(Baothanhhoa.vn) - Một sáng đầu tháng năm dịu dàng và trong lành, tôi đang say sưa ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng radio của cha như hào hứng được vặn to bất thường. Giọng đọc thân thương, trầm hùng của phát thanh viên vang lên đúng đoạn trích dẫn câu nói của Bác Hồ: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về miền hoa ban

Một sáng đầu tháng năm dịu dàng và trong lành, tôi đang say sưa ngủ thì bị đánh thức bởi tiếng radio của cha như hào hứng được vặn to bất thường. Giọng đọc thân thương, trầm hùng của phát thanh viên vang lên đúng đoạn trích dẫn câu nói của Bác Hồ: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Một góc TP Điện Biên. Ảnh: Khắc Công

Như có một động lực diệu kỳ, tôi bật dậy thật nhanh theo hướng có tiếng radio ra ngoài hiên. Ngồi cùng cha, bâng khuâng nhìn nắng tơ ươm sắc vàng mơ lên dãy núi trước nhà còn lãng đãng, chập chờn sương mây, lòng chợt rộn rạo hơn khi bắt gặp cánh hoa ban sót mùa trên cây ban nhỏ do chính tay tôi trồng trước cổng. Bao nhiêu xúc cảm, nhung nhớ về kỷ niệm với cây ban đặc biệt ấy ùa về trong trí tưởng tượng của tôi. Nhắm mắt lại như còn thấy đâu đây một vùng điệp trùng non núi, là xứ sở của loài hoa huyền thoại ấy trên mảnh đất anh hùng Điện Biên, nơi tôi lần đầu tiên được biết đến trong chuyến công tác cùng đoàn văn nghệ sĩ xứ Thanh ngược miền Tây Bắc.

Hôm ấy, mới hơn ba giờ sáng, chiếc xe ba mươi sáu chỗ ngồi đã sình sình nổ máy. Chào thành phố bằng âm thanh ì ầm, trầm đều, rồi hối hả khỏe khoắn, xe vun vút ngược miền Tây Thanh Hóa đi về phía những ngọn đồi xa tít tắp đang ngủ vùi trong sương. Trưởng đoàn là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa Nguyễn Văn Túy, lo lắng mọi người sẽ say xe vì mất ngủ và mệt mỏi, nên từ lúc tập trung đến lúc xe chạy vẫn không quên dặn từng người việc ngồi thế nào, nhìn thế nào để đỡ say. Dẫu trong đoàn đa số là người có tuổi, nhưng lạ kỳ thay, cả xe như đang bừng bừng một sức trẻ hào khí lắm, vui tươi lắm. Không thấy đâu sự mỏi mệt, buồn ngủ hay say xe, mà chỉ có tiếng nói cười rôm rả, chạo chuyện. Những âm thanh hân hoan như được cất lên từ trái tim rộn ràng, háo hức. Khi đã an tâm về tâm trạng và sức khỏe mọi người, bác Túy mới đùa: Chà! không khí nhà ta có lẽ y như tinh thần của dân công hỏa tuyến về Điện Biên ngày ấy quá nhỉ? Cả đoàn cười vang, có giọng ai đó nói to: Hồi hộp mà hạnh phúc lắm anh Túy ơi, vậy là hôm nay hành trình về miền hoa ban chúng ta được đi lại tuyến đường như còn chạm dấu đoàn dân công hỏa tuyến quê mình ngày oanh liệt ấy. Và cứ thế, mọi người chen lời nói về cảm xúc trong tim, chen nhau kể bao chuyện về ký ức Điện Biên. Để rồi, nối nhau những câu chuyện về đoàn dân công hỏa tuyến Thanh Hóa, thồ xe, vai gánh đem gạo đi trên tuyến đường Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa sang Mai Châu (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La) mà tới Điện Biên. Vượt hàng trăm cây số đường rừng, vượt trùng trùng đèo dốc cao, sông suối hiểm trở, vượt qua mọi nguy ác thú dữ, đạn bom, biệt kích, bụng rỗng, chân trần họ vẫn hăng hái và vui sướng biết bao mỗi khi đem góp được một phần công sức cho chiến tuyến. Ai cũng nhắc cũng kể việc xưa, mỗi người dân công hỏa tuyến chỉ gánh được đôi thúng, thồ được đôi ba bì gạo lúa, vừa làm lương thực ăn đường, vừa là phần góp cho chiến trường. Đoạn đường xa xôi đi ròng rã cả mấy chục ngày trời ấy, dẫu có bữa ăn dè, bữa nhịn thì lên đến nơi số gạo đem theo cũng đã vơi quá nửa. Nhưng với tinh thần tất cả vì chiến dịch, góp gió thành bão, tích ít thành nhiều, dẫu mỗi lần chỉ góp được dăm bò, đôi bát hay nửa thúng, lưng bì lúa gạo sau một chặng dài gian nan, nguy khó ấy, cũng không làm tinh thần người xứ Thanh nhụt chí. Hết chuyến này họ lại hăng say chuyến khác, để rồi những công sức họ góp phần cho chiến dịch Điện Biên cũng trở thành một huyền thoại cùng chiến thắng lẫy lừng năm ấy. Ngày ấy, cùng với cả nước Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước.

