(Baothanhhoa.vn) - Không biết có phải do ấn tượng sâu sắc về mối quan hệ kết nghĩa anh em, đồng chí giữa Thanh Hóa – Quảng Nam vốn hài hòa, bền chặt và tốt đẹp suốt hơn nửa thế kỷ, nên dẫu lần đầu được đặt chân đến mảnh đất này, tôi lại không có cảm giác xa lạ?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xứ Quảng: Lung linh một miền di sản

Không biết có phải do ấn tượng sâu sắc về mối quan hệ kết nghĩa anh em, đồng chí giữa Thanh Hóa – Quảng Nam vốn hài hòa, bền chặt và tốt đẹp suốt hơn nửa thế kỷ, nên dẫu lần đầu được đặt chân đến mảnh đất này, tôi lại không có cảm giác xa lạ?

Thợ gốm Thanh Hà.

Cũng có lẽ bởi sự chân thành, trung thực và mến khách thể hiện trong lối nói chuyện, cách cư xử của con người nơi đây có sức hấp dẫn kỳ lạ và giúp kéo gần khoảng cách giữa người với người? Nhưng, có một cách lý giải khác tôi vô tình đọc được trong một cuốn sách nói về xứ sở này, rằng cốt cách và đức tính con người xứ Quảng được hun đúc nên từ trong thẳm sâu nền văn hóa giàu có đến kinh ngạc này.

Có người nói, ai đến Quảng Nam mà chưa qua Hội An là chưa hiểu nhiều về xứ này. Thậm chí, giá trị văn hóa vật thể xứ Quảng sẽ thiếu đi sức hấp dẫn, lôi cuốn, cùng sức sống và sức sáng tạo nếu thiếu vắng đi đô thị cổ Hội An – nơi “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa”. Hội An xinh đẹp bên dòng sông Hoài yên ả. Một Hội An cổ kính và tĩnh tại dưới những nếp nhà xưa cũ, đượm màu hoài cổ; cũng là Hội An lãng mạn và huyền ảo giữa muôn sắc đèn lồng và ánh trăng rằm trải bạc trên dòng Hoài giang. Một Hội An của một quá khứ tấp nập và nhộn nhịp trên bến dưới thuyền; cũng là Hội An của hiện tại, dẫu mang hơi thở cuộc sống hiện đại song vẫn vẹn nguyên không khí thanh bình như hàng trăm năm qua vốn vẫn vậy. Cái dáng dấp hoài cổ nơi phố Hội dường như đã níu giữ cả tâm hồn người xứ Quảng trong cái nhịp thời gian chảy trôi chầm chậm qua nóc Chùa Cầu, dưới mái đình, chùa miếu, nơi hội quán, trong tô mỳ Quảng, cao lầu, trong tiếng đối đáp Bài Chòi thong thả, hay dọc ngang những con phố hẹp thưa vắng người buổi bình minh... Đó là phố cổ trong con mắt ngỡ ngàng của khách du lịch, nhưng còn một phố cổ riêng biệt và đặc biệt trong cái nhìn tinh tế của vị kiến trúc sư Ba Lan Kviakansky khi ông dừng chân ở địa danh này: “Vẻ đẹp không trùng lắp chứa đựng trong các khu phố phường lịch sử, sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, sự hài hòa của các nghệ thuật chạm khắc trong những nội thất các di tích kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong không gian riêng biệt”!

Nếu Hội An là một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị, đồng thời, là minh chứng sống động về bản lĩnh văn hóa dân tộc trong quá trình hội tụ các giá trị văn hóa nhân loại; thì Thánh địa Mỹ Sơn là đại diện tiêu biểu và giàu giá trị nhất cho một thời kỳ phát triển lâu dài của văn hóa xứ Quảng. Bởi vậy, có nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh, “giá trị văn hóa vật chất Quảng Nam được rực sáng lên từ một xứ sở lạ lùng về tháp cổ và phố cổ rêu phong mà kiến trúc, điêu khắc của nó đã đạt tới đỉnh cao nhân loại”. Nền văn hóa Chămpa một thời rực rỡ, tựa ánh hào quang hắt lên mặt nước buổi chiều tà, mà dấu tích còn lại là vô số các công trình kiến trúc chạy dọc khắp duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Thế nhưng, Thánh địa Mỹ Sơn vẫn được xem là nơi thể hiện đầy đủ, tập trung, đẹp đẽ và kỳ vĩ nhất nền văn hóa Chămpa. Quần thể đền tháp này có tới 71 công trình kiến trúc, tọa lạc trong một thung lũng kín, giữa núi non hùng vĩ, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1.000 năm, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII. Thiên tai và chiến tranh đã tàn phá, tiêu hủy mất lượng lớn công trình, nên Mỹ Sơn hiện chỉ còn khoảng 20 đền tháp, song vẫn lưu giữ không ít kiệt tác kiến trúc và điêu khắc của người Chămpa. Điển hình nhất là Tháp Chùa, tượng vũ nữ Trà Kiệu và nhất là hệ thống bi ký còn lưu lại nhiều tư liệu ca ngợi đô thành vương triều Chămpa “được trang hoàng lộng lẫy như thành đô của thần Indra trên thế giới” với những pho tượng cổ nhất, lớn nhất và vào loại đẹp nhất Đông Nam Á.

