(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Do đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 2): Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhìn từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Do đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, văn hóa Việt Nam tiếp tục được phát huy, đã góp phần quyết định vào những thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 2): Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhìn từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”Múa Pồn Pôông dân tộc Mường. Ảnh: Khôi Nguyên

Tiên tiến và đậm đà bản sắc

Ngay sau sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, dù đất nước còn bộn bề khó khăn, với một Chính phủ non trẻ, nhưng sự nghiệp phát triển văn hóa luôn nhận được sự quan tâm. Một trong những văn bản sớm nhất của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về văn hóa là Sắc lệnh số 65/SL, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23-11-1945 về bảo tồn cổ tích. Có nhận định cho rằng, Sắc lệnh số 65/SL thể hiện thái độ trân trọng đối với toàn bộ di sản văn hóa của quá khứ, chấp nhận và tôn trọng tính đa dạng văn hóa bằng việc khẳng định vai trò quan trọng của nó đối với lịch sử dân tộc. Đồng thời, có thể thấy quan điểm bảo tồn tổng thể, bảo tồn nguyên vẹn di sản văn hóa dân tộc một cách không phán xét với mục đích hiểu về lịch sử dân tộc, nhận chân giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là một quan điểm đề cao tính dân tộc của văn hóa. Quan điểm này được hình thành từ sự tiếp nối mạch nguồn của nguyên tắc “dân tộc” trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943; cũng cho thấy trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam Đảng luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa.

Có nhận định cho rằng, bản sắc dân tộc được khu biệt trước hết bởi văn hóa và bằng văn hóa, tạo nên khái niệm phổ biến: bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, “dân tộc” – “bản sắc dân tộc” – “bản sắc văn hóa dân tộc” là những khái niệm được xếp theo từng nấc khác nhau và nếu trừu tượng hóa thì cái còn lại chính là “bản sắc văn hóa dân tộc”. Do đó, những nguyên tắc cơ bản là “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” đã được Đề cương về Văn hóa Việt Nam chỉ ra, đã trở thành nội dung cốt lõi của mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã xác định, nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và là 1 trong 6 đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tiếp đó, quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, tiếp tục được nhấn mạnh trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về các văn kiện trình Đại hội VIII của Đảng (năm 1996).

Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã khẳng định: Sự nghiệp văn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở phương hướng chung đó, Đảng ta đã đề ra những quan điểm chỉ đạo cơ bản để xây dựng và phát triển văn hóa. Trong đó xác định “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. “Tiên tiến” là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. “Tiên tiến” không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Còn “bản sắc dân tộc” bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Do đó, bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 2): Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhìn từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”Lễ hội Lam Kinh.

Bàn về nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và mối liên hệ của nó với Đề cương về Văn hóa Việt Nam, GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: Tư tưởng về văn hóa trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, được Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là mấy chục năm đổi mới. Trong đó, các thuộc tính văn hóa “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học” của Đề cương về Văn hóa Việt Nam tiếp tục được thể hiện trong nội dung, hình thức văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng đã ra nghị quyết quan trọng về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam với các đặc trưng “dân tộc”, “nhân văn”, “dân chủ” và “khoa học”. Các đặc trưng này của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhấn vào giá trị nổi bật của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước, là đoàn kết - dân chủ - đồng thuận để phát triển, là tinh thần nhân đạo, nhân văn chủ nghĩa được thể hiện trong xây dựng phẩm chất, nhân cách con người Việt Nam xứng tầm với chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa. Các đặc trưng “dân tộc”, “nhân văn”, “dân chủ” và “khoa học” của nền văn hóa Việt Nam chính là định hướng không chỉ xây dựng văn hóa mà còn là xây dựng, phát triển con người và hoàn thiện nhân cách.

Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống

Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã xác định văn hóa là một mặt trận và “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Trên tinh thần đó, trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Văn hóa là một mặt trận; xây dựng, phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng”. Theo đó, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống của toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Trong công cuộc này, “xây” đi đôi với “chống”, lấy “xây” làm chính. Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản văn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi mưu toan lợi dụng văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”.

Về vấn đề này, GS, TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, một vấn đề thiết thực, cốt yếu là giữ gìn bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập; xử lý mối quan hệ giữa thời cơ và thách thức trong phát triển thông qua hội nhập. Do đó, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021, Đảng ta nêu ra một thông điệp: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đó là quan điểm về định hướng phát triển văn hóa của Đảng ta trong đổi mới và hội nhập. Có thể nói, từ thực tiễn đổi mới mấy chục năm qua, Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, đặc biệt là lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong hệ thống lý luận nền tảng đó có lý luận về văn hóa, dựa trên quan điểm, phương pháp mác - xít, từ Đề cương về Văn hóa Việt Nam và Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hóa Việt Nam của Tổng Bí thư Trường Chinh và tầm tư tưởng chiến lược của Hồ Chí Minh về văn hóa.

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, không thể phủ nhận một thực tế đó là, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng đang cho thấy những mặt hạn chế, bất cập. Đó là không phải ở đâu và lúc nào văn hóa cũng được đánh giá đúng và phát huy hết vai trò quan trọng cũng như tiềm năng của nó đối với sự phát triển nói chung, hay được đặt ngang hàng với kinh tế. Điều đó dẫn đến việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa và nhất là nguồn lực đầu tư cho văn hóa, mà trực tiếp là con người (các nghệ nhân, nghệ sĩ và các chủ thể sáng tạo, lưu giữ, trao truyền văn hóa) và cơ sở vật chất văn hóa còn hạn chế, chưa thực sự hiệu quả. Đó là khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền; là các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chất lượng có thể định hướng nhu cầu thẩm mỹ của con người... vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Rồi thì mặt trái của cơ chế thị trường khiến cho thuần phong mỹ tục bị xem nhẹ, đạo đức xã hội bị xuống cấp...

Chính vì lẽ đó, trong sự phát triển lý luận về văn hóa của Đảng ta, từ yêu cầu đổi mới và hội nhập, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, tư duy lý luận của Đảng về văn hóa còn đề cập tới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tìm tòi các giải pháp đột phá để chấn hưng đạo đức dân tộc; khắc phục bằng được sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức trong Đảng và trong xã hội; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, gắn văn hóa với kinh tế, đổi mới phương thức đầu tư và phân bổ nguồn lực để văn hóa phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị; cải cách thể chế phát triển, trong đó có thể chế văn hóa...

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, đây vẫn là một trong những vấn đề cơ bản của đất nước trong giai đoạn mới. Muốn phát triển bền vững đất nước, không chỉ văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội, mà phải xây dựng và phát triển văn hóa, con người nhằm tạo sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững... Đó là những định hướng và giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đặc biệt, với tư duy chiến lược về phát triển, Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam dựa trên cơ sở hệ giá trị gia đình Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Đó thực sự là những bước tiến lớn về lý luận văn hóa của Đảng đang được tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

Khôi Nguyên

Bài có sử dụng một số thông tin trong tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) – khởi nguồn và động lực phát triển” (diễn ra ngày 27-2-2023).

Bài cuối: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”!

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]