Tôi cứ bị cuốn theo bao câu chuyện mà những đứa thế hệ tôi, sinh ra ngày đất nước yên hòa, đã nghe mãi, nhắc mãi từ mùa ban này đến mùa ban khác vẫn thấy nó còn kỳ diệu, như mới lạ, bất ngờ. Làm sao không hồi hộp, xúc động, làm sao không tự hào, kiêu hãnh khi hôm nay lại được ngược lại lộ trình này mà về xem Điện Biên đổi mới.

Xe cứ bon bon đi, người cứ hỉ hoan nói cười mà quên mất những chênh vênh đường dốc, mà quên mất mệt nhọc và say xe. Chúng tôi đón bình minh bắt đầu từ đất Hòa Bình. Chặng đường từ đây trở đi bắt đầu dốc cua, ngoằn ngoèo. Trong đoàn có nhiều người thấm mệt và thiếp ngủ. Khi ngày vắt mình qua lưng chiều, thì chiếc xe bỗng chuyển sang tốc độ chậm đều, bác tài xế nói to: Bắt đầu leo dốc Pha Đin, cả nhà chú ý tư thế ngồi tốt để không quá say nhé. Tưởng chừng như một lời cảnh báo sẽ làm mọi người lo lắng. Nhưng bỗng nhao lên, tiếng gọi nhau, tiếng như reo vui: Pha Đin rồi, Pha Đin rồi. Dậy mà xem đi cả nhà ơi!. Những cái đầu ngóc dậy, những gương mặt bỗng tỉnh rạng hẳn lên. Hóa ra, ai cũng háo hức được tận mắt nhìn con dốc này. Mắt họ dán lên cửa kính, nhìn từng đoạn đường, nhìn chênh vênh dốc, nhìn thăm thẳm đèo mà suýt xoa. Lên đến đỉnh đèo xe dừng nghỉ. Chúng tôi ùa xuống dạt sang mép đường. Đứng thật lâu, nhìn thật kỹ từng vách núi, từng khúc cua đã qua. Con đường như một nét bút bé xinh, mềm mại của người họa sĩ tài ba vẽ lên lưng đồi, ngực núi, gối nhau cong queo, chênh vênh, cao dần, cao dần mà chạm sương mây huyền ảo. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Vân trong giây phút cao trào, thích thú đã đọc thật to một đoạn thơ trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, đến câu: “Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ” giọng bỗng nhiên vút lên như chạm tận cùng của sự xúc động và tự hào. Ba mươi ba ki lô mét đèo gập gồ, hiểm nguy ngày ấy, họ đi bộ, họ thồ nặng, họ đói khát... Chỉ nghĩ thôi, chỉ tưởng tượng thôi mà tôi cứ thấy mình lại ngỡ ngàng như vừa gặp cổ tích. Chao ôi, những con đèo, con dốc ấy, những đôi chân, những đôi vai, biểu thị trái tim và ý chí dân tộc Việt. Ý chí đó quả cao hơn đèo như câu: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo...” mà bác Nguyễn Văn Túy đọc họa theo nhà thơ Hồng Vân bằng một cảm hứng bất tận. Cả đoàn, ai cũng bâng khuâng, bịn rịn từng bước như cố để chạm vào dấu chân, vết bánh xe thồ kiên cường của người quê Thanh mình mà tự hào, mà ghi nhớ.

