự nhiên. Giá trị nổi bật ở hang Con Moong là sự thích ứng của con người, của người Việt cổ ở Thanh Hóa với môi trường tự nhiên trong suốt hàng chục ngàn năm. Chính ý nghĩa, giá trị khoa học lớn lao đó, hang Con Moong đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, đưa vào Danh mục đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Khoảng 6.000 – 5.000 năm cách ngày nay, những nghiên cứu của khảo cổ học đã chứng minh rằng, cùng với những biến đổi về khí hậu, cư dân văn hóa Bắc Sơn ở Con Moong đã tiến xuống chiếm lĩnh vùng đồng bằng trước núi, làm nên Văn hóa Đa Bút. Những di vật tìm thấy ở các di chỉ thuộc giai đoạn Văn hóa Đa Bút như những công cụ bằng đá, xương gồm rìu, đục, kim, dao, chì lưới..., đặc biệt là đồ gốm, cho thấy một nền kinh tế nông nghiệp đã ra đời bên cạnh các nghề khai thác thủy, hải sản, chăn nuôi gia súc...

Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, cách ngày nay khoảng 4.500 – 4.000 năm, tức thời đại Tiền Đông Sơn, kinh tế trồng trọt và chăn nuôi đã phổ biến khắp mọi miền ở Việt Nam với 3 trung tâm, 3 con đường phát triển không giống nhau ở các lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả (sông Lam).

Ở lưu vực sông Mã, giai đoạn sớm nhất của thời kỳ tiền Đông Sơn là giai đoạn Cồn Chân Tiên. Chủ nhân văn hóa giai đoạn này đã tiến tới một nền sản xuất nông nghiệp khá phát triển với những công cụ sản xuất bằng cuốc, rìu, bôn có vai bằng đá, bên cạnh các nghề chăn nuôi, đánh cá, săn bắn, dệt vải... và đặc biệt là nghề làm đồ gốm. Đồ gốm của cư dân giai đoạn Cồn Chân Tiên rất phong phú về loại hình và kỹ thuật tạo dáng, độ nung khá cao, hoa văn trang trí rất cầu kỳ cho thấy có sự giao lưu với các bộ lạc khác trong các vùng miền cả nước. Giai đoạn Cồn Chân Tiên tương đương về mặt thời gian với giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng.

Tiếp theo giai đoạn Cồn Chân Tiên là giai đoạn Đông Khối. Kết quả khai quật, nghiên cứu từ 1960 cho thấy Đông Khối (nay thuộc Đông Cương, TP Thanh Hóa) là nơi cư trú, là một trung tâm chế tác công cụ đá đạt trình độ kỹ thuật đỉnh cao, có diện tích rộng lớn nhất (160.000m2). Đông Khối có niên đại tương ứng với Văn hóa Đồng Đậu ở phía Bắc.

Sau Đông Khối là giai đoạn Quỳ Chử (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa). Qua bốn lần thám sát, khai quật quy mô lớn, những di tồn văn hóa cho thấy cư dân Việt cổ giai đoạn này đã đạt những thành tựu rất cao trong đời sống vật chất và tinh thần. Nghề luyện kim và chế tác kim loại đã giữ vai trò quan trọng của người Quỳ Chử: Đã tìm thấy nhiều mảnh nồi đúc đồng, nhiều công cụ, vũ khí bằng đồng như rìu lưỡi xéo, xòe cân, dao, mũi tên, giáo, lưỡi câu... Nghề làm gốm cũng phát triển vượt bậc, đã xuất hiện những mảnh gốm được phủ một lớp áo – tiền thân của men gốm sau này; họ sản xuất cả những vò gốm kích thước rất lớn làm quan tài chôn người chết. Giai đoạn Quỳ Chử có niên đại muộn nhất vào thế kỷ VIII TCN – tương đương Văn hóa Gò Mun ở đồng bằng Bắc bộ.

