(Baothanhhoa.vn) - Tôi đã kể câu chuyện anh Dế “dẹo” với ý tưởng làm sinh thái, về cái sinh phần to nhất làng trên đỉnh núi, về chú em làm cán bộ đoàn xã mua cái chổi kè... Họ là những người bà con, láng giềng - mà những chuyện về họ, tôi kể chưa biết đến bao giờ mới hết.

Vinh dự của mụ Đốp

Tôi đã kể câu chuyện anh Dế “dẹo” với ý tưởng làm sinh thái, về cái sinh phần to nhất làng trên đỉnh núi, về chú em làm cán bộ đoàn xã mua cái chổi kè... Họ là những người bà con, láng giềng - mà những chuyện về họ, tôi kể chưa biết đến bao giờ mới hết.

Vinh dự của mụ Đốp

Minh họa của Hà Hiếu

Hôm nay thì tôi kể chuyện của mụ Đốp “độp” bần hàn nhất xã và ông Hách “xì” Chủ tịch quyền lực nhất xã. Giữa 2 người này, chẳng có mối liên hệ gì với nhau, trừ việc họ sinh sống cùng làng và... cái giấy mời mà tôi sẽ nhắc đến sau đây.

Mụ Đốp “độp” nghèo và khổ nhất cái làng tôi. Mụ bị còng lưng, đã vậy cái lưng còng còn vẹo sang một bên, nên cả đời mụ cứ phải cắm gặm mặt xuống đất mà đi. Chỉ khi có người gọi, hoặc cần mua bán gì mụ mới ngước mặt lên - gương mặt nhăn nheo, đen đúa với đôi mắt đục kèm nhèm và hàm răng xưa hếch, vàng xỉn. Mà cũng chẳng mấy khi mụ ngước mặt lên, cả đời mụ lầm lũi một mình trong cái nhà - thực ra thì giống cái lều vịt hơn, ở rìa làng - đến lầm lũi mọ mẫm con ốc, con hến ở mom sông để đổi lấy chút đồ ăn. Cái lưng mụ, theo thời gian cứ rạp dần xuống và cả thân hình bị bóp méo như người ta vò cái vỏ lon theo mỗi bước di chuyển.

Trưa hôm ấy, mụ Đốp “độp” ở sông về sớm và như thường lệ ghé vào quán tạp hóa nhỏ nhà tôi để đổi khi thì ít gạo, lúc miếng đậu phụ, rồi cá khô, mắm muối... Đây có lẽ cũng là nơi mụ giao tiếp những lời thiết yếu nhất. Tự tay trút cả giỏ trai, trùng trục vào chậu, mụ hỏi ngắc ngứ từng chữ, cái điều dường như là mới mẻ:

- Anh coi thử... tôi phải lặn ra... xa mới mò được mớ trai...

- Vâng, thì bác xem cần gì cứ lấy - tôi vui vẻ trả lời, vì biết bao năm rồi việc đổi hàng lấy hàng này đã mặc định diễn ra, tôi thì chẳng hỏi ốc, hến nhiều hay ít, mụ Đốp “độp” cũng chẳng lấy nhiều hơn những món đồ phục vụ cho nhu cầu tối thiểu của mình.

- Không... - mụ Đốp “độp” vặn vẹo tay một hồi mới khó nhọc cất lời - anh tính hộ tôi coi được mấy đồng. Tôi muốn... lấy tiền.

- Cháu chưa mua bán với bác bao giờ, cũng khó tính nhỉ? Thế bác cần tiền làm gì, cần nhiều không? - tôi hỏi.

- Tôi cần tiền đi mừng đám cưới con trai ông Hách... “xì” Chủ tịch - giọng mụ Đốp nhanh hơn.

- Sao cơ - chẳng mình tôi mà cả mấy người khách trong làng cũng tròn mắt nhìn về phía mụ Đốp “độp” và hỏi dồn - lão Hách “xì” Chủ tịch mời bà đến dự đám cưới. Hóa ra mụ là người nhà lão à?

- Khô... ông. Khổ quá. Tối qua tôi thấy có cái giấy màu đỏ để ở cửa. Nhờ người đọc mới biết giấy mời đám cưới. Chứ tôi có họ hàng thân thích chi ở làng?. Nghe nói ông nứ chức to, nhà giàu nhất làng... rứa mà cũng biết đến phận hèn như tôi.

Lâu nay có mấy đám cưới ở làng mời đến mụ Đốp “độp” đâu. Phần vì người ta quên mất sự hiện diện của mụ, phần vì ngại cái sự hiện diện rách nát của mụ ở một buổi lễ, phần nữa vì không muốn chạm đến cái sự nghèo khổ của mụ. Hách “xì” Chủ tịch thật biết động viên người nghèo.

- Thế mời ăn hay tiệc trà?

- Thấy người ta bảo giấy ghi tiệc trà.

- Thế mụ tính mừng nhà người ta bao nhiêu?

- Thì làng đi sao, tôi đi vậy.

Người làng tò mò hỏi, mụ Đốp “độp” cứ vậy trả lời. Rồi họ quay sang bình phẩm với nhau: Đến mụ Đốp “độp” còn được mời, vậy là cả xã này không sót một ai rồi.

Dễ đây là lần đầu tiên được mời đi dự đám cưới, nên mụ Đốp “độp” vuốt muốn nóng cả tờ tiền, rồi mới cẩn thận bỏ vào phong bì, thấm nước dán lại. Xong thì mụ đưa cho tôi, nói: “Phiền anh khi mô đi, thì gửi quà mừng hộ tôi. Chứ tôi có biết ông ni là ai, nhà ở chỗ mô. Mà có đến, sợ người ta cười khinh cho”. Lại tần ngần một lúc, mụ Đốp “độp” mới hỏi như van:

- Anh cho tôi nợ miếng đậu phụ. Mai tôi mò thêm ít trai to trả bù.

Chưa bao giờ mụ Đốp “độp” vay ai, nợ ai. Vì thế chăng mà miếng đậu phụ nhỏ kéo trĩu cả một bên vai vốn đã méo mó của mụ chăng?.

Rồi tôi cũng gửi tận tay cái phong bì mừng cho vợ lão Hách “xì” Chủ tịch. Hách “xì” phu nhân nhận phong bì cười giả lả: “Mụ Đốp “độp” nhìn thế mà chu đáo quá”, rồi nhét vào cái túi căng phồng đeo trước bụng.

Thật đúng là đám cưới con trai chủ tịch, tiệc trà, tiệc mặn đã chẵn tuần mà chưa hết khách. Có dịp, tôi sẽ kể thêm về Hách “xì” Chủ tịch. Trước khi là Hách “xì” Chủ tịch, thì nhiều năm về trước lão làm chân bảo vệ kho. Còn thời điểm đám cưới con trai lão, là trước khi lão nghỉ hưu chừng 1 tháng.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]