Sau một đêm ngủ nghỉ lại sức, chúng tôi thức dậy sớm, háo hức đón chào bình minh phố núi. Ngày mới ở TP Điện Biên Phủ thật diệu kỳ. Sáng tinh mơ, sương tơ lãng đãng phả vào lòng phố, líu ríu vương trên những ngọn cây, cuốn lấy những nóc nhà mái xanh, mái đỏ, víu vờn lòng thung xinh đẹp này như một màn múa huyền ảo, chào mời của sơn nữ gửi lữ khách. Dạo trên đường, thi thoảng tim tôi lại bồi hồi khi bắt gặp một cây ban vừa lụi mùa, nhưng còn vương vất, thấp thoáng đôi cánh trắng tím, nhỏ nhoi trong kẽ lá như vẫy gọi, đón chào. Thành phố này với tôi quả là một thành phố lạ. Nó nhỏ xinh nằm gọn trong lòng chảo núi, điềm nhiên trải mình dưới những ngọn đồi hùng vĩ, sừng sững, minh chứng cho sự bất diệt của Tổ quốc. Từ khu tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về bốn phía, thành phố tựa một bức tranh kỳ vĩ. Cánh đồng Mường Thanh mươn mướt thì con gái, xanh mềm như tấm khăn khoác trên vai người thiếu phụ khả ái, quý phái mà dịu dàng. Núi tít tắp xa mờ trong sương như một bờ khung bức vẽ. Bờ khung núi đó hẳn còn vương sót nhiều những cánh ban trắng tím, lẫn vào nào xanh cây, nào thơm trăm thứ hoa rừng, đang thao thiết gọi gió về để hòa vào thành phố khúc tình ca tháng năm rạo rực.

Đoàn chúng tôi lần lượt theo người hướng dẫn viên đi thăm các khu di tích, nhà bảo tàng hiện vật, khu nghĩa trang... Chân đi và mắt được cận lãm đến đâu, tai được nghe các hướng dẫn viên kể chuyện đến đâu, trên mỗi gương mặt cũng đều thấy như còn ngỡ ngàng và xúc động như lần đầu biết đến. Chẳng phải sách báo, chẳng phải những câu chuyện truyền nhau về chiến công và mảnh đất huyền thoại này đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người con đất Việt rồi đó sao? Sự ngỡ ngàng đâu phải bởi lạ lẫm, mà bởi, chỉ ở nơi đây, ngay lúc này, đứng trên những hầm hào hố bom, hơn bao giờ hết người ta mới cảm nhận được rõ lắm, gần lắm, như còn nhức nhối trong tai, xót đau trên da thịt, cay cay trong mắt, để thấu hiểu được cái sự gian nan, hy sinh, ý chí và sự hào hùng kiên cường của cha anh. Tôi sững lòng khi hướng mắt về phía ngọn đồi lừng lững có con dốc mang tên “Dốc Chuối” và hình dung ra vết pháo lăn trên tấm thân người anh hùng xứ Thanh quê tôi - Tô Vĩnh Diện, rồi hình dung ra trăm nghìn hy sinh khác, trăm nghìn cái tên khác, mới hiểu vì sao những câu chuyện cũ vẫn làm bỡ ngỡ và xúc động lòng người khi đặt chân đến nơi đây...

Chuyến xe lại hối hả chở đoàn trở về miền sông Mã sau hai ngày ngược Tây Bắc. Tráng khúc Điện Biên hào hùng và giai điệu miền ban trắng cứ réo rắt ngân nga ngập lòng người. Trong mắt ai cũng còn rưng rưng xúc động ngoái nhìn luyến nhớ, trên những đôi môi cười lại rủ rỉ lời thơ, bài hát, câu chuyện bổi hổi cảm xúc về một thời Điện Biên bất diệt. Tay tôi nâng niu vuốt ve cây ban nhỏ xinh đã xin được của một người lạ trên phố núi, lòng cứ bâng khuâng những yêu thương, tự hào về Điện Biên quê bạn và xứ Thanh quê tôi. Và tôi mơ thấy một tháng năm trước cổng nhà mình, cây ban dịu dàng đơm cánh tím trắng đầu tiên...


Tú Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]