Năm 1924, bên bờ hữu ngạn sông Mã, một người dân làng Đông Sơn tình cờ tìm thấy một số đồ đồng. Một người Pháp chuyên săn lùng đồ cổ là PaJot đã mua lại và bắt đầu đào bới lung tung trong khu vực. Những cổ vật ông ta tìm thấy được học giả người Pháp là V.Golubew công bố năm 1929 gây tiếng vang lớn, khiến các học giả thời đó vô cùng sửng sốt, xác nhận rằng các di vật đó thuộc về một văn hóa riêng biệt. Năm 1933, học giả người Áo là R.Heine – Geldern đề nghị đặt tên văn hóa này là Văn hóa Đông Sơn. Kể từ đó, thuật ngữ Văn hóa Đông Sơn được dùng phổ biến trên thế giới để chỉ thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ - mốc thời gian ra đời của Nhà nước Văn Lang – Đại Việt – Việt Nam.

Thời Pháp thuộc, ngỡ ngàng trước trình độ phát triển rực rỡ của Văn hóa Đông Sơn, nhất là các trống đồng với kỹ thuật chế tác điêu luyện, cực kỳ tinh xảo, các học giả phương Tây cho rằng nó có nguồn gốc từ bên ngoài Việt Nam. Những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật và nghiên cứu nhiều di chỉ Văn hóa Đông Sơn từ biên giới Việt Trung đến Quảng Bình. Riêng tại Thanh Hóa, đến nay, đã có hơn 140 di chỉ được phát hiện, nghiên cứu và cũng là nơi phát hiện được nhiều trống đồng Đông Sơn (hơn 100 chiếc) nhất trong cả nước.

Văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa được phân bố khắp trên các vùng miền: Từ miền biển đến đồng bằng, trung du, đặc biệt chủ yếu tập trung đôi bờ 2 con sông lớn: Sông Mã và sông Chu, với đủ các loại hình: Di chỉ cư trú, di chỉ mộ táng, di chỉ cư trú – mộ táng, di chỉ xưởng. Nghiên cứu diễn biến kỹ thuật chế tác các loại hình công cụ sản xuất, sinh hoạt đời sống vật chất, tinh thần của người Đông Sơn, sự phát triển liên tục ở các tầng văn hóa tại các di chỉ Văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học đã chứng minh rằng Văn hóa Đông Sơn đã phát triển lên từ các văn hóa Tiền Đông Sơn thuộc thời đại kim khí mà các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ở Thanh Hóa. Sự phát triển văn hóa từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn là liên tục, bản địa, là một cuộc vận động phát triển tự nhiên của xã hội ngay trong lòng các văn hóa Tiền Đông Sơn. Đến Văn hóa Đông Sơn, cư dân Tiền Đông Sơn ở Thanh Hóa đã hòa cùng dòng chảy của chủ nhân văn hóa Tiền Đông Sơn ở hai đầu Bắc bộ và Trung bộ, lập nên quốc gia Văn Lang của các Vua Hùng – Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt, để từ đó, được định danh trên bản đồ các nền văn minh thế giới.

Xứ Thanh – Thanh Hóa tự hào là nơi phát sinh, cái nôi của Văn hóa Đông Sơn được định danh nền Văn minh Đông Sơn, trải hàng ngàn năm lịch sử, đã và đang bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ những kinh nghiệm về sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật chế tác, luyện kim trong nghề đúc đồng nổi tiếng; trong các lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh qua các nhạc cụ, điệu múa dân gian, dân vũ và cả các tri thức tín ngưỡng, tri thức dân gian trong mọi lĩnh vực đời sống.

Xứ Thanh – Thanh Hóa bởi vậy, là một trong những cái nôi văn minh của người Việt cổ.

Viên Đình Lưu

Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa

* Tài liệu tham khảo:

  1. Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB ĐH&THCN, Hà Nội, 1985.

  2. Lịch sử Thanh Hóa, tập 1, NXB KHXH, Hà Nội, 1990.

  3. Viện Khảo cổ học: Hùng Vương dựng nước, tập 1, 2, 3, 4, 1971 – 1974.

  4. Viện Khảo cổ học: Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ hang Con Moong 2014 (sau 5 mùa khai quật).

  5. GS. Hà Văn Tấn: Sự sinh thành Việt Nam, NXB Thế giới, 2017.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]