Sự giàu có và đặc sắc của văn hóa xứ Quảng không chỉ bởi sự hiện hữu của hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, hay Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và hàng trăm di tích, danh thắng; mà còn phản chiếu lấp lánh trong văn hóa cư trú, văn hóa thương cảng, văn hóa tiêu dùng, văn hóa ẩm thực, văn hóa làng nghề... Đặc biệt, nó lắng đọng trong kho tàng văn hóa phi vật thể, với lễ hội, nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán, lối sống, lối ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cũng vì vậy mà nếu có dịp về xứ Quảng, sau khi thăm thú Hội An, Mỹ Sơn hay trải nghiệm Cù Lao Chàm, không ít du khách sẽ chọn các làng nghề truyền thống làm điểm đến. Chỉ cách trung tâm TP Hội An chưa đầy 3 km, thế nhưng làng gốm Thanh Hà dường như tách mình ra khỏi nhịp sống đô hội. Lịch sử 500 năm hình thành đã mang lại cho làng nghề này một dáng dấp cổ xưa và truyền thống đậm nét. Vào khoảng thế kỷ XVI – XVII, cùng với sự phát triển của cảng thị Hội An, làng gốm Thanh Hà cũng đạt đến giai đoạn thịnh đạt và nổi tiếng với nhiều mặt hàng gốm, đất nung được buôn bán, trao đổi khắp các tỉnh miền Trung. Thế rồi, khi Hội An dần mất đi vị thế, làng gốm cũng thu hẹp dần. Ngày nay, sự tồn tại của làng nghề này vừa như một minh chứng về một giai đoạn phát triển rực rỡ của đô thị Hội An, vừa như một biểu tượng giàu sức sống cho văn hóa xứ Quảng.

Trong khi các làng nghề truyền thống đang loay hoay với câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại”, thì sự phát triển của không ít làng nghề có lịch sử cả trăm năm trên đất Quảng Nam lại khiến không ít người ngạc nhiên. “Bí quyết” của tỉnh Quảng Nam trong việc khôi phục và duy trì các làng nghề này nằm gọn ở cụm từ “du lịch làng nghề”. Tuy nhiên, thay vì là một sản phẩm độc lập, du lịch làng nghề xứ Quảng đang là sản phẩm bổ trợ đắc lực cho sản phẩm du lịch di sản văn hóa vốn là thế mạnh của địa phương. Có thể nói, cũng chính Hội An đã làm sống dậy các làng nghề gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, ray Trà Quế, đúc đồng Phước Kiều, chiếu cói Bàn Thạch...; và ngược lại, các làng nghề là điểm đến vệ tinh giúp giữ chân du khách ở lại Hội An lâu hơn; đồng thời, góp phần lưu lại trong du khách ấn tượng đẹp về một Hội An cổ kính, đằm thắm, đầy hoài niệm nhưng cũng giàu sức sống. Khôi phục các làng nghề gắn với phát triển du lịch là một trong nhiều giải pháp được tỉnh Quảng Nam triển khai nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng trên địa bàn. Hiệu quả “vẹn cả đôi đường” từ sự gắn kết giữa Hội An với các điểm tham quan vệ tinh làng nghề, có thể thấy Quảng Nam đã tìm ra lời giải đúng và hay cho bài toán nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút và giữ chân du khách, nâng cao thu nhập; đồng thời, góp phần bảo vệ các di sản văn hóa một cách bài bản, khoa học và hiệu quả. Thiết nghĩ, đây là một bài học quý cho Thanh Hóa trong phát triển du lịch di sản hiện nay.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]